Sunday, August 25, 2013

SỐNG ĐẠO LÀ TRUYỀN ĐẠO

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”
(Mc 16, 15-16)

“Ngày nay cũng như xưa kia, Chúa sai chúng ta đi trên khắp các nẻo đường thế giới để loan báo Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên mặt đất.” (Porta Fidei, số 7)

 
Một trong những mục tiêu của Năm Đức Tin là nhằm đẩy mạnh công cuộc “thông truyền Đức tin”. Vì thế, ngay vào thời điểm khởi đầu của Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới với đề tài “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô”. Năm Đức Tin, do đó, là cơ hội thuận tiện “dẫn đưa toàn thể cộng đoàn Giáo hội tiến vào một thời điểm để đặc biệt suy tư và tái khám phá đức tin” và thông truyền đức tin ấy với niềm vui và nhiệt thành mới (x. PF 4, 7).
Thực ra, mối bận tâm về công cuộc truyền giáo trong Giáo hội đã có từ rất lâu, vì đó là lệnh truyền của Chúa (x. Mt 28, 18-20, Mc 16, 15-16, Lc 24, 45-48, Ga 20,21), được thực hành trong Giáo hội trong suốt dòng lịch sử. Nhưng mối bận tâm ấy được nhấn mạnh cách đặc biệt trong Công đồng Vaticanô II, nhất là qua sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes, rồi các văn kiện hậu Công đồng, đặc biệt là văn kiện Evanglii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và thông điệp Missio Redemptoris của Đức Gioan Phaolô II.
Trong bối cảnh Năm Đức Tin, mối lưu tâm dường như càng cháy bỏng, khi Giáo hội thấy ngọn đèn đức tin tại nhiều nơi đang leo lét và mất khả năng tỏa sáng.
 
1. Truyền đạo là một đòi hỏi của căn tính Kitô hữu
 
Sắc lệnh Ad Gentes đã minh định “bản tính của Giáo hội là truyền giáo” (TG 2). Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là truyền giáo không phải là cái gì thêm vào hay phụ thuộc mà là thành tố làm nên Giáo hội. Truyền giáo là lý do hiện hữu của Giáo hội.
Điều đó cho chúng ta hiểu rằng truyền giáo không phải là một sứ vụ nhiệm ý, tuỳ phụ, mà là nhiệm vụ bó buộc, một sứ mạng, một bổn phận cần phải được thi hành khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện:“(Loan báo Tin Mừng), đối với Hội thánh, không phải là một sự cống hiến tuỳ ý, nhưng là một bổn phận Hội thánh phải thực thi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, để loài người có thể tin và được cứu rỗi. Quả thế, đây là sứ điệp cần thiết. Đây là sứ điệp độc nhất. Sứ điệp không thể thay thế” (Evangelii Nuntiandi, 5).
Nói cách khác, truyền giáo là một đòi hỏi đến từ căn tính Kitô hữu. Bất cứ ai lãnh nhận Bí tích Rửa tội là lãnh nhận sứ vụ truyền giáo, nghĩa là có nhiệm vụ làm chứng và thông truyền đức tin đã lãnh nhận cho người khác.
Vì thế, một lần nữa chúng ta phải tái khẳng định rằng sứ mạng truyền giáo là nghĩa vụ dành cho hết mọi Kitô hữu. Do ân sủng và ơn gọi của Bí tích Rửa tội và Thêm sức, mọi tín hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều là nhà truyền giáo. Tuy nhiên, địa bàn truyền giáo của các giáo dân là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao (x. GH 30-38).
nghĩa vụ, bổn phận, nên người Kitô hữu cần phải thi hành. Đây không là một việc nhiệm ý, một lời khuyên lơn hay mời gọi mà là một mệnh lệnh, là lệnh truyền của Chúa Kitô, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại. Công đồng Vaticanô II đã xác quyết rằng “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ 3; x. GH 17; TG 23, 36).
Là nghĩa vụ cho mọi Kitô hữu, chứ không phải là lệnh truyền riêng cho các linh mục, tu sĩ hoặc các nhà truyền giáo mà thôi. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã khẳng định rằng: “Ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi làm tông đồ” (TĐ 2), và do đó, người giáo dân “có bổn phận và quyền làm tông đồ” (TĐ 3). Giáo luật cũng minh định rằng “tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (GL, điều 211).
Hơn nữa, “sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia” (SĐTG 2009, số 1). Sứ mạng này không phải là công việc riêng lẻ, nhưng là công việc chung của toàn thể Giáo hội, và vì thế, mọi thành phần cần cộng tác với nhau trong tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm. Thực vậy, “toàn thể Giáo hội phải dấn thân trong sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại, cho đến khi chủ quyền cứu độ của Chúa Kitô được thể hiện hoàn toàn”, bởi vì cho đến “hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự tùng phục Chúa” (Dt 2,8; SĐTG 2009).
 
2. Truyền đạo – dấu hiệu trưởng thành của đức tin
 
Như đã nó trên, Giáo hội tự bản chất là truyền giáo (TG 2), hiện hữu đề truyền giáo. Truyền giáo là lý do hiện hữu (raison d’être) của Giáo hội. Nhưng không chỉ có thế, đà tiến truyền giáo còn luôn là dấu chỉ về sức sống của Giáo hội (Redemptoris Missio 2; SĐTG 2009, số 2,3,5).
Nói cách khác, truyền giáo không chỉ là bổn phận của mọi tín hữu và cộng đoàn tín hữu, nhưng còn là dấu chỉ cho thấy sự trưởng thành của đời sống đức tin nơi chính cộng đoàn đó, vì đức tin trưởng thành phải là một đức tin “được tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng” (TMVNĐT 6). Điều đó có nghĩa là đức tin chỉ có thể chứng tỏ được tầm mức trưởng thành của mình khi đức tin ấy có khả năng tỏa sáng, có khả năng “nâng đỡ đức tin yếu kém của anh em” và “trổ sinh những bông hạt khác”. Quả thực, “đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (PF 7, x. PF 8-10).
 
3. Truyền đạo - Sứ vụ ưu tiên và cấp thiết hôm nay
 
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không ngừng nhắc đến “vị trí ưu tiên củaviệc rao giảng Tin Mừng” (SĐTG 2009, 2012).
Năm 2009, ngài viết: “Tôi nhắc nhở các Giáo hội kỳ cựu cũng như các Giáo hội mới được thành lập rằng Chúa đã đặt họ làm muối đất và ánh sáng thế gian, Ngài kêu gọi họ rao giảng Chúa Kitô Ánh sáng muôn dân, cho đến tận bờ cõi trái đất. Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại phải chiếm ưu tiên trong các chương trình mục vụ của các giáo phận”.
Năm 2012, ngài tiếp tục nhấn mạnh rằng việc Công đồng tái xác nhận nhu cầu và sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc “vẫn còn nguyên giá trị, hơn nữa còn được tiếp nhận những suy tư thần học và mục vụ phong phú, và đồng thời lại càng tỏ ra cấp bách, vì số người chưa biết Chúa Kitô ngày càng nhiều thêm.'Những người mong chờ Đức Kitô vẫn còn đông vô kể', như lời khẳng định của Chân phước Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio về giá trị muôn đời của huấn lệnh truyền giáo, và ngài thêm: 'Chúng ta không thể ngồi yên khi nghĩ tới hàng triệu anh chị em chúng ta đang sống trong tình trạng không biết đến tình yêu của Thiên Chúa, chính họ cũng được cứu chuộc bằng máu Chúa Kitô' (RM 86)” (SĐTG 2012).
Đức Thánh Cha còn đặc biệt nhấn mạnh về tính toàn diện và phổ quát của sứ vụ truyền giáo, khi khẳng định sứ vụ này “phải bao gồm toàn thể hoạt động của Giáo hội địa phương, mọi lĩnh vực của Giáo hội ấy, tóm lại, phải bao gồm toàn thể đời sống và hoạt động của Giáo hội ấy. [...] Điều này đòi hỏi rằng các bậc sống, các kế hoạch mục vụ và việc tổ chức giáo phận phải không ngừng được thích nghi với chiều kích nền tảng này của Hội thánh, đặc biệt trong thế giới không ngừng biến đổi của chúng ta ngày nay” (SĐTG 2012).
Sứ vụ này càng cấp bách và ưu tiên hơn khi chúng ta nghĩ đến những anh chị em chưa nhận biết đức tin: “Ngày nay, sứ mạng ad gentes –đến với muôn dân– phải không ngừng là chân trời và khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Hội thánh [...] Cũng như Thánh Phaolô, chúng ta phải quan tâm tới những người ở xa, những người chưa biết Đức Kitô và chưa cảm nghiệm được tình phụ tử của Thiên Chúa, và chúng ta phải ý thức rằng 'sự hợp tác truyền giáo hôm nay phải mở ra những hình thức mới để bao gồm không chỉ việc trợ giúp kinh tế, mà cả sự tham gia trực tiếp vào việc rao giảng Tin Mừng' (Redemptoris Missio 82). Việc cử hành Năm Đức Tin và Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hoá sẽ là những cơ hội thuận lợi để phát động sự hợp tác truyền giáo, nhất là trong khía cạnh thứ hai này” (SĐTG 2012).
 
4 . Tân Phúc âm hóa
Trước đây, khi nói tới truyền giáo, chúng ta thường nghĩ ngay tới “truyền đạo cho lương dân”, “cải hóa dân ngoại”, “giảng đạo cho dân ngoại”, nói nôm na là truyền đạo cho người chưa tin vào Chúa, chưa chịu phép Rửa tội. Ngày nay, người ta gọi đó là truyền giáo theo nghĩa chặt, thuật ngữ truyền giáo học gọi là “missio ad gentes” (truyền giáo cho lương dân).
Tuy nhiên, chân trời của sứ vụ truyền giáo còn đa dạng hơn nhiều (x. RM 37-38, xin xem biểu đồ trên đây). Giáo hội không chỉ có bổn phận thông truyền đức tin cho anh chị em lương dân, mà còn có sứ vụ chăm sóc và nuôi dưỡng đức tin cho các tín hữu (cura pastoralis), và hơn nữa, còn mang nơi mình trọng trách “truyền lửa” cho những “tim đèn leo lét” và thắp sáng cho những bấc đèn đã tắt ngúm. Công tác sau cùng đó chính là “Tân Phúc âm hóa” (nova evangelizatio)[1].
Cần phải có một cuộc “Tân Phúc âm hóa”, không có nghĩa là cần có một sứ điệp Tin Mừng mới, vì nội dung Tin Mừng vẫn là một hôm qua, hôm nay, cũng như mãi mãi, nhưng có nghĩa là cần lòng nhiệt thành mới và những phương cách diễn tả mới[2].
Trong bối cảnh “có nhiều thay đổi” và “khủng hoảng sâu xa nơi nhiều người” hôm nay, ĐTC. Bênêđictô XVI  cũng thấy cần một cuộc “Tân Phúc âm hóa”, khi ngài nhắn nhủ trong tự sắc Porta Fidei rằng: sứ vụ loan báo Tin Mừng xuất phát từ tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu cho “mọi thời đại”, sứ vụ mà Giáo hội được triệu tập và ủy thác để thi hành, là “một sứ mệnh luôn luôn mới mẻ” (x. PF 7). Việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa[3] và việc mở Năm Đức Tin cũng như triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới bàn về Tân Phúc âm hóa[4] cũng đều nhắm thúc đẩy Tân Phúc âm hóa qua việc:
- củng cố đào sâu đức tin cho các tín hữu, thắp lại đức tin cho các tín hữu đã suy yếu hay mất đức tin: “Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ như Người Kế Vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc nhở về sự cần thiết phải tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu” (PF 2)[5]. Điều này đặc biệt đúng cho những người đã mất niềm tin (x. US).
- truyền thông đức tin với một nhiệt tình mới: “ngày nay cũng cần có một sự dấn thân xác tín hơn nữa của Giáo hội, thực hiện công cuộc Tân Phúc âm hóa để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin” (PF 7);
- tìm ra những “ngôn ngữ” mới (new ways: new means and methods) và “mặt bằng” mới (new Areopagi)[6] cho công cuộc truyền giảng đức tin hôm nay (x. RM 37), chẳng hạn việc chia sẻ đức tin “như một cảm nghiệm sống về tình yêu đã nhận lãnh và như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui” (PF 7), thông truyền đức tin qua việc “tuyên xưng vẻ đẹp của việc theo Chúa Giêsu” tại nơi được kêu gọi làm chứng về cuộc sống Kitô: gia đình, nghề nghiệp, đời sống công khai, đời sống đoàn sủng và sứ vụ (PF 13); trên các phương tiện truyền thông mới[7], trong lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao...  để Tin Mừng được loan báo “mọi nơi và liên lỉ” (ubicumque et semper).
- đào tạo những nhà rao giảng Tin Mừng của thời đại mới, những chứng nhân đầy nhiệt thành, sáng suốt và quảng đại[8].
Tóm lại, trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô, Giáo hội luôn công bố Tin Mừng vĩ đại về tình thương cứu độ của Thiên Chúa vì đã nhận được ân ban Thánh Thần trong ngày lễ Hiện xuống (x. Cv 2,14).  Giáo hội loan truyền cách không mệt mỏi cho thế giới thấy vẻ đẹp của Tin Mừng khi rao giảng về Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Dt 13,8), Đấng đã nhờ cuộc Vượt qua vinh hiển mà hoàn thành lời hứa cứu độ cho muôn dân. Sứ vụ ấy vẫn được Giáo hội tiếp tục và sẽ tiếp tục cho đến ngày tận thế, vì sứ vụ ấy nói lên chính bản tính của Giáo hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thách đố và khủng hoảng hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng là cần một cuộc tân Phúc âm hóa, nhất là tại “những vùng đất Kitô giáo truyền thống mà xem ra hiện tượng tục hóa đã quá rõ ràng” (US, art. 2)[9]. Lời hiệu triệu dành cho Hội đồng Giáo hoàng về Tân phúc âm hóa, có lẽ cũng là lời nhắn nhủ cho chúng ta hôm nay (US, art. 3), đó là cần:
-   đào sâu ý nghĩa thần học và mục vụ của việc Tân Phúc âm hóa;
-   khích lệ và thúc đẩy việc học hỏi và áp dụng các giáo huấn của Tòa Thánh liên quan đến các lãnh vực của việc Tân Phúc âm hóa;
-   thông tri và hỗ trợ các sáng kiến Tân Phúc âm hóa đã đang thực hiện tại các Giáo hội địa phương, thúc đẩy các dự án mới về Tân Phúc âm hóa tại các Dòng tu và Hội đoàn…;
-   học hỏi và khuyến khích việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như là các khí cụ cho công cuộc Tân Phúc âm hóa;
-   cổ vũ việc dùng Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo  như là khuôn mẫu chính yếu và hoàn chỉnh về nội dung đức tin cho dân chúng thời nay.

Tại Việt Nam, công cuộc Tân Phúc âm hóa cần đặt trọng tâm tới việc xây dựng đức tin trưởng thành; gieo ý thức truyền giáo tổ chức tốt các kế hoạch mục vụ và truyền giáo ở cấp gia đình, giáo xứ, giáo phận; đẩy mạnh tinh thần tham gia và đồng trách nhiệm trong sứ vụ; đào tạo những nhà truyền giáo thánh thiện; đặc biệt để ý đến các đối tượng đông đảo tại các đô thị lớn, các vùng di dân, giới trí thức, văn nghệ sĩ, thương gia, chính trị gia…[10]
Ước chi Năm Đức Tin không chỉ là cơ hội củng cố và đào sâu đức tin, nhưng còn là đà tiến mới để chúng ta ý thức và dấn thân hơn cho sứ vụ truyền giáo. Đi đạo mà chỉ giữ đạo là chưa đủ, mà còn phải sống đạo và truyền đạo nữa. Tắt một lời, “đi đạo” là truyền đạo, nếu không thì không còn là “đi” đạo mà là  “giữ chân” đạo mất rồi!
Cùng Mẹ La Vang, chúng ta hãy cùng khẩn cầu Chúa Thánh Thần đến, để hướng tới một Mùa Hiện Xuống mới, một mùa gặt bội thu. Đẹp thay bước chân người sứ giả Tin Mừng!

CÂU HỎI THẢO LUẬN
 
- Bạn có ý thức là mình có bổn phận truyền giáo không?
- Đâu là nguyên nhân khiến việc truyền giáo không có hiệu quả?
 - Phải làm gì để truyền giáo hôm nay?
 
  ---------------------------------------------------------------
 
Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng
Gp Bùi Chu


[1]Công đồng Vaticanô I dùng từ Phúc âm (Evanglium: Tin mừng) chỉ có một lần, trong khi Vaticanô II dùng tới 157 lần, ngoài ra dùng động từ “phúc âm hóa” 18 lần, và dùng danh từ “phúc âm hóa” tới 31 lần.  Tân Phúc âm hóa (Nova Evangelizatio: Tân truyền giảng Tin Mừng) là cụm từ do ĐTC. Gioan Phao lô II dùng lần đầu tiên năm 1979 tại Ba Lan, sau đó trở thành thông dụng khi ngài nói tới “Tân Phúc âm hóa” trong bài diễn văn cho HĐGM Mỹ Latinh (CELAM) nhóm họp tại Port-au-Prince (Haiti) 1983 và các văn kiện khác. X. Ralph Martin and Peter Williamson (eds), John Paul II and The New Evangelization. How You Can Bring the Good News to Others, Ignatius Press, San Francisco1995, tr. 26, 28; G. Đinh Đức Đạo, “Truyền giáo và Tân Phúc âm hóa”, Hiệp Thông, số 73 (11-12/2012), tr. 42-47; Phan Tấn Thành, “Loan báo Tin Mừng, Tái loan báo Tin Mừng, Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ: Những bài học lịch sử”, Hiệp Thông, số 73, tr. 53-61. ĐTC. Bênêđictô XVI xem ra coi “Tân Phúc âm hóa” và “Tái Phúc âm hóa” là một, khi ngài đặt Tân Phúc âm hóa trong bối cảnh có nhiều người đã chối bỏ đức tin. Xin xem Tông thư Tự sắc Ubicumque et Semper.
[2] “Loan báo Tin mừng (Phúc âm hóa) không thể mới về nội dung, vì đó là Tin mừng duy nhất do Chúa Giê su Kitô truyền lại… Nhưng, sứ vụ này cần được đổi mới về lòng nhiệt thành, về phương pháp và cách diễn tả… để có một năng lực mới trong cách thức và có một ngôn ngữ thích hợp với dân chúng thời nay”, x. R. Martin and P. Williamson, sđd, tr. 28.
[3] X. Tông thư dưới dạng Tự sắc Ubicumque et Semper, 21/9/2010, viết tắt US.
[4] X. Tông thư dưới dạng Tự sắc Porta Fidei, 11/10/2011.
[5] ĐTC. Bênêđictô XVI đã diễn tả trong Tông thư dưới dạng tự sắc Ubicumque et Semper, thành lập HĐ GH về Tân Phúc âm hóa rằng: “Trong dòng lịch sử, sứ vụ (loan báo Tin Mừng) đã được thi hành với nhiều hình thức mới và sử dụng nhiều phương kế mới tùy thuộc vào nơi chốn, hoàn cảnh và thời điểm lịch sử khác nhau. Vào thời chúng ta, sứ vụ này đặc biệt chịu thách đố bởi tình trạng chối bỏ đức tin – một hiện tượng ngày càng lan tràn trong các xã hội và các nền văn hóa vốn đã được thấm nhuần Phúc âm từ nhiều thế kỷ. Những đổi thay xã hội mà chúng ta chứng kiến trong những thập kỷ vừa qua đã làm thay đổi sâu xa lối nhìn của chúng ta về thế giới và tạo nên một lịch sử phức tạp. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến nhiều tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, những điều kiện mở rộng liên quan đến đời sống và tự do cá nhân, những thay đổi sâu xa trong lãnh vực kinh tế, sự pha trộn chủng tộc và văn hóa do cuộc đại di cư toàn cầu. Tất cả những điều này không thể nào không ảnh hưởng đến đời sống nhân bản và tôn giáo của con người thời đại”, Bênêđictô XVI, Ubicumque et Semper, 21/9/2010.
[6] Ngày nay người ta nói đến nhiều “mặt bằng” mới, như: toàn cầu hóa, tin học (truyền thông hiện đại), di dân, đô thị lớn bị tục hóa, đối thoại liên tôn, hội nhập văn hóa…
[7] ĐTC. Bênêđictô, Ubicumque et Semper, Art. 3, o4.
[8] X. Đinh Đức Đạo, Sđd, tr. 45-46.
[9] R. Cantalamessa chia lịch sử truyền giáo làm bốn đợt sóng và gọi giai đoạn thứ tư là “thế giới tục hóa”, bị coi là “hậu Kitô giáo”, nơi mà những trào lưu “bài Kitô giáo” đang lan tràn tới mức “dị ứng với sứ điệp Tin Mừng, do ảnh hưởng của não trạng duy khoa học, tục hóa và duy lý”. X. Phan Tấn Thành, Sđd, tr. 61-66.
[10] X. Đinh Đức Đạo, Sđd, tr. 41-50.

No comments:

Post a Comment