Wednesday, November 1, 2017

Phụng vụ dành ngày 2 tháng 11 để kính các linh hồn. Nguồn gốc lễ này bắt đầu từ đâu? Nó có giống với lễ Vu lan trong Phật giáo không? 

Như chị đã biết, lễ Vu lan được cử hành vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, còn gọi là Tết Trung nguyên. Có lẽ lễ này không bắt nguồn từ Phật giáo, nhưng từ phong tục dân gian. Dù sao, trọng tâm của niềm tin ngày rằm tháng bảy âm lịch là “xá tội vong nhân”: vào ngày này, các tội nhân dưới âm phủ được giải thoát. Thân nhân những người mới qua đời tổ chức lễ cầu siêu. Nguồn gốc của lễ các linh hồn bên Công giáo thì khác, với nhiều giai đoạn tiến triển khác nhau. Ta có thể lấy một mốc điểm lịch sử là ngày 2 tháng 11 năm 998, để từ đó theo dõi sự tiến triển khi đi ngược hay đi xuôi. 

Thursday, September 21, 2017

Tại Sao Lại Gọi Là "Dòng Ba"?

Tại Việt Nam, có nhiều hội viên Dòng Ba Đaminh, Dòng Ba Phanxicô, Dòng Ba Carmêlô. Tại sao gọi là Dòng Ba?


Từ “Dòng Ba” giả thiết “Dòng Nhì” và “Dòng Nhất”. Cho đến thời gian gần đây, người ta cho rằng từ này xuất hiện thời Trung cổ, cách riêng với Thánh Phanxicô Assisi. Ngày nay, các sử gia cho rằng nó đã được sử dụng ít là ba thế kỷ trước Thánh Phanxicô. Thiết tưởng nên lưu ý về danh từ Ordo trong tiếng La-tinh (tương đương với Ordre tiếng Pháp, Order tiếng Anh). Ordo tự nó không phải là một Dòng Tu, nhưng chỉ có nghĩa là một đoàn ngũ, chẳng hạn như ngày nay bên Pháp, từ Ordre vẫn còn dùng cho đoàn ngũ các y sĩ, luật sư, ký giả. Trong Giáo hội thời cổ, chúng ta thấy bên cạnh đoàn ngũ các giám mục, linh mục, trợ tá (ordo episcoporum, presbyterorum, diaconorum), còn có đoàn ngũ các trinh nữ (ordo virginum), đoàn ngũ các góa phụ (ordo viduarum). Sang thời Trung cổ, từ thế kỷ X, người ta thấy vài tác phẩm nói đến ba hàng ngũ (đẳng trật) trong Giáo hội, đó là: hàng giáo sĩ, hàng đan sĩ, và hàng giáo dân. Các giáo dân được xếp vào hàng ngũ thứ ba, tertius ordo, sau các giáo sĩ và các tu sĩ. Với Thánh Phanxicô Assisi, người ta sử dụng một lối phân hạng khác: dòng nhất là các nam tu sĩ, dòng nhì là các nữ tu Clara, Dòng Ba là các giáo dân sống ngoài đời. Từ đó, Dòng Ba được hiểu là các giáo dân sống ngoài đời, nhưng muốn nên trọn lành qua việc khấn hứa giữ một bản tu luật.

Như vậy là Thánh Phanxicô là người đầu tiên lập ra Dòng Ba phải không?
Trước đây (nghĩa là cho đến giữa thế kỷ XX), câu trả lời là: đúng thế! Nhưng kể từ thập niên 60 của thế kỷ vừa rồi, những cuộc nghiên cứu lịch sử Dòng Tu thời Trung cổ đã lật ngược câu trả lời. Vì thế ngày nay, các sách lịch sử về các Dòng Ba phải được viết lại. Thực ra, ngay từ thế kỷ VIII, đã có nhiều giáo dân muốn chia sẻ nếp sống tu trì của các đan sĩ Biển đức dưới nhiều dạng thức (tựa như các bõ ngãi hay các cư sĩ ở Việt Nam). Họ xin đến trọ tại các đan viện, tình nguyện làm công không lấy lương, và bù lại họ muốn được tham gia vào sinh hoạt phụng vụ của nhà dòng. Đôi khi họ cũng mặc áo dòng như các đan sĩ, nhưng họ không tuyên khấn. Đó là hình thức oblati, donati, conversi. Nhưng sang đến thế kỷ XII-XIII, chúng ta lại chứng kiến một hiện tượng khác, đó là: nhiều phong trào gíao dân nổi lên, yêu cầu cải cách Giáo hội, bằng việc trở về với nếp sống khó nghèo của Phúc âm.

Tuy rằng một số phong trào đó đã ly khai khỏi Giáo hội, nhưng đa số không dừng lại ở chỗ kêu gào cải cách bằng miệng nhưng còn thực hành lý tưởng bằng đời sống bản thân. Họ mang danh là đoàn ngũ các hối nhân (Ordo penitentium). Đến khi Dòng Thánh Đaminh và Dòng Thánh Phanxicô xuất hiện thì họ đến nhờ các tu sĩ hướng dẫn. Dĩ nhiên là họ cũng chia sẻ lý tưởng Phúc âm mà hai thánh tổ phụ đề ra, và thậm chí còn xin mặc tu phục của hai dòng đó. Từ đó, hàng ngũ hối nhân (Ordo penitentium) chia thành hai ngành, ngành xám (màu áo Dòng Thánh Phanxicô) và ngành đen (màu áo choàng của Dòng Thánh Đaminh). Lần lượt các bản luật cũng được soạn ra: luật ngành xám được Toà thánh châu phê từ năm 1289; còn luật ngành đen thì được cha Munio de Zamora soạn từ năm 1285, nhưng mãi tới năm 1405 mới được Toà thánh châu phê. Lần lượt Toà thánh cũng châu phê bản luật của các Dòng khác soạn cho các giáo dân muốn chia sẻ tinh thần của mình, chẳng hạn như: dòng Âutinh (1399 cho nữ giới và 1470 cho nam giới), Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (1424), dòng Carmêlô (năm 1476), vv. Nên biết là Dòng Thánh Phanxicô đã sớm gọi hàng ngũ hối nhân của mình là “Dòng Ba Phanxicô” (như nhận thấy qua một văn kiện năm 1292), chứ các dòng khác thì mãi mấy thế kỷ sau mới du nhập từ ngữ Dòng Ba.
 
Các hội viên Dòng Ba có mặc áo dòng như các tu sĩ không?
Như vừa nói trên đây, từ thế kỷ XIII, các hối nhân đã phân thành hai nhánh - xám và đen - dựa theo màu áo choàng. Nói chung, vào lúc đầu các hội viên Dòng Ba cũng xin được mặc áo dòng như các tu sĩ. Nhưng dần dần, vì sự tiến triển y phục bên châu Âu cũng như vì công tác lao động, cho nên các hội viên Dòng Ba không mặc toàn bộ áo dòng như các tu sĩ (trừ khi tham dự các buổi rước kiệu và lúc tẩm liệm trong quan tài), nhưng chỉ mặc một áo cộc, làm biểu hiệu.
 
Các hội viên Dòng Ba có phải tuân giữ những nghĩa vụ nào không?
Dĩ nhiên các tín hữu xin gia nhập Dòng Ba không phải để lãnh áo dòng làm kiểng. Như đã nói trên đây, nguồn gốc của các Dòng Ba là phong trào các hối nhân: họ chủ trương nếp sống khắc khổ, trở về với những yêu sách của Tin mừng. Trên thực tế, đã có nhiều sự thay đổi về kỷ luật các hội viên Dòng Ba từ thế kỷ XIII cho đến nay. Vào lúc đầu, các hội viên cũng tuyên khấn tuân giữ vài nghĩa vụ mà bản Kỷ luật đặt ra, chẳng hạn như việc cầu nguyện (nguyện kinh nhật khóa), thực hành khổ chế (trong đó có việc kiêng thịt suốt đời, khước từ tham dự các buổi lễ hội giải trí dân gian), và đôi khi lời hứa giữ khiết tịnh (ai chưa lập gia đình thì phải giữ độc thân, còn người đã có gia đình thì không được tái hôn).
 
Như vậy, các hội viên cũng phải tuyên khấn như các tu sĩ hay sao?
Bản luật của Dòng Ba Đaminh soạn năm 1285 đã dự trù một thời kỳ tập luyện là 1 năm, và sau đó hội viên tuyên khấn. Tuy nhiên, bản chất pháp lý của lời khấn Dòng Ba không được coi như tương đương với lời khấn của các tu sĩ. Điều này càng rõ rệt hơn khi mà trong số các hội viên Dòng Ba, một vài người đã họp nhau thành cộng đoàn, tuân giữ một bản luật khác với bản luật dành cho các giáo dân. Người ta gọi họ là “Dòng Ba tu trì” (tertiarii regulares), đối lại với “Dòng Ba đời” (tertiarii seculares). Các hội viên Dòng Ba tu trì - đa số là nữ giới - sống thành cộng đoàn, giữ ba lời khấn dòng; họ chỉ khác với các đan nữ dòng nhì ở chỗ là họ không ở trong nội vi, nhưng tham gia các công tác tông đồ và bác ái. Đó là nguồn gốc của các dòng nữ tu hoạt động tông đồ vào thời nay.
Từ khi các cộng đoàn Dòng Ba tu trì lớn mạnh, cách riêng từ thế kỷ XV, thì vai trò của các hội viên Dòng Ba “đời” bị giảm. Nhiệt tình của phong trào “hối nhân” giảm sút. Vì thế, các nghĩa vụ của họ cũng được giảm nhẹ. Tính cách pháp lý của lời khấn hứa của họ không đáng kể. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, các Dòng Ba đời mới được phục hồi, nhưng thường được đồng hóa với các hội đoàn đạo đức cầu nguyện, nhưng không tác dụng vào đời sống Giáo hội cách mạnh mẽ như hồi thế kỷ XIII-XIV nữa. Dĩ nhiên, đó là nói các đường hướng chung, chứ khi đi vào lịch sử của mỗi Dòng Ba thì có nhiều đặc trưng khác nữa.
 
Hiện nay có bao nhiêu thứ Dòng Ba?
Sự phân biệt giữa Dòng Ba “tu trì” với Dòng Ba “đời” coi như không còn nữa. Các Dòng Ba tu trì trở thành các Dòng Tu như bao nhiêu Dòng Tu khác, chẳng hạn như các Dòng nữ tu Đaminh, Phanxicô, Cát minh, vv. Còn các Dòng Ba “đời” thì dần dần cũng đổi tên: thay vì gọi Dòng Ba Đaminh đời, thì người ta gọi là “huynh đoàn giáo dân Đaminh”; một cách tương tự như vậy, “Dòng Ba Phanxicô đời” được đổi thành “Dòng Thánh Phanxicô tại thế” (bỏ tính từ “thứ ba” để khỏi gây mặc cảm).

Dưới một khía cạnh khác, có thể nói được là có nhiều thứ Dòng Ba dựa theo các linh đạo khác nhau. Về điểm này ta thấy có sự khác biệt khá lớn giữa bộ giáo luật 1917 và bộ giáo luật 1983. Trong bộ giáo luật 1917, chỉ có các Dòng sau đây được phép nhận hội viên Dòng Ba: Phanxicô, Đaminh, Augustin, Carmêlô, Tôi tớ Đức Mẹ, Chúa Ba ngôi, Prémontrés, Minimi, Đức bà chuộc kẻ làm tôi, Biển đức. Như vậy, con số khá hạn hẹp, và chỉ giới hạn vào vài Dòng cổ điển. Ngược lại, Bộ giáo luật hiện hành không còn đặt giới hạn như vậy. Điều 303 của bộ giáo luật 1983 cho phép tất cả các Dòng Tu (dù cổ hay tân, dù là nam hay nữ) cũng đều có quyền kết nạp các giáo dân muốn tham gia vào linh đạo của mình. Đó là nói trên nguyên tắc. Cần phải chờ một thời gian nữa thì mới biết được điều luật này được áp dụng như thế nào.

Mặt khác, cũng nên biết rằng nhiều Dòng Tu, điển hình là Dòng Tên, tuy vốn không có Dòng Ba, nhưng vẫn điều khiển nhiều phong trào đạo đức gíao dân (thí dụ như trước đây gọi là Hiệp hội thánh mẫu, Hội tông đồ cầu nguyện, Phong trào Linh thao, vv). Sau cùng, để kết thúc bài hôm nay, cần thêm một nhận xét khác không kém phần quan trọng. Trong quá khứ, các phần tử Dòng Ba tìm đến các Dòng Tu để tìm con đường nên thánh, và con đường nên thánh được diễn tả qua việc hãm mình cầu nguyện.

Từ sau công đồng Vaticanô II, với cái nhìn mới về sứ mạng của các tín hữu giáo dân, đường nên thánh của các giáo dân không thể chỉ giới hạn vào việc hãm mình đền tội, đọc kinh cầu nguyện mà thôi, nhưng còn phải tìm cách đem men Phúc âm vào các môi trường sinh sống: từ gia đình, nghề nghiệp, cho tới các cơ chế kinh tế, chính trị. Hậu nhiên, Giáo hội mong đợi nơi các phần tử Dòng Ba không phải chỉ là những chuyên viên đọc kinh cầu nguyện, nhưng còn là những cộng sự viên của hàng giáo phẩm trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ (chẳng hạn: dạy giáo lý, thăm viếng người bệnh tật), các công tác bác ái xã hội, cũng như là những chứng tá tin mừng trong các môi trường giáo dục, lao động, chính trị. Tại Italia, người ta đang tiến hành thủ tục phong thánh cho ông Giorgio La Pira, một hội viên Dòng Ba Đaminh, nguyên thị trưởng thành phố Firenze (1904-1977). Giữa thời chiến tranh nóng bỏng tại Việt Nam, ông đã đưa ra chủ trương đàm phán. Nếu tôi không lầm, thì ông là chính khách đầu tiên của khối Tây phương đi gặp chủ tịch Hồ chí Minh tại Hà nội, vào tháng 8 năm 1965, để tìm cách bắt nhịp cầu.
-----------------------------
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Học Viện Đa Minh




Saturday, July 22, 2017

Giải Đáp và Hướng Dẫn:

THUYẾT TIẾN HÓA

Xin cho biết Giáo Hội giải thích như thế nào về học thuyết tiến hóa của dacquyn (Charles Darwin)
LH
==========================
Đáp: “Thuyết tiến hóa” là một giả thuyết, hay đúng hơn, nhiều giả thuyết, nhiều lối giải thích khác nhau về sự hiện hữu của các hữu thể - vật chất và con người. Darwin đã đưa ra một giả thuyết về sự tiến hóa của sinh vật – Một giả thuyết cho rằng mọi chủng loại hữu cơ xuất hiện và phát triển qua sự “Biến Thiên Ngẫu Hữu” (=Chance Variation) và Sự “Chọn Lọc Tự Nhiên “ (= Natural Selection) khiến gia tăng khả năng của cá thể để tranh sống, tồn tại, và truyền sinh. Thuyết này được nhiều người khai triển và biến thái áp dụng trong nhiều lãnh vực, dù còn gặp nhiều những vấn nạn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Hiểu Sống Đức Tin: 

Hôn Thú Của Thánh Giuse Là Thật Hay Giả?

Giáo Hội khuyến khích chiêm ngắm gia đình Nazareth như là khuôn mẫu cho các gia đình. Chắc chắn là không ai dám nghi ngờ sự thánh thiện của Thánh Giuse, Đức Maria và Đức Giêsu. Nhưng đó có phải là một gia đình thực sự không? Hôn thú giữa Thánh Giuse với Đức Maria có phải là hôn thú thực sự hay chỉ là hình thức che đậy bên ngoài, xét vì cả hai đều giữ mình trinh khiết?

Saturday, July 1, 2017

Giải đáp Phụng Vụ

Ghi khắc lưu niệm tên nhà hảo tâm trên vật dụng phụng vụ được không?

Hỏi: Một thành viên của hiệp hội chúng con đã tặng cho hội một ngọn cờ với hình Chúa Kitô chiến thắng sống lại từ ngôi mộ. Bà này thích có lời đề tặng hay tưởng niệm người chồng quá cố của bà trên ngọn cờ ấy. Thưa cha, điều này là thích hợp không? - G. A., West Vancouver, British Columbia
-----------------------------
Đáp: Trong khi hầu như không có qui định chính thức nào về lời đề tặng ghi trên các vật dụng phụng vụ và vật trang trí nhà thờ, có một truyền thống lâu đời và việc thực hiện như thế theo một cảm thức chung.

Có một tập tục lâu đời là ghi lời đề tặng trên các vật dụng phụng vụ như chén thánh và đĩa thánh. Một trong các thí dụ xưa nhất còn tồn tại là một chén thánh gọi là chén thánh Tassilo, vốn đã được trao tặng cho đan viện Biển Đức ở Kremsmünster năm 777, bởi công tước Tassilo miền Bavaria và phu nhân Luitpirga. Một thí dụ khác là chén thánh Bedia trong thế kỷ X được trao tặng bởi hoàng hậu xứ Georgia. Lời khắc, viết bằng chữ Georgia cổ, là: “Lạy Mẹ rất Thánh của Chúa, xin mẹ cầu cùng Con Mẹ dủ lòng thương xót với Bagrat, Vua xứ Abkhazia, và thân mẫu ngài là Hoàng thái hậu Gurandukht, người đã dâng tặng chén thánh này. Amen".

Dòng chữ như thế, trừ các chức danh hoàng gia, là khá điển hình cho lời đề tặng trong nhiều thế kỷ, và nêu rõ tên của các người hiến tặng và xin cầu nguyện.

Các vật trang trí nhà thờ, vốn có ghi lời đề tặng, là các cửa sổ kính màu và ghế ngồi trong nhà thờ. Thường các vật này có một tấm bảng bằng đồng thau hoặc một vật liệu bền chắc ghi các câu, chẳng hạn "Để tôn vinh Thiên Chúa và tưởng nhớ N., do con cái người này trao tặng”. Các câu khác thường là đơn giản hơn, chỉ xin cầu nguyện cho một người hoặc một gia đình, và tên người hiến tặng. Các người hảo tâm khác chỉ ghi đơn giản: “Xin cầu nguyện cho nhà tài trợ", phó thác sự nghỉ yên trong Chúa. Thỉnh thoảng có lời ghi phức tạp hơn, nhưng tập tục Công Giáo Rôma có xu hướng ngắn gọn trong loại hình lưu niệm này.

Trên cửa sổ kính màu, lời lưu niệm thường nằm ở một phần kín đáo của khung cửa sổ, vốn không làm mất tập trung vào sứ điệp tôn giáo của nhân vật hoặc cảnh trí miêu tả.

Lời lưu niệm đặt trên các vật làm bằng vải thì ít phổ biến hơn, có lẽ vì ý tưởng đằng sau lời lưu niệm như vậy là rằng vật lưu niệm phải bền bỉ với thời gian, trong khi các vật bằng vải, dù là vải tốt đến mấy chăng nữa, có xu hướng hư nhanh hơn do sử dụng nhiều. Nói như thế không có nghĩa là không có vật lưu niệm bằng vải. Thí dụ tu viện Anh giáo Westminster, London, có một số ngọn cờ rước kiệu được làm thật công phu, vốn có lời đề tặng kỷ niệm và đã tồn tại hơn một thế kỷ. Tôi chắc rằng có, nhưng tôi không nắm rõ, các thí dụ về các ngọn cờ rước kiệu Công Giáo được hiến tặng tương tự như vậy.

Do đó, để kết luận, trong khi vật lưu niệm bằng vải là không mấy phổ biến, tôi không tin rằng có bất cứ điều gì không phù hợp, khi ghi lời lưu niệm kín đáo trên ngọn cờ, nếu người hiến tặng muốn làm như vậy. (Zenit.org 8-9-2015)
===============
Nguyễn Trọng Đa
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

"TẪN" LIỆM HAY "TẨM" LIỆM

Trong một dịp tĩnh tâm năm của linh mục, thấy một cha có cuốn nghi thức an táng, trong đó có đề cập đến việc “tẩm liệm”, tôi nói: “Tẫn liệm mới đúng, sao lại là tẩm liệm”. Cha ấy nói: “Dùng quen rồi không sửa lại nữa”. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, chữ dùng sai không chịu sửa, chỉ vì dùng quen. 

Thursday, April 13, 2017

VÌ SAO BÚT CHÌ CÓ CỤC TẨY ?
Câu trả lời thật rõ ràng: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó!
Khi một đứa trẻ mới vào lớp một, cô giáo không cho chúng viết bằng bút bi mà viết bằng bút chì. Bởi vì, bàn tay yếu ớt của các bé nhất định sẽ có lúc viết những nét nguệch ngoặc, sai từ này đến từ khác. Và khi đó, bé sẽ dùng tẩy để xóa đi những chữ viết chưa đúng, chưa đẹp của mình.

Saturday, April 8, 2017

CHÚA CHỌN GALILÊ
1.  Địa lý miền đất Palestina
Địa dư đất nước Palestina có ranh giới: Đông giáp sa mạc Syria và Ảrập, Tây giáp Địa Trung Hải, Bắc giới hạn từ thung lũng núi Liban chạy đến núi Hermon, Nam giáp ranh Iđumê, miền đất hoang vu Bersabê và Biển Chết.
Cựu Ước thường dùng kiểu nói “từ Đan đến Bersabê” để chỉ miền đất Do Thái cư ngụ. Chiều dài từ chân núi Liban tới Bersabê là 230km; chiều rộng từ Địa Trung Hải đến sông Giođan là 37-150km. Diện tích phía tây Giođan là 15.643 km2, phía Đông (Transjordanie) là 9482 km2. Tổng cộng là 25.124km2.
Palestina thời Chúa Giêsu chia làm bốn miền: Galilêa có thành Capharnaum, Nazareth. Samaria nằm giữa xứ Palestina với những con đường nối liền Nam-Bắc. Giuđêa là miền núi có thủ đô Giêrusalem và Pêrêa bên kia sông Giođan. Phía Bắc là miền Decapolis nơi dân cư phần nhiều thuộc văn hóa Hy Lạp.
Palestina có địa lý đặc biệt: Thung lũng Giođan chia Palestina làm hai miền: Palestina và Transjordanie. Thung lũng này là hiện tượng địa lý duy nhất trên địa cầu: bắt đầu từ núi Taurus, ngang qua Celesyria, đến Palestina, rồi tiếp tục theo phía Đông bán đảo Sinai tới Biển Đỏ. Phía Bắc (thành Đan) cao hơn Địa trung hải 550m; càng về phía Nam càng thấp xuống. Tiberiade thấp hơn Địa Trung Hải 208m; tới Biển Chết mực nước thấp hơn 392m. Sông Giođan phát nguồn từ núi Hermon, chạy qua hồ El-Hule (dài 6.000m, sâu từ 3-5m), rồi qua hồ Tiberiade, đổ vào Biển Chết.
Hồ Tibêriađê (gọi là Giênêzarét) dài 21km, rộng 12 km, sâu 45m, nước trong xanh và nhiều cá. Biển Chết dài 85km, rộng 16km, nước biển độ mặn quá cao nên không vật nào có thể sống được.
Miền duyên hải từ núi Libanô đến núi Camêlô, rộng từ 2-6km. Từ núi Camêlô đến Gaza phía Nam, bờ biển rộng đều và thẳng với các hải cảng Akko, Haifa và Jaffa (Joppé). Giữa Haifa và Jaffa, vua Hêrôđê xây thêm hải cảng Cêsarêa. Từ núi Camêlô đến Jaffa là bình nguyên Sharon phì nhiêu. Từ Jaffa xuống phía nam là bình nguyên Sêphêla thuộc xứ Pelistin (danh xưng Palestina xuất phát từ chữ này).
Bình nguyên Esdrelon từ phía Bắc núi Camêlô chạy theo hướng Đông Nam, chia phần đất phía Tây sông Giođan làm hai phần: Galilê phía Bắc, Samaria và Giuđêa phía Nam. Miền Galilê: phía Bắc nhiều núi, Nam là bình nguyên Esdrelon, miền duyên hải là đồng bằng, giữa là đối núi thấp dần về phía sông Giođan.
Bên kia sông Giođan (Transjordanie) là miền đồi núi, chia làm 3 phần: Trachonitide thuộc Đông-Bắc hồ Tiberiade. Miền Thập tỉnh phía Đông-Nam hồ. Pêrêa thuộc phía Đông sông Giođan và Biển Chết, đối diện với Samaria và Giuđêa.
Image associéeNgười Do Thái không chiếm cứ hoàn toàn miền bên kia sông Giođan. Trước thời kỳ Hy hóa, đã xuất hiện tại mạn Bắc nhiều bộ lạc Aram. Thời Hy hóa, từ sau cuộc chinh phục của Alexandre đại đế, nhiều người Hy Lạp đến đây cư ngụ. Thời Đức Giêsu, họ lập thành miền Thập Tỉnh, có khoảng 10 thành liên minh với nhau. Các thành nổi tiếng hơn cả là Đamascô, Hippos, Gadara, Gerasa, Pella, Philadelphia.
Thủ đô Giêrusalem là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái. Hàng năm, khắp mọi miền đất nước người ta đổ về Giêrusalem để dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo, có dinh của Thầy Cả Thượng Phẩm, có các Luật Sĩ, Pharisêu, văn nhân. Dân chúng ở Giuđê coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người Samari là dân ngoại vì dân Samari xây cất đền thờ trên núi Garizim. Dân Giuđê không bao giờ đi lại tiếp xúc với dân Samari. Họ cũng khinh miệt dân Galilê vì đó là nơi pha tạp mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.
Giuđê là vùng có đạo toàn tòng, là trung tâm của đạo Do Thái, còn Galilê là miền giáp ranh giữa vùng có đạo và vùng ngoại đạo. Quả thực đây là vùng xôi đậu. Về mặt chính trị, vùng này chịu ảnh hưởng ngoại bang thật sâu đậm. Về mặt chủng tộc, ở đây người Do Thái sống lẫn lộn giữa dân ngoại. Về mặt tôn giáo, Galilê thua xa Giuđê, bị coi là ở bên lề của cộng đồng Dân Chúa. Đối với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ, nhà quê. Đối với người mộ đạo sùng tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày…
2.  Chúa chọn Galilê
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu không chọn rao giảng ở Giêrusalem mà chọn Galilê.
Galilê không rộng lắm, từ Bắc chí Nam dài khoảng 60km, dân cư sống đông đúc. Đất hẹp người đông. Thời Josephus làm tổng trấn, đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15.000 dân. Galilê không những là khu đông dân cư nhưng dân ở đó cũng có một cá tính đặc biệt. Galilê sẵn sàng mở cửa đón những ý niệm mới. Josephus nói về dân Galilê như sau: “Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất”.
Đặc tính bẩm sinh của người Galilê giúp việc truyền giáo cho họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng góp phần cho việc truyền giáo trở nên dễ dàng. Có lẽ vì những yếu tố này mà Chúa Giêsu chọn Galilê làm trung tâm truyền giáo. Những tín đồ chính thống ở kinh đô chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc. Chúa Giêsu rao giảng tại Galilê, xa thói ngạo mạn, tính tự tôn và sự mù quáng của dân thành đô. Chúa chọn Galilê vì ở đây mọi người biết chấp nhận nhau, chung sống hòa bình.
Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin Mừng, chọn gọi các Tông Đồ, tuyên bố Luật mới. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đã kết thúc thời kỳ đầu rao giảng tại Galilê của Chúa Giêsu bằng lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16).
Sự chọn lựa miền đất Galilê có một ý nghĩa quan trọng theo Tin Mừng Matthêu. Để ứng nghiệm lời Ngôn Sứ Isaia nói: "Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tốt tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi".
Khi trích dẫn Isaia, Mátthêu có ý nói rằng Chúa Giêsu vâng phục theo ý muốn của Chúa Cha, Người làm điều mà Thiên Chúa đã nói. Đây là sự vâng phục cao cả, to lớn và kỳ diệu, được đảm nhận với tự do và tình yêu. Mátthêu cũng nhấn mạnh đến sự liên tục của Chúa Giêsu với toàn bộ lịch sử của Dân Người. Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần. Chúa Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người, kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những lương dân và những người vô thần.
3.  Chúa Giêsu chọn các môn đệ đầu tiên ở Galilê
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bốn môn đệ đầu tiên ở biển hồ Galilê.
Chúa Giêsu đã gọi và chọn các Tông Đồ là những người chài lưới tầm thường. Đáng lý Chúa phải chọn những người ưu tú trong đám trí thức và được coi là đàng hoàng ở Giuđê mới phải. Tại sao Chúa lại chọn những người làm nghề chài lưới ? Phải chăng Người ngụ ý dạy các môn đệ phải luôn luôn sẵn sàng rời bỏ đất liền và thế giới riêng của mình, nghĩa là rời bỏ cái khung cảnh an toàn và đóng kín của mình để ra khơi, giữa đại dương mênh mông vô bờ bến và đầy gian nguy, tức là đến với thế giới rộng lớn và xa lạ để cứu vớt thế giới ?
Chúa Giêsu kêu gọi các Tông Đồ không phải trong khuôn khổ một lễ hội tôn giáo hoặc một hoạt động tâm linh... Nhưng ở giữa đời sống thường ngày của họ, trong lúc họ đang làm công việc nghề nghiệp. Các môn đệ ngư phủ tuy là những người ít học, không giàu có, không địa vị, nhưng đối với Chúa, họ có đủ tố chất cần thiết để trở nên những người cộng sự của Người. Chẳng hạn, sự kiên trì khi thả lưới giúp họ biết nhẫn nại chờ đợi; sự hòa đồng giúp họ chấp nhận nhau và làm việc chung; sự can đảm trước sóng gió giúp họ đối diện với nghịch cảnh; khả năng nhận ra khi nào và chỗ nào nên thả lưới sẽ giúp họ khám phá những vùng truyền giáo màu mỡ. Cuộc gặp gỡ này đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ ngày trước. Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho công cuộc thay đổi thế giới. Cuộc gặp gỡ làm nên những huyền diệu trong lịch sử nhân loại.
Các ngài gặp gỡ và bước theo Chúa để học nơi Chúa. Họ nhận ra rằng: Chúa Giêsu, Thầy Dạy của các bậc thầy, không những chỉ dạy Lời Chúa nhưng chính Người là Lời Chúa. Người không những chỉ dạy cho cách sống mới mà chính Người là Sự Sống. Người không những chỉ cho biết ý nghĩa của “Đường Sự Sống", mà chính Người là Đường Sự Sống, là Ánh Sáng.
Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ. Các ngài đáp trả chân tình. Các ngài được sống thân mật với Chúa. Các ngài ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa. Đó là hành trình ơn gọi của các Tông Đồ. Đó cũng là hành trình ơn gọi của mỗi Kitô hữu.
4.  Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên
Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin Mừng, chọn gọi các Tông Đồ, tuyên bố Luật mới.
Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia xẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi và người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời Ngôn Sứ Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 17-20). Người cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).
Chúa Giêsu muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 21-24).
Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, Người đến với họ, Người chia xẻ những nỗi đau của họ, Người được kể như người ngoại biên. Người cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thập giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy.
Hiện nay, Mẹ Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x. Tin Mừng cho người ngoại biên, Gm. Bùi Tuần).
Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Gm. Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong Giáo Xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.
Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá. Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng đất ngoại bang", và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.
Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục.” (Niềm vui Tin Mừng số 49).

 Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN

Tuesday, February 28, 2017

MÙA CHAY
NÓI CHUYỆN ĂN CHAY… KIÊNG THỊT.


 Từ chuyện ăn chay.. giữ chay…
Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa
…Trở về Một, Chạp sang mùa ăn chay…

Chỉ cần đọc lại mấy câu vè trên đây, đã thấy Ăn hơi bị nhiều! Nghe, nhìn, suy gẫm và sống gần trọn đời người, tôi có cảm tưởng, hình như người Việt mình rất trọng thị việc ăn uống thì phải? Ăn vừa để sống, lại vừa để thể hiện một cung cách, một văn hóa, văn hóa ẩm thực. Nói cho có vẻ chữ nghĩa thánh hiền thì không ăn không thành chuyện, phi thực bất thành sự, phi thực bất thành lễ. Chẳng thế mà ngày xưa, các cụ ta đã chẳng dạy con cháu phải học ăn, học nói, học gói, học mở và ăn trông nồi ngồi trông hướng, ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau là gì? Ăn không đúng quy cách, không biết giá trị của ngon vật lạ, là y như bị xếp vào loại phàm phu tục tử “thực bất tri kỳ vị” . Rõ ràng chuyện ăn uống của người mình nhiêu khê, phức tạp thật. Ai bảo dân ta nghèo là lầm to. Nghèo gì mà lúc nào cũng bày ra cỗ bàn, đám xá, tiệc tùng. Nghèo gì mà lấy bữa ăn để xác định dấu mốc thời gian: Bữa nay, bữa mai, bữa mốt, dăm bữa nửa  tháng…..? Chả cần tra cứu từ điển, cũng thấy được cái thế giới ngồn ngộn ngôn ngữ của  “Ăn” . Lễ lạc hiếu hỷ thì có ăn hỏi, ăn cưới, ăn sinh nhật, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi, ăn đám, ăn giỗ, ăn chạp, ăn mừng, ăn khao, ăn vọng, ăn Tết. Đấy là ăn ngon, ăn sạch, ăn có vệ sinh, ăn phú quý sinh lẽ nghĩa. Còn ăn bẩn, ăn dơ là chuyện dài nhiều tập: Ăn bám, ăn báo, ăn bòn, ăn bớt, ăn theo, ăn thua, ăn gian, ăn tham, ăn chơi, ăn hại, ăn đong, ăn đầu, ăn đuôi, ăn vạ, ăn vặt, ăn vụng, ăn mót, ăn nhờ, ăn rỗi, ăn xổi. Nghiêm trọng hơn là ăn quỵt, ăn chịu, ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm, ăn tục, ăn chực, ăn rình, ăn chặn, ăn sương, để rồi cuối cùng không còn ăn giả bữa và ăn dối già được thì chỉ còn biết ăn xin, ăn mày và ăn đất nữa là xong chuyện.

Trăm dâu đổ đầu tằm. Chỉ vì cái miệng, cái miếng ăn,  vì làm tôi cái bụng mà sinh ra muôn vàn giống tội, chiến tranh, xung đột.  Mà muốn bớt tội, khỏi tội và lập công lập đức chi bằng ăn chay, hãm mình, phạt xác. Tôn giáo nào mà chả dạy điều đó cơ chứ. Theo Phật Giáo Đại Thừa, CHAY là cách đọc trại từ TRAI, có nghĩa là giữ lòng mình trong sạch, không vọng động bất chính. Ngoại trừ các tu sĩ phải ăn chay suốt đời theo giới luật và một số ít người phát nguyện trường trai (chay trường) còn phần đông chỉ giữ luật “thọ trai” từ 02 đến 10 ngày/tháng. Ăn chay không dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật, như thịt, cá, trứng: kể cả những rau củ có tác dụng kích dục như tỏi, hành, kiệu, tiêu. ớt. Chắc ăn nhất là “Thí phát quy y”:

Chuyến này ta quyết đi tu
Ăn chay, nằm đất, ở Chùa lập công.

Đạo Hồi có cả một tháng chay Ramađan, xê dịch từ khoảng tháng 11 đến tháng 01 đương lịch mỗi năm. Trong suốt tháng Ramađan – từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn- người hỒi Giáo không được ăn, uống, hút thuốc, và quan hệ tình dục. Ăn chay của Đạo Hồi còn kèm theo việc cầu nguyện bằng cách đọc kinh Coran 05 lần/ngày và tuân theo một kỷ luật tự mình đặt ra, như bố thí, cứu thực kẻ đói nghèo, trích 1/10 từ nguồn thu nhập của mình.

Riêng đối với người Công Giáo, ăn chay là để tự chế, hy sinh, hãm mình, sám hối, thanh tẩy. Hơn thế, còn là thông phần với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, để đền tội và hướng đến ơn cứu độ toàn vẹn là sự phục sinh cả hồn lẫn xác.

Như vậy, luật ăn chay nói chung trong các tôn giáo là điều nghiêm túc, không thể suy diễn theo ý riêng của mình. Nó nặng hay nhẹ là tùy vào sự thành tâm, giác ngộ với thiện nguyện của mỗi người.

… Chuyện kiêng thịt…

Về mặt tự nhiên, ăn chay thường đi đôi với kiêng thịt. Chuyện này cũng rắc rối lắm. Bởi mỗi người mỗi lý đoán và mỗi nơi một luật lệ rộng hẹp khác nhau, nên mới sinh chuyện rày rà, khó ăn khó nói. Nghe đâu, chỉ cách nhau có con sông Đồng Nai mà một bên lở , một bên bồi ?!  Ai lại như ông bạn Hố Nai của tôi, thứ sáu tuần nào cũng lặn lội về Sài Gòn, tiếng là thăm bà con, thực ra để “trốn kiêng thịt” , đánh chén no say một bữa rượu thịt, xế chiều lại qua sông về nhà. Chuyện hồi bé bây giờ mới kể: có anh bợm nhậu nhà quê kia đuổi con vịt xuống ao, rồi bắt lên nấu nước làm thịt. Bảo đấy là con vật sống dưới nước thì hết chỗ nói rồi còn gì ! Dĩ nhiên trên đây chỉ là những chuyện phịa, kể ra cho vui thôi.

Chẳng biết bên Tây bên Mỹ thế nào, chứ ở Việt Nam ta, việc kiêng cữ các điều khoản trong mùa chay ngặt lắm. Kinh sách, lời khôn ngoan của các Đấng bậc đã dạy còn rành rành ra đấy. Từ Phép Giảng Tám Ngày, Thánh Giáo Yếu Lý cho đến Sách Bổn Đồng Ấu, Toàn Niên Kinh Nguyện. Đến nay, tôi còn nhớ rõ “lời bảo” trong sách mục lục: “Giáo nhơn phải làm việc lành phước đức như hãm mình, đánh tội, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cho đặng thông công cùng Hội Thánh, nhắc lại sự Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ và trông Chúa Phục Sinh”.Nói việc ăn chay kiêng thịt ngặt lắm, là vì Hội Thánh đã dạy có sáu điều răn: “Thứ năm, giữ chay các ngày Hội Thánh buộc”  và “Thứ sáu, kiêng thịt ngày thứ sáu (hàng tuần) cùng các ngày khác Hội Thánh dạy”. Đọc lại sách vở cũ  ở thế kỷ XVI, XVII, ta thấy việc ăn chay kiêng thịt được các cộng đoàn thuở ấy tuân thủ một cách chặt chẽ, như Cha Đắc Lộ mô tả sau đây: “Lòng nhiệt thành và sốt sắng của giáo dân lên rất cao, đặc biệt đối với các Bí Tích giải tội và Rước Lễ…. Họ rất ân cần chuyên chú làm việc này và sửa soạn tâm hồn rất kỹ lưỡng, đến nỗi nếu có khiển trách họ về một lỗi nào đó dù không trầm trọng hay đáng phạt, ví như họ đã quên sót hay nhỡ ăn thịt ngày thứ sáu thì họ chẳng dám đi ngủ, trước khi xưng tội.” (Lịch sử vương quốc đàng ngoài trang 159) Đặc biệt trong mùa chay thánh, vẫn theo Cha Đắc Lộ, “Người ta giữ chay rất sốt sắng. Đối với người Đàng Ngoài thì việc ấy chẳng khó khăn gì. Chúng tôi biết rõ người lương dân cũng giữ chay rất ngặt. Họ không những kiêng thịt và trứng, lại kiêng cả sữa, thậm chí họ nghĩ rằng mình đã phạm tội khi giết một con vật… Dù biết Giáo Hội không bắt giữ chay nghiêm khắc như trên, song tất cả những người được phép chuẩn cũng đều giữ luật chay rất sốt sắng trong suốt mùa Chay”(Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài trang 130). Thật tình mà nói, theo Cụ Phan Kế Bính, sở dĩ dân ta ăn chay – giữ chay dễ dàng như trên là vì có phong lưu lắm mới ăn đến thịt, cá, giò chả: Còn phần lớn chỉ ăn cua, ốc, tôm, tép, đậu phụ, họa hoằn mới có miếng thịt miếng cá. Lấy tình cảnh nhà nghèo của bố mẹ tôi làm ví dụ, quanh năm ở đồng trũng đồng chiêm, chỉ tương cà, mắm muối, dưa khoai, trưa rau muống luộc, chiều luộc rau muống ! Luật cũ bảo kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm: Luật mới dạy chỉ còn hai ngày thứ tư lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Nhẹ nhàng như một trò chơi. Không hiểu sao, người ta lại có nhiều ngụy biện?! Tại sao lại quanh co? Tại sao lại quá chăm lo cho cái miệng và cái bụng thế nhỉ ?!

Nói tới mùa Chay là nói tới tuần Đại Phúc, đón cha khách ở xứ xa về giảng phòng, giải tội, làm lễ. Nghĩa là lo liệu cái phần linh hồn. Mọi người gác bỏ mọi chuyện đồng áng, chợ búa, nhà cửa để dọn mình vào mùa. Tuần Đại Phúc ở quê tôi ngày ấy đông vui như hội. Trong khi ông Chánh, ông Trùm sửa sang nhà thờ, nhà xứ, nhà phòng và các Bà quản, đoàn hội lo kinh sách…. Thì bọn trai tráng, thiếu nữ và trẻ con chúng tôi cờ quạt lăng xăng đi rước Cha về. Tâm lý người mình rất dễ thương, “hễ vắng Cha là xa Chúa”, là khô khan, nguội lạnh ngay. Về làm phúc, cho lễ, bỏ lễ, nằm trên cáng trải chiếu bọc vải điều, trông Cha oai phong lẫm liệt như quan lớn vinh quy bái tổ vậy. Lần nào cũng thế, bố tôi được chọn nấu cơm hầu cha. Thế là cả tháng ròng, cơm trắng cá tươi, dù chỉ được ăn sái, thấy tôi ai cũng bảo béo tốt, mỡ màng hẳn ra. Tạ ơn Chúa. Lúc ấy trí khôn còn tù mù, ngây ngô lắm, tôi đâu có hiểu cái ý nghĩa thâm sâu và hấp dẫn của “ngày thứ ba béo –LeMardi Gras” của người phương Tây là gì. Thì ra, kim cổ, Đông Tây có gì khác nhau đâu ! Của đáng tội, hễ cứ đến ngày ăn chay kiêng thịt – đặc biệt thứ tư lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh – là thèm thuồng đủ thứ, bụng đói sớm. Thấy bếp nhà ai lên khói sớm, lòng dạ cứ nao nao như nhớ người yêu, người tình. Đi qua hàng quán, ngửi mùi chiên chiên xào xào là nước miếng ở đâu cứ trào ra như vỡ đê. Chẳng thế mà Nhà Chùa đã có câu: “Quấy như quỷ quấy nhà Chay !” Còn mẹ tôi thì bảo: chước mốc ma quỷ nó cám dỗ. Bởi ăn ngọn rau, quả cà, tí mắm, vẫn ngon miệng. Trời còn tiết xuân se lạnh, mẹ nấu cơm, rang vừng: con cái chực sẵn quanh cái cối đá. Cơm nóng giã với muối vừng, chia từng nắm, ăn tới đâu, nghe ngọt tới đấy. Của không ngon, nhà khó cũng ngon.

… Đến rước lá… Kiệu lá.

Ôi con cái thế gian mưu sâu kế dài thật. Họ đã khổ công để nghĩ ra các món ăn chay cho khoái khẩu. Rước Lá – Kiệu Lá ,-một thuật ngữ của món ăn gỏi cá ở Bắc Bộ - đã ra đời trong tình huống cùng biến tắc thông diệu kỳ ấy ! Bắt chước tổ sư ăn uống – Ông Thi sĩ Tản Đà -, các Cụ nhà ta phán rằng ăn uống phải hợp thời tiết khí hậu thủy văn: “Nắng gỏi trưa, mưa thịt chó!” Một khi đã “kiêng thịt cầy” thì phải “bày ra gỏi cá” Thế là động thổ động thớt nhà trên nhà dưới đại sự ngay. Cả làng, cả họ hò nhau oi ới tát ao đánh cá. Thôi thì trắm, trôi, mè, chép, diếc… được dịp “vượt vũ môn” không phải để hóa rồng, mà để trở thành món ăn chơi đãi đằng bù khú. Cỗ bàn dọn lên những lát cá tươi rói, đỏ au, giữa rừng hương thơm nồng của hành, tỏi, chanh ớt, riềng, mè, mắm, thính, vừng, lạc, và dĩ nhiên còn có cả một mâm đầy có ngọn, những rau quả xanh non mới hái ngoài vườn: nào mùi ta, mùi tàu, thì là, kinh giới, tía tô, rau răm, húng chũi, húng chanh, húng quế; nào các thứ lá: mơ tam thể, sắn, sung, đài bi, đinh lăng, xoài, mít….. Đúng là bữa tiệc Hoa Quả Sơn trong truyện Tây Du Ký. Chén chú chén anh với vài cút rượu nữa là tới bến qua phà, mát trời ông địa ngay. Ăn chay kiêng thịt kiểu này ai mà chả ham, sướng hơn tiên, sơn hào hải vị hơn cả yến tiệc của Tần Thủy Hoàng và Từ Hy Thái Hậu nữa. Còn ở Nam Bộ, nghe đâu, có lẽ cũng vì dân Sài Gòn ta “ăn nhậu thì nhiều”  chứ “ở có nhiêu đâu” , nên Đức Thầy Dumortier (16/06/1934) mới phải viết lại “tờ chỉ” hàng mấy chục câu vè lục bát. Kê toa 42 loài chim lưỡng tính được phép ăn trong ngày Chay Kiêng Thịt:

Đặt ra một bổn như vầy
Những ngày kiêng thịt, chim này nên ăn….

Cũng may, buổi ấy chưa phải là thời ăn nên làm ra của những làng nướng như bây giờ. Bằng không thì các loài chim sẽ có nguy cơ tuyệt chủng !

Nói đến gỏi cá mà không nhắc gì đến Chả Cá Lã Vọng – Hà Nội là một thiếu sót không tha thứ được. Chả Cá Lã Vọng, một thơng hiệu văn hóa lẫy lừng của đất Hà Thành ngàn năm văn vật. Nó đã đi vào tác phẩm của những cây đa cây đề - giới văn nghệ sĩ như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, và nhiều thế hệ đã kinh qua, gửi gắm.

Mười năm trở lại đây, mỗi lần có việc ra Bắc về quê, thế nào tôi cũng cố gắng tranh thủ ghé lại Hà Nội ít ngày, cốt để hưởng lấy cái phong vị ngây ngây khó tả khi thời tiết sang mùa. Vẫn biết ăn Bắc, mặc Kinh và Hà Nội thiếu gì của ngon vật lạ. Từ Phở, bún riêu, bánh cuốn, miến ngan, tiết canh lòng lợn cho đến xôi vò, cơm lam, cốm vòng. Nhưng khoái khẩu nhất vẫn là món Chả Cá Lã Vọng. Lạ lùng thay, cả quán và phố cùng mang tên Lã Vọng. Thoạt nhìn, cái gì cũng xập xệ, cũ kỹ, nom chẳng bắt mắt tí nào. Ấy vậy mà khách Tây khách Ta, em đầm em mít cứ tầm trưa chiều là đông nghịt, rồng rắn. Vừa ăn vừa khoe xe cộ, điện thoại di động đời mới, áo váy thời trang hàng hiệu. Nghe bà chủ quán Ngô Thị Tình, Chả Cá Lã Vọng đã có bề dày lịch sử 106 năm. Hình như người ta đã chán chê những fastfood, hambuger, Mc Donald để hành trình về Phương Đông rồi đấy. 1000 PLACES TO SEE BEFORE YOU DIE là tên một quyển sách best-seller của cô nàng nhà báo Patricia Schultz (NXB Workma, NY, USA 2003) vừa ra mắt. Sách liệt kê tất cả những nơi tác giả đã từng đặt chân đến với tư cách là người viết chuyên mục hướng dẫn du lịch. Hầu hết các địa điểm được nhắc đến là  những khách sạn 5 sao sang trọng bậc nhất thế giới, những kỳ quan của những nền văn minh nhân loại, những khu giải trí hấp dẫn bên bờ biển thơ mộng… Nhưng bên cạnh đó có một cái tên bình dị: Chả Cá Lã Vọng ở Hà Nội. Ngay sau khi sách phát hành, nhiều hãng thông tấn báo chí như BBC, MSNBC đã có bài giới thiệu cuốn sách, riêng MSNBC còn chọn ra “10 nơi cần thấy trước khi chết”. Như vậy, người ta ghiền Chả Cá Lã Vọng, không những ở nguyên liệu hàng đặt ở xa về: rau ở Láng, mắm tôm ở Thanh Hóa, bún Thanh Trì, cá lăng đánh bắt ở đầu nguồn nước; mà còn ở những công đoạn dao thớt, chế biến, gia giảm, bếp núc, củi lửa, bày biện, chào mời sao cho ngon miệng, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Người ta ghiền Chả Cá Lã Vọng không chỉ vì hương vị đặc thù của nó, mà còn ghiền cả cái không khí bảng lảng của hàng quán theo kiều Ô Y Hạng trong truyện Tàu của Phố Cổ Hà Nội. Một cái thú xem ra rất lạ, ghiền một chỗ ngồi, hệt như gã đàn ông ngồi thiền trước ly cà phê ngút khói mỗi sớm mai nơi một quán cóc đầu hẻm vô danh ở cái dất Sài Gòn mông mênh, hào hiệp này.

Và…. Công nghệ Chay thời đại.

Ăn chay ngày nay bỗng dưng trở thành cái mốt thời thượng. Nhân danh y học, người ta sợ béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, thống phong, nhũn não, SAR, HIV như sợ ma quỷ vậy. Nôm na là sợ chết đấy thôi. Ấy vậy cho nên, khi các loại thực phẩm chay công nghiệp hóa từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore bắt đầu ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam thì các tiệm cơm chay cũng nở rộ như nấm sau mưa. Khác với những món đơn điệu nhạt phèo của thực đơn chay truyền thống, chay bây giờ hiện đại lắm, đạt tiêu chuẩn ISO. Nào Bò bít tết, gà tiềm thuốc bắc, gà rút xương, lạp xưởng, nem nướng, giò lụa, chả quế. Nào há cảo, hoành thánh, xá xíu, phá lấu…Chay. Ôi thôi, ăn mặn làm sao thì ăn chay làm vậy, chả thiếu món gì. Nó đáp ứng được cái nhu cầu chung về sự ăn chay của các tôn giáo giữa một thời đại kiêng khem, sợ chết, mà vẫn phong lưu, sang trọng. Tôi nhớ trong cuộc hội thảo khoa học về Bản sắc Văn hóa Dân tộc – hoạt động chào mừng hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophone), I/1988 tại Hà nội – nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã trình bày tham luận về đề tài “cơm chay Việt Nam”, như một cách tiếp thị đối với du khách đến Việt Nam.

Để làm quen và chào làng, xin mời bạn đọc rảo một vòng quanh các điểm bán cơm chay mà coi. Mặc dù Cố Đô Huế vẫn được coi là “thủ phủ Phật Giáo”, song rất ít món chay: Hoặc có mà lại thường ế ẩm, vắng khách. Tôi nghĩ, người Huế không thích ồn ào, lộ diện. Sinh hoạt nào của họ cũng chỉ be bé, tầm tầm, kín đáo. Có lẽ cơm chay cũng lại chỉ tìm thấy trong Chùa, trong khuân và trong nhà vườn hoặc tư gia thôi. Riêng ở Sài Gòn, vùng đất được người đời ca ngợi là “Việt Nam chỉ có Sài Gòn là vui”, nếu thống kê đầy đủ các quận huyện, dễ đến cả trăm tiệm, quán, sạp, quầy và nhà hàng to đùng kinh doanh sản xuất đồ Chay. Thường thì những quán Chay mang những cái tên rất nhà Chùa, lòng vòng gần Chùa để phục vụ bá tánh sau khi hương khói lễ Phật về. Ở đây, người ta không thể ca mãi bài ca “ăn quận 5 nằm quận 3, nhà quận I, trấn lột quận 4 và vô tư Phú Nhuận” nữa. Một vòng những điểm “vừa bán vừa la cũng đắt hàng” là quán Thuyền Viên (11-13 Nguyễn Văn Đậu). Có mấy quán Chay cắm chốt ở gần Thiền Viện Vạn Hạnh; Thanh Phương, Phước Huệ, Duyên. Quận Bình Thạnh có hai quán đều mang tên Thiên Nhiên. Quận 1 và quận 3 mọc lên các quán chay tua tủa như mai đào gặp tiết xuân. Theo dân sành điệu thì nhà hàng Tín Nghĩa (9 Trần Hưng Đạo A) là hiệu cơm Chay có quy mô nhất, ra đời sớm nhất ; Định Ý (171B Cống Quỳnh) nấu cơm Chay ăn tháng, làm cỗ tiệc Chay; Nhà Hàng Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu Q 3) với 40 món Chay, thu hút du khách nước ngoài, nhờ chủ quán là một Ni-cô vừa thông thạo Anh-Pháp, lại vừa duyên dáng, đon đả chào mời. Xuống Vương quốc Chợ Lớn của người Hoa (Q 5, Q 6, Q 11), sẽ gặp hàng loạt những hàng quán chay: Bồ Đề Duyên, Phật Hữu Duyên, Lạc Thiện, Tịnh Ánh Duyên…. Lòng vòng các chợ, chợ nào cũng có các sạp bán đồ Chay, từ chợ Bến Thành, tân Định, Bình Tây, Xã Tây, An Đông cho đến Đakao, Bà Chiều, Phạm Văn Hai, Hạnh Thông tây…. Ngay cả đêm hôm khuya lắc khuya lơ, nhỡ đường, nhỡ bữa, cứ tìm đến cái ngõ hẻm cạnh Chùa Vĩnh Nghiêm có bán các thứ ăn Chay về khuya, từ 21 giờ tới sáng, ê hề chủng loại. Nào Tương xào xì dầu, bánh cuốn, bánh canh, bún thang, bún mọc, bánh giò. Nào Hủ tíu bánh bao, mì xào dòn, súp măng cua. Nào cơm gà cá gỏi, cơm sườn, thịt nướng…. Chay thơm phức. Đến nước này thì đành chào thua. Rõ ràng ăn chay kiêng thịt đang trở thành địa chỉ đỏ, hấp dẫn mời mọc. Đúng là một thế giới thức ăn thuần thực vật – Vegeterian food chế biến từ rau quả, bắp chuối, củ cải, củ sắn, nấm rơm, bánh mì, đậu xanh, đậu nành, trái Sakê…… Nằm trên con phố Đồng Khánh, một china Town của Sài Gòn, có nhà hàng Embassy cũng dành hẳn một khu chuyên doanh các thức ăn chay cho tài phú, xì thẩu, á xầm, á muối…..

Kết Luận.

Thôi, chuyện đã dài, xin được phép ngừng lại để mọi người cầm lòng cầm trí bước vào cùa Chay Thánh. Kể lại dăm ba chuyện cũ mới trên đây, nhiều người thấy lạ tai, tưởng như là chuyện cổ tích hoang đường. Thật ra, còn nhiều điều ngộ nghĩnh và lý thú hơn thế. Và cũng còn cả mấy cái “ngày thứ Ba Béo” nữa. Tự dưng tôi nhớ những ngày tháng tuổi thơ êm đềm ở xứ đạo làng quê xưa. Sao nó thánh thiện và lãng mạn quá. Nhớ Thứ Tư Lễ Tro. Nhớ cơm nắm muối vừng. Nhớ mùi hoa xoan thoang thoảng ngoài hè. Nhớ ngắm đứng, dâng hạt mùa thương khó. Nhớ may túi ba gang đựng đầy hạt nẻ mỗi khi lên hôn chân Chúa….

Ăn chay kiêng thịt, dù hiểu theo cái nghĩa nào, mãi mãi vẫn là một giới luật, một ký ức văn hóa đức tin của người Công Giáo. Đức Phật dạy: “Duy tuệ - thị nghiệp”. Cụ Nguyễn Duy bảo “Thiện căn ở tại lòng ta”. Và Kinh Thánh nhắn nhủ: “Hãy xé lòng, đừng xé áo !” Có nghĩa là tự xóa, tự kềm chế, tự vượt thoát ra khỏi vòng hệ lụy đắm đuối của xác thân, của những cửa ngõ sinh dịp tội. Để chắp cánh bay lên, thăng hoa, miên viễn. Để đi trên con đường khổ giá, qua cửa hẹp, vào nơi vĩnh hằng.

Lê Đình Bảng
(trích Ở thượng nguồn thi ca công giáo-Miền thơ trong kinh nguyện trang 443-453)

Monday, January 2, 2017

CÁC GIÁM MỤC ARGENTINA 

NHỮNG TIÊU CHUẨN CĂN BẢN 

ĐỂ ÁP DỤNG CHƯƠNG VIII AMORIS LAETITIA

Các Giám Mục của mười một Giáo Phận giáo miền Buenos Aires của Argentina, ngày 5-9-2016, đã ra một bản 10 tiêu chuẩn căn bản để giúp các linh mục áp dụng mục vụ chương VIII của Tông Huấn Amoris Laetitia cho những tín hữu đang sống trong tình trạng hôn nhân bất quy tắc.

Sau khi nhận được văn bản này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết thư chứng nhận sự đúng đắn, với lời khen ngợi: “Bản văn thật rất tốt đẹp và đã diễn tả chính xác ý nghĩa của chương VIII Amoris Laetitia. Không có những giải thích nào khác".

Dưới đây là văn bản đầy đủ của mười tiêu chuẩn, được kèm theo những bình giải, với hy vọng góp phần giúp học hỏi nhiều hơn về chương VIII của Tông Huấn Amoris Laetitia cùng với những ứng dụng phù hợp.