Sunday, August 25, 2013

THÁNH KINH hay KINH THÁNH? 

Nhiều năm nay, hai thuật từ Thánh Kinh và Kinh Thánh đã gây ra nhiều tranh cải, đôi khi còn có những lời lẽ thô bạo, sỉ vả nhau, thật là điều đáng tiếc! Chúng tôi thử tìm hiểu vấn đề từ góc độ ngữ học chứ không theo tình cảm và cũng không có ý tranh luận với ai.
Một trang Thánh Kinh viết trên giấy cói (Papyrus Bodmer VIII)

1. Từ nguyên ngoại ngữ.
Thuật từ Thánh Kinh trong tiếng Hy Lạp là Ta Biblia. Ta có nghĩa là những (số nhiều), Biblia nghĩa là sách. Biblia có nguồn gốc từ byblos có nghĩa là giấy cói (papyrus), từ tên của thành phố Byblos xứ Phoenicia cổ đại, là nơi xuất khẩu giấy cói. Thánh Kinh Do Thái Giáo còn gọi là Tanakh. Tên tiếng Latin là Scriptura, nghĩa là trước tác, bài viết, bản thảo. Tiếng Anh đầu tiên gọi là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách. Tất cả những tên gọi này đều không thể so sánh với thuật từ Thánh Kinh. Ta có thể thấy được hai nền văn minh Đông và Tây khác nhau, và ta có tên gọi trân trọng hơn nhiều: Thánh Kinh.

2. Nguồn gốc thuật từ Thánh Kinh.

Theo tác giả Nguyễn Hải Hoành: “Ngày xưa, khi dịch Cựu Ước toàn thư và Tân Ước toàn thư ra chữ Hán, người Trung Quốc gán cho hai cuốn sách này cái tên ‘Thần thánh điển phạm’ (神聖典範: Mẫu mực thiêng liêng) và ‘Thiên kinh địa nghĩa’ (天經地義: Đạo nghĩa muôn thủa); về sau, khi in gộp Cựu Ước và Tân Ước thành một bộ sách, họ ghép hai chữ thứ hai lại thành ‘Thánh Kinh’”[1].

Thật ra đây là cách nói của Tin Lành Trung Hoa, “Thánh Kinh” rút ngắn từ hai câu thành ngữ Trung Hoa: “Thần thánh điển phạm” và “Thiên kinh địa nghĩa”, mà không phân biệt Cựu Ước và Tân Ước [2].


Đại Tần Cảnh Giáo lưu hành Trung Quốc bi.

Tác giả họ Nguyễn và Tin Lành Trung Hoa đều không nói rõ hai bản dịch Cựu và Tân Ước hay Thánh Kinh nói trên là bản dịch năm nào, và “người Trung Quốc” là ai hay tác phẩm nào đã sử dụng hai thành ngữ trên để gán cho Cựu và Tân Ước? Tuy nhiên, căn cứ vào lời ghi chép trên Đại Tần Cảnh Giáo lưu hành Trung Quốc bi [3] [大秦景教流行中國碑:Bia (chép việc) Cảnh Giáo Syria truyền bá tại Trung Quốc, bia này gồm khoảng 1900 chữ Hán và 50 chữ Syrie, ghi lại lời tuyên xưng đức tin và lịch sử 146 năm Cảnh Giáo tại Trung Quốc] [4], chúng tôi thấy trong phần tuyên xưng đức tin có nhắc đến “24” quyển Cựu Ước (gọi là Cựu Pháp hay Chân Kinh) và 27 quyển Tân Ước (gọi là Kinh 27 Bộ). Như vậy, từ thế kỷ thứ 8, chữ “kinh” đã được dùng để chỉ Thánh Kinh rồi.

Năm 1803, Cha Louis De Poirot, vị linh mục Dòng Tên đến Trung Quốc từ năm 1770, đã dịch toàn bộ Cựu Ước và một số sách Tân Ước từ bản Phổ Thông (Latin) sang tiếng Hoa, gọi là Cổ Tân Thánh Kinh [5]. Như vậy, thuật từ “Thánh Kinh” đã xuất hiện chậm nhất là từ năm 1803.

Năm thứ 20 đời vua Quang Tự nhà Thanh (1894), một giáo dân Tin Lành tặng cho bà Từ Hy Thái Hậu một cuốn Tân Ước, gọi là “Quân Vương bản Thánh Kinh”[6], để mừng thọ 60 tuổi của bà. Thuật từ Thánh Kinh đã có từ rất lâu đời.

3. Nghĩa của những chữ thánh, kinh.
3.1. Thánh: Có hai chữ Hán: 聖, 清[7]: Ở đây là chữ聖này. Thánh là gì? Mạnh Tử nói: “Khả dục chi vị thiện, hữu chư kỷ chi vị tín. Sung thật chi vị mỹ, sung thật nhi hữu quang huy chi vị đại, đại nhi hoá chi chi vị thánh”. [8] Nghĩa là: Người mà hành vi nhân phẩm đáng yêu, đáng kính, gọi là thiện. Người làm thiện theo lương tâm và bản tính không cưỡng ép và không giả trá gọi là tín. Người mà lòng thiện đầy đủ phát lộ ra khắp thân thể và mỗi cử động đều hợp ý lành, gọi là mỹ. Người có mỹ đức đầy đủ và làm nên sự nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình tỏa sáng trên đời, gọi là đại. Đã là bực đại nhân, lại đứng ra hoằng hóa cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay về nẻo thiện, gọi là thánh.

Chữ thánh (聖) gồm phần dưới là chữ nhâm (壬), nguyên gốc của chữ nhâm (壬) là chữ nhân (人); phần trên là chữ nhĩ (耳) và chữ khẩu (口); hàm ý: thánh là người thông sáng: thính tai, lợi khẩu. Trong cổ văn, “thánh” và “thính” là cùng một chữ: 聽. Chữ thánh (聖) có những nghĩa này: dt; (1) Đối với người đời thường, chỉ những người đạo đức: thánh nhân; (2) Những người tài giỏi tột bực về một việc nào đó cũng gọi là thánh, như Lý Bạch giỏi uống rượu, người ta gọi ông là tửu thánh; (3) Họ Thánh; đt; (4) Làm cho trở thành thánh; (5) Tinh thông: Đỗ Phủ thánh ư thi (Ông Đỗ Phủ giỏi làm thơ); tt; (6) Thông minh; (7) Tài giỏi; (8) Tôn xưng những gì thuộc về Đức Khổng Tử: Khổng thánh đản; (9) Tôn xưng những gì thuộc về vua: Thánh chỉ; (10) Thuộc về thần thánh: Thánh mẫu, thánh đản; (11) Thuộc về Đấng tối cao [9]; (12) (Nghĩa Nôm): Âm thanh dễ nghe:thánh thót.

3.2. Kinh: Có 7 chữ Hán, ở đây là chữ 經, nghĩa là dt; (1) Ðường dọc, sợi thẳng; (2) Về đường sá thì phía Nam Bắc gọi là kinh 經, phía Đông Tây gọi là vĩ 緯; (3) Về quả đất thì lấy con đường nam bắc cực chính giao với xích đạo gọi là kinh: kinh tuyến (theo hướng nam bắc, vĩ tuyến theo hướng đông tây); (4) Kinh mạch của đông y, sách thuốc chia thành 12 kinh phân phối với các tạng phủ; (5) Thường, đạo đức pháp luật đã định không thể đổi được: Thiên kinh địa nghĩa (天經地義:cái đạo thường như trời đất không thể di dịch được); (6) Sách được coi là tiêu chuẩn tư tưởng, có giá trị đặc biệt mà người ta phải tuân theo: Ngũ kinh; (7) Lời cầu nguyện: Kinh Lạy Cha; (8)Thuật từ chỉ việc phụ nữ mỗi tháng xuất huyết một lần: Kinh nguyệt; (9) Bài văn về việc chuyên môn: Trà kinh, mã kinh; (10) Số đếm cổ xưa, mười tỷ là một kinh; (11) Họ Kinh. đt; (12) Quản lý: Kinh thế tế dân; (13) Hoạch định việc làm: Kinh thương; (14) Trải qua: Kinh lịch; (15) Sửa sang: Kinh dinh (sửa sang, sắp đặt việc lớn) (16) Chia vạch địa giới; (17) Tự thắt cổ chết: Tự kinh. tt; (18) Luôn luôn: Kinh thường; (19) Lâu dài không thay đổi: Bất kinh chi luận (lý luận để lại lâu dài).

Lưu ý [10] : “Sách” (là chữ Hán đã Nôm hóa) là tập hợp những tờ giấy có chữ in với nội dung nào đó, đóng gộp lại thành cuốn (hay quyển). “Cuốn” (Nôm) và “quyển” (Hán) đều có nghĩa là: (1) cuộn lại; (2) Sách. Nhưng khi nói: cuốn sách, quyển sách, thì chữ cuốn và quyển trở thành quán từ. “Thư” (Hán) có nghĩa là sách (ví dụ: Tứ Thư), còn “Kinh” (Hán) có nghĩa là sách thánh, sách được coi là tiêu chuẩn tư tưởng (ví dụ: Ngũ Kinh). Như vậy, Kinh đã hàm ý là sách thánh, sách điển phạm... nhưng ghép thêm chữ thánh là có ý nói lên tính trỗi vượt của cuốn Kinh này: Kinh thuộc Đấng tối cao.

4. Thánh Kinh, Kinh Thánh.
4.1. Thánh Kinh: Theo nguyên ngữ thì Thánh Kinh nghĩa là Sách thuộc Đấng tối cao, có giá trị đặc biệt mà người ta phải tuân theo. Theo nghĩa tôn giáo, thì Thánh Kinh là bộ sách được các Hội thánh Kitô Giáo coi là bản văn linh ứng và trung thực, ghi lại những mặc khải qua đó Thiên Chúa tỏ cho nhân loại biết về bản thân Chúa và ý định của Chúa đối với họ.

Để phân biệt giữa truyền thống Do Thái Giáo và Kitô Giáo, Thánh Kinh chia làm hai phần: Cựu Ước (Công Giáo có 46 quyển, Tin Lành có 39 quyển) và Tân Ước (27 quyển). Trong Tân Ước, Cựu Ước thường được gọi là “các Sách Thánh: Scripturae” (Mt 21,42). Dần dần từ ngữ này được dùng ở số ít là Sách Thánh: Scriptura. Sách Thánh trở thành đồng nghĩa với Kinh Thánh hay Thánh Kinh (Cv 8,32).

4.2. Kinh Thánh: (1) Đồng nghĩa với Thánh Kinh; (2) Kinh cầu các thánh (Litaniae sanctorum) [11].

5. Nhận xét.
Thánh Kinh là từ Hán Việt (cấu trúc tĩnh từ - danh từ) còn Kinh Thánh là từ Việt gốc Hán (cấu trúc danh từ - tĩnh từ). Người Công Giáo Việt Nam đã quen sử dụng cả hai thuật từ này mà không thấy có gì khác biệt.

Năm quyển sách kinh điển của Nho Giáo là: Thi Kinh, Thư Kinh, Lễ Kinh, Dịch Kinh và Xuân Thu Kinh nhưng trong tiếng Việt vẫn thường gọi là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Đây cũng là một ví dụ về từ Việt gốc Hán.

Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam có những từ Hán Việt - tự ngữ đứng trước định nghĩa cho tự ngữ đi sau - như: tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng, bệnh viện, cô nhi viện... Trong nhà đạo cũng có: Thánh Thể, Thánh Truyền, Thánh Thi, Tông Tòa, tu viện, chủng viện, thần học... Ngược lại cũng có những từ Việt gốc Hán - tự ngữ đứng sau định nghĩa cho tự ngữ đi trước - như: Kinh Thi, Kinh Thư, Tòa Bạch Ốc, Viện Hóa Đạo, viện tế bần, viện dưỡng lão... Trong nhà đạo cũng có: Chức Thánh, Hội Thánh, Tòa Giám Mục... Có những từ có thể ở cả hai dạng như: Lớp trưởng / trưởng lớp, thẩm mỹ viện / viện thẩm mỹ... Trong nhà đạo cũng có: Thánh Kinh / Kinh Thánh, thánh chức / chức thánh, ảnh tượng / tượng ảnh, linh hồn / hồn linh... Nhưng cũng có rất nhiều từ không thể như vậy được. Chúng ta nói: Hồn linh, linh hồn, hay nói hồn thiêng nhưng không nói thiêng hồn. Nói Kinh Thánh, Thánh Kinh, hay nói Thánh Thư, Thánh Truyền nhưng không nói Thư Thánh, Truyền Thánh. Nói Giám mục, Giám quản, hay nói Linh giám nhưng không nóiGiám linh. Nói Tòa Thánh, Tòa Giám, hay nói Tông Tòa nhưng không nói Tòa Tông, nghi lễ hay lễ nghi, nghi thức nhưng không nói thức nghi...! Cũng như Dịch Kinh (易经) và Đạo Đức Kinh (道德經) thì tiếng Việt thường gọi là Kinh Dịch và Đạo Đức Kinh (chứ không gọi là Kinh Đạo Đức!) Vậy đâu là quy luật?

Cha Lê Văn Lý, nhà ngữ học Việt Nam trả lời: “Định luật quan trọng của ngôn ngữ là thói quen thông thường. Ngữ pháp có nhiệm vụ trình bày cho trung thành và hệ thống hóa những kiểu nói thông thường, dựa trên những tỉ dụ lấy ở ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày, chứ không phải là những câu văn viết, lấy trong sách hay trong thi phú, trừ khi văn viết và thi phú đó tương tự với lời nói thường dùng hàng ngày, chẳng hạn như những câu thơ của Tú Xương sau đây:

Mai không tên tớ, tớ đi ngay...
Nào có ra gì cái chữ Nho...”

Vị giáo sư, tiến sĩ văn chương này kết luận: “Người nào nói ngược lại với thói quen, chẳng hạn như: ‘Ấp trưởng’ thay vì ‘trưởng ấp’, ‘học đại’ thay vì ‘đại học’, ... sẽ không được quần chúng noi theo, nếu như không bị người ta chê cười.” [12]

6. Kết luận.
Không thể nói “Thánh Kinh” hay “Kinh Thánh” từ nào đúng văn phạm, trang trọng hoặc hay hơn từ nào được. Trái lại, “thói quen thông thường” cho phép sử dụng cả hai từ này để chỉ cùng một đối tượng.
Có chăng, trên phương diện tu từ, chúng tôi thấy: (1) Dùng “Thánh Kinh” thì thích hợp hơn trong ngữ cảnh song song với các khái niệm bằng tiếng Hán Việt như: Thánh Mẫu học và Thánh Kinh học, Thánh Kinh và Thánh Truyền, việc đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ... (2) Dùng “Kinh Thánh” thì thích hợp hơn trong ngữ cảnh song song với các khái niệm bằng tiếng Việt gốc Hán như: Hội Thánh và Kinh Thánh, chức thánh theo Kinh Thánh, Sách Thánh hay Kinh Thánh ... (3) Tên các tác phẩm nói chung thì chỉ cần viết hoa chữ cái đầu tiên mà thôi. Tuy nhiên với các tác phẩm kinh điển, tôn giáo thì để tỏ lòng kính trọng cần phải viết hoa (quy tắc tu từ). Do đó: Viết Thánh Kinh hay Kinh Thánh thì tốt hơn là viết Thánh kinh hay Kinh thánh.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
--------------------------------------------------
Ghi chú:
[1] http://phienbancu.vanvn.net/News.asp?cat=&scat=13&id=917.
[2] http://hi.baidu.com/nsfk/blog/item/45c7ebdd064274ed77c6382d.html.
[3] Bia này do một vị giám mục phái Nestoriô tạc vào năm 781, được tìm thấy năm 1626, hiện đang lưu giữ tại Tây An (Trung Quốc), một bảo sao của nó lưu tại Viện Bảo Tàng Lateranô (Vatican). http://www.blessingu.com/tc/pedia/ChineseBible_2/
[4] Giáo phái Nestoriô (Cảnh Giáo) thịnh hành tại Trung Quốc hơn 200 năm (635-845). Năm thứ 9 đời vua Trinh Quan nhà Đường (635), Giám mục Alopen phái Nestoriô từ Syria theo con đường lụa đến truyền giáo tại Trường An, kinh đô bấy giờ của nhà Đường (nay gọi là Tây An). Đến năm thứ 5 đời vua Vũ Tông (845), nhà Đường tiêu diệt Kitô Giáo và trong 400 năm sau đó Kitô Giáo tại Trung Quốc gần như không còn.
[5] Cuốn Thánh Kinh này chưa được xuất bản, bản thảo này để ở thư viện của nhà thờ Bắc Đường tức nhà thờ Chính Toà Bắc Kinh.
[6] “君王版”聖經http://blog.sina.com.cn/s/blog_4e4a788a01000bz4.html.
[7] Xem “Bài Giảng Chúa Nhật” của Tổng Giáo Phận TP.HCM, số 05/2006.
[8] 可欲之謂善,有諸己之謂信。充實之謂美,充實而有光輝之謂大,大而化之之謂聖。(Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú hạ, tiết 24).
[9] Không nên chỉ giải nghĩa thuộc về Thiên Chúa, làm như vậy thì thu hẹp ý nghĩa của chữ. Vì Tin Lành, Chính Thống và Hồi Giáo không bao giờ gọi Đấng Tối Cao là Thiên Chúa.
[10] xem Đại Từ Điển Tiếng Việt và Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.
[11] xem Aj. L. Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum , 1838; Hiùnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1896. Khi nói “Kinh thánh” là Kinh cầu các thánh, thì chữ kinh lấy nghĩa là lời cầu nguyện. Ngày nay không thấy có ai dùng chữ Kinh thánh theo nghĩa này nữa.
[12] Lm Lê Văn Lý, Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1972, tr. 3.

_______________________________________________________

SÁCH THAM KHẢO:
----------------------------------
1) Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
2) VIỆT HÁN TỪ ĐIỂN TỐI TÂN, Nhà sách Tân Hoa.
3) Nguyễn Đình Diễn, TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO ANH VIỆT, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2002.
4) Viện Ngôn Ngữ Học, TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT, 2001.
5) Châu Hà, QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004.
6) CHRISTIAN THEOLOGICAL LEXICON, Đài Loan, 2005.
7) CATHOLIC ENGLISH-CHINESE DICTIONARY, Đài Loan, 200
8) Thiều Chữu:http://nguyendu.com.free.fr/langues/hanviet.htm
9) VIETNAMESE-ENGLISH-FRENCH-CHINESEDICTIONARY: http://vdict.com.
10) Lm Lê Văn Lý, SƠ THẢO NGỮ PHÁP VIỆT NAM, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1972.

No comments:

Post a Comment