THIÊN CHÚA CŨNG ĐAU KHỔ
Những đau khổ của Đức Giêsu, phản ảnh trung thực những đau khổ của Thiên ChúaThế gian không đón nhận vì không nhận ra Ngài
Nỗi đau khổ lớn nhất và cũng là đầu mối dẫn đến những đau khổ khác của Ngài đã được Thánh Gioan nói đến trong bài mở đầu Tin Mừng của Ngài: «Người ở giữa thế gian, thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» (Ga 1,10-11). Thật vậy, còn nỗi đau khổ nào lớn bằng nỗi khổ của một người Cha đã sinh con cái, đã xây dựng nhà cửa cho chúng và nuôi dưỡng chúng, nhưng khi ông vì quá yêu thương con cái nên muốn tới ở với chúng, thì chúng không nhận ra ông là cha, cho dẫu có xưng tên chúng cũng không nhìn nhận. Chẳng những thế, chúng còn xỉ nhục và giết ông nữa. Trước khi ông đến, ông đã gởi thư báo cho chúng biết ông sẽ đến hàng tháng trước. Lý do khiến chúng không nhận ra và nhìn nhận ông là vì chúng đã quan niệm về hình ảnh của ông một cách sai lạc do bản tính thấp hèn và trí tuệ ngu muội của chúng.
Đức Kitô chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, «nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và nếu không có người thì chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1,2-3). Thế gian này chính do Ngài tạo nên: cả con người lẫn vạn vật chung quanh con người. Vì con người phản bội Thiên Chúa nên lâm cảnh khốn cùng, Ngài đã hứa qua miệng các tiên tri hàng trăm năm trước rằng Ngài sẽ đến ở với họ và cứu họ. Họ cũng mỏi mắt trông chờ Ngài đến. Nhưng khi Ngài đến không giống như quan niệm họ có sẵn về Ngài, không sống theo kiểu thánh thiện sai lạc của họ, thì họ không nhận ra, cũng không chấp nhận Ngài, thậm chí họ còn cho rằng Ngài từ ma quỷ mà đến, và quyền phép của Ngài là do ma quỷ (x. Mt 12,24). Vì quan niệm của Ngài, cách sống của Ngài khác hẳn với họ, nên họ đã thù ghét Ngài và giết chết Ngài.
Bị thế gian tìm giết ngay khi vừa sinh ra
Việc thế gian không chấp nhận Ngài đã được thể hiện ngay từ khi Ngài sắp lọt lòng mẹ. Vì cha mẹ Ngài hiện thân là người nghèo, nên khi từ Nazarét về Bêlem, quê hương tổ phụ Ngài, mặc dù mẹ Ngài đang mang thai, vẫn không có một quán trọ nào tiếp nhận gia đình Ngài. Có lẽ không phải vì họ không có chỗ cho bằng họ không muốn tiếp nhận những kẻ không có tiền. Nếu Ngài hiện thân là người giàu có, chắc hẳn có khối kẻ tiếp nhận và đối đãi với Ngài tử tế, nhưng Ngài lại không muốn thế. Không ai tiếp nhận Ngài, Ngài phải sinh ra nơi chuồng súc vật. Thật là một kỷ niệm chua chát!
Mà Ngài nào đã được yên! Khi vua Hêrốt và giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái biết được Ngài đã sinh ra tại Bêlem, khi các đạo sĩ từ phương Đông đến hỏi, họ không những không đến thờ lạy Ngài, mà còn muốn tìm giết Ngài, nếu Ngài không trốn đi kịp, chắc chắn Ngài đã là một trong những trẻ em bị giết tại Bêlem. Đâu phải họ không biết Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng chính vì biết Ngài là Đấng Cứu Thế nên họ mới quyết tâm giết Ngài. Ngài chưa làm gì cả, mới chỉ hiện diện, mà thế gian đã tỏ thái độ thù ghét Ngài. Họ sợ Ngài có hại cho địa vị, quyền lợi của họ. Thật là buồn tủi. Ngài sinh ra tại chính quê hương tổ phụ Ngài, trong lãnh thổ của dân Ngài, nhưng ngay khi Ngài sinh ra, thì phải chạy sang nước ngoài lánh nạn do chính dân Ngài gây ra cho Ngài. Ai Cập là kẻ thù của dân Ngài, nhưng lại là nơi nương thân cho Ngài. Thế là Ngài không được ở trong chính đất nước của Ngài ngay từ lức sinh ra: một cách nào đó, Ngài đã bị đuổi khỏi nước của Ngài.
Bị khinh rẻ vì nghèo khổ
Cuộc đời ẩn dật của Ngài chắc hẳn là cuộc đời của một người lao động nghèo. Chắc chắn Ngài thấm thía những nỗi khổ của cảnh nghèo nàn túng thiếu hơn ai hết: người nghèo không những bị khổ vì túng thiếu, mà còn là đối tượng thường xuyên nhất của những áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội. Chắc chắn Ngài đã từng bị hất hủi, khinh bỉ chỉ vì nghèo. Nhưng nỗi khổ vì chính mình bị nghèo và do đó bị nhiều nỗi bất hạnh khác thì ít, mà nỗi khổ còn lớn hơn nữa là thấy thế giới này là một thế giới đầy bất công, vắng bóng yêu thương, và chính vì thế mà thế giới này trở thành đáng thương. Đó chính là hậu quả tai hại của tội nguyên tổ, đồng thời là nguyên nhân cho mọi đau khổ và rối loạn ở trần gian. Nhân loại sẽ còn đau khổ và rối loạn hơn nữa nếu tình thương cứ tiếp tục thiếu thốn hoặc vắng bóng trên trần gian. Tình thương của Ngài đối với nhân loại khiến Ngài cảm thấy xót xa cho họ, và nỗi khắc khoải của Ngài là làm sao đưa tình thương vào trong tâm hồn con người và nhóm nó lên thành một ngọn lửa tình yêu nóng rực. Chỉ có tình yêu mới có thể giải quyết được tình trạnh rối loạn và bất hạnh của con người.
Sống trong một thế giới thiếu tình thương
Nhưng làm cho người ta yêu thương nhau thật khó! Người ta có thể nghe hàng trăm bài giảng về tình yêu, thậm chí có thể giảng lại cho người khác thật hay về tình yêu, nhưng tâm hồn họ vẫn có thể khô hạn, trái tim họ vẫn có thể chai cứng không có tình yêu. Cứ nhìn vào những Rabbi Do Thái, những luật sĩ hay biệt phái thì thấy rõ, họ rao giảng về tình yêu nghe thật là hay, nhưng cuộc sống của họ chẳng có tình yêu chút nào. Đối với đồng bào, họ lợi dụng lòng sùng đạo và niềm tin của quần chúng để có một cuộc sống dễ dãi, vừa được kính trọng lại vừa đầy đủ về vật chất. Nghệ thuật làm tiền của họ rất tinh vi, «họ làm bộ đọc kinh cầu nguyện thật lâu giờ để cuối cùng nuốt hết tài sản của các bà góa» (Mt 23,14). Ai cũng thấy họ giữ luật lệ rất nghiêm nhặt, thậm chí cả những luật của tiền nhân, nhưng đời sống của họ chẳng tỏa ra được một chút gì là tình thương cả. Cứ xem họ đối xử với nhau thì biết: hai người có thể ở chung một nhà, nhưng không thể ăn chung một «nồi cơm», không thể chia sẻ của cải cho nhau. Họ ganh ghét tị nạnh nhau, thậm chí hạ bệ nhau, thóa mạ nhau… Ngài thấy họ không có những đức tính phải có để có thể sống trong nước Thiên Chúa, một xã hội lý tưởng mà Ngài đang quyết tâm thực hiện cho trần gian này. Phải có tinh thần yêu thương thì mới xứng đáng sống trong cái xã hội hạnh phúc này. Ngài cảm thấy những người nghèo khổ dễ có những đức tính ấy hơn. Do đó Ngài cảm thấy «Phúc cho những người nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của họ» (Mt 5,3). Tư tưởng của Ngài thường ngược hẳn với người đời như thế, nên người chung quanh thường cho rằng Ngài dở hơi, thậm chí là mất trí nữa.
Bị cô độc vì không được ai hiểu
Một nỗi khổ tâm rất lớn của Ngài là sự cô độc, vì không ai hiểu được Ngài, không ai đồng lập trường với Ngài, có chăng chỉ là Mẹ của Ngài. Vì Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Tình Thương, Ngài đến trần gian để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Công Bằng. Sự đòi hỏi của tình thương đôi khi đi ngược hẳn lại với sự đòi hỏi của công bằng. Nơi Ngài, sức mạnh của tình thương dường như lớn hơn sức mạnh của sự công bằng rất nhiều. Đứng trước một xã hội hư hỏng của con người, đôi khi Ngài cũng cảm thấy cần phải dùng Lửa để rửa tội cho họ (x. Mt 3,11), nghĩa là tiêu diệt họ để lập nên một xã hội mới. Nhưng tình thương nơi Ngài vẫn mạnh hơn khiến Ngài bác bỏ cách thức giải quyết đó. Phải cứu vớt những gì hư mất (x. Lc 19,10).
Ngay cả Gioan Tẩy giả, vị Tiền Hô của Ngài cũng không đồng lập trường với Ngài về mặt này, ông không thể hiểu nổi lập trường của Ngài, huống gì đám người kém cỏi tội lỗi kia. Gioan thật đúng là một người công chính, đức hạnh của ông không chỗ nào chê được. Ông là người nghiêm trang, cương quyết, đầy nghị lực, đời sống của ông rất mẫu mực, khắc khổ, thậm chí còn mẫu mực và khắc khổ hơn cả Ngài nữa. Đứng trước sự hư hỏng và tội lỗi của con người, ông đứng về phía Thiên Chúa hơn là về phía con người, ông ủng hộ vị Thiên Chúa công bằng và thịnh nộ hơn là vị Thiên Chúa yêu thương. Chủ trương của ông là «cái rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh hoa trái thì phải chặt và quăng vào lửa» (Mt 3,10). Thiên Chúa không nên chờ đợi thêm nữa. Quan niệm của ông về chính Ngài – Đấng Cứu Thế – là và phải là: «Đấng đến sau tôi quyền thế hơn tôi… Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và trong Lửa. Tay Ngài cầm nia, Ngài sẽ rê sạch lúa trong sân. Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi» (Mt 3,11-12). Ngài hiểu ông từ trong tâm can, vì đôi khi chính Ngài cũng chủ trương phải như thế. Nhưng bây giờ thì Ngài không thể chấp nhận một chủ trương đầy công bằng nhưng không mấy yêu thương như vậy. Cái trớ trêu là: ông Gioan là người, nhưng lại đứng về phía Thiên Chúa, còn Ngài là Thiên Chúa thì lại đứng về phía con người. Nhân loại này quả thật là khó thương, thậm chí đang chống lại Ngài, và có thể hại Ngài nữa, nhưng Ngài vẫn thương họ và muốn cứu vớt họ, vì họ tuy khó thương nhưng lại rất đáng thương. Vì thế, Gioan không sao hiểu được Ngài, ông không thể ngờ được rằng Thiên Chúa có thể kiên nhẫn hơn nữa để chờ đợi con người. Theo Gioan thì không còn chỗ đứng trước mặt Thiên Chúa cho những người tội lỗi. Do đó, kẻ có tội phải ăn năn và chịu phép rửa cho kịp thời trước khi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống. Ai không hối hận và trở về con đường ngay chính sẽ phải chết. Thiên Chúa đang nổi giận, Ngài không khoan nhượng và chờ đợi lâu hơn nữa.
Thông cảm với những yếu đuối của con người
Còn Đức Giêsu, với thời gian mấy chục năm ở giữa loài người, Ngài rất thông cảm với những yếu đuối và ngu muội của họ. Ngài thấy ai ai cũng khát khao hạnh phúc. Chính Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ niềm khao khát đó. Nhưng khổ nỗi lòng trí họ ngu muội quá không biết đâu là hạnh phúc đích thực và trường cửu. Họ chỉ thấy được những hạnh phúc giả tạm nhất thời trước mắt, mà không thấy được hạnh phúc vĩnh cửu và đích thực để đạt tới bằng đời sống tốt đẹp của họ. Vì thế, họ đã hành động ngược lại với hạnh phúc đích thực chỉ để đạt được một số hạnh phúc giả tạm. Có những người ý thức được hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng ý chí của họ quá yếu đuối trước sự hấp dẫn ngay trước mắt của những hạnh phúc chóng qua, khiến họ không cưỡng lại được những cám dỗ, những khuynh hướng tội lỗi. Chính Ngài cũng đã từng bị cám dỗ: Ngài thấy sức cám dỗ của ma quỷ rất mạnh mẽ khiến Ngài phải dùng hết sức bình sinh mới thắng lướt được. Vì thế, Ngài rất cảm thông với những yếu đuối của họ (x. Dt 4,15), rất ít khi kết án kẻ có tội, có chăng chỉ kết án những kẻ kiêu ngạo, giả hình, ích kỷ, thường là những kẻ được dân chúng tưởng là thánh thiện (x. Mt 23). Ngay cả những kẻ vì yếu đuối mà phạm tội, cho dẫu bị bắt quả tang và bị mọi người lên án, Ngài cũng vẫn không kết án (x. Ga 8,11).
Thái độ khoan dung của Ngài đối với những kẻ tội lỗi làm cho những người tưởng mình là thánh thiện đạo đức kia rất bực mình, vì theo đúng luật Môisê, những kẻ phạm tội như ngoại tình chẳng hạn, đều phải bị kết án chết (x. Lc 20,10; Đnl 22,22-24). Điều đó khiến cho Ngài rất buồn khổ vì ngay cả trong số những người có được nếp sống luân lý cao cũng không có tình thương đối với đồng loại của mình. Khi họ nghĩ rằng họ đã tạm đủ tiêu chuẩn để vào được Thiên Đàng, thì họ muốn rằng những người khác muốn vào được Thiên Đàng cũng phải đạt được tiêu chuẩn ít nhất là như họ. Vào được Thiên Đàng rồi, họ muốn Chúa hạn chế số người vào lại, ai không được như họ thì không được vào.
Nhiều người đạo đức cách ích kỷ, không biết yêu thương
Thái độ đó đã được biểu lộ rất rõ sau khi Ngài chết. Những người Kitô hữu gốc Do Thái đòi hỏi rằng người ngoại muốn vào Kitô giáo để được cứu rỗi thì phải chịu phép cắt bì giống như họ mới được (Cv 15,1). Nếu họ có tình thương đối với đồng loại thực sự, thì họ phải mong Thiên Chúa hạ thấp tiêu chuẩn được cứu rỗi xuống chừng nào tốt chừng nấy, để càng nhiều người được cứu rỗi càng tốt chứ! Đức Kitô đã đả kích thái độ ích kỷ đó qua dụ ngôn chủ vườn nho thuê thợ vào nhiều giờ khác nhau (Mt 20,1-16). Những kẻ «đạo đức» có não trạng ích kỷ đó rất khó chịu trước lòng bao dung vô hạn của Đức Kitô, khiến họ không thể nghe Ngài được, họ chống lại Ngài. Đang khi đó, chính những kẻ tội lỗi bị họ khinh miệt lại nghe theo Ngài, bỏ đường tội lỗi và tin vào Ngài. Vì thế Ngài thẳng thắn nói với họ: «bọn đĩ điếm và thu thuế sẽ vào Thiên Đàng trước các ngươi» (Mt 21,31). Chính những kẻ «đạo đức» muốn đóng cửa Thiên Đàng không cho những người tội lỗi ấy vào (x. Mt 23,13) lại không được vào (x. 23,14). Quan niệm đầy tình thương của Ngài đã làm đảo lộn bậc thang giá trị của xã hội Do Thái giáo thời đó: «Kẻ cuối sẽ lên đầu, kẻ đầu sẽ xuống cuối» (Mt 20,16). Vì thế, cấp lãnh đạo Do Thái giáo liệt Ngài vào hạng người phá hoại tôn giáo và đất nước Do Thái (x. Mt 11,48-50).
--------------------------
Huyền Vi
(tiếp theo Maranatha_8)
No comments:
Post a Comment