Thursday, September 12, 2013

CẦU NGUYỆN TRONG THÁNH THẦN

Ngay khi mở quyển Kinh Thánh, chúng ta thấy ngay một tham chiếu thật có ý nghĩa nói rằng “thần khí Thiên Chúa (Híp-ri : rûaḥ ´ĕlōhîm ; Hy-lạp : pneuma Theou) bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Quyển sách cuối của Kinh Thánh, Sách Khải Huyền, kết thúc với những lời sau : “Thần Khí và Tân Nương nói : ‘Xin Ngài ngự đến !’” (Kh 22,17). Giữa hai bản văn trên là tất cả lịch sử cứu độ. Thuật ngữ rûaḥ trong sách Sáng Thế không thể đồng nghĩa với ngôi vị Thánh Thần, vì Ba Ngôi Thiên Chúa là một mặc khải do Đức Giê-su mang lại và được trình bày trong Tân Ước. Thuật ngữ rûaḥ trong sách Sáng Thế nói đến một thuộc tính của Thiên Chúa, cũng như chúng ta hay nói đến “lòng thương xót của Thiên Chúa”, “lề luật của Thiên Chúa”, và như thế “thần khí Thiên Chúa” có nghĩa như một sở hữu của danh từ, như một đặc tính của Thiên Chúa chứ không như một thực tại khác tách biệt khỏi Thiên Chúa. Lời trích trong sách Khải Huyền thì được giải thích rõ ràng là nói đến Thánh Thần, Đấng đã liên kết lời của mình với lời của vị Tân Nương, tức là Giáo Hội, trong một lời cầu nguyện để cầu xin Chúa Giê-su mau ngự đến. 
Tất cả những người đã chịu phép rửa tham phần trong Giáo Hội, có nghĩa là chúng ta cùng với Thánh Thần cầu xin Chúa Giê-su mau ngự đến. Trong phụng vụ, lời cầu nguyện này được sống cách sâu xa vào mùa Vọng (từ 17-23 tháng 12).

Mặt khác, chúng ta biết rằng trong phụng tự của Giáo Hội có một cấu trúc cố định trong phụng vụ : quy về Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, diễn tả một thực tại rất quen thuộc với chúng ta : nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể đến với Chúa Cha. Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (số 2664) dạy rằng : “Kinh nguyện Ki-tô giáo không có con đường nào khác ngoài Đức Ki-tô. Việc cầu nguyện của chúng ta, dù là của cộng đoàn hay của cá nhân, dù là khẩu nguyện hay tâm nguyện, không thể dâng lên tới Chúa Cha nếu chúng ta không cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su. Quả vậy, nhân tính thánh thiện của Chúa Giê-su là con đường, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta”.

I. Cầu nguyện trong cộng đoàn tiên khởi

Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết về những gì đã xảy ra trong cộng đoàn các môn đệ tại Giêrusalem sau khi Chúa Giêsu, Đấng đã phục sinh từ cõi chết, lên trời (x. Cv 1,6-11). Trở lại thành, các môn đệ “lên lầu trên, nơi các ông trú ngụ... Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,13-14). Về lễ Ngũ Tuần, Lu-ca tường thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ rằng : “mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời một tiếng động phát ra, như tiếng gió mạnh, vang khắp căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những lưỡi như lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người một. Ai nấy đều được đầy Thánh Thần, và bắt đầu nói các thứ tiếng khác, theo như Thần Khí ban cho họ phát ngôn” (Cv 2,1-4).

Tất cả những hoạt động mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống dương thế của Người là làm trong Thánh Thần (x. Lc 4,14 ; 10,21). Khi Người đã lên trời, chính là Thánh Thần đã thay Người hiện diện và hướng dẫn cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu. Sẽ không còn là Đức Giê-su nói những diễn từ của Người nữa, nhưng là các tông đồ đã nhớ lại những gì Người đã dạy và đã làm : “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; tất cả chúng tôi đều là những chứng nhân về điều này. Được Thiên Chúa ra tay uy quyền nâng lên, Người nhận từ Chúa Cha Thánh Thần, Đấng đã được hứa ban, và Người đổ Thánh Thần xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,32-33).

Diễn từ của các nhà thuyết giảng không chỉ nói về quá khứ, các ngài biết rõ rằng Chúa phục sinh đang sống và tiếp tục các công trình của Người, không như khi Người hiện diện thể lý giữa họ, nhưng qua Thánh Thần của Người. Trước câu hỏi của đám đông là họ phải làm gì, thì Phê-rô đã trả lời : “Anh em hãy hối cải, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội ; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38). 

Trong văn mạch này, Lu-ca mô tả cuộc sống của cộng đoàn tiên khởi của các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem như sau : “Các tín hữu chuyên cần cầu nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Ta thấy rằng cộng đoàn lắng nghe lời giảng dạy của các tông đồ, cử hành lễ Tạ Ơn (lễ bẻ bánh) và sống trong tinh thần cầu nguyện.

Những bản văn trích dẫn cho ta thấy hai điều làm chúng ta chú ý cách đặc biệt : 1) sự hiện diện liên tục của Thánh Thần giữa cộng đoàn các môn đệ ; 2) sự liên lỉ trong “cầu nguyện” về phía các môn đệ, cùng với các phụ nữ và Đức Ma-ri-a mẹ của Đức Giê-su, và với các anh em của Người.

Nội dung của những lời cầu nguyện là điều mà các tín hữu lắng nghe trong các bản văn Cựu Ước, hiện thực hóa những bản văn đó nơi Đức Giê-su Ki-tô, đặc biệt là các Thánh Vịnh. Trong tất cả những gì Thánh Thần hoạt động, đó là làm cho Đức Giê-su hiện diện giữa cộng đoàn. Chính Thánh Thần hướng dẫn cộng đoàn và dẫn họ đến Chân Lý vẹn toàn (x. Ga 16,13), gợi hứng những cách thức cầu nguyện theo sự hiểu biết mà cộng đoàn có, liên quan đến Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, thực hiện trong đời sống hằng ngày, trong sứ vụ của Giáo Hội, trong các bí tích. Điểm khởi đầu của truyền thống phụng vụ Ki-tô giáo, với hiệu quả tự nhiên là những cách thức cầu nguyện khác nhau, như được thấy trong các bản văn Cựu Ước, sẽ là điểm tham chiếu và mẫu thức cầu nguyện Ki-tô giáo (x. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2625).

Chúng ta có thể khẳng định vai trò có tính quyết định và tuyệt đối cần thiết của Thánh Thần liên quan đến việc cầu nguyện, như Phao-lô đã viết : “Không ai có thể nói rằng : ‘Đức Giê-su là Chúa’ nếu người ấy không nhờ sức của Thánh Thần” (1 Cor 12,3). Tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su là Chúa là ngoài khả năng lý trí tự nhiên của con người chúng ta vì đức tin không phải là cái gì đó phụ thuộc vào chúng ta, hay là phát xuất từ chúng ta với tất cả những nỗ lực bản thân, nhưng là một thực tại kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy, cho nên đó là một món quà của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được mời gọi tuyên nhận rằng sự kiện mà mỗi lần chúng ta hướng về Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không thực hiện lời nguyện của chúng ta bởi sức riêng mình, vì Thánh Thần là Đấng cầu nguyện trong chúng ta. Thánh Thần tác động trên chúng ta trên suốt hành trình cầu nguyện.

Những lời nguyện khác nhau hướng về Thánh Thần để cầu xin Người đến : chúng ta có thánh thi “Xin hãy đến, lạy Đấng Tạo Thành”, vào thế kỷ thứ IX, lời cầu xin “Lạy Thánh Thần, xin hãy đến” vào thế kỷ XII, và tiếp đến là “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần Sáng Tạo”, vào đầu thế kỷ XIII, thời thành lập Dòng Thuyết Giáo, Dòng Đaminh. Lời cầu nguyện liên lỉ hướng về Thánh Thần : “Xin hãy đến !” đã gợi lên trong các tâm hồn. Thần học giải thích lời nguyện đó như một sự nại đến “sứ vụ thần thiêng”, đến sự “sai / gửi / ban” Thánh Thần tình yêu xuống từ phía Chúa Cha và Chúa Con, và trong cách thức đó chúng ta hướng về Thánh Thần không như một Đấng được “sai/gửi” đến, mà như một sự hướng về Thiên Chúa từ tận đáy lòng của chúng ta, nhưng như Người tự chuyển hướng về phía chúng ta.

Vai trò của Thánh Thần có tính quyết định để Giáo Hội là và tồn tại. Chính trong phụng vụ mà Giáo Hội không ngừng hướng về Thiên Chúa từ tận con tim cùa mình và dâng lên Người lời ca ngợi, những lời lẽ của đức tin và hy vọng và những việc làm bác ái. Tất cả những người đã chịu bí tích Thánh Tẩy “hình thành” Giáo Hội, gia đình của Thiên Chúa, sự hiệp thông giữa các thánh, được hình thành trên nền tảng của các tông đồ và các ngôn sứ, theo kiểu nói mà Phao-lô đã diễn tả ý nghĩa quan trọng của những công trình của Đức Giê-su Ki-tô và vai trò của Thánh Thần : “Nhờ người, trong một Thần Khí duy nhất, cả đôi bên, chúng ta được đến cùng Chúa Cha. Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau, vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với nhau thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,18-22).

Chúng ta đã rất quen thuộc với công thức mà Giáo Hội dùng trong phụng vụ để Dân Mới của Thiên Chúa, thân mình của Đức Ki-tô và đền thờ của Thánh Thần, dâng lên Chúa Cha, trong sự hài hòa hoàn hảo của Ba Ngôi Cực Thánh : “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con, là Thiên Chúa hằng sống hiển trị cùng Đức Chúa Cha, làm một với Chúa Thánh Thần muôn đời”. 

II. Cầu nguyện trong Thánh Thần

Trong bài giảng trên núi (x. Mt 5 – 7), Đức Giê-su đã dạy thế nào là cầu nguyện đích thật, để phân biệt với những kẻ giả hình, những người ưa thích cầu nguyện trong các hội đường, tại các góc phố, thích đứng thẳng cầu nguyện, để cho người ta nhìn thấy. Người đã dạy : “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6).

Lời mời gọi của Chúa là để có một lời cầu nguyện riêng tư, cách xa khỏi sự ồn ào, khỏi cái nhìn của người khác, để có thể cách biệt trong cầu nguyện tạo một mối tương quan thân tình một – một với Chúa Cha trên trời. Điều đầu tiên mà chúng ta xin Thiên Chúa là cho chúng ta lời cầu nguyện : “Lạy Chúa trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51,17). Chính Đức Giê-su Ki-tô đã căn dạy : “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?” (Lc 11,13). Tại sao chúng ta luôn phải kêu xin Cha trên trời ban cho chúng ta Thánh Thần ? Thánh Phao-lô trả lời thế này : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Đức Giê-su Ki-tô đã dạy các môn đệ cầu nguyện thì Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện và hướng về Thiên Chúa để kêu cầu Người “Lạy Cha !”, diễn tả tất cả sự tin tưởng của chúng ta vào Cha trên trời. Phao-lô đã học hỏi rất giỏi tất cả những điều đó, vì người khẳng định : “Anh em đã không lãnh nhận thần khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên ‘Áp-ba ! Cha ơi !’” (Rm 8,15). Chắc chắn là chính chúng ta cũng đã thốt lên lời đó “Áp-ba ! Cha ơi !”, nhưng chúng ta phải hiểu rằng không phải tự chúng ta đã thốt lên lời đó. Đây là lời của Phao-lô : “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên ‘Áp-ba ! Cha ơi !’” (Gal 4,6). Và rõ ràng hơn là : “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16).

Chúng ta có thể tự hỏi chính mình rằng chính chúng ta đã kêu lên “Áp-ba ! Cha ơi !” hay là Thánh Thần trong chúng ta đã thốt lên “Áp-ba ! Cha ơi !” ? Đặt câu hỏi trong những thuật ngữ này là không đúng chút nào : chúng ta hay Thánh Thần. Tại sao đặt câu hỏi như thế là không đúng ? Đơn giản là vì Thánh Thần và chúng ta không còn là hai nữa, và từ lúc Thánh Thần ở trong chúng ta, một sự hiện diện thuần khiết, dịu dàng nhưng thấu suốt mọi tâm can đến độ đã nên một trong chúng ta. Chúng ta có thể đối chiếu với lời ca ngợi sự khôn ngoan : “Tôi vui hưởng mọi sự tốt lành ấy, vì chính Đức Khôn Ngoan đem chúng đến với tôi ; thế mà tôi lại không biết rằng những điều tôi đã thành tâm học hỏi được, xin truyền đạt hết, không dè sẻn chi. Tôi không hề giấu giếm của cải phong phú của Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban. Ước gì Thiên Chúa cho tôi nói về Đức Khôn Ngoan theo như tôi được hiểu, và cho tôi biết nghĩ biết suy xứng với những gì tôi đã lãnh nhận ; vì chính Người là Đấng hướng dẫn Đức Khôn Ngoan, và cũng là thầy dạy của các bậc hiền triết” (Kn 7,12-15).

Liên quan đến sự hiệp nhất, thánh Phao-lô khẳng định rằng : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Giữa Thiên Chúa và chúng ta có một sự hiệp nhất, cũng thế giữa Thánh Thần và chúng ta có một sự hiệp nhất tương tự. Vậy thì ai là người cầu nguyện : Thánh Thần hay chúng ta ? Câu trả lời chính xác là : Thánh Thần trong chúng ta cầu nguyện, hay, bởi vì chúng ta đã nhận lãnh Thánh Thần, nên chúng ta cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần và nhờ Thánh Thần.

Quả thật, chính Thánh Thần ở trong chúng ta, chúng ta là nơi Người ngự trị, là đền thờ của Người. Sự hiện diện ấy thật tự nhiên trong điều kiện con người của chúng ta đến nỗi không ai trong chúng ta cảm thấy mất sự tự do, không bị cưỡng ép. Chính Thánh Thần là sự tự do, như Phao-lô khẳng định : “Mà Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3,17).

Khác biệt hẳn tất cả mọi loại cầu nguyện khác, lời cầu nguyện Ki-tô giáo bao gồm một hành động có tính thần học, theo nghĩa là để thật sự sống đời sống thiêng liêng, luôn nhớ đến sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chúng ta. Hành động có tính thần học không có ý nói đến nỗ lực cá nhân, nhưng là một ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Trong khi cầu nguyện, chúng ta thốt lên lời, chúng ta cảm nghiệm được những tình cảm, những cảm xúc của mình, nhưng chỉ khi mà Thiên Chúa Cha, Ngôi Lời và Thánh Thần khắc ghi vào linh hồn chúng ta một khả năng liên kết đầy lòng mến yêu và bình an, nhờ đó chúng ta có thể ở lại trong Người cách viên mãn. Trong thực tế, không phải chúng ta là người đến với Thiên Chúa trước, nhưng là chính Chúa Ba Ngôi mời gọi và lấp đầy lòng chúng ta một lòng mến, một cảm giác bình an và tràn đầy niềm vui. Tất cả những điều này không đến từ chúng ta, nhưng chúng ta nhận được từ Ba Ngôi Thiên Chúa, và đặt chúng ta vào một chiều kích mới của cuộc sống sâu sắc hơn những tư tưởng và khát vọng của chúng ta.

Lời của Phao-lô chứa đầy ý nghĩa. Người viết cho tín hữu thành Cô-lô-sê rằng : “Ước gì lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 16-17). Và thánh nhân khích lệ các tín hữu thành Ê-phê-sô rằng : ”Hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng ; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha’ (Ep 5,18-20).

Những lời mời gọi đó lấp đầy Giáo Hội trong phụng vụ dọc suốt ngày sống của chúng ta, từ buổi sáng đến chiều tàn, ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Lời cầu nguyện “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến !” cũng lấp đầy mọi khoảnh khắc trong ngày sống của chúng ta, và chính Thánh Thần là Đấng đã hiện thực hóa trong chúng ta các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, làm cho những mầu nhiệm ấy trở nên chính chúng ta : từ sự Nhập Thể, sự Giáng Sinh, đến mầu nhiệm Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần, từ bí tích Thánh Tẩy đến Thánh Thể nhiệm mầu. Tất cả là chính chúng ta, chúng ta thông phần trong các mầu nhiệm ấy như một món quà quý báu nhận được từ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kết luận

1. Về phần chúng ta, mỗi người phải chú ý canh giữ môi trường cầu nguyện của mình. Một phần, chúng ta biết rằng chúng ta có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Mặt khác, chúng ta phải chú ý đến lời mời gọi của Chúa : “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6)

2. Môi trường cầu nguyện thuận lợi là ở thời gian Mong Đợi và chúng ta có thể nhìn lên gương Mẹ Ma-ri-a, trong thinh lặng, trong sự lắng nghe và đón nhận Lời, và để Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong mọi lúc.

3. Cầu nguyện Ki-tô giáo là một tương quan cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi, đặt nền tảng trên lòng mến : tình yêu nhận được và tình yêu đáp trả, cho đến khi Thiên Chúa Ba Ngôi là một thực tại trong từng cá nhân chúng ta, Người ngự trong lòng chúng ta, một thực tại mà càng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong tư tưởng và trong tất cả cuộc sống của chúng ta.
--------------------------------------------------------------
Nt. Ma-ri-a Đỗ Thị Yến - Ngày 26/05/2013

No comments:

Post a Comment