Tại sao tôi yêu mến Đức Tin Công giáo?
PEGGY BOWESTôi là dân Công giáo “nòi” – Công giáo từ mới sinh, gọi là “đạo gốc”. Mẹ tôi muốn câu nói đầu tiên của tôi phải là “Giêsu”, vì bà thường đưa tôi đi lễ hằng ngày. Khi tôi lớn, tôi bắt đầu thắc mắc về đức tin và nguội lạnh vài năm sau khi tôi xa nhà. Tôi cảm thấy cuộc sống rất trống rỗng, cuối cùng tôi nhận thấy mình cần Giáo hội Công giáo, các nghi lễ và truyền thống. Tôi càng thực hành và tìm hiểu về Công giáo, tôi càng thêm yêu mến. Đây là vài lý do:
Thánh lễ – Thánh lễ không chỉ là việc cử hành phụng vụ tốt lành mà còn là phương tiện đạt được ân sủng bằng việc rước lễ. Hằng ngày, lúc nào trên thế giới cũng có Thánh lễ, hoàn tất yêu cầu của Đức Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19).
Tôi thích vì tôi có thể dự lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, La-tinh hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào, và tôi vẫn biết chính xác những gì đang diễn ra vì có nhịp điệu và nghi thức luôn giống nhau. Mỗi cộng đoàn còn có thể tạo nét riêng qua âm nhạc, cách trang trí nhà thờ và thói quen văn hóa của dân tộc mình. Tôi cảm thấy giống như ở xứ mình dù tham dự Thánh lễ ở bất cứ nơi nào.
Bí tích – Giáo hội Công giáo có bảy bí tích là dấu hiệu hữu hình về ân sủng, do chính Đức Kitô thiết lập. Bí tính Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể là các bí tích khai tâm và nền tảng của đức tin. Bí tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân là các bí tích chữa lành. Bí tích Hôn phối và Truyền chức là các bí tích phục vụ.
Tôi thích các nghi lễ và truyền thống đã xác định các bí tích, tôi cũng có thể đi xưng tội và rước lễ theo ý ước muốn của tôi. Rất lạ là khi tôi rước lễ, tôi trở nên “nhà tạm” cho Chúa ngự, và tôi có thể đưa Ngài đi khắp nơi. Tôi phải khiêm nhường để thú tội mình nơi tòa cáo giải. Càng lãnh nhận bí tích thì tôi càng đón nhận nhiều ân sủng.
Truyền thống phong phú – Những ngọn nến lung linh, những nén hương trầm thơm ngát, những thánh tượng, những hạt trong xâu chuỗi, những cửa kính có hình ảnh Công giáo, những lễ phục màu sắc, bàn thờ và nước phép chỉ là một số dấu hiệu hữu hình của truyền thống và nghi lễ Công giáo. Người Công giáo hiểu rằng việc tham dự các nghi lễ là hiệp thông trong đức tin.
Tôi cũng yêu mến các lòng sùng kính lưu truyền từ đời nọ tới đời kia như Kinh Truyền Tin, 14 Chặng Đàng Thánh Giá, Chuỗi Mân Côi và Chầu Phép Lành Thánh Thể. Các thói quen tốt lành này thấm sâu vào đức tin của tôi và liên kết tôi với các Kitô hữu khác trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi cảm thấy mình phải dạy những điều đó cho con cái để chúng tiếp tục duy trì truyền thống Công giáo.
Các thánh – Các thánh là các anh hùng đức tin, các ngài cũng là những người bình thường nhưng thực hành nhân đức khác thường. Các thánh là những tu sĩ nam nữ, linh mục, giám mục, giáo hoàng, binh sĩ, vua quan, nữ hoàng, giáo dân, nông dân, mục đồng, nô lệ,... Có những thánh rất nghèo và sống rất khó khăn, có những thánh giàu có nhưng hảo tâm với người nghèo, mỗi vị thánh đều có hoàn cảnh sống khác nhau.
Bình đẳng – Nhà thờ Công giáo đầy người, họ quỳ bên nhau, không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, tuổi tác,... Người giàu sụ cũng quỳ ngang hàng người nghèo khổ nhất. Mọi người cùng nhau vui vẻ chúc bình an cho nhau. Người dân tộc này chúc bình an cho người dân tộc khác. Tất cả đều bình đẳng.
Nhà thờ – Kiến trúc của các nhà thờ Công giáo đa dạng. Giáo dục tôi đã đến nhiều nhà thờ ở Hoa Kỳ, đã đến nhà thờ ở California với lối kiến trúc Tây Ban Nha, nhà nguyện tân kỳ ở Georgia, đại giáo đường ở Texas, và nhà thờ ở Virginia với loại ghế đa dụng. Dù tới đâu, chúng tôi vẫn gặp những nhà thờ Công giáo cách nhau chỉ vài dặm.
Luân lý – Mặc dù nhiều người coi đức tin Công giáo là dạng đòi hỏi phải giữ nghiêm luật, tôi vẫn yêu thích luân lý của Giáo hội và tìm kiếm chân lý. Giáo hội Công giáo đặt tiêu chuẩn cao về luân lý, cảm thông với người bất đồng ý kiến, nhưng không nhượng bộ bất kỳ áp lực nào. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, Chúa đã thiết lập bí tích Hòa giải để tha thứ tội lỗi và ban ân sủng cho chúng ta, giúp chúng ta sống đời sống luân lý tốt hơn.
-----------------------------------------------------
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
No comments:
Post a Comment