Saturday, August 17, 2013

Qua Mẹ đến với Chúa, chứ không phải như: 'Nhà con theo đạo Mẹ'.



Lời nói đầu: Đây là bài suy niệm Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội, Năm C đã được giảng cho Cộng Đồng Công Giáo Miền Trung Đông Hoa Kì. Để phổ biến rộng rãi hơn, tác giả cho chuyển bài này vào bài viết của tác giả trang chủ.
Trong đời sống giao tế hằng ngày, khi muốn nhờ cậy người khác việc gì, mà người ta cảm thấy khó đến với ông lớn, thì người ta tìm đến với bà lớn làm trung gian. Dùng từ ngữ bình dân, gọi là qua cửa hậu hay cửa nhà bếp, thay vì qua cửa trước để vào phòng khách. Nhà bếp thường là nơi ấm cúng vì có lửa. Nhà bếp còn là đất dụng võ của các bà, nên thường có đồ ăn thức uống và cũng là nơi các bà dễ ăn vụng. Nhà bếp còn mang tính chất xề xoà. Người ta cảm thấy thoải mái khi ngồi trên ghế mộc mạc ở nhà bếp, nhấm nháp li rượu mùi, tách cà phê hay trà nóng thay vì ngồi trường kỉ, sa lông ở phòng khách, để khỏi phải giữ kẽ. Sở dĩ người ta thích vào cửa hậu hay cửa nhà bếp như vậy có lẽ là vì người ta muốn nhắm vào tác dụng đa cảm của người đàn bà vì đàn bà dễ thông cảm.

Trong đời sống thiêng liêng, sự việc cũng có thể diễn ra tương tự như vậy. Khi người ta cảm thấy khó đến thẳng với Chúa, thì người ta tìm đến với Mẹ Maria để xin Mẹ bầu cử cho trước toà Chúa. Như vậy có thể nói được là người ta xin Chúa cách gián tiếp qua Mẹ. Qua Mẹ, tức là người ta muốn vào cửa hậu, hay cửa nhà bếp để đến với Chúa. Nếu việc xin với Mẹ được tạm gọi một cách bình dân là qua cửa hậu, thì việc xin với các thánh có thể cũng được tạm gọi là cầu xin qua cửa sổ. Chẳng hạn dòm qua cửa sổ để kêu cầu ông thánh nọ, bà thánh kia một cách thân tình như: Ông thánh Antôn hay làm phép lạ ơ-ới, xin giúp con việc này với-ì..

Trước khi thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa Cha cũng đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến hỏi ý kiến trinh nữ Maria trước về việc làm mẹ Ðấng cứu thế: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu (Lk 1:30). Để chọn một người nữ làm mẹ Đấng Cứu thế, người nữ đó phải được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ. Còn khi trinh nữ Maria thắc mắc về việc sinh con, thiên thần liền trấn an trinh nữ rằng: con trẻ được sinh ra là do quyền phép Chúa Thánh Thần, nghĩa là con trẻ cũng không bị mắc tội nguyên tổ.

Xét theo bản tính Thiên Chúa, thì Ngôi Hai Thiên Chúa hằng có từ đời đời. Còn xét theo phương diện loài người thì Chúa cũng cần được lớn lên trong khung cảnh gia đình: có mẹ, có cha nuôi để được nuôi dưỡng săn sóc. Quan sát một gia đình vắng bóng người đàn bà dịu hiền và đạo hạnh, người ta thấy thiếu vắng yếu tố xoa dịu. Tại tiệc cưới Cana mà không có Mẹ can thiệp để Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu thì quả là điều bẽ mặt cho chàng rể và chủ tiệc cưới (Ga 2:1-11).

Nhiều người gặp nguy hiểm trên đường vượt biên, hay gặp bệnh tật hiểm nghèo đã kêu cầu với Ðức Mẹ, xin Mẹ giúp thoát nạn và cho được khỏi bệnh. Trong thâm tâm, họ tin rằng Mẹ có thể bầu cử cho họ trước mặt Chúa. Nhiều người tin rằng họ đã được toại nguyện, kể cả những người ngoài công giáo.

Nhờ Mẹ đem đến với Chúa là điều cần làm xét về phương diện tâm lí học, thần học và Thánh kinh học nên không có gì sai trái. Tuy nhiên người ta có thể đi đến độ thái quá. Ðộ thái quá đó được diễn tả qua lời phát biểu của một bà nọ, nói với một linh mục kia, được trích nguyên văn như sau: Con theo đạo Chúa, nhà con theo đạo Mẹ. Hỏi ra mới biết là bà ta theo đạo Tin Lành, còn ông xã nhà bà theo đạo Công Giáo. Bà này bắt chước chồng, nên xưng hô cha-con ngọt xớt với những linh mục quen biết.

Thực ra đối với người công giáo hiểu biết và trưởng thành về đời sống đức tin, thì không có chuyện theo đạo Mẹ mà không theo đạo Chúa. Tuy nhiên khi việc tôn kính Mẹ đi đến mức thái quá, có thể khiến người ngoài công giáo hiểu lầm, cho rằng người công giáo tôn thờ Mẹ. Sự thực thì người công giáo chỉ tôn thờ một Chúa, chứ không tôn thờ Mẹ (GLGHCG # 971). Người công giáo chỉ dành cho Mẹ Maria lòng tôn kính hay tôn sùng đặc biệt, chứ không tôn thờ hay thờ phượng Mẹ vì Mẹ cũng chỉ là một thụ tạo. Còn việc tôn thờ hay thờ phượng chỉ dành cho Ðấng sáng tạo là Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

Thiên Chúa có thể ban quyền phép cho loài thụ tạo làm phép lạ như cho phép một thụ tạo có nhân đức và công nghiệp đã quá cố hiện ra để an ủi, khích lệ và ban ơn. Tuy nhiên không phải hễ ai nói là có phép lạ xẩy ra đâu đó, thì người công giáo cứ vội tin. Người công giáo nên đợi tới khi Giáo hội điều tra và phán quyết về tính cách thực hư của phép lạ, xét xem người cho rằng họ chứng kiến phép lạ xẩy ra, có cần đi bác sĩ phân tâm học không, hoặc có quân sư quạt mo nào đứng sau lưng với ý đồ gì đó trong việc quảng bá có phép lạ xẩy ra không? Ðã có những trường hợp xẩy ra khi một chị kia tại Quê hương quá giầu tưởng tượng nói rằng Ðức Mẹ hiện ra với chị và truyền cho chị nói với một linh mục nọ yêu cầu quảng bá sứ điệp của Mẹ. Chị ta nói Ðức Mẹ gọi linh mục đó là: Gioan B., con hỡi. Nghe đồn khi linh mục đó nghe kể lại rằng Đức Mẹ gọi đích danh mình bằng tên thì cũng thích. Sau khi Giáo hội phán quyết ngược lại với điều họ tin là có phép lạ, mà nếu có những người vẫn đến kính viếng nơi được cho rằng có phép lạ, thì đó là việc đạo đức riêng tư của họ. Giáo hội không ngăn cản việc tin tưởng và việc đạo đức riêng tư, nếu việc đó giúp cho đương sự tiếp tục hoán cải tâm hồn và canh tân đời sống nội tâm.

Bàn về việc xin ơn gián tiếp, thì một số người công giáo cũng cần xét lại việc tôn sùng Mẹ. Họ sẵn sàng dâng cúng một số tiền lớn để xây tượng đài Ðức Mẹ, mà không bao giờ dâng cúng để làm việc tông đồ hay việc từ thiện, bác ái. Rồi để được gọi là mến Mẹ, người ta phải sống theo sứ điệp của Mẹ dạy như ở Fatima là cải thiện đời sống, chứ không phải chỉ lần chuỗi mân côi và tôn sùng mẫu tâm Mẹ mà thôi.

Cổ võ lòng kính mến Mẹ Maria không có nghĩa là suốt đời người công giáo phải qua Mẹ mà đến với Chúa cách gián tiếp. Người công giáo phải tìm cách thế để làm tăng triển mối liên hệ cá biệt và gần gũi với Chúa để có thể đến với Chúa cách trực tiếp.

Qua Mẹ hay nhờ Mẹ đến với Chúa, nhưng không dừng lại với Mẹ mãi, mà phải tìm cách thiết lập mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa. Có được mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa, thì người ta sẽ để cho Chúa Thánh linh tác động tâm hồn, hướng dẫn và làm chủ đời sống. Khi để cho Chúa Thánh linh tác động tâm hồn, hướng dẫn và làm chủ đời sống, thì người ta mới cảm thấy vui sống đức tin, làm việc thờ phượng mới hứng khởi, và làm việc đạo đức mới có hồn. Thiết lập được mối liên hệ gần gũi, thân mật và cá biệt với Chúa rồi, không có nghĩa là bỏ quên Mẹ. Nếu quên Mẹ thì lại mất đi sự may mắn được có Mẹ trong đời sống đạo đức thiêng liêng như mấy mục sư Tin lành nói với một linh mục Công giáo. Đến được với Chúa cách trực tiếp rồi, cũng không có nghĩa là người công giáo phải cắt bỏ việc đến với Mẹ. Nói cách khác, đến thẳng được với Chúa, không có nghĩa là đi theo đạo Tin Lành. Đến thẳng được với Chúa, người Công giáo vẫn cần đến với Mẹ.

Hình ảnh người phụ nữ dịu hiền và đạo hạnh trong đời sống người công giáo có thể giúp làm giàu đời sống thiêng liêng. Nói theo phương diện tâm lí học, thì những người đàn ông cứng tuớng, mà liên tưởng đến bóng dáng người thục nữ lí tưởng, dịu hiền và đạo hạnh với một cảm tình trong sáng, có thể giúp lấy lại được mức độ quân bình về đời sống tình cảm và giúp họ trở nên nhậy cảm hơn.

Có được người Mẹ thiêng liêng trong đời sống đức tin của người công giáo là một yếu tố xoa dịu như mấy mục sư Tin lành nói với vài linh mục Công giáo, đại khái thế này: Người Công giáo được may mắn vì có hình ảnh người Mẹ dịu hiền và đạo hạnh trong đời sống thiêng liêng.

Xét cho cùng thì lời nhận xét của mấy mục sư Tin lành kia có lí. Ðối với người công giáo, đời sống đức tin vừa dựa trên lí trí, vừa dựa trên tình cảm. Nếu đức tin chỉ dựa trên lí trí mà thôi, thì đời sống đức tin sẽ trở nên trừu tượng, lạnh lùng, khô khan và cằn cỗi. Ðời sống đức tin dựa trên tình cảm được biểu lộ qua việc tôn thờ Mình thánh Chúa trong giờ chầu Thánh thể, gẫm đàng thánh giá; việc cầu nguyện tạ ơn và xin ơn qua các á bí tích như phép lành phục vụ cộng đoàn, phép lành trên người, phép lành trên nơi chốn, phép lành trên sự vật; những việc tôn sùng Mẹ Maria và các thánh như hôn kính ảnh tượng và những cách thế người công giáo bầy tỏ đức tin như qùi gối, chắp tay, cúi đầu, làm dấu thánh giá.. Ðó là những biểu hiệu để giúp người tín hữu duy trì đức tin vì loài người có xác và hồn nên cần biểu hiệu.

Như vậy đời sống đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa, bằng lời bầu cửa của Mẹ Maria và các thánh, bằng việc người tín hữu cầu nguyện và nâng đỡ đức tin của người khác. Có bao giờ vào nhà thờ công giáo mà người ta cảm thấy ấm cúng hơn không? Tại sao vậy nhỉ? Thưa là vì có sự hiện diện của Bí tích Thánh thể và những biểu hiệu của sự hiện diện của Mẹ Maria và các thánh bao bọc, ấp ủ và che chở mình với những đèn nến lung linh và hoa lá trang hoàng làm cho bầu khí sống động.

Lời cầu nguyện: xin Mẹ dẫn đến với Chúa:

Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyện tội.
Ðể an ủi và ban sứ điệp cho con cái loài người,
Mẹ đã hiện ra ở Lộ Ðức, Fatima, La Vang, Guađalúppê
và nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Mẹ đã nhậm lời cầu xin của bao nhiêu con cái Mẹ
và ban cho họ những ơn họ nài xin.
Xin Mẹ cũng là Mẹ con và đồng hành với con,
trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.


Lm Trần Bình Trọng

No comments:

Post a Comment