Thursday, August 22, 2013

10 CÂU HỎI – ĐÁP (tháng 8)


1. Chúng ta phải hiểu như thế nào khi đọc: “Lạy Cha chúng con”?
- Trước hết, được trở thành dân “của Người”và từ nay, Người là Thiên Chúa “của chúng ta” nên chúng ta phải đáp lại bằng lòng yêu mến và trung thành.
- Tiếp đến, chúng ta hy vọng vững vàng vào lời hứa tối hậu của Người: “Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của ta” (Kh 21,7)
- Sau cùng, khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Người cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

2. Khi đọc “Lạy Cha chúng con”, chúng ta tuyên xưng điều gì?
Chúng ta tuyên xưng Người là Cha của mọi người, đặc biệt là Cha của những kẻ đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, nhờ tin vào Con Một Thiên Chúa. Và mỗi khi thưa “Lạy Cha chúng con”, chúng ta hiệp thông với nhau: “Các tín hữu tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32)

3. Khi sốt sắng đọc “Lạy Cha chúng con”, chúng ta sẽ đón nhận được những ơn huệ nào?
Chúng ta được thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân và được hiệp nhất với nhau; lòng chúng ta được mở rộng ra để đến với tất cả những ai chưa nhận biết Chúa.


4. Khi gọi Thiên Chúa là “Đấng ngự trên trời”, Thánh Kinh muốn nói gì?
- Thánh Kinh không muốn nói Người đang ở một nơi nào đó hoặc ở xa chúng ta, nhưng muốn nói Người rất uy nghi cao cả, luôn hiện diện nơi những con người công chính như trong đền thờ của Người.
- Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là “Nhà Cha”, nên là “quê hương” của chúng ta, nhưng vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày, và nhờ hoán cải, chúng ta được về “trời”.

5. Khi đọc “Nguyện Danh Cha cả sáng”, chúng ta phải có tâm tình nào?
Chúng ta cầu xin cho bản thân biết sống đạo tốt lành, thánh thiện, để nhờ đó mà mọi người sẽ nhận biết Danh Cha và chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa.

6. Xin cho Nước Cha trị đến”. Vậy Nước Cha được hiểu như thế nào?
Trong Tân Ước, cùng một từ Hy Lạp BASILÉIA có thể dịch nhiều cách: vương quyền, vương quốc, vương triều. Nước Cha ở trước chúng ta, ở nơi Ngôi Lời Nhập Thể, được loan báo trong Tin Mừng, đã đến trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.

7. Khi đọc “Nước Cha trị đến”, chúng ta mong đợi điều gì?
Chúng ta mong đợi ngày Nước Chúa hoàn tất khi Chúa Kitô trở lại. Đó là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

8. Chúng ta phải làm gì để “Nước Cha trị đến”?
Chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người có được tâm hồn trong sạch, kể cả những người Thiên Chúa đang chờ đợi để ban ơn, biết tôn vinh Danh Cha, cũng như biết sử dụng mọi năng lực và phương tiện mà Thiên Chúa ban, để phục vụ công lý và hoà bình trên trần gian.

9. Ý Cha” được thực hiện như thế nào?
Ý Cha được thực hiện trọn vẹn và một lần dứt khoát trong Đức Kitô và qua ý muốn nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Đức Kitô đã nói: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”. Chỉ mình Ngài mới có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,29) và trong cơn hấp hối, Ngài cũng hoàn toàn vâng phục ý Cha (Lc 22,42).

10. Vậy làm thế nào để “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”?
- Một mặt chúng ta cầu xin Chúa cho ý muốn của chúng ta nên một với ý muốn của Chúa Con trong việc chu toàn ý Cha, là thực hiện chương trình cứu độ cho thế gian được sống.
- Mặt khác, “Chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta” (Ga 13,34), và xin Người cho kế hoạch yêu thương này được thực hiện trọn vẹn dưới đất, như đã thực hiện trên trời.
--------------------------------------
GP. LONG XUYÊN SỐNG NĂM ĐỨC TIN

No comments:

Post a Comment