Saturday, November 15, 2014

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

Thế nào là Thiên Chúa quan phòng?
-------------------------------------------
Không có định mệnh.
Tin vào định mệnh là tin rằng số phận con người được định đoạt trước một cách vô đoán không sao cưỡng lại được. Con người phải cam chịu, không thể đổi được số trời.
Mặc dầu người ta tin có số tốt, số xấu, định mệnh thường gợi lên những cảnh éo le, tan thương, tuyệt vọng. Như vậy định mệnh là một sức mạnh tàn bạo, khắt khe, mù quáng. Nếu tin vào định mệnh, con người phủ nhận tự do của mình và dễ buông xuôi. Những xã hội bị thuyết định mệnh chi phối thường bị trì trệ, lạc hậu, không phát triển nhanh chóng được.

Người Á Đông rất tin vào định mệnh. Nhiều triết gia Tây phương cũng ngã theo thuyết này, như phái khắc kỷ (Stoiciens), Spinoza…
Cần phân biệt thuyết tất định vật lý với thuyết tất định tâm lý. Thuyết tất định vật lý chi phối thế giới vật chất: mọi hiện tượng vật chất đều tuân theo những định luật cố định. Thuyết này đúng và khoa học dựa trên thuyết này. Trái lại thuyết tất định tâm lý tin vào số mệnh nhằm sinh hoạt tâm linh của con người. Thuyết này không thể chấp nhận được.
             
Cũng không có ngẫu nhiên
Tin vào rủi may là thú nhận rằng mọi cái trong thế giới này, kể cả nơi con người, đều vô định, không có nguyên nhân, hỗn loạn, không có trật tự. Nếu quả như vậy thì thế giới này là một thế giới vô chủ, bỏ ngỏ và con người cũng không làm chủ được chính mình, giống như một chiếc lá bị lôi cuốn trong cơn lốc. Nếu tin vào sự may rủi, con người dễ buông xuôi và trở thành vô trách nhiệm. Con người cũng không có tự do.
Thực ra may rủi chỉ là ý niệm chủ quan. Mọi cái đều có nguyên nhân. Sở dĩ ta có cảm tưởng may rủi là vì nguyên nhân sinh ra các biến cố quá nhiều và quá phức tạp, ta không thể xác định được.

Sunday, November 2, 2014

CHUYỆN ÔNG TƯ CHẾT MÀ VUI

Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông.

Nếu có ai biết ông Tư đang cận kề cái chết mà ái ngại cho ông, thì ông cười vui mà an ủi họ - chứ không phải là họ an ủi ông - rằng, nếu tin theo đạo Chúa, thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết?


Nếu theo đạo Phật, thì khi chết cũng sẽ về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao lại bi ai? Và nếu nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma, thì cái xác thân ở trần gian, có thể ví như bộ áo quần ta mang, khi nó đã sờn cũ, xấu xí, rách rưới mục nát rồi, thì nên bỏ đi, mà mang bộ áo quần khác, đại ý nói đi đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn.

Ông Tư nói với bạn rằng, thân xác ông bây giờ như cái quần đã mục mông, rách đáy, không còn che được cái muốn che, thì phải bỏ đi, không xài nữa là hơn.

Saturday, November 1, 2014

Tháng Các Linh Hồn - Tìm Hiểu

Lễ các Đẳng
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Một lần nọ, trước ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, cha sở thông báo: “Ngày mai là lễ các đẳng, chúng ta nhớ cầu nguyện cho các đẳng”. Thế rồi, công an xã mời cha đến xã làm việc một tuần lễ, với lý do là “Chúng ta chỉ có một đảng, sao linh mục kêu gọi cầu nguyện cho các đảng?” [1]!
Lễ ngày 2 tháng 11 có nhiều cách gọi. Cuốn “Những ngày lễ Công Giáo” chính thức của giáo phận ghi là: “Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”, người ta thường gọi là “Lễ các đẳng linh hồn”, hay vắn tắt hơn thì gọi là “Lễ các đẳng”.

1. Nguồn gốc
Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).