Saturday, August 24, 2013

Lịch sử Kinh Kính Mừng

Trong khi bản Mười Điều Răn đã mang hình thức cố định từ Cựu ước, công thức Kinh Lạy Cha đã được xác định trong Tin mừng Matthêu, Tín biểu các Thánh Tông đồ cũng đã được thành hình từ thời các giáo phụ, thì sự thành hình của Kinh Kính Mừng mất đến 16 thế kỷ.[*]

Xét theo cơ cấu hiện hành, Kinh Kính Mừng gồm có 2 phần:

- a) phần đầu là lời chúc tụng, được ghép bởi hai đoạn văn trích từ Tin Mừng của Thánh Luca: “Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà.” (lời chào của Thiên sứ Gabriel). “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.” (lời chào của bà Isave).

- b) phần thứ hai, mang tính cách khẩn nài: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Phần thứ hai tương đối mới mẻ bởi vì chỉ được thêm vào từ thế kỷ XIV. Đó là nói khái quát, chứ mỗi phần có một lịch sử riêng của nó.

1. Phần thứ nhất được trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca chương 1, các câu 28 và 42, với 2 mạch văn khác biệt: lời chào của Thiên sứ Gabriel khi truyền tin, và lời chào của bà Isave khi thăm viếng. Tân ước đã để lại một mẫu thức xác định về Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13 và Lc 11,9-13), nhưng không có mẫu thức nào cho Kinh Kính Mừng. Sự ráp nối được diễn ra tiệm tiến. Hơn thế nữa, Kinh Kính Mừng còn thêm vào danh thánh Maria và Giêsu vào 2 lời chào.

- Thật vậy, Thiên sứ Gabriel chỉ nói: “Kính chào kẻ đầy ơn phúc, Chúa ở với chị.” Thật ra, trong nguyên bản Hylạp, lời chào mang tính cách tin mừng (Khaire: vui lên đi, x. Xp 3,14-17; Ge 2,21-23; Dcr 9,9) chứ không phải chỉ là chào xã giao (Ave). Cũng vậy, “kẻ đầy ơn phúc” (trong tiếng Hylạp chỉ là một từ kecharitoménê) được coi như một tên (hay biệt hiệu). Về sau, người ta mới thêm tên “Maria” (Ave Maria), và “kẻ đầy ơn phúc” (plena gratia) được coi như một trạng thái. Các sử gia không thể xác định tên Maria được xen vào từ lúc nào, bởi vì thiếu tài liệu. Từ thế kỷ III-IV, người ta thấy những hàng chữ viết trên Nhà nguyện Truyền Tin ở Nazareth “Ave Maria”. Tuy nhiên, đó chỉ là sáng kiến của vài tín hữu thôi, chứ chưa thành tục lệ. Bằng cớ là vào thế kỷ thứ VIII, Thánh Gioan Đamascô trong bài giảng Lễ Truyền Tin, vẫn còn chú giải đoạn văn giống y như bản văn Tin Mừng - “Kính chào, kẻ đầy ơn phúc” - chứ không thêm tên “Maria”. Bài Thánh thi Akathistos, với hơn 150 lần lặp đi lặp lại lời chào Ave, nhưng vẫn không nhắc đến tên Maria.

- Ta cũng có thể nói cách tương tự về việc thêm danh “Giêsu” vào lời chào của bà Isave, nghĩa là không thể xác định được vào thời gian nào. Tin Mừng Thánh Luca chỉ có những lời: “Chị được chúc phúc hơn mọi người nữ, và hoa trái từ lòng chị đáng chúc tụng.”

- Việc kết nạp hai lời chào của sách Tin Mừng bắt đầu vào khoảng từ thế kỷ V, dĩ nhiên là với dạng khá co giãn. Trong Phụng vụ Lễ Truyền Tin theo nghi điển Byzantin (thế kỷ VI-VII), chúng ta đã gặp thấy nhiều đoạn chúc tụng như sau: “Kính chào, ôi kẻ được chúc tụng và tràn ân sủng Thiên Chúa. Chúc tụng hoa trái từ lòng bà, Đấng nhờ bà đã ban cho thế giới lòng thương xót. Kính chào, ôi kẻ đầy ơn phúc, Bà sẽ sinh ra Người Con nhiệm sinh từ Chúa Cha từ muôn thuở và sẽ cứu thoát dân mình khỏi tội lỗi. Kính chào, kẻ đầy tràn ân sủng, Chúa ở cùng bà, kính chào, Trinh nữ tinh tuyền. Kính chào, vị hôn thê không kết hôn. Kính chào, Mẹ của sự sống; chúc tụng hoa trái của lòng Bà.” Qua thế kỷ VIII, Thánh Gioan Đamascô đã sử dụng công thức: “Kính chào, Đấng đầy ơn sủng, Chúa ở cùng bà. Bà được chúc phúc hơn các phụ nữ, và chúc tụng hoa trái từ lòng bà.” Nên ghi nhận trong công thức của thánh Gioan Đamascô, tuy hai lời chào đã được ghép với nhau, nhưng vẫn chưa có hai tên “Maria” và “Giêsu”. Theo các sử gia, tên Maria được xen trước, trong bài ca-dâng-lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng trong Phụng vụ Latinh, “Ave Maria gratia plena, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui”, còn danh Giêsu thì muộn hơn. Tuy nhiên, đây chỉ mới bàn đến công thức mà thôi; phải chờ tới thế kỷ XI, công thức này mới trở thành lời kinh, nghĩa là được các tín hữu sử dụng để cầu nguyện.

- Chứng tích đầu tiên về việc xen thêm danh Giêsu được thấy trong một bài giảng của Cha Amêđê, Viện phụ Hautecombe, Dòng Xitô (+ k. 1159). Từ thế kỷ XIII trở đi, nhiều công đồng miền và tổng hội dòng tu đã truyền đọc Kinh Kính Mừng, cùng với Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, như là những kinh nguyện căn bản của Kitô giáo. Dĩ nhiên là ở giai đoạn này, Kinh Kính Mừng mới chỉ có phần thứ nhất mà thôi.

2. Phần thứ hai bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV, lúc đầu với công thức ngắn ngủi trích từ kinh cầu các thánh (Thánh Maria, cầu cho chúng tôi). Về sau, mỗi địa phương hoặc dòng tu thêm thắt vài danh hiệu của đức Mẹ hoặc kể lể vài hoàn cảnh của các tín hữu; vì thế mỗi nơi đọc Kinh Kính Mừng một cách (chẳng hạn “xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi”, “xin Mẹ cầu cùng Chúa Cứu Thế tha tội cho chúng con”). Mãi đến khi Đức Giáo hoàng Piô V công bố sách nguyện cải tổ theo quyết nghị của Công đồng Trentô (năm 1568), thì Toà Thánh mới ấn định một hình thức nhất định trong toàn thể Giáo Hội.

Thánh Tôma là chứng tích của sự tiến triển Kinh Kính Mừng vào thế kỷ XIII. Vào thời ấy, kinh này chỉ có phần thứ nhất (chứ chưa có phần thứ hai) và trong phần thứ nhất cũng chưa có tên “Giêsu”

Vì thế, bố cục của phần chú giải Kinh Kính Mừng được phân làm 3 đoạn:

1/ Lời chào của Sứ thần Gabriel: Kính chào / kẻ đầy ơn sủng / Chúa ở cùng chị / Chị được chúc phúc hơn mọi phụ nữ.
2/ Lời chào của bà Elisabeth: Hoa trái của lòng chị được chúc phúc.
3/ Lời thêm vào của Hội Thánh: Maria.

Nên ghi nhận là theo bản Vulgata, những lời “chị được chúc phúc hơn mọi phụ nữ” được gán cho Thiên sứ (đúng ra là của bà Elizabeth).
-----------------------------------------------------------
LM Phan Tấn Thành, OP
(Trích "Năm Đức Tin với Thánh Tôma - Bài 42")

No comments:

Post a Comment