ĐỨC MẸ CÓ ĐƯỢC CỨU CHUỘC HAY KHÔNG?
Hỏi: xin cha cho biết
Mẹ Maria có phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô hay
không?
Trả lời:
Mọi người sinh ra trong trần gian này- từ
khởi thủy đến nay và còn mãi cho đến ngày mãn thời gian-
đều chịu chung hậu quả của Tội Nguyên Tổ (original sin),
nên cần phải được tái sinh qua Phép Rửa để trở thành các tạo vật
mới, được gọi Chúa là Cha và có hy vọng sống đời đời
với Chúa trên Nước Trời mai sau. Nhưng để bảo đảm hy vọng
đó, mọi người đều phải được cứu chuộc nhờ công nghiệp của Chúa
Kitô, Con Thiên Chúa đã đến trần gian cách nay trên 2000 năm để hy sinh “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn
người.” (Mt 20: 28)
Thật vậy, chỉ vì thương yêu và “mong muốn cho mọi người được cứu độ và nhận
biết chân lý.” (1 Tm 2: 4) mà Thiên Chúa Cha đã sai
Con Một Người là Chúa Giêsu-Kitô xuống trần gian làm Con Người,
sinh bởi Đức Trinh nữ Maria nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần để chuộc
tội cho cả loài người đáng bị phạt và chết vì tội lỗi. Khi đến trần
gian làm Con Người, Chúa Giêsu đã quên mình là Thiên Chúa,
đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để vui
lòng chịu khốn khó và luận phạt như một tội nhân,
đồng số phận với hai tên trộm cướp cùng bị đóng đanh với Người trên Núi Sọ năm xưa.
Như thế, chính nhờ Chúa Kitô đã chịu chết
thay cho mọi người mà chúng ta có hy vọng được sống hạnh phúc
với Chúa trên Nước Trời mai sau. Công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô
được áp dụng cho hết mọi người đã sinh ra trước hay sau khi Chúa hoàn tất công nghiệp cứu chuộc của Người và cho mãi
đến ngày hết thời gian.
Nói khác đi, nếu không có công nghiệp cực trọng của Chúa Giêsu-Kitô thì tuyệt đối không ai có thể được
cứu rỗi vì:
“ Ngoài Người ra; không
ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu
độ. “ (Cv 4: 12).
Danh đó là Danh thánh Giêsu- Kitô,
Đấng đã vui lòng chịu chết để cho chúng ta hy vọng được sống
đời đời với Chúa trên Nước Trời, sau khi chấm dứt hành trinh trên
trần gian này .
Phải nói có hy vọng thôi, chứ không phải là bảo
đảm chắc chắn ngay từ giờ phút hiện tại, không phải vì
công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô chưa đủ cho con người được cứu
độ, mà vì con người còn có ý muốn tự do (free will) để tự ý chọn
sống theo Chúa là “
Con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14: 6 ) hay khước từ Chúa để sống
theo thế gian dẫn đưa đến hư mất đời đời vì ảnh hưởng
rất tai hại của các chủ nghĩa tục hóa (secularism), vô thần
(atheism), chủ nghĩa tương đối (relativism) tôn thờ khoái lạc (hedonism) tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất (cult of money
and materialism ) và không chấp nhận một nguyên tác luân lý và đạo đức
nào như bộ mặt của thế giới tục hóa vô luân vô đạo ở khắp nơi trong xã hội loài người ngày nay.
Nếu con người chọn sống theo thế gian với những
thực trạng trên đây thì đã hùng hồn chối bỏ Thiên Chúa là tình
thương, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối và trở nên thù nghịch với thập giá Chúa Kitô, khiến cho công nghiệp cứu chuộc vô giá
của Người trở nên vô ích cho những ai tự do chọn lựa cách
sống đó..
Nghĩa là, dù tin Chúa Kitô và công nghiệp
cứu chuộc vô giá của Người, nhưng nếu không quyết tâm đi theo Chúa để cộng tác với ơn cứu độ của Người bằng nỗ lực xa tránh mọi tội
lỗi và sự dữ bao lâu còn sống trên đời này, thì chắc chắn Chúa
không thể cứu ai được, đúng như lời Chúa đã nói với các môn đệ Người xưa
kia :
“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy
Chúa! lậy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý
muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21)
Thi hành ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa là
thực hành tốt những điều Chúa Giêsu đã dạy về mến Chúa, yêu tha nhân, sống công bình, bác ái, và trong sạch,
nghĩa là xa tránh mọi tội lỗi và sự dữ, thì mới xứng đáng được ơn Chúa
cứu chuộc để hưởng phúc Thiên Đàng như lời Người đã hứa:
“Thật vậy, ý của Cha Ta là tất cả những ai thấy người
Con
Và tin vào người Con thì được sống
muôn đời
Và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau
hết.” (Ga 6: 40)
Đó là niềm tin và hy vọng cho mọi người đã sinh ra trước hay sau Chúa Kitô và cho đến ngày
cánh chung tức ngày mãn thời gian.
Riêng đối với Đức Trinh Nữ Maria, là “Người
đầy ơn phúc” được tuyển chọn làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa
Giêsu-Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã ban riêng
cho một mình Mẹ các đặc ân lớn lao là được sinh ra mà
không vướng mắc hậu quả của tội nguyên tổ (Vô nhiễm thai= Immaculate Conception) và mọi tội khác, được trọn đời
đồng trinh và hồn xác về trời (Asumption). Như thế, Mẹ Maria
đã trỗi vượt hơn mọi thần thánh trên trời và mọi người phàm trong nhân loại nhờ những đặc ơn trên.
Nhưng dù được diễm phúc độc nhất như
vậy, Mẹ Maria cũng không cao trọng hơn Thiên Chúa và có chung một bản thể
(substance) với Ba Ngôi Thiên Chúa. Mẹ chỉ được tôn kính, tôn sùng
(venerate) cách đặc biết ở mức độ Hyperdulia, trong khi các Thánh
Nam nữ khác - kể cả Thánh Giuse- được tôn kính ở mức Dulia và chỉ
một mình Thiên Chúa được tôn thờ (adore) ở mức Latria trong
phụng vu thánh của Giáo Hội.
Dầu vậy, dù là Mẹ thật của
Chúa Giêsu, Đức Mẹ vẫn phải nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô căn cứ
vào chính lời Mẹ đã nói trong Bài ca Ngợi khen Thiên Chúa
= Magnificat của Mẹ như sau:
“ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng
cứu độ tôi (my Savior) (Lc 1 : 46-47)
…………………………………..
Thánh Công Đồng Vaticanô II, mượn lời dạy
của Thánh Phụ Irêneô, cũng dạy rằng:
“Chính Ngài ( Mẹ Maria), nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhâncứu rỗi
cho mình và cho toàn thể nhân loại.” (x Lumen Gentium số 56)
Như thế đủ cho thấy là Mẹ không được miễn
trừ ơn cứu độ của Chúa Kitô và Thiên Chúa đã “ ban
trước” ơn này cho Mẹ cũng như cho các người lành
thánh khác trong thời Cựu Ước, tức là thời gian Chúa Chúa Cứu Thế Giêsu
chưa ra đời và chưa hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.
Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn có ơn
được gọi là “ơn dự phòng: prevenient grace” để
ban trước cho Đức Mẹ và cho những người lành thánh khác như các ông
Mô-sê , Elia (Mt 17: 3; Mc 9: 4; Lc 9: 30)..đã
hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu trên núi
Ta-bo-rê khi Chúa biến đổi dung nhan trước mắt ba môn đê Phêrô,
Gioan và Gia-cô-bê
Thánh Phaolô đã giải thích về ơn dự
phòng nói trên như sau:
“Những ai Thiên Chúa
đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì
Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công
chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.” (Rm 8:30)
Tóm lại, tất cả mọi tạo vật được sinh ra trước
hay sau Chúa Kitô, đều phải nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô, kể cả Mẹ Maria, Thánh Giuse, các ngôn sứ và các Tổ phụ dân Do Thái là Abraham, Isaac và Jacob (Israel) bởi vì:
“Chỉ có một Thiên Chúa
Chỉ có một Đấng trung gian
Giữa Thiên Chúa và loài người
Đó là một con người, Đức Kitô-Giê su
Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1 Tm 2:5)
Việc Mẹ Maria lãnh nhận ơn cứu chuộc của Thiên
Chúa không làm suy giảm chút nào ơn phúc và tước hiệu của Mẹ là Mẹ thật của Chúa Giêsu, cũng là Mẹ
Thiên Chúa (Theotokos) vì Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa thật cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lại nữa, việc Mẹ nhận ơn cứu
chuộc của Chúa Kitô cũng không hề có nghĩa là Mẹ đồng hình đồng dạng với con người trong phạm trù tội lỗi, vì Mẹ đã được diễm phúc không hề bị vết nhơ nào của mọi tội lỗi từ khi Mẹ được thụ thai trong lòng mẫu thân
cho đến ngày Mẹ được về trời cả hồn xác.
Nhưng Mẹ vẫn nhận công nghiệp
cứu chuộc của Chúa Kitô không phải vì Mẹ có tội
gì để cần được tha thứ mà vì để ca ngợi và cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa. “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người
được cứu độ và nhận biết chân lý.” như Thánh Phaolô đã quả quyết (1 Tm 2:4).
Chính Mẹ cũng đã góp phần cộng tác quan trọng
vào công nghiệp này cùng với Con của Mẹ là Chúa Giêsu-Kitô, trước hết khi Mẹ “xin vâng” với Thiên Chúa đã chọn Mẹ
làm Mẹ Chúa Cứu Thế . Sự xin vâng của Mẹ thật vô cùng quan trọng và cần
thiết vì nếu không có, thì Chúa Giêsu không thể giáng sinh làm Con Người để cứu chuộc cho tất cả loài người, theo chương
trình cứu độ của Chúa Cha. Nhưng vì Mẹ “xin vâng” theo thánh ý Chúa cha, mà Chúa Giêsu đã giáng sinh trong cung lòng
vẹn sạch của Mẹ qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Không những Mẹ xin vâng mà còn cộng
tác mật thiết với Con của Mẹ trong hành trình thương khó, khổ nạn khi đứng dưới chân thánh giá hiệp thông đau khổ với Chúa Kitô khi Người dâng hy tế đền tội lên Chúa Cha
để xin ơn tha thứ và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại.
Do đó, chúng ta phải muôn đời nhớ ơn
Mẹ Maria về sự xin vâng và cộng tác này, vì quả
thực Mẹ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc mưu tìm hạnh phúc vinh cửu cho tất cả chúng ta cùng với Con của Mẹ là
Chúa Cứu Thế Giêsu.
Tóm lại, nếu “sự chết đến vì
Evà, thì sự sống đến nhờ Đức Maria”, tân Eva đã vâng
phục Thiên Chúa và cộng tác với Chúa Giêsu –Kitô, Đấng trung gian
duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người như Kinh Thánh và các Thánh Phụ đã dạy. (x.LG, số 56)
----------------------------------------------
----------------------------------------------
Lm
Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
No comments:
Post a Comment