Friday, September 6, 2013

SUY NIỆM 
TIN MỪNG - CN 23TNC
TỪ BỎ để THEO CHÚA (Lc 14,25-33)

NGỮ CẢNH
Ở đây bắt đầu phân đọan dài, trong đó Luca gom lại các giáo huấn của Chúa Giêsu về một vài chủ đề đặc biệt hướng tới nhiều lọai thính giả khác nhau:
- nói với đám đông về điều kiện để làm môn đệ của Ngài (14,25-35).
- nói với người Pharisêu về sự cần thiết phải hoán cải để tiếp nhận những tội nhân (15,1-32).
- với các môn đệ, về việc sử dụng tiền của (16,1-13)
- với người Pharisêu về giá trị và giới hạn của Lề luật (16,14-31).
- một lần nữa với các môn đệ, về cuộc sống huynh đệ, đức tin và phục vụ (17,1-10).
Đoạn đầu tiên gồm ba lời dạy của Chúa Giêsu, dùng hình thức phủ định để trình bày các đòi hỏi dành cho người muốn đi theo Ngài:
- yêu mến Chúa Giêsu hơn tất cả và chính mình (14,26; Mt 10,37),
- vác thập giá (14,27),
- từ bỏ tất cả (14,33).
Đòi hỏi cuối cùng được chuẩn bị và minh họa bằng hai dụ ngôn ngắn (14,28-32) và tất cả kết thúc bằng một lời cảnh giác qua hình ảnh muối (14,34-35).

TÌM HIỂU
Rất đông người:  đám người nầy đang đi theo Chúa Giêsu (x. 11,29) trên đường lên Giêrusalem (9,51). Nhưng Ngài muốn họ suy nghĩ về điều mà Ngài chờ đợi nơi các môn đệ. Ngài nói những lời nầy với tất cả mọi người, vì không dành riêng cho một ơn gọi đặc biệt nào cả.

Nếu ai đến với tôi: kiểu nói “nếu ai..” (14,26), “ai” (14,27), “bất cứ ai” (14,33), được Cựu Ước dùng để diễn tả lề luật Is ra el, được Chúa Giêsu xử dụng để cho thấy ý muốn của Ngài khi qui định luật mới.

Không ghét (dứt bỏ): kiểu nói dễ gây hiểu lầm trong thời Chúa Giêsu và ngày nay, thậm chí trong ngữ cảnh, động từ nầy có nghĩa là “yêu mến ít hơn” hoặc “chuộng hơn”, như trong thư Phaolô: “Khi các con bà (Êsau và Gia cóp) chưa sinh ra, và do đó chưa làm gì tốt hay xấu, thì Thiên Chúa đã nói với bà: ‘Thằng anh sẽ làm tôi thằng em. Như vậy là để giữ vững kế họach Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa là Đấng kêu gọi. Như có lời chép: ‘Ta yêu Gia cóp mà ghét Ê xau” (Rm 9,12-13).

Ở đây, sự ưu ái dành cho Chúa Giêsu chỉ ngầm ý chứ không được giải thích rõ bằng ở Mt 10,37.

Để giải thích kiểu nói nầy, xin đọc lại Ga 12,25: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. X. thêm Lc 16,13.

Cha mẹ: Mt (10,37) chỉ nói tới cha mẹ và con cái; còn Lc kể ra tất cả những liên hệ gia đình. Dù chính đáng (18,20), những liên hệ ấy nhiều khi tạo nên một tình cảm quá mật thiết đến nỗi không còn chỗ dành cho sự ưu tiên của Nước Trời và của đức tin.

Tuy nhiên, Lc nghĩ đến nhóm xã hội hơn là các cá nhân. Lời nói của Chúa Giêsu có thể được soi sáng bằng ví dụ ông Abraham, đã bỏ đất đai và người nhà của mình, vì được Chúa kêu gọi (St 12,1-4). Và nhiều vị tử đạo đã làm chứng cho sự ưu ái đối với Chúa Giêsu. Có lẽ cũng có một ám chỉ đến sự đoạn tuyệt cần phải có trong sứ mạng nơi người dân ngọai: cần phải chấp nhận đoạn tuyệt với thế giới quen thân Híp pri (x. 12,51-53).

Cả mạng sống mình: “Không ai có một tình yêu nào lớn hơn là thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Điều mà Chúa Giêsu đã làm gương, Ngài đề ra cho các môn đệ của Ngài bắt chước. Phục vụ Nước Trời đòi hỏi người ta quan tâm tới Thiên Chúa hơn là chính bản thân mình.

Vác thập giá mình: x. c. 9,23. Kiểu nói chỉ có ý nghĩa nếu qui chiếu đến thập giá Chúa Giêsu: do đó nó được tác giả sách tin mừng xử dụng cho các độc giả mới học biết các mầu nhiệm Vượt qua. Người môn đệ dấn thân với Chúa Giêsu phải chấp nhận đi đến cùng là thập giá. Đây còn là một lời mời gọi có tính cách tín lí hơn là một lời khuyên luân lí: chấp nhận chường kì thập giá Chúa Giêsu, tin rằng thập giá là con đường đưa đến sự sống. Từng người môn đệ được mời gọi dấn thân vào mầu nhiệm ấy (x. Gl 2,19; 1Cr 1,23;2,2).
Chúng ta còn có thể dùng kiểu nói của Phêrô để giải thích kiểu nói ngược lại: “mang lấy ách” lề luật (Cv 15,10). Trong trường hợp nầy, chấp nhận thập giá Chúa Giêsu cứu độ có thể là đi ngược lại với sự gắn bó với lề luật không thể cứu độ. Ách của chúng ta không phải là ách của lề luật, mà là ách của thập giá Đức Kitô.

Môn đệ: kiểu nói “không thể là môn đệ của ta” được lặp lại đến ba lần (14, 26.27.33).

Xây: cả hai dụ ngôn đều mời gọi suy nghĩ trước khi hành động. Cách diễn tả vay mượn từ kho từ vựng Kinh Thánh, hoặc từ cách phòng thủ tự vệ riêng (tháp canh trong vườn nho hoặc tự vệ trong xưởng thợ, x. Mc 12,1), hoặc từ quân đội (áo giáp, vua).

Trong cả hai trường hợp, vấn đề là phải bắt đầu đo lường trước tầm mức công việc trước khi thực hiện để đảm bảo thành công. Nhưng trở thành môn đệ Chúa Giêsu vượt xa tất cả những gì thuộc thế giới con người và đòi phải gặp Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá của Ngài. Khác với cách suy nghĩ bình thường, không phải khí giới cứu sống con người, nhưng là chính đức tin vào Thiên Chúa (x. Tv 33,16-20); điều quan trọng không phải là sở hữu, nhưng là bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu đến độ trút bỏ hết mọi sự trên thập giá (x. Pl 3,7). Cả hai thí dụ trên đòi phải từ bỏ những dự định sử dụng quyền lực, cũng mang nhiều ý nghĩa.

Những gì mình có: điều nầy cho thấy tính cách tuyệt đối trong giáo huấn của Chúa Giêsu theo Luca: đây là việc bỏ tất cả, không chỉ là những của cải vật chất, mà tất cả mọi khả năng của con người. Người ta không chinh phục sự cứu độ bằng chính sức mạnh của trí khôn của mình hoặc trả giá bằng tiền bạc, nhưng lãnh nhận sự cứu độ bằng sự khó nghèo và trong ý thức mình bất lực hòan toàn. Kiểu nói trên là một tổng hợp các điều kiện đi trước. Đây là việc đoạn tuyệt với một cuộc sống được điều khiển bằng ý muốn riêng của mình, chấp nhận để Chúa Giêsu hướng dẫn và gắn bó với Ngài cho đến thập giá. X. Ga 21,18.

SỨ ĐIỆP
Bài tin mừng chủ nhật hôm nay phải được gọi theo thánh Phaolô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Người đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả những người tội lỗi. Những ai chọn theo Đức Kitô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay:

“Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, mẹ, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.
-------------------------------------------
Tin vui Xuân Lộc

No comments:

Post a Comment