Wednesday, August 21, 2013

HỎI – ĐÁP về CẦU NGUYỆN

1. Có những quan niệm sai lạc nào về việc cầu nguyện?
- Khi coi cầu nguyện chỉ đơn thuần là một hoạt động tâm lý, hoặc là một nỗ lực tập trung tư tưởng để tâm trí được an định, hoặc khi giản lược cầu nguyện vào những thái độ và lời kinh theo nghi thức, hay khi cho rằng không thể cầu nguyện vì có quá nhiều công việc phải làm.


2. Đâu là những não trạng sai trái của thế gian về cầu nguyện mà chúng ta cần phải cảnh giác?
- Một là cho rằng chỉ những gì lý trí và khoa học chứng minh được mới là chân lý, còn cầu nguyện là điều vượt quá ý thức và vô thức của con người.
- Hai là đánh giá mọi sự theo sản phẩm và thành quả, nên cho việc cầu nguyện là vô ích vì không đem lại lợi lộc.
- Ba là coi khoái lạc và tiện nghi làm thước đo chân- thiện- mỹ, nên thiếu nó thì cầu nguyện thất bại.
- Bốn là coi việc cầu nguyện là trốn đời và tránh cuộc sống hiếu động.


3. Có những thách thức nào trong việc cầu nguyện mà chúng ta cần phải đương đầu?
Có những thách thức này:
- Một là chán nản vì khô khan, chia trí; buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa.
- Hai là thất vọng vì Chúa không theo ý mình.
- Ba là kiêu ngạo, nên cứ chai lỳ trong tình trạng tội lỗi, bất xứng.
- Bốn là dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ với việc cho không của Chúa.

4. Muốn thắng được những trở ngại trong việc cầu nguyện, chúng ta phải làm gì?
- Trước hết, hãy khiêm tốn trước mặt Chúa. Lòng khiêm tốn này sẽ nhắc nhở chúng ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự và dâng tâm hồn chúng ta để xin Người thanh tẩy.
- Tiếp đến, là phải chống lại cái tôi thích chiếm hữu và thống trị bằng cách tỉnh thức và tiết độ: “Nghĩ về Ngài lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan” (Tv 27,8)
- Cuối cùng, là sự khô khan, cảm thấy xa cách Chúa, không còn hứng thú với những tâm tình thiêng liêng. Đây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Đức Kitô trong cơn hấp hối và trong mồ tối. “Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24) Đây là cuộc chiến đấu để hoán cải nội tâm.


5. Có những cơn cám dỗ nào mà chúng ta thường gặp trong khi cầu nguyện?
- Đó là sự thiếu lòng tin. Chẳng hạn khi bắt đầu cầu nguyện, chúng ta lại thấy có trăm ngàn công việc cần phải ưu tiên làm ngay; hoặc có khi chúng ta chạy đến Chúa như điểm dừng cuối cùng, chứ chưa hẳn là đã tin Người.
- Đó là khi chúng ta kêu xin Chúa cứu giúp, nhưng lòng vẫn đầy tự cao. Tính tự cao dẫn đến một cám dỗ khác là sự “nguội lạnh”. Đây là một hình thức suy nhược do thiếu khổ chế, chểnh mảng canh thức, lơ là đời sống nội tâm. “Tinh thần hăng say nhưng thế xác lại yếu hèn” (Mt 26,41). Thất vọng, đau khổ là mặt trái của lòng tự cao. Còn người khiêm tốn thì ý thức về sự khốn cùng của mình; giục lòng trông cậy và kiên trì trong cầu nguyện.

6. Tại sao chúng ta thường phàn nàn vì Chúa không nhận lời mình cầu xin?
- Trong thực hành, khi ngợi khen hay tạ ơn Chúa vì các ơn lành Người ban, có bao giờ chúng ta để ý xem những lời đó có đẹp lòng Người hay không? Trái lại, khi xin điều gì, chúng ta đòi phải được ngay.
Vậy chúng ta nghĩ Thiên Chúa là ai khi cầu nguyện? Người là phương tiện để chúng ta sử dụng hay Người là Cha của Đức Kitô, Chúa chúng ta?
- Chúng ta có xác tín rằng: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Rồi những điều chúng ta cầu xin có đúng thực là “những ơn lành cần thiết” không? Sở dĩ Cha trên trời chờ chúng ta kêu xin là vì tôn trọng tự do của chúng ta mà thôi.

7. Vậy chúng ta phải làm gì khi lời cầu xin của chúng ta chưa được nhậm lời?
Chúng ta phải cầu nguyện với Thần Khí Tự Do của Người, để có thể thực sự nhận biết ước muốn của Người (Rm 8,27). “Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý để lãng phí trong hưởng lạc” (Gc 4,2-3)

8. Làm sao để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận?
Chúng ta hãy kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong lòng tín thác và dạn dĩ của người con thảo trong kiên trì và trong tình yêu.

9. Tại sao phải cầu nguyện trong kiên trì và trong tình yêu?
Vì cầu nguyện là cuộc chiến đấu của tình yêu khiêm tốn, tin tưởng và kiên nhẫn chống lại thân xác nặng nề và ươn lười của chúng ta, đồng thời, sống những lời cầu nguyện một cách tích cực với tất cả tình yêu.

10. Thế nào là sống cầu nguyện với tất cả tình yêu?
Đó là làm sao cho việc cầu nguyện và sống đạo cùng nhắm đến chỗ hoà hợp với ý định yêu thương của Chúa Cha, trong tâm tình mến yêu của người con thảo, để hiệp thông với Chúa Thánh Thần, hầu được biến đổi ngày càng thêm giống Chúa Giêsu hơn. “Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em. Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,16-17)

http://gplongxuyen.org

No comments:

Post a Comment