Sunday, September 29, 2013

EMERITUS?

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
Sau khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm, hàng loạt các danh từ liên quan đến Toà Thánh ít dùng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng mỗi nơi có cách dùng khác nhau, nhất là cách xưng hô đối với vị giáo tông đã từ nhiệm.
Hiện nay nhiều bản tin tiếng Việt vẫn gọi ngài “Giáo hoàng danh dự”, dịch từ danh hiệu “Pope Emeritus”. Tuy nhiên, cũng có người dịch là cựu hay nguyên giáo hoàng. Có người hỏi tôi Emeritus là gì? Dịch là danh dự hay cựu hay nguyên cách nào chính xác hơn? 

1. Nghĩa của emeritus.
1.1. Trong tiếng Anh, emeritus (tt.) có nguồn gốc từ danh từ Latin emeritus. Emeritus bởi tiếp đầu ngữ ex (ra khỏi) + merere (phục vụ, đáng khen), nghĩa đen là “đã hoàn thành công việc, chức vụ trước đây”, trong tiếng Việt hiểu là “cựu” hay “nguyên”.
Ban đầu emeritus dùng để chỉ “người lính kỳ cựu đã hoàn tất thời gian phục vụ trong quân ngũ của mình”. Về sau nó có thêm ý nghĩa “đáng kính trọng, xuất sắc” (trước thế kỷ 14,); và về sau nó có nghĩa “địa vị hay tư cách xứng đáng thưởng hay phạt” hay “một phần thưởng, phúc lợi”. Danh từ meritus, ở đối cách (accusative case) là meritum, có nghĩa là “công trạng, chức vụ, lòng tốt, từ thiện, phần thưởng, xứng đáng, quan trọng” (tiếng Anh là merit). Trong thế kỷ 18, các đại học ở Châu Âu đã bắt đầu sử dụng thuật từ emeritus để tôn vinh các giáo sư đã nghỉ hưu. Thuật từ này cũng được sử dụng trong tiếng Anh của người Mỹ, để chỉ các vị giáo sư về hưu lần đầu tiên vào năm 1794.
Hiện nay, emeritus là một danh hiệu danh dự để tuyên dương sự cống hiến của một nhà lãnh đạo tôn giáo, một giáo sư, hay một nhà bác học đã nghỉ hưu, là cách để thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với người được trao danh hiệu đó. Một vị emeritus dù không còn quyền lực chính thức theo chức vụ trước đây của mình, nhưng ông vẫn có thể tham gia vào các lễ nghi hay sự kiện chính thức. Ngoài ra, vị emeritus có thể duy trì mối quan hệ chuyên môn đã phát triển trong thời gian ông còn tại vị.
1.2 Tuy nhiên, khi emeritus đi chung với một từ chỉ chức vụ, chẳng hạn Professor Emeritus, nếu dịch sang tiếng Việt là “giáo sư danh dự” thì có thể gây nhầm lẫn với danh hiệu Honorary Professor.
Cần phân biệt giữa danh hiệu Emeritus và Honorary mà trong tiếng Việt chúng ta đã quen dịch là danh dự. “Giáo sư emeritus” (professor emeritus) là một giáo sư thực thụ, thường đã làm việc toàn thời gian, nhưng hiện tại đã nghỉ hưu, không còn giảng dạy hay tiến hành nhiều nghiên cứu nữa; và tuy nghỉ hưu, ông vẫn có thể được mời định kỳ để thuyết trình, giảng dạy, tham khảo ý kiến hay được trao một giải thưởng nào đó. Còn “giáo sư danh dự” (honorary professor) hay “tiến sĩ danh dự” (honorary doctorate) là danh hiệu (học vị) cao quý dành cho người có đóng góp ngoại hạng trong lĩnh vực chuyên môn; hoặc có đóng góp quan trọng cho trường hay xã hội. Một vị giáo sư hay tiến sĩ danh dự không hẵn thuộc giới hàn lâm và cũng không nhất thiết đã từng giảng dạy tại các đại học. Danh hiệu (học vị, văn bằng) tiến sĩ danh dự đôi khi được trao cho một nhạc sĩ, một chính trị gia hay một anh hùng thể thao, nhưng với danh hiệu honorary (danh dự) đó, không có nghĩa là họ là một “giáo sư emeritus”.
1.3 Emeritus trong tiếng Hoa thì gọi là “vinh hưu”, cách gọi này cũng có cái hay vì cho thấy vừa về hưu, vừa có danh dự. Vì tiếng Việt hiện không có chữ nào sát nghĩa hơn với chữ emeritus, nên theo thiển ý của chúng tôi trong trường hợp này (chức vụ + emeritus), chúng ta nên dùng chữ cựu hay nguyên để dịch chữ emeritus hơn là chữ danh dự (mặc dù emeritus có nghĩa kính trọng và vinh dự hơn chữ former (cũ, cựu, nguyên).
1.4 Bộ Giáo Luật bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã sử dụng hai chữ “danh dự” và “nguyên” để dịch từ emeritus[1]. Tuy nhiên, duy nhất ở Điều 185, emeritus được dịch là “danh dự”[2] (dùng như danh từ độc lập), còn trong các trường hợp dùng như tĩnh từ bổ nghĩa danh từ (ở Điều 402, 443§2, 707 và 1242) thì từ này được dịch là “nguyên”[3].
Theo Giáo Luật, “Các giám mục giáo phận khi đã trọn 75 tuổi được yêu cầu đệ đơn từ nhiệm lên Đức Thánh Cha, và ngài sẽ định liệu...” (Điều 401§1). “Đôi khi vị giám mục được yêu cầu từ nhiệm trước tuổi vì sức khỏe hay lý do nghiêm trọng nào khác khiến ngài không đủ khả năng chu toàn giáo vụ của mình” (Điều 401§2).
Trước năm 1971, khi vị giám mục không còn giữ nhiệm vụ cai quản giáo phận, các ngài thường được trao danh hiệu hiệu toà[4], ví dụ: Năm 1968, Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện từ nhiệm, ngài không còn giữ tước hiệu “Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long”, nhưng nhận tước hiệu “Giám Mục hiệu toà Hispellum” cho đến khi qua đời (13/05/2012) thì nhận tước hiệu “Nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long”; Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục cũng vậy: Sau khi từ nhiệm năm 1968, ngài cũng mất tước hiệu “TGM của TGP Huế” và nhận tước hiệu “TGM hiệu tòa Bulla Regia” cho đến khi qua đời (1984), thì nhận tước hiệu "Nguyên TGM TGP Huế"[5].
Giáo Luật hiện nay nói rõ: “Khi đơn từ nhiệm được chấp thuận, giám mục sẽ giữ tước hiệu ‘nguyên giám mục’ của giáo phận mình” (Điều 402, xem thêm Điều 443§2, 707 và 1242). Như vậy, khác với trường hợp được bổ nhiệm hay cho nghỉ hưu của các vị đứng đầu các thánh bộ ở Giáo triều Roma; các vị thượng phụ, tổng giám mục, giám mục chính toà và kể cả giám mục phụ tá khi về hưu, ngài được trao tước hiệu danh dự emeritus, toà của ngài sẽ không chuyển cho người khác, tước hiệu trước đây của ngài sẽ được gán thêm thuật từ “emeritus” vào trước, và ngài sẽ được gọi là nguyên thượng phụ, nguyên Tổng Giám Mục hay nguyên Giám Mục của toà trước đó của ngài. Ví dụ: Đức cha David Cremin, Giám mục phụ tá TGP Sydney (1973) là Giám mục hiệu toà Cunga Féichin, khi nghỉ hưu năm 2005 ngài nhận tước hiệu “Nguyên giám mục TGP Sydney”; Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ hiện nay là “Nguyên giám mục GP Phú Cường”, Đức thượng phụ Ignace Pierre VIII (Grégoire) Abdel-Ahad, hiện nay là “Nguyên thượng phụ Antiochia” (Lebanon)... Có thể có nhiều vị Nguyên TGM của cùng một tòa. Niên Giám Toà Thánh năm 2008 cho thấy Tổng Giáo Phận Đài Bắc có đến 3 vị Nguyên TGM còn sống. Tuy nhiên, không có nguyên TGM hiệu toà. Một TGM hiệu toà sẽ vẫn giữ nguyên tước hiệu cho đến lúc qua đời hay chuyển sang một toà khác.
Bên Anh Giáo, khi về hưu, các vị Tổng Giám Mục sẽ thay đổi tước hiệu. Ngoại trừ một số vị, chẳng hạn Đức TGM Michael Ramsey của GP. Canterbury và TGM Desmond Tutu của GP Captown (Nam Phi) khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục giữ lại tước hiệu TGM, trong khi các vị TGM khác thì chuyển thành tước hiệu Giám mục. 
2. Nghĩa của danh dự, cựu và nguyên.
Danh dự: - Danh () có nhiều nghĩa, ở đây nghĩa là có tiếng tốt, dùng để khen những người tài giỏi. - Dự () cũng có nghĩa: tiếng tốt, khen cái hay của người. Thuật từ danh dự thì có hai nghĩa: (1) (dt.) Việc được coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp, người có danh thơm, tiếng tốt: Danh dự con người. (2) (tt.) Tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể: Chủ tịch danh dự (trên danh nghĩa, không đảm nhiệm công việc thực tế).
Cựu (): (tt.) (1) Cũ, lâu năm; (2) Từ dùng trước danh từ chỉ chức vụ, với nghĩa trước kia từng là; chỉ người đã từng giữ một chức vụ hay làm phận sự nào đó: Cựu thủ tướng Nhật Bản.
Nguyên (): (tt.) (1) Đầu tiên, thứ nhất, gốc, cái vốn có từ ban đầu; (2) Từ dùng trước danh từ chỉ chức vụ, với nghĩa trước kia là: Nguyên chủ tịch hạ viện.
3. Khi nào dùng nguyên, khi nào dùng cựu?
Vì không phân biệt sự khác nhau giữa hai từ cựu và nguyên, nên báo chí miền Nam trước năm 1975 dùng toàn chữ cựu, sau năm 1975, báo chí dùng toàn chữ nguyên. Dần dần hiện nay nhiều người xem như hai từ trên là đồng nghĩa. Theo chúng tôi: Cựu: (=đã cũ) nhấn mạnh yếu tố “không còn tại vị”, dùng mô tả hoạt động của nhân vật sau khi đã rời chức vụ. Nguyên (=vốn là) nhấn mạnh tính chất “đã từng” giữ chức vụ nào đó, dùng mô tả hoạt động của nhân vật trước đây khi đang đương chức.
Để phân biệt rõ hơn về cách sử dụng hai từ cựu và nguyên, chúng ta thử thuật chuyện (quá khứ) về Đức TGM Ngô Quang Kiệt với hai thời điểm:
(1) “Ngày 20/9/2008, trong cuộc họp với Uỷ Ban Nhân Dân TP. Hà Nội, Nguyên TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nói: Tự do tôn giáo là quyền, không phải là cái ân huệ ‘xin-cho’”. Bây giờ khi Đức Tổng đã rời chức vụ, thuật lại chuyện của ngài về thời điểm đó, chúng ta dùng từ “nguyên”, để chỉ rõ vốn khi đương nhiệm, ngài đã nói thế. Ta không thể nói: “Cựu TGM Giuse đã nói: “Tự do tôn giáo là quyền...”, vì cụm từ “Cựu TGM...” mô tả hoạt động của ngài sau khi rời chức vụ.
(2) “Ngày 29/1/2013, Cựu TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã ký tên vào bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992. Kể từ ngày nghỉ hưu, đây là lần đầu tiên ngài lên tiếng trước cộng đồng về những vấn đề hệ trọng của đất nước”. Ta không thể nói “Nguyên TGM Giuse đã ký tên...”, vì hành động ký tên của ngài xảy ra sau khi ngài đã nghỉ hưu, cụm từ “Nguyên Tổng Giám Mục” mô tả hoạt động của Đức Tổng trong quá khứ khi vẫn còn đương chức. 
4. Kết.
Tóm lại, trong Giáo Hội thuật từ emeritus đã quen được dịch là nguyên (hay cựu), không ai gọi Archbishop Emeritus Ngô Quang Kiệt là ĐTGM Danh Dự Ngô Quang Kiệt bao giờ. Nên thiết nghĩ “Pope Emeritus” nên dịch là nguyên giáo tông hay cựu giáo tông, chứ không nên dịch là giáo tông danh dự.
[1] HĐGMVN, BỘ GIÁO LUẬT 1983, nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 806.
[2] Điều 185: “Tước hiệu ‘danh dự’ có thể được tặng cho người đã chấm dứt giáo vụ do quá hạn tuổi hoặc do sự từ nhiệm đã được chấp nhận”.
[3] Điều 402: “Khi đơn từ nhiệm được chấp thuận, giám mục sẽ giữ tước hiệu ‘nguyên giám mục’ của giáo phận mình”.

No comments:

Post a Comment