GIẢI ĐÁP THẮC MẮC
Xin giải thích ý nghiã các từ ngữ “Amen” và “Alleluia” được dùng trong Phụng vụ và Kinh Thánh của Giáo Hội. 1- Amen
là từ ngữ Do thái được xử dụng trong Phụng vụ và Kinh thánh của Giáo Hội với những ý nghĩa sau đây:
a-Trong Phụng vụ:
Tiếng Amen đươc dùng để kết thúc một lời cầu xin dài hay ngắn với ước mong được Chúa chấp nhận lời cầu xin đó và ban cho ta như lòng mong muốn.
Ngoài ước muốn được nhậm lời cầu nói trên, Amen còn có nghĩa là “đúng vậy, chắc chắn như vậy” Ý nghĩa này được dùng khi linh mục, phó tế hay thừa tác viên thánh thể giơ cao Mình Thánh hay chén Máu Thánh Chúa lên và nói “Mình Thánh Chúa Kitô” hoặc “ Máu Thánh Chúa Kitô” người rước Lễ thưa Amen có nghĩa là “đúng như vậy, đây là Mình, hay Máu Thánh Chúa Kitô”.
Vậy trước khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, ta phải thưa Amen với ý nghĩa này để tuyên xưng niềm tin có Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hình Bánh và Rượu nho.
b- Kinh Thánh:
Trong Gioan 3,3 Chúa Giêsu nói: “Thật (Amen) Tôi bảo thật (Amen) ông không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Amen trong câu trên có nghiã là “Sự thật ,đúng như vậy”
Lại nữa, trong Sách Khải Huyền, chúng ta đọc được câu sau đây:
“ Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Lao-đi-kia: đây là lời của Đấng Amen,l à Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng” (Kh 3,14)
Câu trên cho thấy Chúa Kitô chính là Đấng Amen, là Lời Thật của Thiên Chúa phán ra và nhờ LỜI ấy Thiên Chúa tạo dựng mọi loài,mọi vật.
Sách Giáo Lý Công Giáo,câu 1065, cũng viết: “Chúa Giêsu Kitô chính là Đấng Amen. Người là Amen của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Người cũng thâu tóm và hoàn tất Amen của chúng ta dâng lên Chúa Cha…”
2- Alleluia:
Cũng là từ ngữ Do Thái lấy từ Kinh Thánh Cựu Ước, phiên âm nguyên ngữ ra các tiếng Tây phương (Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…) là Hallelujia, nhưng vì trong những ngôn ngữ này, người ta không đọc được âm H nên chỉ quen đọc là Alleluia như chúng ta vẫn nghe từ xưa đến nay.Từ ngữ này có nghĩa là “Hãy chúc tụng Thiên Chúa” (Praise to God). Trong phụng vụ của Giáo Hội, tiếng Alleluia được dùng để diễn tả niềm vui hoan hỉ (jubilation) và lòng cảm tạ(thanksgiving) dâng lên Thiên Chúa. Riêng trong Sách Khải Huyền thì Alleluia được dùng để chỉ tiếng reo mừng của các thiên thần:
“Sau đó tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: Halleluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền” (Kh 19:1)
Đó là tất cả nguồn gốc và ý nghiã của các từ Amen và Alleluia được dùng trong phụng vụ và kinh thánh của Giáo Hội Công Giáo.
------------------------------------------
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
==========================================
Bài đọc thêm
TÌM HIỂU Ý NGHĨA CHỮ "AMEN"
-------------------------------------
“Amen” có cùng gốc với từ “tin”. Vì thế “Amen” có thể nói về sự trung
tín của Thiên Chúa đối với chúng ta và sự tin cậy của chúng ta đối với
Người.
Trong Isaia thuật ngữ “Thiên Chúa của chân lý” dịch sát từ là “Thiên Chúa của Amen”, nghĩa là Thiên Chúa trung tín với lời hứa (Is 65:16).
Chúa Giêsu dùng “Amen” nghĩa là “thật – Ta bảo thật” để nhấn mạnh điều
Ngài dạy là đáng tin (Mt 6:2.5.16; Ga 5:19), thẩm quyền của Ngài dựa
trên sự chân thật của Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô là “Đấng Amen” (Kh
3:14) của mọi lời Thiên Chúa hứa. Ngài thay chúng ta và cùng chúng ta
thưa “Amen” với Chúa Cha để tôn vinh Thiên Chúa (2Cr 1:20).
Bằng tiếng “Amen” để kết thúc các lời cầu nguyện phụng vụ, Giáo Hội diễn tả lời “thưa vâng” đầy tin tưởng vào Đấng là “Amen”.
Từ “Amen” cuối Kinh Tin Kính là xác nhận “tôi tin” mà người tín hữu
tuyên xưng lúc đầu. Tin là thưa “Amen” với Lời Chúa, lời hứa, giới răn
của Thiên Chúa; cũng là phó thác trọn vẹn vào Đấng là “Amen”.
-------------------------------------------------
Amen là một chữ Do Thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng Amen để
kết thúc lời cầu nguyện của họ. Trước kia, sau các lời nguyện, người ta
thưa "Ước gì được như vậy". Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì
Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ
Amen.
Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được
như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị
linh mục công bố: "Mình Thánh Chúa Kitô" và tín hữu thưa "Amen". Chữ
Amen ở đây có nghĩa "Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới
hình bánh này". Đó là một điều chắc chắn!
Khi bạn thưa Amen sau lời
nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn
những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng: lời
nguyện đó cũng là lời nguyện của chính bạn, và bạn muốn tháp nhập vào đó
với hết tâm tình.
Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn
cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng
đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ Do Thái này có ý
nghĩa sự trung thành, trung tín.
-----------------------------------------------
Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời
thánh Phaolô: "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời
nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa
"Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã
rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng
bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ
Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cor 1,
18-20).
------------------------------
Giuse Lê Văn Phượng FSC
No comments:
Post a Comment