Tuesday, August 13, 2013

Học cười – cần lắm chớ!

Cười là một trong những hình thức diễn đạt cảm xúc tinh tế nhất của con người. Cười giúp người ta lợi ích rất nhiều, giúp người sở hữu nó hạnh phúc, thành đạt. Nhiều người đã thất bại và mất đi nhiều thứ vì bởi không biết… cách cười.

Cười chẳng mất vốn, mà lợi thật nhiều

Một nụ cười – vốn liếng tuy nhỏ bé nhưng lại sinh lợi nhiều, nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó phải nghèo đi. Con người có nụ cười, sự vồn vã thay cho động tác tay chân, nhất là đối với người Á Đông vốn bản tính kín đáo, dè dặt thì nụ cười nói thay cho họ rất nhiều.

Người hay cười dễ đón nhận được sự ủng hộ, cảm thông trong công việc và trong cuộc sống, là type người dễ thành công, nhất là trong cuộc sống hiện đại, người ta đánh giá cao chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient).

Một nụ cười chẳng hao tốn gì mà cái lợi do nó đem lại thật không kể xiết. Dẫu cho nụ cười có thể chỉ nở trong khoảnh khắc, có khi làm cho ta nhớ mãi suốt đời.

Nụ cười đơn giản thế thôi nhưng không thể mua được, không thể xin được, không vay mượn được, càng không thể ăn cắp được. Nếu ta cứ khư khư giữ chặt lấy thì nụ cười cũng chẳng thể sinh lợi hay trở thành bảo bối! Song nếu ta dùng nó một cách hào phóng đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, nó sẽ trở thành vô giá.

Cười có lợi, nhưng không có nghĩa là nên cười ở mọi nơi, mọi lúc. Tỷ lệ vô duyên do nụ cười gây ra cũng không phải ít. Không thể có một cuốn cẩm nang để biết trường hợp nào thì nên cười thế nào?

Nhưng có một “phép thử” để xem nụ cười của mình có vô duyên hay không? Đó là mức độ hưởng ứng của mọi người đối với nụ cười của ta. Nếu ta cười mà mọi người cười theo vui vẻ, ấy là có duyên. Còn nếu ta cất tiếng cười trong một bầu không khí chẳng có gì đáng cười cả, ấy là vô duyên!

Nụ cười luôn hiện diện trong phần lớn các cách thức quyến rũ của loài người trên toàn thế giới.

Sinh học của nụ cười

Về mặt sinh học, cười trước hết là một cơ chế được điều khiển từ não bộ. Theo các nhà khoa học, phản xạ này bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi (hypothalamus). Đây chính là một trung khu thần kinh cao cấp chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ của cơ thể chúng ta. Từ đó, kích thích này lan ra như một làn sóng và truyền đi một luồng thần kinh đến hệ thống rìa, một trung khu cảm xúc của não.

Để con người chúng ta có thể “nở” được một nụ cười đơn giản nhất, ít nhất phải có 15 bộ phận cơ hoạt động đồng loạt để khởi phát cử động nhẹ của mắt và môi. Nhưng không chỉ có vậy, mỗi một kiểu cười đều có liên quan đến những bộ phận cơ khác nhau, nhằm tạo ra những nét riêng biệt của từng kiểu cười! Khi chúng ta cười vì lịch sự, đó chỉ là một động tác đơn giản của đôi môi và sự co giãn của bộ phận cơ gò má lớn. Trong khi đó, một tràng cười rạng rỡ khi quá vui mừng sẽ khiến cơ thể phải huy động cả hệ cơ của vành mí mắt.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, khi cười, các hormone tích cực trong cơ thể sẽ được giải phóng: endophin có tác dụng làm giảm đau tự nhiên, serotonin làm điều hòa trạng thái của tâm hồn.

Nụ cười tiêu diệt những hormone tiêu cực, gia tăng hormone tích cực, tăng sức đề kháng trong cơ thể, có khả năng chống chứng bệnh cao huyết áp. Nếu một người luôn nở nụ cười trên môi thì dứt khoát sẽ không mắc chứng bệnh trầm cảm.

Theo kết quả nhiều cuộc khảo sát khoa học, nếu một người cười thoải mái trong 20 giây sẽ có tác dụng tích cực tương đương với 5 phút chèo thuyền hoặc đi bộ, nếu cười thoải mái 15 phút mỗi ngày, mạch máu của con người sẽ mạnh mẽ hơn.

Cười cũng phải học

Triết gia người Pháp Ph.Flecher từng nói: “Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, là bình minh cho kẻ bi quan, là nắng xuân cho người buồn bã, là liều thuốc màu nhiệm nhất cho kẻ lo âu”.

Vậy mà tại sao có người mất bao nhiêu tiền may quần áo, trang điểm rất công phu nhưng lại phủ lên gương mặt mình một vẻ lạnh lùng, cau có? Họ đâu biết rằng với người khác, nụ cười còn quý hơn tất cả những gì họ khoác lên mình.

Các nhà nghiên cứu đã liệt kê ra hàng chục kiểu cười khác nhau. Cười rụt rè, cười nhếch mép, cười rạng rỡ, cười khó chịu, cười hăm dọa, cười sợ hãi, cười thanh thản, cười khêu gợi, cười xã giao, cười cảm thông, cười khó hiểu, cười vô nghĩa nữa…

Vì sự muôn hình vạn trạng, sự lợi hại của nụ cười nên con người muốn thành công, không bị hiểu lầm, v.v… đều cần phải học cười. Có nhiều ngành nghề, công việc phải học cười như ngành hàng không, ngoại giao, thương mại, maketing…

Học cười – trong những trường hợp nào thì cười – vì có những cái cười vô duyên, gây phản cảm, làm hỏng việc. Cười nhiều quá cũng hỏng, cười không đúng lúc, đúng chỗ làm người nghe khó chịu, mất thiện cảm.

Có người trong đầu nghĩ đến chuyện gì đó buồn cười là họ cười ngặt nghẽo trước mà chẳng ai hiểu mô tê họ cười vì cái gì. Có những nụ cười quá nhiều kỹ năng quá chuyên nghiệp, vô hồn, không gây xúc động với người được nhận.

Muốn có nụ cười đẹp, nhiều khi phải tập, soi gương để quan sát nụ cười. Vì cái cười nhiều khi cũng bộc lộ nhược điểm, có người cười mặt mũi nhăn nhúm hết cả lại. Có người cười hở hết cả lợi. Có người cười phun cả nước bọt, cười the thé không sang, cười hinh híc… Muốn có một nụ cười, cười sang trọng, có duyên đều phải công phu luyện tập. Người làm tiếp viên hàng không nếu thực sự yêu thích nghề, thì nụ cười với hành khách sẽ khác với người không yêu thích nghề, phải cười gượng ép, cười theo “chỉ thị” – nhạt nhẽo, vô hồn. Những nghệ sĩ nổi tiếng, những siêu người mẫu đắt giá nhất đều có nụ cười mê hồn. Đâu phải hoàn toàn do Trời phú mà còn có cả công phu khổ luyện của họ.

Ta hãy cười đi! Gặp nhau, cười! Tạm biệt, cười! Xin lỗi, cười! Cám ơn, cười! Và khi có ai mỏi mệt trên đường đời tưởng như không thể cười được nữa thì chính đó là người đang rất cần nụ cười của ta. Bởi khi cười, ta ý thức được đang đem đến cho cuộc sống sự tốt đẹp, con người hướng thiện, tốt lên theo nụ cười đó.
-----------------------------
Bác sĩ Lê Trung Ngân

No comments:

Post a Comment