Kinh Kính Mừng
Kinh Kính
Mừng chắc chắn là kinh được thế giới Kitô Giáo đọc nhiều hơn hết. Ngày nay, dù
là Thệ Phản, không một Kitô hữu nào lại không biết Kinh này. Có người còn biết
nó dưới dạng La Tinh nữa:
Ave Maria - Kính mừng Maria
Gratia plena - đầy ơn phúc
Dominus tecum - Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ.
Benedicta tu in mulieribus - Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ
Et benedictus fructus ventris tui, Jesus - và Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ.
Sancta Maria - Thánh Maria
Mater Dei - Đức Mẹ Chúa Trời
Ora pro nobis peccatoribus - Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Nunc et in hora mortis nostrae - khi nay và trong giờ lâm tử.
Amen.
Kết cấu
Theo Catholic Encyclopedia, kinh trên còn được gọi là Lời Thiên Thần Chào. Lý do vì Kinh ấy bắt đầu với lời Thiên Thần Gabrien chào kính Đức Mẹ. Nhưng theo Thánh Tôma Aquinô, lời chào ấy thực sự gồm ba yếu tố khác nhau. Yếu tố thứ nhất là lời Thiên Thần Gabrien: “Ave, gratia plena, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus” (Kính chào, [bà] đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ) (Lc 1:28) (1). Yếu tố thứ hai được Giáo Hội thêm vào là tên “Maria” đặt ngay sau “Ave” (Gabrien không nói “Ave Maria” mà chỉ nói “Ave”), (còn tên “Jesus” thì thời Thánh Tôma vẫn chưa được thêm vào sau lời chào của Bà Êlizabét). Yếu tố thứ ba là lời chào mừng của thân mẫu Gioan Tẩy Giả: “Et benedictus fructus ventris tui” (Lc 1:42).
Việc ghép hai lời chào của Thiên Thần Gabrien và của Bà Êlizabét lại với nhau, theo Catholic Encyclopedia, rất tự nhiên vì trong Luca 1:28, Đức Mẹ được chào mừng là “benedicta tu in mulieribus” còn trong Luca 1:42, ngài được chào mừng là “benedicta tu in mulieribus”.
Thêm vào hai lời chào ấy, là lời cầu xin “Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae. Amen”. Lời cầu xin này được Giáo Hội công bố chính thức trong “Sách Giáo Lý Của Công Đồng Trent”. Sách này dạy rằng: “Quả hết sức thích hợp khi Giáo Hội thêm câu khẩn cầu và kêu xin Mẹ Thánh Thiên Chúa vào lời cảm tạ trên, vì muốn ngụ ý rằng ta nên sốt sắng và nài nỉ chạy đến cùng ngài để nhờ lời khẩn cầu của ngài, ngài sẽ giao hòa Thiên Chúa với chúng ta tội lỗi và giúp ta nhận được ơn phúc cần thiết cho cả đời này lẫn đời sau vô tận”.
Nguồn gốc
Kinh Kính Mừng có từ lúc nào như một lời kinh riêng của lòng sùng kính Đức Mẹ Chúa Trời là điều không dễ trả lời. Đương nhiên, khi lòng sùng kính ấy bắt đầu xuất hiện trong Giáo Hội, thì lời chào kính bất hủ của Thiên Thần Gabrien hẳn phải được tín hữu lặp đi lặp lại. Công thức “Ave gratia plena” của bản Phổ Thông do Thánh Giêrônimô chuyển từ Hy Ngữ chẳng mấy chốc đã xuất hiện trong các sách nghi lễ Syriac mà tác giả là Severus, Thượng Phụ Antiôkia (khoảng năm 513) và sau đó, trong “Liber Antiphonarius” của Thánh Grêgôriô Cả (540-604). Nhưng như một kinh riêng, thì hình như đến lúc đó vẫn chưa có Kinh Kính Mừng.
Cả truyền thuyết cho rằng Thánh Ildephonsus thành Toledo (thế kỷ thứ 7) là người khởi diễn kinh này cũng chỉ là một tương truyền ngoại thư. Truyện kể rằng một đêm kia Thánh Nhân vào nhà thờ, thấy Đức Mẹ ngự trên ghế giám mục của mình, chung quanh có ca đoàn trinh nữ ca hát ngợi khen. Thánh Nhân tới gần, rồi liên tiếp qùy lạy Đức Mẹ. Cứ mỗi lần qùy như thế, ngài lại nhắc lại lời Thiên Thần Gabrien chào kính Đức Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và con lòng Bà gồm phúc lạ”. Đức Mẹ rất hài lòng với lối tán tụng này và thưởng cho Thánh Nhân một chiếc áo chầu rất đẹp đẽ (Mabillon, Acta SS. O.S.B., saec V, pref., no. 119). Nhưng câu truyện này chỉ mới có từ thời Hermann thành Laon thuộc đầu thế kỷ 12.
Trên thực tế, theo Catholic Encyclopedia, trước năm 1050, chưa hề có dấu tích nào cho thấy Kinh Kính Mừng đã thành hình như một bản kinh riêng rẽ, biệt lập. Mọi chứng cớ đều cho thấy kinh này phát sinh từ những câu xướng đáp trong Kinh Nhật Tụng kính Đức Mẹ, khá thịnh hành lúc đó trong các đan viện. Hai bản chép tay của người Anglo-Saxon tại British Museum (một trong hai bản này có từ năm 1030) cho thấy các lời “Ave Maria” v.v… và “benedicta tu in mulieribus et benedictus fructus ventris tui" xuất hiện hầu như trong mọi phần của Kinh Nhật Tụng này. Nhưng việc chúng được nối với nhau để làm thành một kinh riêng thì phải đợi một thời gian nữa. Bộ “Marien-legenden”, tức bộ các truyện tích nổi tiếng về Đức Mẹ có từ đầu thế kỷ 12, cho thấy lời chào kính Đức Mẹ nói trên đã mau chóng phát triển thành một bài kinh riêng biệt dù câu “ và con lòng bà gồm phúc lạ” chưa biết chắc đã được thêm vào lúc nào. Tuy nhiên, Đan Viện Phụ Baldwin, thuộc dòng Xitô và là Tổng Giám Mục Canterbury năm 1184, trước đó, có viết ra một bài diễn nghĩa Kinh Kính Mừng trong đó ngài nói: “Cộng với lời chào kính của Thiên Thần, mà ta dùng chào kính Rất Thánh Đồng Trinh hàng ngày, với lòng mộ mến hết sức ta, ta thường thêm những lời sau: ‘và con lòng Bà gồm phúc lạ’, tức câu mà Thánh Nữ Êlizabét sau đó, khi nghe lời Trinh Nữ chào mình, đã nhớ lại và bổ túc lời Thiên Thần, mà nói rằng: “Bà có phúc hơn mọi người nữ và con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Không lâu sau đó, tức khoảng năm 1196, ta thấy có sắc lệnh công đồng do Đức Cha Eudes thành Sully, Giám Mục Paris, ban hành, khuyên các giáo sĩ phải lo liệu sao cho Kinh “Kính Chào Thánh Nữ Đồng Trinh” được giáo dân thuộc lòng như thuộc Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha. Sau niên hiệu ấy, nhiều chỉ thị tương tự đã được ban hành khắp nơi, bắt đầu là Anh Quốc với Công Đồng Durham năm 1217.
Kính Mừng Maria như một lời kính chào
Để hiểu được các phát triển ban đầu của việc sùng kính này, điều cần nắm vững là: những người đầu tiên sử dụng Kinh Kính Mừng chỉ hiểu đây là một hình thức chào kính. Và do đó, song song với lời chào kính, họ thường làm các cử chỉ cung kính bề ngoài như bái gối, hay ít nhất cũng cúi đầu. Người ta ghi lại rằng trong thế kỷ 12, Thánh Aybert có thói quen mỗi ngày đọc 150 Kinh Kính Mừng, trong đó ngài bái gối khi đọc 100 kinh và sấp mình đọc 50 kinh còn lại. Về Thánh Louis, Vua Nước Pháp, tác giả Thierry cho hay: không kể các kinh khác, mỗi tối, Vua Thánh đều qùy 50 lần và cứ mỗi lần đứng lên và qùy xuống, ngài lại đọc chậm rãi một Kính Mừng Maria. Việc qùy gối khi đọc Kinh Kính Mừng, sau đó, đã trở thành thói quen của nhiều dòng tu. Trong cuốn “Ancren Riwle”, một khảo luận có trước năm 1200, các nữ tu được chỉ thị là khi đọc Kinh Sáng Danh và Kinh Kính Mừng, họ phải bái gối hay cúi đầu thật sâu tùy theo mùa trong Giáo Hội. Vì sự mệt nhọc do những lần sấp mình hay qùy gối liên tiếp này gây ra, nên việc đọc một số Kinh Kính Mừng nào đó thường được coi là việc thực hành đền tội như đã được ghi lại trong nhiều hạnh các thánh, thí dụ Thánh Margarét (chết năm 1292), con gái quốc vương Hung Gia Lợi.
Đến thời Thánh Louis (1214-1270), Kinh Kính Mừng kết thúc với lời của Thánh Êlizabét: “Con lòng Bà gồm phúc lạ”, chưa có chữ Giêsu. Chữ này được thêm cùng thời với phần cầu xin. Người ta vẫn cho rằng tên Chúa Giêsu, hay “Giêsu Kitô, Amen” như trong thế kỷ 15, là do sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ IV (1261) và được Đức Gioan XXII (1249-1334) xác nhận và ban ơn xá. Dù không có chứng cớ đầy đủ nhưng cuối thời Trung Cổ, người ta vẫn tin như thế. Một thủ bản tiếng Đức rất thời danh trong thế kỷ 15 tức cuốn Der Selen Troist (1474) còn chia Kinh Kính Mừng làm 4 phần và cho rằng phần đầu là của Thiên Thần Gabrien, phần hai của Thánh Êlizabét, phần ba gồm tên thánh Jesus Christus do các vị giáo hoàng và phần cuối cùng là chữ Amen do Giáo Hội thêm vào.
Kinh Kính Mừng như một lời cầu nguyện
Việc thêm phần cầu nguyện vào phần chào kính của Kính Kính Mừng sau câu “ventris tui, Jesus” đã được cảm nghiệm từ khá lâu. Vết tích của việc thêm vào này đã có từ thế kỷ 14 và 15, trong nhiều vần thơ diễn giải kinh này, mà vần thơ nổi tiếng nhất, thường được người ta gán một cách thiếu chính xác cho Dante, là:
O Vergin benedetta, sempre tu
Ora per noi a Dio, che ci perdoni,
E diaci grazia a viver si quaggiu
Che'l paradiso al nostro fin ci doni;
(Ôi thánh Nữ Trinh, xin cầu cùng Chúa cho chúng con luôn mãi, để Người tha thứ và ban ơn thánh cho chúng con mà sống ở dưới thế này và khi chết được Người thưởng ban thiên đàng).
So sánh với các bản Kinh Kính Mừng bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Provençal, người ta thấy có khuynh hướng chung là kết thúc bằng lời khẩn cầu cho người có tội và nhất là xin ơn trợ giúp lúc lâm chung. Nhưng cho đến cuối thế kỷ 15, vẫn chưa có một hình thức kết thúc nào được chính thức công nhận, dù hình thức tương tự nhất với hình thức của ta hiện nay được gọi là “Kinh của Đức Giáo Hoàng Aléxăng VI” (1431-1503) và được khắc vào nhiều chuông nhà thờ. Tuy nhiên, cho tới tận năm 1568, về phương diện phụng vụ, Kinh Kính Mừng vẫn kết thúc ở câu “Jesus, Amen”.
Ta gặp Kinh Kính Mừng như hình thức hiện nay được in trong sách nguyện của các đan sĩ Camaldolese (một nhánh của Dòng Biển Đức) khoảng năm 1514. Hình thức này có thể phát sinh từ Ý. Có người cho rằng chính Thánh Antôniô thành Florence, qua đời năm 1459, đã viết lời Kinh y hệt như của chúng ta ngày nay. Điều này không có chi chắc chắn. Điều chắc chắn là một lời kinh y hệt như lời kinh của ta hiện nay, ngoại trừ không có chữ “nostrae”, đã được in ngay ở đầu một tác phẩm nhỏ của Savonarola (1452-1498) ấn hành năm 1495. British Museum hiện có một bản của tác phẩm này. Ngay trước niên biểu này, trong ấn bản tiếng Pháp của cuốn “Lịch Mục Tử” xuất bản năm 1493, phần thứ ba đã được thêm vào Kinh Kính Mừng. Phần này được nhắc lại trong bản dịch tiếng Anh của Pynson mấy năm sau đó như sau: "Holy Mary moder of God praye for us synners. Amen" (Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Amen). Cuốn sách trên còn có hình đức giáo hoàng và toàn thể Giáo Hội qùy gối trước ảnh Đức Mẹ và đọc cả phần thứ ba này. Hình thức mà Công Đồng Trent công bố sau cùng đã được in trong Sách Nguyện Rôma năm 1568.
Thánh Tôma Aquinô và Kinh Kính Mừng
Nói tóm lại, thời Thánh Tôma Aquinô, phần cầu nguyện trong Kinh Kính Mừng chưa có. Nên ta không nên lấy làm lạ: đối với ngài, kinh ấy gồm ba phần: lời Thiên Thần Gabrien, lời Bà Thánh Êlizabét và tên Đức Mẹ (chưa có cả “Jesus. Amen”). Và chính vì vậy, ngài chỉ bình luận tới các phần ấy mà thôi.
Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Theo Thánh Tôma, điều đầu tiên cần lưu ý là thời xưa việc thiên thần hiện ra với con người được coi là một biến cố vĩ đại, nên con người phải tỏ lòng tôn kính các ngài, vì các ngài đáng được như thế. Thánh Kinh từng ca tụng Ápraham khi ông đón tiếp các thiên thần và tỏ lòng kính trọng các ngài. Ta chưa bao giờ được nghe thiên thần tỏ lòng tôn kính một con người nào trước khi ngài tới chào kính Rất Thánh Nữ Trinh: Kính chào Bà (Ave).
Lý do tại sao vào thời xưa thiên thần không tôn kính con người mà con người phải tôn kính thiên thần là vì thiên thần cao cả hơn con người, về ba phương diện. Phương diện thứ nhất là phẩm giá, vì thiên thần có bản tính thiêng liêng. Thánh Vịnh 103:4 nói rằng: “Đấng làm các thiên thần thành thiêng liêng” (qui facis angelos tuos spiritus). Trong khi con người có bản tính mau hư, bởi thế Ápraham thưa rằng (St 18:27): “Con sẽ thân thưa với Chúa, dù con là tro bụi”.
Thành thử đâu có chuyện một tạo vật thiêng liêng và không mau hư lại đi tỏ lòng tôn kính đối với một tạo vật mau hư là con người. Phương diện thứ hai liên quan tới việc thân quen với Thiên Chúa. Vì phục dịch Thiên Chúa, nên các thiên thần rất thân quen với Người. Sách Đanien 7:10 nói rằng: “Ngàn ngàn phục dịch Người, vạn vạn túc trực trước nhan Người”. Trong khi ấy, con người chỉ là kẻ đứng ngoài, ngăn cách Chúa bởi tội lỗi. Thánh Vịnh 54:8: “Này, tôi đã cao chạy xa bay tới chốn xa xôi”. Như thế hiển nhiên con người phải tỏ lòng tôn kính đối với các thiên thần vì các ngài gần gũi và thân quen với Thiên Chúa. Phương diện thứ ba, thiên thần cao sang hơn vì được tỏa ánh hào quang ơn phúc của Chúa: các ngài tham dự đầy đủ nhất vào ánh sáng của Thiên Chúa. Sách Gióp 25:3 viết rằng: “Ai đếm được binh lính của Người, và ai tránh được ánh sáng của Người?”
Bởi thế, thiên thần luôn xuất hiện sáng láng. Còn con người, dù cũng được dự phần vào ánh sáng, nhưng nhỏ nhoi xiết bao, gần như tối tăm vậy. Cho nên không thể có chuyện thiên thần tỏ lòng tôn kính con người, chỉ trừ một người nào đó vượt hơn các thiên thần về cả ba phương diện nói trên. Thánh Tôma bảo, có, có người như vậy và người đó chính là Rất Thánh Nữ Trinh. Để chứng tỏ ngài trổi vượt hơn thiên thần về cả ba phương diện này, Gabrien đã tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ bằng cách chào kính: Kính chào Bà.
Trước nhất, Đức Mẹ trổi vượt hơn bất cứ thiên thần nào vì ngài đầy ơn phúc. Chính Gabrien đã nhìn nhận điều đó, khi tuyên xưng Đức Mẹ “đầy ơn phúc”, như thể muốn nói: con tỏ lòng cung kính bà, vì bà trổi vượt hơn con về ơn phúc. Việc trổi vượt này liên quan tới ba điều sau đây: thứ nhất, là linh hồn, linh hồn Đức Mẹ đầy ơn phúc. Thiên Chúa thường ban ơn phúc vì hai lý do: để làm điều lành và để tránh điều dữ. Về cả hai điều ấy, Đức Mẹ đều được dư đầy. Hơn bất cứ người thánh thiện nào, trừ một mình Chúa Kitô, Đức Mẹ tránh hết mọi thứ tội. Tội nguyên tổ, ngài đã được sạch từ lúc còn trong lòng mẹ; tội riêng, dù nặng hay nhẹ, ngài cũng không hề mắc phải. Bởi thế, sách Diễm Ca 4:7 viết: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ”. Thánh Augustinô, trong cuốn “Bàn Về Tự Nhiên và Ơn Thánh”, viết rằng: “Ngoại trừ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, còn nếu mọi đấng thánh nam và thánh nữ mà hiện diện ở đây và được hỏi liệu các ngài có vô tội không, thì tất cả sẽ đồng thanh trả lời: ‘nếu chúng tôi bảo mình vô tội, thì quả chúng tôi đã tự lừa dối mình và sự thật không có nơi chúng tôi’”.
Đối với Thánh Tôma, điều ấy không thể nào nghi vấn được, vì danh dự của Chúa đòi như thế. Ngài là đấng sẽ thụ thai và sinh hạ Đấng vô tội. Thánh Tôma khẳng định: “Chỉ có Chúa Kitô là hơn Đức Mẹ về phương diện này: Chúa được tượng thai và sinh ra không vướng tội nguyên tổ. Đức Mẹ được tượng thai trong tội tổ tông, nhưng sinh ra thì không vướng tội ấy” (2)
Ngoài ra, theo Thánh Tôma, Đức Mẹ nổi bật về mọi nhân đức trong khi các thánh chỉ nổi bật về một nhân đức đặc thù nào đó. Có vị nổi về nhân đức khiêm nhường, có vị nổi về nhân đức trong sạch, vị khác nổi về lòng khoan nhân. Bởi thế, các vị ấy nêu gương cho chúng ta về một số nhân đức đặc thù, như Thánh Nicôla làm gương cho chúng ta về lòng khoan nhân. Nhưng Đức Mẹ nêu gương cho ta về mọi nhân đức. Nhân đức khiêm nhường trong Luca 1:38: “Này tôi là tôi tớ Chúa”, rồi câu 48: “Người đoái trông đến sự đớn hèn của tôi tớ Người”. Nhân đức trong sạch trong Luca 1:34: “vì tôi không biết người nam”… Như thế, Đức Thánh Nữ Trinh đầy ơn phúc theo cả nghĩa tích cực (hành động) lẫn nghĩa tiêu cực (lánh tội).
Điều thứ hai, Đức Mẹ đầy ơn phúc trong linh hồn và sự đầy ơn này tràn qua thân xác ngài. Các thánh chỉ đủ ơn để thánh hóa linh hồn các ngài. Còn Đức Mẹ, linh hồn Đức Mẹ đầy ơn đến nỗi tràn qua cả thân xác ngài nữa, có thế ngài mới xứng đáng tượng thai Con Thiên Chúa. Chính vì thế, Hugh thành St Victor nói rằng: “Vì tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy mãnh liệt trong trái tim ngài đến nỗi ngài có khả năng làm được nhiều điều lạ lùng trong thân xác mình, để từ thân xác ấy Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người có thể hạ sinh. Phúc âm Luca 1:35 viết: “Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Điều thứ ba, Đức Mẹ đầy ơn phúc đến có thể phân phát cho mọi người. Điều lớn lao nơi bất cứ vị thánh nào là các ngài được nhiều ơn thánh đủ để cứu rỗi nhiều người, nhưng lớn lao hơn cả là khi có đủ ơn thánh để cứu rỗi mọi người, việc này chỉ có nơi Chúa Kitô và Đức Thánh Nữ Trinh. Vì trong bất cứ cơn gian nan nguy khốn nào, bạn vẫn có thể nhận được ơn cứu thoát từ Đức Nữ Trinh vinh hiển này. Chính vì thế, Sách Diễm Ca 4:4 nói rằng: “nơi đó treo ngàn vạn mộc khiên (nghĩa là che chở khỏi hiểm nguy)”. Ngoài ra, trong bất cứ cố gắng sống nhân đức nào, bạn cũng sẽ được ngài trợ giúp. Chính vì thế, chính Đức Mẹ đã nói về mình trong Huấn Ca (Ecclesiasticus) 24:25: “ Trong ta, có mọi ơn thánh chỉ đường, trong ta có mọi hy vọng sự sống, và nhân đức” (3).
Như thế, Đức Mẹ đầy ơn phúc và vượt trên các thiên thần nhờ sự viên mãn ơn phúc này. Thánh Tôma cho hay: chính nhờ thế, ngài xứng đáng được gọi là Maria, có nghĩa là sáng láng. Isaia 58:10 nói về ngài: “ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” soi sáng cho mọi người. Ngài giống như mặt trời và mặt trăng.
Phương diện thứ hai, Đức Mẹ trổi vượt hơn các thiên thần về sự thân quen với Thiên Chúa. Để minh chứng điều ấy, Gabrien thưa với Đức Mẹ: “Đức Chúa Trời ở cùng bà” như thể muốn nói: con tỏ lòng cung kính Bà vì Bà thân quen với Chúa hơn con, do sự kiện Thiên Chúa luôn ở cùng Bà, cả Chúa Cha lẫn Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không một thiên thần hay tạo vật nào khác có được sự thân quen ấy. Luca 1:35 nói rằng: “Bởi thế, Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Còn Isaia 12:6 thì viết rằng: “Hãy reo hò mừng rỡ, hỡi dân Xion, vì giữa ngươi, Đấng Thánh của Israel quả là vĩ đại”. Chúa ở cùng Đức Thánh Nữ Trinh khác với ở cùng các thiên thần; Người ở với ngài như con, còn với các thiên thần, ngài ở như Chúa Tể... Đức Mẹ cũng được gọi là đền thờ Thiên Chúa, nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ, Đấng thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Luca 1:35: “Thần trí Đấng Tối Cao sẽ xuống trên Bà”. Như thế, Đức Mẹ gần gũi với Thiên Chúa hơn các thiên thần: vì cả Chúa Cha, lẫn Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nghĩa là cả Ba Ngôi Thiên Chúa, cùng luôn ở với Đức Mẹ. Bởi thế có bài hát về ngài rằng: ngài là nơi nghỉ ngơi cao sang của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói về ngài rằng “Đức Chúa Trời ở cùng Bà” do đó là nói về điều cao trọng nhất người ta có thể nói về ngài. Do đó, quả là thích hợp khi thiên thần tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, vì ngài là Mẹ Thiên Chúa và do đó là Thục Nữ Thiên Vương. Thánh Tôma cho rằng tên Maria trong tiếng Syria có nghĩa là thục nữ.
Phương diện thứ ba, Đức Mẹ trổi vượt hơn các thiên thần về sự tinh trong, vì không những ngài tinh trong trong chính ngài mà ngài còn xin được ơn tinh trong cho người khác nữa. Ngài không những tinh trong đối với tội lỗi, vì Trinh Nữ này không mắc bất cứ tội nặng nhẹ nào. Ngài còn tinh trong đối với hình phạt. Vì phạm tội, con người bị ba thứ chúc dữ. Chúc dữ thứ nhất cho đàn bà, người chịu thai trong tì vết, nên phải mang nặng đẻ đau. Rất Thánh Nữ Trinh không chịu chúc dữ ấy. Thánh Tôma bảo: vì ngài chịu thai không mang tội, nên ngài mang thai trong khỏe khoắn và sinh con Cứu Thế trong hân hoan. Isaia 35:2 viết: “Hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ và hân hoan múa nhẩy reo hò”. Chúc dữ thứ hai dành cho người đàn ông, người phải đổ mồ hơi mới kiếm được miếng ăn. Đức Mẹ không chịu sự chúc dữ này, vì như Thánh Phaolô từng viết trong thư 1Côrintô 7:32: “Người không lập gia đình thì lo lắng những việc thuộc về Thiên Chúa”. Chúc dữ thứ ba chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà: họ sẽ trở về bụi tro. Đức Mẹ không chịu điều đó. Vì ngài đã được triệu cả hồn lẫn xác về thiên đàng. Vì ta vốn tin rằng sau khi chết, ngài được phục sinh và đem về trời (thời Thánh Tôma, chưa công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời). Thánh vịnh 131:8 hát rằng: “Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh, Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi”.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
Tóm lại, Đức Mẹ thoát khỏi mọi chúc dữ và do đó, ngài có phúc hơn mọi người nữ, vì chỉ có ngài là không bị chúc dữ. Trái lại, ngài nhận được mọi chúc phúc, ngài là cửa thiên đàng rộng mở. Thánh Tôma bảo rằng tên Maria, theo giải thích, có nghĩa là Ngôi Sao Biển. Như thủy thủ được sao biển hướng dẫn vào bến lành thế nào, Kitô hữu cũng được Đức Mẹ hướng dẫn vào vinh quang như thế.
Và con lòng Bà gồm phúc lạ
Người tội lỗi đôi khi đi tìm những điều không thể nào đạt được, nhưng người công chính thì luôn đạt được. Sách Cách Ngôn 13:22 dạy: “của cải đứa tội lỗi lại dành cho chính nhân”. Như Evà, chẳng hạn, đi tìm trong trái cây nhưng nào thấy được những điều bà thèm muốn. Còn Đức Mẹ ngài thấy trong hoa trái lòng mình mọi sự vốn được Evà thèm muốn. Vì Evà từng thèm muốn ba điều nơi trái cây. Điều thứ nhất là điều ma qủy hứa bậy, rằng bà sẽ nên giống như Chúa, biết điều tốt điều xấu (St 3:5). Hắn chỉ là tên nói láo, cha mọi kẻ nói láo. Vì ăn trái cây rồi, Evà đâu có nên giống Chúa. Trái lại, vì phạm tội, bà phải xa rời Chúa, Đấng vốn cứu vớt bà, và bị đuổi ra khỏi Địa Đàng. Đức Mẹ cũng như mọi Kitô hữu, trái lại, tìm thấy Thiên Chúa và ơn cứu vớt của Người trong hoa trái lòng ngài. Vì nhờ Chúa Kitô, họ được kết hợp với Thiên Chúa và trở nên giống như Người. Thư thứ nhất của Thánh Gioan 3:2 viết rằng: “khi Người xuất hiện, ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ thấy Người như vậy”. Điều thứ hai được Evà thèm muốn nơi trái cấm là khoái lạc, vì trái ấy rất ngon để ăn. Nhưng nào bà có được khoái lạc, vì sau khi ăn nó, bà chỉ thấy mình trần truồng và buồn khổ. Trái lại, nơi hoa trái lòng Đức Mẹ, ta thấy sự dịu ngọt và ơn cứu rỗi. Phúc Âm Gioan 6:55 viết: “Ai ăn thịt Ta sẽ được sống muôn đời”. Điều thứ ba, trái cấm của Evà chỉ đẹp đẽ bên ngoài, nhưng hoa trái lòng Đức Mẹ thì đẹp thực sự, một vẻ đẹp đến thiên thần cũng muốn được chiêm ngưỡng. Thánh vịnh 44:3 hát: “Ngài đẹp hơn mọi con cái loài người” vì Người chính là vẻ huy hoàng trong vinh quang Chúa Cha.
Evà không tìm thấy trong trái cấm điều mà không một kẻ tội lỗi nào có thể tìm thấy trong tội lỗi của họ. Cho nên, muốn gì, ta hãy tìm nơi hoa trái lòng Đức Mẹ. Ở đó, ta thấy hoa trái được Thiên Chúa chúc phúc, vì hoa trái này đầy rẫy mọi ơn thánh đến độ ta chỉ cần tỏ lòng cung kính Người thì các ơn thánh ấy sẽ đến với chúng ta. Thư Êphêsô 1:3 viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì từ trời cao, Người đã thi ân giáng phúc cho ta trong Chúa Kitô”. Các thiên thần trong Khải Huyền 7:12 đã hát rằng: “Chúc tụng và vinh quang, khôn ngoan và tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh dâng lên Thiên Chúa chúng ta!”. Thánh Phaolô trong thư Philiphê 2:11 viết rằng: “Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô ở trong vinh quang Chúa Cha”. Còn Thánh Vịnh 117:26 thì hát: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nói tóm lại, Đức Mẹ có phúc, nhưng con lòng Đức Mẹ còn có phúc hơn nhiều.
Ghi chú
(1) Các trích dẫn Thánh Kinh trong bài này đều căn cứ vào bản Phổ Thông (Vulgata), kể cả cách đánh số Thánh Vịnh. Cách dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ khác nhiều so với Bản Phổ Thông.
(2) Cần lưu ý: Thánh Tôma viết điều này vì lúc đó chưa có tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, một tín điều chỉ được thẩm quyền Giáo Hội tuyên bố vào năm 1854.
(3) Chúng tôi không thấy câu này trong các bản Bible de Jerusalem, Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay của Cha Nguyễn Thế Thuấn. Nhưng có thấy trong Vulgata, Nova-Vulgata và bản tiếng Anh sau đây trên liên mạng: Ecclesiasticus 24:25. “In me is all grace of the way and of the truth, in me is all hope of life and of virtue”.
Ave Maria - Kính mừng Maria
Gratia plena - đầy ơn phúc
Dominus tecum - Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ.
Benedicta tu in mulieribus - Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ
Et benedictus fructus ventris tui, Jesus - và Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ.
Sancta Maria - Thánh Maria
Mater Dei - Đức Mẹ Chúa Trời
Ora pro nobis peccatoribus - Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Nunc et in hora mortis nostrae - khi nay và trong giờ lâm tử.
Amen.
Kết cấu
Theo Catholic Encyclopedia, kinh trên còn được gọi là Lời Thiên Thần Chào. Lý do vì Kinh ấy bắt đầu với lời Thiên Thần Gabrien chào kính Đức Mẹ. Nhưng theo Thánh Tôma Aquinô, lời chào ấy thực sự gồm ba yếu tố khác nhau. Yếu tố thứ nhất là lời Thiên Thần Gabrien: “Ave, gratia plena, Dominus tecum, benedicta tu in mulieribus” (Kính chào, [bà] đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ) (Lc 1:28) (1). Yếu tố thứ hai được Giáo Hội thêm vào là tên “Maria” đặt ngay sau “Ave” (Gabrien không nói “Ave Maria” mà chỉ nói “Ave”), (còn tên “Jesus” thì thời Thánh Tôma vẫn chưa được thêm vào sau lời chào của Bà Êlizabét). Yếu tố thứ ba là lời chào mừng của thân mẫu Gioan Tẩy Giả: “Et benedictus fructus ventris tui” (Lc 1:42).
Việc ghép hai lời chào của Thiên Thần Gabrien và của Bà Êlizabét lại với nhau, theo Catholic Encyclopedia, rất tự nhiên vì trong Luca 1:28, Đức Mẹ được chào mừng là “benedicta tu in mulieribus” còn trong Luca 1:42, ngài được chào mừng là “benedicta tu in mulieribus”.
Thêm vào hai lời chào ấy, là lời cầu xin “Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc et in hora mortis nostrae. Amen”. Lời cầu xin này được Giáo Hội công bố chính thức trong “Sách Giáo Lý Của Công Đồng Trent”. Sách này dạy rằng: “Quả hết sức thích hợp khi Giáo Hội thêm câu khẩn cầu và kêu xin Mẹ Thánh Thiên Chúa vào lời cảm tạ trên, vì muốn ngụ ý rằng ta nên sốt sắng và nài nỉ chạy đến cùng ngài để nhờ lời khẩn cầu của ngài, ngài sẽ giao hòa Thiên Chúa với chúng ta tội lỗi và giúp ta nhận được ơn phúc cần thiết cho cả đời này lẫn đời sau vô tận”.
Nguồn gốc
Kinh Kính Mừng có từ lúc nào như một lời kinh riêng của lòng sùng kính Đức Mẹ Chúa Trời là điều không dễ trả lời. Đương nhiên, khi lòng sùng kính ấy bắt đầu xuất hiện trong Giáo Hội, thì lời chào kính bất hủ của Thiên Thần Gabrien hẳn phải được tín hữu lặp đi lặp lại. Công thức “Ave gratia plena” của bản Phổ Thông do Thánh Giêrônimô chuyển từ Hy Ngữ chẳng mấy chốc đã xuất hiện trong các sách nghi lễ Syriac mà tác giả là Severus, Thượng Phụ Antiôkia (khoảng năm 513) và sau đó, trong “Liber Antiphonarius” của Thánh Grêgôriô Cả (540-604). Nhưng như một kinh riêng, thì hình như đến lúc đó vẫn chưa có Kinh Kính Mừng.
Cả truyền thuyết cho rằng Thánh Ildephonsus thành Toledo (thế kỷ thứ 7) là người khởi diễn kinh này cũng chỉ là một tương truyền ngoại thư. Truyện kể rằng một đêm kia Thánh Nhân vào nhà thờ, thấy Đức Mẹ ngự trên ghế giám mục của mình, chung quanh có ca đoàn trinh nữ ca hát ngợi khen. Thánh Nhân tới gần, rồi liên tiếp qùy lạy Đức Mẹ. Cứ mỗi lần qùy như thế, ngài lại nhắc lại lời Thiên Thần Gabrien chào kính Đức Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và con lòng Bà gồm phúc lạ”. Đức Mẹ rất hài lòng với lối tán tụng này và thưởng cho Thánh Nhân một chiếc áo chầu rất đẹp đẽ (Mabillon, Acta SS. O.S.B., saec V, pref., no. 119). Nhưng câu truyện này chỉ mới có từ thời Hermann thành Laon thuộc đầu thế kỷ 12.
Trên thực tế, theo Catholic Encyclopedia, trước năm 1050, chưa hề có dấu tích nào cho thấy Kinh Kính Mừng đã thành hình như một bản kinh riêng rẽ, biệt lập. Mọi chứng cớ đều cho thấy kinh này phát sinh từ những câu xướng đáp trong Kinh Nhật Tụng kính Đức Mẹ, khá thịnh hành lúc đó trong các đan viện. Hai bản chép tay của người Anglo-Saxon tại British Museum (một trong hai bản này có từ năm 1030) cho thấy các lời “Ave Maria” v.v… và “benedicta tu in mulieribus et benedictus fructus ventris tui" xuất hiện hầu như trong mọi phần của Kinh Nhật Tụng này. Nhưng việc chúng được nối với nhau để làm thành một kinh riêng thì phải đợi một thời gian nữa. Bộ “Marien-legenden”, tức bộ các truyện tích nổi tiếng về Đức Mẹ có từ đầu thế kỷ 12, cho thấy lời chào kính Đức Mẹ nói trên đã mau chóng phát triển thành một bài kinh riêng biệt dù câu “ và con lòng bà gồm phúc lạ” chưa biết chắc đã được thêm vào lúc nào. Tuy nhiên, Đan Viện Phụ Baldwin, thuộc dòng Xitô và là Tổng Giám Mục Canterbury năm 1184, trước đó, có viết ra một bài diễn nghĩa Kinh Kính Mừng trong đó ngài nói: “Cộng với lời chào kính của Thiên Thần, mà ta dùng chào kính Rất Thánh Đồng Trinh hàng ngày, với lòng mộ mến hết sức ta, ta thường thêm những lời sau: ‘và con lòng Bà gồm phúc lạ’, tức câu mà Thánh Nữ Êlizabét sau đó, khi nghe lời Trinh Nữ chào mình, đã nhớ lại và bổ túc lời Thiên Thần, mà nói rằng: “Bà có phúc hơn mọi người nữ và con lòng Bà gồm phúc lạ”.
Không lâu sau đó, tức khoảng năm 1196, ta thấy có sắc lệnh công đồng do Đức Cha Eudes thành Sully, Giám Mục Paris, ban hành, khuyên các giáo sĩ phải lo liệu sao cho Kinh “Kính Chào Thánh Nữ Đồng Trinh” được giáo dân thuộc lòng như thuộc Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha. Sau niên hiệu ấy, nhiều chỉ thị tương tự đã được ban hành khắp nơi, bắt đầu là Anh Quốc với Công Đồng Durham năm 1217.
Kính Mừng Maria như một lời kính chào
Để hiểu được các phát triển ban đầu của việc sùng kính này, điều cần nắm vững là: những người đầu tiên sử dụng Kinh Kính Mừng chỉ hiểu đây là một hình thức chào kính. Và do đó, song song với lời chào kính, họ thường làm các cử chỉ cung kính bề ngoài như bái gối, hay ít nhất cũng cúi đầu. Người ta ghi lại rằng trong thế kỷ 12, Thánh Aybert có thói quen mỗi ngày đọc 150 Kinh Kính Mừng, trong đó ngài bái gối khi đọc 100 kinh và sấp mình đọc 50 kinh còn lại. Về Thánh Louis, Vua Nước Pháp, tác giả Thierry cho hay: không kể các kinh khác, mỗi tối, Vua Thánh đều qùy 50 lần và cứ mỗi lần đứng lên và qùy xuống, ngài lại đọc chậm rãi một Kính Mừng Maria. Việc qùy gối khi đọc Kinh Kính Mừng, sau đó, đã trở thành thói quen của nhiều dòng tu. Trong cuốn “Ancren Riwle”, một khảo luận có trước năm 1200, các nữ tu được chỉ thị là khi đọc Kinh Sáng Danh và Kinh Kính Mừng, họ phải bái gối hay cúi đầu thật sâu tùy theo mùa trong Giáo Hội. Vì sự mệt nhọc do những lần sấp mình hay qùy gối liên tiếp này gây ra, nên việc đọc một số Kinh Kính Mừng nào đó thường được coi là việc thực hành đền tội như đã được ghi lại trong nhiều hạnh các thánh, thí dụ Thánh Margarét (chết năm 1292), con gái quốc vương Hung Gia Lợi.
Đến thời Thánh Louis (1214-1270), Kinh Kính Mừng kết thúc với lời của Thánh Êlizabét: “Con lòng Bà gồm phúc lạ”, chưa có chữ Giêsu. Chữ này được thêm cùng thời với phần cầu xin. Người ta vẫn cho rằng tên Chúa Giêsu, hay “Giêsu Kitô, Amen” như trong thế kỷ 15, là do sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ IV (1261) và được Đức Gioan XXII (1249-1334) xác nhận và ban ơn xá. Dù không có chứng cớ đầy đủ nhưng cuối thời Trung Cổ, người ta vẫn tin như thế. Một thủ bản tiếng Đức rất thời danh trong thế kỷ 15 tức cuốn Der Selen Troist (1474) còn chia Kinh Kính Mừng làm 4 phần và cho rằng phần đầu là của Thiên Thần Gabrien, phần hai của Thánh Êlizabét, phần ba gồm tên thánh Jesus Christus do các vị giáo hoàng và phần cuối cùng là chữ Amen do Giáo Hội thêm vào.
Kinh Kính Mừng như một lời cầu nguyện
Việc thêm phần cầu nguyện vào phần chào kính của Kính Kính Mừng sau câu “ventris tui, Jesus” đã được cảm nghiệm từ khá lâu. Vết tích của việc thêm vào này đã có từ thế kỷ 14 và 15, trong nhiều vần thơ diễn giải kinh này, mà vần thơ nổi tiếng nhất, thường được người ta gán một cách thiếu chính xác cho Dante, là:
O Vergin benedetta, sempre tu
Ora per noi a Dio, che ci perdoni,
E diaci grazia a viver si quaggiu
Che'l paradiso al nostro fin ci doni;
(Ôi thánh Nữ Trinh, xin cầu cùng Chúa cho chúng con luôn mãi, để Người tha thứ và ban ơn thánh cho chúng con mà sống ở dưới thế này và khi chết được Người thưởng ban thiên đàng).
So sánh với các bản Kinh Kính Mừng bằng tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Provençal, người ta thấy có khuynh hướng chung là kết thúc bằng lời khẩn cầu cho người có tội và nhất là xin ơn trợ giúp lúc lâm chung. Nhưng cho đến cuối thế kỷ 15, vẫn chưa có một hình thức kết thúc nào được chính thức công nhận, dù hình thức tương tự nhất với hình thức của ta hiện nay được gọi là “Kinh của Đức Giáo Hoàng Aléxăng VI” (1431-1503) và được khắc vào nhiều chuông nhà thờ. Tuy nhiên, cho tới tận năm 1568, về phương diện phụng vụ, Kinh Kính Mừng vẫn kết thúc ở câu “Jesus, Amen”.
Ta gặp Kinh Kính Mừng như hình thức hiện nay được in trong sách nguyện của các đan sĩ Camaldolese (một nhánh của Dòng Biển Đức) khoảng năm 1514. Hình thức này có thể phát sinh từ Ý. Có người cho rằng chính Thánh Antôniô thành Florence, qua đời năm 1459, đã viết lời Kinh y hệt như của chúng ta ngày nay. Điều này không có chi chắc chắn. Điều chắc chắn là một lời kinh y hệt như lời kinh của ta hiện nay, ngoại trừ không có chữ “nostrae”, đã được in ngay ở đầu một tác phẩm nhỏ của Savonarola (1452-1498) ấn hành năm 1495. British Museum hiện có một bản của tác phẩm này. Ngay trước niên biểu này, trong ấn bản tiếng Pháp của cuốn “Lịch Mục Tử” xuất bản năm 1493, phần thứ ba đã được thêm vào Kinh Kính Mừng. Phần này được nhắc lại trong bản dịch tiếng Anh của Pynson mấy năm sau đó như sau: "Holy Mary moder of God praye for us synners. Amen" (Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Amen). Cuốn sách trên còn có hình đức giáo hoàng và toàn thể Giáo Hội qùy gối trước ảnh Đức Mẹ và đọc cả phần thứ ba này. Hình thức mà Công Đồng Trent công bố sau cùng đã được in trong Sách Nguyện Rôma năm 1568.
Thánh Tôma Aquinô và Kinh Kính Mừng
Nói tóm lại, thời Thánh Tôma Aquinô, phần cầu nguyện trong Kinh Kính Mừng chưa có. Nên ta không nên lấy làm lạ: đối với ngài, kinh ấy gồm ba phần: lời Thiên Thần Gabrien, lời Bà Thánh Êlizabét và tên Đức Mẹ (chưa có cả “Jesus. Amen”). Và chính vì vậy, ngài chỉ bình luận tới các phần ấy mà thôi.
Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Theo Thánh Tôma, điều đầu tiên cần lưu ý là thời xưa việc thiên thần hiện ra với con người được coi là một biến cố vĩ đại, nên con người phải tỏ lòng tôn kính các ngài, vì các ngài đáng được như thế. Thánh Kinh từng ca tụng Ápraham khi ông đón tiếp các thiên thần và tỏ lòng kính trọng các ngài. Ta chưa bao giờ được nghe thiên thần tỏ lòng tôn kính một con người nào trước khi ngài tới chào kính Rất Thánh Nữ Trinh: Kính chào Bà (Ave).
Lý do tại sao vào thời xưa thiên thần không tôn kính con người mà con người phải tôn kính thiên thần là vì thiên thần cao cả hơn con người, về ba phương diện. Phương diện thứ nhất là phẩm giá, vì thiên thần có bản tính thiêng liêng. Thánh Vịnh 103:4 nói rằng: “Đấng làm các thiên thần thành thiêng liêng” (qui facis angelos tuos spiritus). Trong khi con người có bản tính mau hư, bởi thế Ápraham thưa rằng (St 18:27): “Con sẽ thân thưa với Chúa, dù con là tro bụi”.
Thành thử đâu có chuyện một tạo vật thiêng liêng và không mau hư lại đi tỏ lòng tôn kính đối với một tạo vật mau hư là con người. Phương diện thứ hai liên quan tới việc thân quen với Thiên Chúa. Vì phục dịch Thiên Chúa, nên các thiên thần rất thân quen với Người. Sách Đanien 7:10 nói rằng: “Ngàn ngàn phục dịch Người, vạn vạn túc trực trước nhan Người”. Trong khi ấy, con người chỉ là kẻ đứng ngoài, ngăn cách Chúa bởi tội lỗi. Thánh Vịnh 54:8: “Này, tôi đã cao chạy xa bay tới chốn xa xôi”. Như thế hiển nhiên con người phải tỏ lòng tôn kính đối với các thiên thần vì các ngài gần gũi và thân quen với Thiên Chúa. Phương diện thứ ba, thiên thần cao sang hơn vì được tỏa ánh hào quang ơn phúc của Chúa: các ngài tham dự đầy đủ nhất vào ánh sáng của Thiên Chúa. Sách Gióp 25:3 viết rằng: “Ai đếm được binh lính của Người, và ai tránh được ánh sáng của Người?”
Bởi thế, thiên thần luôn xuất hiện sáng láng. Còn con người, dù cũng được dự phần vào ánh sáng, nhưng nhỏ nhoi xiết bao, gần như tối tăm vậy. Cho nên không thể có chuyện thiên thần tỏ lòng tôn kính con người, chỉ trừ một người nào đó vượt hơn các thiên thần về cả ba phương diện nói trên. Thánh Tôma bảo, có, có người như vậy và người đó chính là Rất Thánh Nữ Trinh. Để chứng tỏ ngài trổi vượt hơn thiên thần về cả ba phương diện này, Gabrien đã tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ bằng cách chào kính: Kính chào Bà.
Trước nhất, Đức Mẹ trổi vượt hơn bất cứ thiên thần nào vì ngài đầy ơn phúc. Chính Gabrien đã nhìn nhận điều đó, khi tuyên xưng Đức Mẹ “đầy ơn phúc”, như thể muốn nói: con tỏ lòng cung kính bà, vì bà trổi vượt hơn con về ơn phúc. Việc trổi vượt này liên quan tới ba điều sau đây: thứ nhất, là linh hồn, linh hồn Đức Mẹ đầy ơn phúc. Thiên Chúa thường ban ơn phúc vì hai lý do: để làm điều lành và để tránh điều dữ. Về cả hai điều ấy, Đức Mẹ đều được dư đầy. Hơn bất cứ người thánh thiện nào, trừ một mình Chúa Kitô, Đức Mẹ tránh hết mọi thứ tội. Tội nguyên tổ, ngài đã được sạch từ lúc còn trong lòng mẹ; tội riêng, dù nặng hay nhẹ, ngài cũng không hề mắc phải. Bởi thế, sách Diễm Ca 4:7 viết: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ”. Thánh Augustinô, trong cuốn “Bàn Về Tự Nhiên và Ơn Thánh”, viết rằng: “Ngoại trừ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, còn nếu mọi đấng thánh nam và thánh nữ mà hiện diện ở đây và được hỏi liệu các ngài có vô tội không, thì tất cả sẽ đồng thanh trả lời: ‘nếu chúng tôi bảo mình vô tội, thì quả chúng tôi đã tự lừa dối mình và sự thật không có nơi chúng tôi’”.
Đối với Thánh Tôma, điều ấy không thể nào nghi vấn được, vì danh dự của Chúa đòi như thế. Ngài là đấng sẽ thụ thai và sinh hạ Đấng vô tội. Thánh Tôma khẳng định: “Chỉ có Chúa Kitô là hơn Đức Mẹ về phương diện này: Chúa được tượng thai và sinh ra không vướng tội nguyên tổ. Đức Mẹ được tượng thai trong tội tổ tông, nhưng sinh ra thì không vướng tội ấy” (2)
Ngoài ra, theo Thánh Tôma, Đức Mẹ nổi bật về mọi nhân đức trong khi các thánh chỉ nổi bật về một nhân đức đặc thù nào đó. Có vị nổi về nhân đức khiêm nhường, có vị nổi về nhân đức trong sạch, vị khác nổi về lòng khoan nhân. Bởi thế, các vị ấy nêu gương cho chúng ta về một số nhân đức đặc thù, như Thánh Nicôla làm gương cho chúng ta về lòng khoan nhân. Nhưng Đức Mẹ nêu gương cho ta về mọi nhân đức. Nhân đức khiêm nhường trong Luca 1:38: “Này tôi là tôi tớ Chúa”, rồi câu 48: “Người đoái trông đến sự đớn hèn của tôi tớ Người”. Nhân đức trong sạch trong Luca 1:34: “vì tôi không biết người nam”… Như thế, Đức Thánh Nữ Trinh đầy ơn phúc theo cả nghĩa tích cực (hành động) lẫn nghĩa tiêu cực (lánh tội).
Điều thứ hai, Đức Mẹ đầy ơn phúc trong linh hồn và sự đầy ơn này tràn qua thân xác ngài. Các thánh chỉ đủ ơn để thánh hóa linh hồn các ngài. Còn Đức Mẹ, linh hồn Đức Mẹ đầy ơn đến nỗi tràn qua cả thân xác ngài nữa, có thế ngài mới xứng đáng tượng thai Con Thiên Chúa. Chính vì thế, Hugh thành St Victor nói rằng: “Vì tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy mãnh liệt trong trái tim ngài đến nỗi ngài có khả năng làm được nhiều điều lạ lùng trong thân xác mình, để từ thân xác ấy Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người có thể hạ sinh. Phúc âm Luca 1:35 viết: “Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
Điều thứ ba, Đức Mẹ đầy ơn phúc đến có thể phân phát cho mọi người. Điều lớn lao nơi bất cứ vị thánh nào là các ngài được nhiều ơn thánh đủ để cứu rỗi nhiều người, nhưng lớn lao hơn cả là khi có đủ ơn thánh để cứu rỗi mọi người, việc này chỉ có nơi Chúa Kitô và Đức Thánh Nữ Trinh. Vì trong bất cứ cơn gian nan nguy khốn nào, bạn vẫn có thể nhận được ơn cứu thoát từ Đức Nữ Trinh vinh hiển này. Chính vì thế, Sách Diễm Ca 4:4 nói rằng: “nơi đó treo ngàn vạn mộc khiên (nghĩa là che chở khỏi hiểm nguy)”. Ngoài ra, trong bất cứ cố gắng sống nhân đức nào, bạn cũng sẽ được ngài trợ giúp. Chính vì thế, chính Đức Mẹ đã nói về mình trong Huấn Ca (Ecclesiasticus) 24:25: “ Trong ta, có mọi ơn thánh chỉ đường, trong ta có mọi hy vọng sự sống, và nhân đức” (3).
Như thế, Đức Mẹ đầy ơn phúc và vượt trên các thiên thần nhờ sự viên mãn ơn phúc này. Thánh Tôma cho hay: chính nhờ thế, ngài xứng đáng được gọi là Maria, có nghĩa là sáng láng. Isaia 58:10 nói về ngài: “ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” soi sáng cho mọi người. Ngài giống như mặt trời và mặt trăng.
Phương diện thứ hai, Đức Mẹ trổi vượt hơn các thiên thần về sự thân quen với Thiên Chúa. Để minh chứng điều ấy, Gabrien thưa với Đức Mẹ: “Đức Chúa Trời ở cùng bà” như thể muốn nói: con tỏ lòng cung kính Bà vì Bà thân quen với Chúa hơn con, do sự kiện Thiên Chúa luôn ở cùng Bà, cả Chúa Cha lẫn Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không một thiên thần hay tạo vật nào khác có được sự thân quen ấy. Luca 1:35 nói rằng: “Bởi thế, Đấng Thánh từ bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Còn Isaia 12:6 thì viết rằng: “Hãy reo hò mừng rỡ, hỡi dân Xion, vì giữa ngươi, Đấng Thánh của Israel quả là vĩ đại”. Chúa ở cùng Đức Thánh Nữ Trinh khác với ở cùng các thiên thần; Người ở với ngài như con, còn với các thiên thần, ngài ở như Chúa Tể... Đức Mẹ cũng được gọi là đền thờ Thiên Chúa, nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ, Đấng thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Luca 1:35: “Thần trí Đấng Tối Cao sẽ xuống trên Bà”. Như thế, Đức Mẹ gần gũi với Thiên Chúa hơn các thiên thần: vì cả Chúa Cha, lẫn Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nghĩa là cả Ba Ngôi Thiên Chúa, cùng luôn ở với Đức Mẹ. Bởi thế có bài hát về ngài rằng: ngài là nơi nghỉ ngơi cao sang của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói về ngài rằng “Đức Chúa Trời ở cùng Bà” do đó là nói về điều cao trọng nhất người ta có thể nói về ngài. Do đó, quả là thích hợp khi thiên thần tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, vì ngài là Mẹ Thiên Chúa và do đó là Thục Nữ Thiên Vương. Thánh Tôma cho rằng tên Maria trong tiếng Syria có nghĩa là thục nữ.
Phương diện thứ ba, Đức Mẹ trổi vượt hơn các thiên thần về sự tinh trong, vì không những ngài tinh trong trong chính ngài mà ngài còn xin được ơn tinh trong cho người khác nữa. Ngài không những tinh trong đối với tội lỗi, vì Trinh Nữ này không mắc bất cứ tội nặng nhẹ nào. Ngài còn tinh trong đối với hình phạt. Vì phạm tội, con người bị ba thứ chúc dữ. Chúc dữ thứ nhất cho đàn bà, người chịu thai trong tì vết, nên phải mang nặng đẻ đau. Rất Thánh Nữ Trinh không chịu chúc dữ ấy. Thánh Tôma bảo: vì ngài chịu thai không mang tội, nên ngài mang thai trong khỏe khoắn và sinh con Cứu Thế trong hân hoan. Isaia 35:2 viết: “Hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ và hân hoan múa nhẩy reo hò”. Chúc dữ thứ hai dành cho người đàn ông, người phải đổ mồ hơi mới kiếm được miếng ăn. Đức Mẹ không chịu sự chúc dữ này, vì như Thánh Phaolô từng viết trong thư 1Côrintô 7:32: “Người không lập gia đình thì lo lắng những việc thuộc về Thiên Chúa”. Chúc dữ thứ ba chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà: họ sẽ trở về bụi tro. Đức Mẹ không chịu điều đó. Vì ngài đã được triệu cả hồn lẫn xác về thiên đàng. Vì ta vốn tin rằng sau khi chết, ngài được phục sinh và đem về trời (thời Thánh Tôma, chưa công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời). Thánh vịnh 131:8 hát rằng: “Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh, Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi”.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
Tóm lại, Đức Mẹ thoát khỏi mọi chúc dữ và do đó, ngài có phúc hơn mọi người nữ, vì chỉ có ngài là không bị chúc dữ. Trái lại, ngài nhận được mọi chúc phúc, ngài là cửa thiên đàng rộng mở. Thánh Tôma bảo rằng tên Maria, theo giải thích, có nghĩa là Ngôi Sao Biển. Như thủy thủ được sao biển hướng dẫn vào bến lành thế nào, Kitô hữu cũng được Đức Mẹ hướng dẫn vào vinh quang như thế.
Và con lòng Bà gồm phúc lạ
Người tội lỗi đôi khi đi tìm những điều không thể nào đạt được, nhưng người công chính thì luôn đạt được. Sách Cách Ngôn 13:22 dạy: “của cải đứa tội lỗi lại dành cho chính nhân”. Như Evà, chẳng hạn, đi tìm trong trái cây nhưng nào thấy được những điều bà thèm muốn. Còn Đức Mẹ ngài thấy trong hoa trái lòng mình mọi sự vốn được Evà thèm muốn. Vì Evà từng thèm muốn ba điều nơi trái cây. Điều thứ nhất là điều ma qủy hứa bậy, rằng bà sẽ nên giống như Chúa, biết điều tốt điều xấu (St 3:5). Hắn chỉ là tên nói láo, cha mọi kẻ nói láo. Vì ăn trái cây rồi, Evà đâu có nên giống Chúa. Trái lại, vì phạm tội, bà phải xa rời Chúa, Đấng vốn cứu vớt bà, và bị đuổi ra khỏi Địa Đàng. Đức Mẹ cũng như mọi Kitô hữu, trái lại, tìm thấy Thiên Chúa và ơn cứu vớt của Người trong hoa trái lòng ngài. Vì nhờ Chúa Kitô, họ được kết hợp với Thiên Chúa và trở nên giống như Người. Thư thứ nhất của Thánh Gioan 3:2 viết rằng: “khi Người xuất hiện, ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ thấy Người như vậy”. Điều thứ hai được Evà thèm muốn nơi trái cấm là khoái lạc, vì trái ấy rất ngon để ăn. Nhưng nào bà có được khoái lạc, vì sau khi ăn nó, bà chỉ thấy mình trần truồng và buồn khổ. Trái lại, nơi hoa trái lòng Đức Mẹ, ta thấy sự dịu ngọt và ơn cứu rỗi. Phúc Âm Gioan 6:55 viết: “Ai ăn thịt Ta sẽ được sống muôn đời”. Điều thứ ba, trái cấm của Evà chỉ đẹp đẽ bên ngoài, nhưng hoa trái lòng Đức Mẹ thì đẹp thực sự, một vẻ đẹp đến thiên thần cũng muốn được chiêm ngưỡng. Thánh vịnh 44:3 hát: “Ngài đẹp hơn mọi con cái loài người” vì Người chính là vẻ huy hoàng trong vinh quang Chúa Cha.
Evà không tìm thấy trong trái cấm điều mà không một kẻ tội lỗi nào có thể tìm thấy trong tội lỗi của họ. Cho nên, muốn gì, ta hãy tìm nơi hoa trái lòng Đức Mẹ. Ở đó, ta thấy hoa trái được Thiên Chúa chúc phúc, vì hoa trái này đầy rẫy mọi ơn thánh đến độ ta chỉ cần tỏ lòng cung kính Người thì các ơn thánh ấy sẽ đến với chúng ta. Thư Êphêsô 1:3 viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì từ trời cao, Người đã thi ân giáng phúc cho ta trong Chúa Kitô”. Các thiên thần trong Khải Huyền 7:12 đã hát rằng: “Chúc tụng và vinh quang, khôn ngoan và tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh dâng lên Thiên Chúa chúng ta!”. Thánh Phaolô trong thư Philiphê 2:11 viết rằng: “Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô ở trong vinh quang Chúa Cha”. Còn Thánh Vịnh 117:26 thì hát: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nói tóm lại, Đức Mẹ có phúc, nhưng con lòng Đức Mẹ còn có phúc hơn nhiều.
Ghi chú
(1) Các trích dẫn Thánh Kinh trong bài này đều căn cứ vào bản Phổ Thông (Vulgata), kể cả cách đánh số Thánh Vịnh. Cách dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ khác nhiều so với Bản Phổ Thông.
(2) Cần lưu ý: Thánh Tôma viết điều này vì lúc đó chưa có tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, một tín điều chỉ được thẩm quyền Giáo Hội tuyên bố vào năm 1854.
(3) Chúng tôi không thấy câu này trong các bản Bible de Jerusalem, Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay của Cha Nguyễn Thế Thuấn. Nhưng có thấy trong Vulgata, Nova-Vulgata và bản tiếng Anh sau đây trên liên mạng: Ecclesiasticus 24:25. “In me is all grace of the way and of the truth, in me is all hope of life and of virtue”.
Vũ Văn An
http://www.kinhthanhvn.org
No comments:
Post a Comment