Tuesday, August 20, 2013

CÔNG VIỆC CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Một số người Công Giáo không thích Công Đồng Vatican thường kể câu chuyện khi Đức Gioan XXIII từ trần và lên thiên đàng. Thánh Phêrô đưa ngài qua các cổng và bắt đầu giới thiệu ngài với các nhân vật quan trọng. Khi đức giáo hoàng được giới thiệu với Chúa Thánh Thần, Người có vẻ sửng sốt đôi chút và rồi, sau khi chợt nhận ra, có vẻ hơi bối rối. Chúa Thánh Thần nói, "Ồ, phải, phải, đúng vậy. Con biết không, ta có nhận được thiệp mời của con mời ta đến công đồng đó, nhưng ta xin lỗi, ta không thể đến được."

Câu chuyện trên không chỉ nói lên sự châm biếm thâm độc rằng người Công Giáo có thể trở về đường lối cũ khi họ cảm thấy đức tin bị đe dọa hay bị giảm bớt. Nó còn cho thấy tâm trạng oán hờn sâu xa của một số người Công Giáo đối với công đồng đó. Điều đáng kể mà câu chuyện trên cho thấy là người Công Giáo tin ở sự hiện diện lâu dài của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn giáo hội về với đường ngay nẻo chính. Nếu ai đó nghĩ rằng giáo hội đang đi lạc thì đó là vì thiếu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Người Công Giáo, giống như đa số Kitô hữu khác, tin ở ba ngôi trong một Thiên Chúa. Giáo hội không chỉ dựa trên đức tin nơi Thiên Chúa Cha, hoặc chỉ dựa trên giáo huấn của Chúa Giêsu. Giáo hội còn tìm thấy gốc gác của mình trong sự gặp gỡ với Chúa Thánh Thần vào ngày Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng biến đổi đời sống các cá nhân, là Đấng thúc giục người ta ngợi khen Thiên Chúa, là Đấng dẫn dắt các nhà lãnh đạo trong các quyết định sáng suốt, và là Đấng đi cùng với giáo hội trên cuộc hành trình tiến về chân lý và nên thánh. Chúa Thánh Thần còn là sự hiện diện của Thiên Chúa được gặp gỡ qua người dân và các biến cố trong đời sống.

Người Công Giáo ngày nay cảm nghiệm Đức Kitô phục sinh và đón nhận Chúa Thánh Thần trong một phương cách mà, có lẽ, không khác với cảm nghiệm của các tông đồ xưa. Sự gặp gỡ của chúng ta là một cách chiêm niệm; đó là chúng ta không gặp gỡ Đức Kitô cách trực tiếp qua sự xuất hiện cá biệt, nhưng qua dân chúng và các biến cố trong đời sống. Đối với người Công Giáo, sự gặp gỡ với Đức Kitô được biểu trưng qua sự hiện diện thực sự của Người trong bí tích Thánh Thể. Thánh Lễ còn chỉ cho chúng ta nơi chốn để gặp Đức Kitô hằng ngày: trong kinh nguyện, trong các tương giao thân thiện, trong các cảm nghiệm chín chắn, và nhất là trong diện mạo của người nghèo và người đau khổ và bất cứ ai có nhu cầu. Sự biến đổi mà chúng ta cảm nghiệm qua sự gặp gỡ với Đức Kitô sẽ lấp đầy chúng ta với Chúa Thánh Thần.

Dĩ nhiên, ngôn ngữ đó đầy tính cách biểu tượng. Ngôn ngữ tôn giáo phải có tính cách biểu tượng vì nó "gói ghém" cho chúng ta những gì khó hiểu. Nói rằng nó có tính cách biểu tượng thì không có nghĩa là không có thật; thế nhưng chính là để biểu thị rằng chân lý của ngôn ngữ ấy chỉ có thể lĩnh hội bởi những ai mà đối với họ ngôn ngữ ấy có ý nghĩa. Trong trường hợp ngôn ngữ tôn giáo, điều này thường có nghĩa đối với những ai đang thay đổi đời sống theo tôn giáo đó. Tuy nhiên, trong khung cảnh học thuật nó có thể bao gồm bất cứ ai muốn suy nghĩ một cách tương tự về mặt tôn giáo đó.

Thí dụ, một sinh viên đời lấy môn học về giáo hội có thể không tin ở Kitô Giáo hay Chúa Thánh Thần; tuy nhiên, người sinh viên đó có thể hiểu ngôn ngữ này như một phương cách nói về sự mở lòng hay sự biến đổi của con người. Hầu hết Kitô Hữu tin rằng ngôn ngữ này không chỉ là một phương cách xếp loại; đúng hơn, nó là chìa khóa để đi vào một truyền thống giúp chúng ta hiểu được sự mặc khải của Thiên Chúa ba ngôi. Tuy nhiên, cả hai loại sinh viên ấy có thể nhận ra bản chất biểu tượng của ngôn ngữ khi nó cố đưa chúng ta chạm đến ý nghĩa của đời sống.
Trong Bài Này

Tôi nêu lên các điểm này vì trong lớp của tôi có nhiều sinh viên, là Kitô Giáo vừa không Kitô Giáo, hoàn toàn nhầm lẫn về Chúa Thánh Thần. Để đề cập đến sự nhầm lẫn này, tôi mô tả chi tiết công việc của một ngôi vị ít được nổi tiếng trong ba ngôi Thiên Chúa.

Một số mô tả chi tiết có mục đích để người làm việc biết rõ công việc của mình; đó không phải là mục đích của tôi ở đây. Một chức năng phổ thông khác của sự mô tả chi tiết là để nói với người khác về công việc họ phải làm. Tôi thấy điều này xảy ra trong giáo xứ. Thành viên hội đồng giáo xứ đôi khi tự hỏi nhân viên đó làm gì, tỉ như phụ tá mục vụ hay giám đốc giáo dục tôn giáo. Sự mô tả chi tiết cung cấp loại tin tức này. Trong chương này, tôi sẽ đưa ra một mô tả chi tiết nhằm phản ảnh nhiều chức năng mà người Công Giáo gán cho Chúa Thánh Thần. Chương này có liên hệ đến chương 5 của văn kiện Lumen Gentium.
 

Tóm Lược Công Việc Chúa Thánh Thần

Là sự hiện diện của Thiên Chúa qua dân chúng.
Kinh Nghiệm Quá Khứ

Tham dự trong việc tạo dựng vũ trụ. (Hơi thở của Thiên Chúa, đôi khi được đồng hóa với Chúa Thánh Thần, có can dự trong sự tạo dựng vũ trụ và nhất là trong việc tạo nên con người, khi "Thiên Chúa thổi vào mũi của nó (A Dong) hơi thở sự sống" (Sáng Thế 2:7)
Từng phát ngôn qua các ngôn sứ (như được nói trong kinh Tin Kính).
Linh hứng toàn bộ Kinh Thánh.
Là người mà qua đó Đức Maria mang thai Đức Giêsu (Mt 1:18; Luca 1:35).
Ngự trên Đức Giêsu khi Người chịu thanh tẩy (Mc 1:9-11).
Là đấng mà Đức Giêsu hứa sẽ sai đến cho các môn đệ (Gioan 15:15-16:15).
Tham dự trong việc phục sinh của Đức Giêsu (Rôma 1:4).
Thêm sức cho các môn đệ vào ngày Hiện Xuống để loan truyền phúc âm nối tiếp sứ mạng cứu độ của Đức Kitô (CVTĐ 2:1-4).
Hoạt động trong đời sống Kitô Hữu để đem lại hoa quả thánh thiện (Gal 5:22).
Hướng dẫn các quyết định chính yếu của các công đồng. (Khi các tông đồ chọn người thay thế cho Giuđa, họ đã cầu khẩn đến sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (CVTĐ 1:16). Khi sau này các ngài gặp lại nhau ở Giêrusalem để giải quyết tranh chấp giữa Phêrô và Phaolô, họ tuyên bố kết luận của họ là "quyết định của Chúa Thánh Thần chứ không phải của chúng tôi" (CVTĐ 15:28). Ngay cả quyết định quan trọng để chọn sách nào thuộc về Kinh Thánh cũng được thể hiện trong một công đồng tiên khởi. Theo đức tin Công Giáo, Chúa Thánh Thần đã không chỉ hướng dẫn các quyết định lớn, nhưng còn cả sự tiến hóa về các phương tiện và cơ cấu thẩm quyền mà qua đó các quyết định được biểu quyết. Những điều này bao gồm các công đồng, Kinh Thánh, Truyền Thống, nhiệm vụ của giám mục, linh mục, và phó tế, và giáo triều.)
Từng hoạt động như nguồn thánh thiện và canh tân đời sống trong suốt lịch sử giáo hội (LG, 4).
 

Công Việc Hiện Thời: Biến Đổi Đời Sống Cá Nhân

Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống của những ai mở lòng cho Chúa. Nhiều thần học gia ngày nay nói về sự biến đổi đời sống này bằng danh từ "hoán cải". Hoán cải ám chỉ một quyết định không chỉ trở nên đạo đức hay thay đổi giáo phái nhưng còn là một tiến trình thăng tiến đức tin lâu dài. Bernard Lonergan phân biệt ba loại hoán cải: tôn giáo, luân lý và trí óc. Theo quan điểm của Lonergan, mỗi loại hoán cải bắt nguồn từ công việc của Chúa Thánh Thần, vì hoán cải tôn giáo là loại căn bản nhất mà từ đó những loại khác phát sinh.

Hoán cải tôn giáo là một kiểu rơi vào cuộc tình với Thiên Chúa. Nó bao gồm sự tiếp xúc với tình yêu của Chúa Thánh Thần đang tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta ngay cả trước khi chúng ta biết điều đó (Rôma 5:5). Nói cách khác, Lonegan tin rằng mỗi người được lấp đầy với tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Để hoán cải tôn giáo chỉ cần mở lòng cho tình yêu này. Lonergan cũng dựa trên Êgiêkien 36:26 để diễn tả sự hoán cải tôn giáo: Đó là điều xảy ra khi Thiên Chúa xé con tim bằng đá của chúng ta ra và thay thế bằng một con tim thật. Nhiều người có thể kể ra những giây phút đặc biệt trong cuộc đời họ khi sự hoán cải tôn giáo xảy ra; nhiều người lại không có thể. Tuy nhiên, tất cả những ai được hoán cải tôn giáo đều đi vào một hành trình thăng tiến suốt cả cuộc đời.

Hoán cải luân lý đề cập đến một tiến trình mà qua đó người ta không còn quyết định dựa trên lợi ích cá nhân và thay vào đó họ tìm kiếm những gì thực sự tốt lành. Chúng ta thăng tiến qua nhiều giai đoạn thúc đẩy để trở nên tốt hơn, từ những bốc đồng, đến các quy tắc, đến nhu cầu trở nên một con người đích thực chỉ hành động vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Trong phân tích của Lonergan, hoán cải trí óc thì đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Nó bao gồm việc tiếp giáp với một tiến trình mà qua đó người ta biết được những sự kiện và nhờ đó trở nên tinh thông khi chọn lựa các mức độ ý thức khác nhau và các chiều kích khác nhau của thực tế. Sự hoán cải trí óc có thể ám chỉ một tiến trình từ từ mà qua đó người ta thăng tiến trong việc định giá sự phức tạp và đa dạng của thực tế, kể cả các chiều kích siêu việt. Đó là, người hoán cải trí óc thì không còn lẫn lộn ngôn ngữ tôn giáo với diễn tả khoa học hoặc coi tôn giáo tầm thường như vật chất. Người hoán cải trí óc hiểu rõ làm thế nào ngôn ngữ biểu tượng có thể giúp người ta tiếp xúc với các chiều kích sâu xa hơn của sự hiện hữu con người.

Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống cá nhân những ai theo Đức Kitô, đó là tâm điểm của sự giảng dậy mà Thánh Phaolô nói trong Tân Ước. Kiểu cách mà Thánh Phaolô nói về sự biến đổi này đã được hệ thống hóa trong truyền thống như các ơn sủng và hoa quả của Chúa Thánh Thần. Thay vì một đời sống dựa trên sự lo sợ, oán giận, tự thán, người theo Chúa Kitô trưng ra "tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn chịu đựng, tử tế, độ lượng, tin tưởng, ôn hòa và khiết tịnh" (Galat 5:22-23). Các ơn sủng và hoa quả khác được tìm thấy trong Thánh Phaolô bao gồm sự tự chủ, khôn ngoan, khả năng quyết định đúng, đạo đức, can đảm sống luân lý, và kính sợ Thiên Chúa. Những đặc tính này không phải là những điều có thể tìm kiếm được; đó là những đức tính mà người ta chỉ tìm thấy khi cố gắng theo Đức Kitô.
 

Công Việc Hiện Thời: Linh Hứng Các Nhóm trong việc Cầu Nguyện và Quyết Định
Trong tổ chức Alcoholics Anonymous có sự tin tưởng ở "lương tâm nhóm". Cá nhân được tự do phát biểu bất cứ quan điểm nào họ muốn trong các cuộc họp, bất kể là thâm sâu hay nực cười. Những người trong tổ chức này tin rằng chính nhóm sẽ được hướng dẫn bởi một quyền lực cao hơn đến nỗi thông điệp chung của nhóm sẽ bộc lộ được ý muốn của một Thiên Chúa nhân ái (tuy mọi người trong tổ chức này không dùng chữ "Thiên Chúa"). Điều một người nói thì chỉ là quan điểm cá nhân; điều xuất phát từ nhóm là một quyền lực lớn hơn bất cứ ai và điều đó đem lại cảm nghiệm, sức mạnh và hy vọng cho mọi người tham dự.

Người Công Giáo thường tin tưởng rằng một trong những công việc của Chúa Thánh Thần là sự hoạt động như một loại "lương tâm nhóm" khi các Kitô Hữu cùng nhau cầu nguyện hay chuẩn bị quyết định. Sự tin tưởng này được thấy trong lời cầu nguyện xưa:



Lạy Thánh Thần, xin hãy đến
Xin lấp đầy tâm hồn các tín hữu
Và khơi lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Ngài
Xin hãy sai Thánh Thần đến
Và chúng sẽ được tạo thành
Và Ngài sẽ canh tân bộ mặt trái đất


Nhiều người Công Giáo ngày nay tin rằng Chúa Thánh Thần hiện đang tham dự trong một sự canh tân rộng lớn của giáo hội Công Giáo qua các nhóm nhỏ. Các thần học gia giải phóng của Châu Mỹ La Tinh vạch ra các hoạt động của Thánh Thần qua các cộng đồng Kitô hữu mà họ vừa đọc Kinh Thánh vừa tham gia hoạt động chính trị. Những ai tham dự trong phong trào canh tân Thánh Linh lại vạch ra các dấu chỉ của Thánh Thần trong việc chữa lành, nói tiên tri, và nói tiếng lạ. Các tổ chức của phụ nữ tích cực, phong trào Cursillo, các nhóm Canh Tân, các nhóm cầu nguyện, hội đồng giáo xứ, và các ủy ban giáo xứ, tất cả đều cho thấy hoạt động của Chúa Thánh Thần ở giữa họ.
 

Công Việc Hiện Thời: Hướng Dẫn Giáo Hội như một Toàn Thể
Người Công Giáo có truyền thống tin tưởng rằng giáo hội thì không thể sai sót; đó là nhờ bởi Chúa Thánh Thần gìn giữ giáo hội khỏi đi lạc đường ngay nẻo chính. Tính cách không thể sai sót một phần được dựa trên sự dẫn giải của Công Giáo về đoạn Kinh Thánh Mátthêu 16:18, khi Chúa Giêsu nói, "Và Thầy bảo thật con, con là Phêrô, và trên đá này Thầy sẽ xây giáo hội của Thầy, và cửa hỏa ngục không thể phá nổi." "Phêrô" nghĩa là "đá" theo tiếng Aramaic, và như vậy Đức Giêsu được coi như đã chơi chữ khi nói lên sự đảm bảo của Người về sự vững bền của giáo hội qua thời gian. Câu này thường được đọc cùng với Gioan 16:3: "Nhưng khi Người đến, Thần Khí của chân lý, sẽ hướng dẫn các con đến chân lý trọn vẹn."

Tính bất khả sai lầm không nên coi như một đảm bảo rằng giáo hội sẽ không bao giờ sai lầm hoặc tự mình đổi chiều về giáo huấn. Lịch sử đã cho thấy nhiều thí dụ trái ngược. Đúng ra nó có nghĩa giáo hội phải liên tục trông nhờ vào sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô và hoạt động của Người ở trần thế. Giáo hội có thể sai lầm (như từ chối các lý thuyết của Galilêo) hoặc tham dự vào những hoạt động dã man (thảm sát hàng loạt người Do Thái và Hồi Giáo trong các cuộc thập tự chinh), nhưng trong các giáo huấn quan trọng nhất và trong sứ vụ bí tích giáo hội tiếp tục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Trong một ý nghĩa căn bản, người Công Giáo có thể tín thác giáo hội và các giáo huấn.

Ở mức độ tổ chức, Chúa Thánh Thần được tin rằng đã ảnh hưởng đến việc tuyển chọn giáo hoàng, các giám mục, các sắc lệnh của công đồng, và nói chung, mọi giáo huấn, sự lãnh đạo, và sứ vụ bí tích. Nếu Chúa Giêsu hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ở với chúng ta, chúng ta có thể mong chờ cảm nghiệm được sự hiện diện đó trong các lãnh vực này. Các cuộc tranh luận hiện nay về cách tuyển chọn giám mục cũng đề cập đến vấn đề là tiếng nói của Thánh Thần có thể được nghe thấy rõ ràng nhất ở đâu.

Từ một quan điểm Công Giáo, điều thâm thuý nhất có thể nói về bất cứ cộng đồng giáo hội nào là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể được tìm thấy trong các phần tử. Đây chính là điều mà giáo hội Công Giáo đã nói trong Lumen Gentium về các giáo hội Tin Lành: "... chúng ta có thể nói rằng trong một số phương cách có thật họ đã liên kết với chúng ta trong Thánh Thần, vì họ cũng được Người ban cho các ơn sủng và ân huệ mà qua đó Người hoạt động giữa họ với quyền năng thánh hóa của Người" (LG 15).

Thông thường các phong trào trong giáo hội được coi là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhiều người ngày nay vạch ra sự phát triển ồ ạt của các sứ vụ giáo dân, sự phát triển hội đoàn Công Giáo về hoạt động xã hội, phong trào đại kết, và chiều hướng thiên về sự chia sẻ quyền bính như chứng tích của sự hoạt động của Thánh Thần. Một số thần học gia giải phóng rất thích cho rằng ngày nay Thánh Thần muốn hoạt động từ dưới đi lên, đưa giáo hội qua từng lớp người dân.

Ngay cả người ta nói rằng Chúa Thánh Thần đang ở đằng sau việc thiếu thốn linh mục. Những ai lý luận kiểu này đã thấy được các thay đổi trong cơ cấu giáo hội, tỉ như cần phải dựa trên giáo dân nhiều hơn, như các điều thực sự tốt đẹp hài hòa với hoạch định của Thiên Chúa. Cá nhân tôi không thích kiểu giải thích như vậy. Có thể Chúa Thánh Thần ở đằng sau việc thiếu thốn linh mục và cũng có thể không. Tối thiểu thì dường như việc thiếu thốn linh mục là vì giáo dân không chịu lắng nghe theo Thánh Thần hay ngược lại.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng: Không phải mọi điều gán cho Chúa Thánh Thần thì đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần. Truyền thống Công Giáo từng phải đấu tranh để ngăn cản sự hăng say muốn nhìn thấy Chúa Thánh Thần trong mọi sự, cũng như giáo hội đã từng tranh đấu để chống với sự mãn nguyện cho rằng không cần nhờ đến Thánh Thần. Một câu nói xưa của Đức Phật cho thấy cần phải thận trọng về những luận điệu cho rằng đó là quyền lực tôn giáo: "Nếu bạn gặp một Đức Phật trên đường, hãy giết ngài." Tại sao? Vì một người tự xưng mình là Đức Phật thì đó là người mạo nhận. Tôi không đề nghị phải giết tất cả những ai cho rằng Thánh Thần đang hoạt động qua họ hoặc họ là những người có khả năng nhiều nhất để giải thích về Thánh Thần; tôi chỉ cổ võ câu châm ngôn rằng mọi thần khí phải được xem xét cẩn thận.

Không có một công thức rõ ràng để xem xét thần khí. Với những ai mới khởi sự, tôi đề nghị hãy tự hỏi mình: Điều tự xưng đó có phù hợp với truyền thống tôn giáo không? Nó có phù hợp với các dữ kiện do kinh nghiệm không? Nó có hài hòa với sự hoán cải tôn giáo, luân lý và trí óc của tôi không? Khi tôi sống điều đó nó có còn tiếp tục có ý nghĩa không? Nó có giúp tôi thoát khỏi cái tôi và hướng đến người khác không? Cả một chuỗi câu hỏi có thể tiếp tục nêu ra.
 

Công Việc Hiện Thời: Là Tiềm Năng cho Tình Yêu Thiên Chúa trong Mọi Người
Nhiều thần học gia Công Giáo, trong đó có Bernard Lonergan và Karl Rahner, nói về chiều hướng căn bản của mọi con người hướng về mầu nhiệm siêu việt mà Kitô Hữu gọi là Thiên Chúa. Tất cả mọi người được lôi kéo vào chuyển dịch tự siêu thăng theo chiều hướng chân thiện mỹ. Bất kể tôn giáo nào, ngay cả người không có tôn giáo, mọi người đều có khả năng thăng tiến trong chiều hướng của Thiên Chúa khi người ta vượt ra ngoài sự ích kỷ để yêu quý đón nhận các giá trị cao hơn, mở lòng, thành thật, và tương giao nhân sự đằm thắm. Các thần học gia này còn đi xa hơn bằng cách cho rằng chiều hướng này là nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong mọi người, dù họ có biết điều đó hay không.

Vì lý do này, nhiều Kitô Hữu có tham dự trong cuộc đối thoại liên tôn dựa trên ý niệm về Chúa Thánh Thần để nói về điều gì đích thực trong tất cả mọi tôn giáo của thế giới. Chỉ có Kitô Giáo mới thấy Thiên Chúa trong Đức Kitô. Một số tôn giáo không rõ ràng tin ở Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần, được hiểu là sự hiện diện thần thánh trong chúng ta, dường như cung cấp một khởi điểm tốt đẹp cho một cuộc đối thoại (dĩ nhiên, hầu hết các tôn giáo không gọi sự hiện diện thần thánh này là "Thánh Thần")
 

Tóm Lược
Trong chương này chúng ta vừa duyệt qua các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cá nhân, đoàn nhóm, trong giáo hội, và trong thế giới. Dường như Chúa Thánh Thần có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên truyền thống Công Giáo bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn nơi quyền năng của Thiên Chúa. Điều chúng ta cần lo lắng hơn cả là sẵn sàng lắng nghe những thúc đẩy của Thần Khí và thể hiện những điều đó trong đời sống.

Một phần của công việc của Thánh Thần mà tôi quên nhắc đến là yếu tố kinh ngạc: Thần Khí tự do thổi theo các phương cách đầy kinh ngạc. Tôi tin rằng Công Đồng Vatican II là một thí dụ của điều này. Tôi bất đồng ý với một thiểu số người Công Giáo nghĩ rằng thiếu vắng Chúa Thánh Thần trong sự lạ lùng khôn lường của Vatican II; đó là một trong những nơi chính yếu mà tôi thấy Chúa Thánh Thần đi vào thế giới ngày nay.

Trong chương kế tới chúng ta sẽ khảo sát đời sống tu trì của các nam nữ tu sĩ là những người có lời khấn và hình thành các cộng đoàn.
 

Câu Hỏi Suy Tư Thêm
Bạn thấy ý niệm về Chúa Thánh Thần có giúp ích gì hơn hay làm hoang mang hơn?
Chúa Thánh Thần có chức năng gì trong chính đời sống cầu nguyện của bạn?
Bạn có thể dùng ý niệm "hoán cải" khi nói về hành trình đời sống của chính bạn?
Có bao giờ bạn cảm nghiệm một "lương tâm nhóm" mà dường như nó lớn hơn tổng số người hiện diện?
Ý niệm về Chúa Thánh Thần quan trọng thế nào cho giáo hội Công Giáo?

------------------------------------
Theo "The Church Emerging from Vatican II: A Popular Approach to Contemporary Catholicism"
của Tiến Sĩ Dennis M. Doyle.
Pt Giuse Trần Văn Nhật chuyển ngữ

No comments:

Post a Comment