Thursday, October 17, 2013

Góc phụ huynh
MỐI LIÊN HỆ GIỮA CON CÁI VỚI CHA MẸ

XÃ HỘI
Trong phần thứ nhất, chúng ta đã tìm hiểu về việc canh tân đời sống đạo đức trong gia đình vì theo tôi nghĩ tinh thần đạo đức chính là yếu tố căn bản, nhờ đó chúng ta sẽ tạo được một bàu khí yêu thương, sẽ bắc được một nhịp cầu cảm thông, để mọi người xích lại gần nhau hơn với một sự hòa thuận đầm ấm.

Tiếp nối vào đó, trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu và cố gắng đổi mới những liên hệ trong gia đình. Trước hết là mối liên hệ giữa con cái và cha mẹ.

Nói đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ, chúng ta nghĩ ngay tới chữ hiếu. Đúng thế, chữ hiếu đã in sâu vào tim óc người Việt Nam và đã trở thành một cái “đạo” cho mọi người sống và tuân theo.

Đi tìm nguồn gốc, chúng ta thấy quan niệm về chữ hiếu mang nặng ảnh hưởng của Nho giáo.

Thực vậy, theo Khổng tử người con trai phải có ngũ thường, năm nhân đức cần phải tập luyện, đó là nhân nghĩa lễ trí tín. Như thế, cố gắng đầu tiên của Khổng tử là dạy người ta đạt tới đạo nhân, tức là làm cho người ta lúc nào cũng ngập tràn những tình cảm hiền hòa và chân thành.


Lẽ thường cha mẹ và anh chị em là những người thân thiết với chúng ta hơn cả, thì đương nhiên chúng ta phải kính, phải yêu trước đã, rồi đối với người ngoài mới có lòng từ ái và mến thương được.
Nếu ở với cha mẹ mà không hiếu thảo, ở với anh chị em mà không kính yêu, tức là tình cảm của chúng ta rất đỗi tệ bạc, thì làm sao có thể yêu thương được người dưng nước lã.

Đồng thời, Nho giáo còn chủ trương tam cương, nghĩa là trong xã hội có ba rường cột chính nâng đỡ và chi phối mọi hoạt động của chúng ta. Ba rường cột ấy gồm quân thần, phụ tử và phu phụ. Đạo vua tôi, đạo cha con và đạo vợ chồng.

Đi vào xã hội, chúng ta thấy người Việt Nam rất gần gũi với quan niệm sống kể trên. Thực vậy, một đứa con bất hiếu, có những hành vi thiếu trọng kính và tệ bạc đối với cha mẹ, sẽ bị coi là đồ bỏ và nhiều khi còn bị xã hội Việt Nam dành cho những hình phạt thật nặng nề và nghiêm khắc, tùy theo tập tục của từng địa phương, của từng thời đại, chẳng hạn như gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông….

Chính vì thế, tục ngữ ca dao cũng như thơ văn cổ xưa không thiếu những lời khuyên chân thành và cụ thể. Thí dụ Nguyễn công Trứ đã viết :
- Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.

Nguyễn đình Chiểu đã khuyên nhủ :
- Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Nhiều khi trong những hoàn cảnh éo le, bên tình bên hiếu, bên nào trọng hơn, người ta đã dám hy sinh cả mảnh tình riêng tư để giữ cho tròn đạo hiếu.

Ngoài ra, trong xã hội Việt Nam ngày xưa, cuốn “Nhị thập tứ hiếu”, câu chuyện về hai mươi bốn người con có hiếu, được viết ra để làm gì, nếu không phải để nêu lên cho hậu thế những mẫu gương sáng chói mà noi theo.

Chúng ta có thể mượn lời ca dao sau đây để đúc kết về chữ hiếu của người Việt Nam :
- Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
--------------------------------------------------
KINH THÁNH
Đọc lại Kinh thánh, chúng ta cũng sẽ tìm thấy được những quan niệm tương tự như thế.
Thực vậy, điều răn thứ tư của Cựu ước đã qui định những gì, nếu kông phải là những bổn phận của con cái đối với cha mẹ.
Sáng Xuất Ai Cập đã viết :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ hầu ngươi được trường thọ trên đất Thiên Chúa sẽ ban cho.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc lại giới luật trên. Chẳng hạn khi chàng thanh niên đầy thiện chí đến hỏi Chúa :

- Lạy Thày nhân lành, con phải làm gì để được sông muôn đời.

Ngài đã trả lời:
- Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, hãy tuân giữ các giới răn : chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ làm chứng gian, hãy thảo kính cha mẹ và yêu thương anh em như chính mình vậy.

Rồi thánh Phaolô, trong bức thư mục vụ gửi giáo dân Êphêsô cũng đã viết :
- Ai thảo kính cha mẹ thì làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Hơn thế nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương cho chúng ta.
Thực vậy, nhìn vào mái nhà Nagiarét, chúng ta thấy được một sự đảo lộn, một sự khác biệt về trật tự và uy quuyền. Trước mặt Thiên Chúa , thì Chúa Giêsu là người cao trọng nhất, rồi tới Đức Mẹ và thánh Giuse. Còn trước mặt nhân loại, thì người gia trưởng có uy tín và quyền thế nhất lại là thánh Giuse, rồi tới Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu luôn nghe lời thánh Giuse và Mẹ Maria.

Để kết thúc về quãng đời thơ ấu của Ngài, thánh Luca đã viết :
- Sau đó, trẻ Giêsu trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.

Xem thế chúng ta thấy : mặc dầu là Chúa trời đất , Ngài cũng đã chu toàn nghĩa vụ của một người con hiêu thảo trong gia đình hầu đem lại cho chúng ta một bài học và nêu lên cho chúng ta một mẫu gương để bắt chước.

Tới đây, tôi xin kể laị môt mẩu chuyện.
Nhà tỉ phú nọ chết đi, để lai một gia tài to lớn. Trên pháp lý gia tài này thuộc về người con trai duy nhất của ông ta. Nhưng kẹt một nỗi, cậu con trai duy nhất ấy lại được gửi đi du học ở ngoại quốc ngay từ hồi còn nhỏ, nên không một ai biết mặt, dù là họ hàng thân thích.

Ngày kia, có ba chàng thanh niên đến khóc lóc, biêu lộ niềm thương tiếc, đồng thời nhận mình là con của nhà tỷ phú và xin lãnh nhận phần gia tài.
Ông quan tòa là nguời đang quản lý gia tài ấy bèn truyền cho vẽ bức ảnh của nhà tỉ phú, ghi một chữ thập đỏ ở giữa ngực rồi bảo :

- Ai trong các anh bắn trúng chữ thập đỏ, thì sẽ nhận được phần gia tài.

Người thứ nhất cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào ngay sát chữ thập đỏ và được ông quan tòa khen :
- Anh bắn khá lắm.

Người thứ hai cũng cầm súng, giơ lên và bắn. Viên đạn ghim vào chữ thập đỏ, nhưng chưa trúng giữa, chỗ hai đường giao nhau. Ông quan tòa cũng khen :
- Tốt lắm, rất khá.

Sau cùng người thứ ba cũng cầm súng, giơ lên và ngắm bắn … nhưng rồi lại hạ xuống. Anh giơ lên rồi lại hạ xuống, thái độ phân vân và suy nghĩ, khiến ông quan tòa phải hối thúc :
-Nào bắn đi chứ để chúng tôi trao phần gia tài.

Anh lại giơ súng lên, nhưng cuối cùng đã vứt khẩu súng đi. Anh thở dài và nói :
- Dù đây chỉ là một hình vẽ, nhưng là hình vẽ của ba tôi, nên tôi không thể bắn vào. Thà rằng tôi đành mất phần sản nghiệp còn hơn là bắn vào hình ba tôi.

Ông quan tòa vui vẻ vỗ vai anh và nói :
- Anh mới thực là người con hiếu thảo. Và như thế phần sản nghiệp sẽ thuôc về anh.

Để kết luận, tôi xin ghi lại nơi đây điều răn thứ tư Chúa đã truyền cho ông Maisen trên đỉnh Sinai :
- Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, hầu ngươi được trường thọ trên miền đất ThiêChúa hứa ban cho ngươi.

chungnhanduckito.net
-------------------------------------------------------
BỔN PHẬN CHA MẸ:
NUÔI DƯỠNG VÀ GIÁO DỤC CON CÁI.


NUÔI DƯỠNG
Cha mẹ có ba bổn phận đối với con cái, đó là sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trong những bài trước, chúng ta đã bàn về bổn phận sinh sản. Hôm nay, chúng ta sẽ trình bày về hai bổn phận sau, đó là nuôi dưỡng và giáo dục.

Trước hết là bổn phận nuôi dưỡng.
Sau khi sinh con ra, cha mẹ có bổn phận phải lo lắng đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng, nghĩa là cho con cái ăn mặc đầy đủ. Đồ ăn thức uống phải sạch sẽ, hợp vệ sinh. Áo quần phải lành lặn như tực ngữ đã dạy :
- Đói cho sạch, rách cho thơm.

Ngoài ra, cha mẹ còn phải tìm thày chạy thuốc, tùy theo khả năng của mình, mỗi khi con cái đau yếu. Đây là một công việc tương đối khá nặng nhọc, như tục ngữ đã diễn tả :

- Có con phải khổ vì con.
- Con biết nói, mẹ hói đầu.
- Con biết ngồi, mẹ rời tay.
- Con lên ba, mẹ sa xương xườn.

Nhưng với tình yêu thương, cha mẹ sẽ không bao giờ kể công khó về những nặng nhọc ấy :
- Nuôi con không phép kể công.
- Chim trời ai dễ đếm lông,
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

Hay như một câu ngạn ngữ Ấn độ đã nói :
-Trên giây leo, thì trái chín không phải là một gánh nặng.
Tiếp đến là bổn phận giáo dục.

Nuôi dưỡng mà thôi chưa đủ, vì sinh con không giống như sinh vật. Nuôi một con heo, chúng ta chỉ cần đổ cám cho nó ăn là đủ, nhưng với con cái thì khác. Nuôi dưỡng đã đành, mà còn phải giáo dục con cái nữa, vì như tục ngữ đã bảo :
- Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Sách “Minh Tâm” đã nói :
- Dưỡng tử bất giáo, bất như dưỡng trư. Có nghĩa là nuôi con mà không dạy, thì không bằng nuôi lợn.

Sách “Mạnh tử” cũng viết :
- Dật cư nhi vô giáo tắc cận ư cầm thú. Có nghĩa là ăn no, mặc ấm, ở rỗi mà không dạy dỗ, thì gần như giống vật.

Sách “Minh đạo gia huấn” đã xác quyết :

- Dưỡng nam bất giáo, bất như dưỡng lư. Dưỡng nữ bất giáo, bất như dưỡng trư. Có nghĩa là nuôi con trai mà không dạy thì không bằng nuôi lừa, còn nuôi con gái mà không dạy thì không bằng nuôi lợn.

Thực vậy, người Pháp thường nói :
- Đẻ con mà không dạy là cung cấp cho xã hội một bày trộm cướp.
Hay như một câu danh ngôn đã bảo :
-Thịt thiếu muối cũng như một đứa trẻ không được sửa dạy, hẳn sẽ hư thối.

Đúng thế, một đứa bé, nếu được bảo ban hướng dẫn, chắc chắn nó sẽ trở nên một con người hữu ích, bằng không, nó chỉ là một kẻ chẳng ra gì.

Người ngu đến đâu cũng dạy được. Và người khôn đến đâu cũng cần phải được dạy. Người ta bất kỳ nòi giống nào cũng đều có thể dạy được cả. Uốn cây nhờ phép trồng trọt, uốn người nhờ khoa giáo dục. Việc giáo dục có một khả năng vô song : làm cho con gấu có thể nhảy múa.

Ông chủ kia trồng một cây hồng trong chậu. Ông đặt nơi cửa và ra sức chăm sóc. Ngày nào ông cũng xới đất, bỏ phân và tưới nước. Khi cây hồng trổ những chiếc nụ xinh xinh, ông đứng ngắm nhìn mãi mà không biết chán. Và khi nó nở được bông hoa đầu tiên, ông vội vã chạy đi khoe với bà con lối xóm.

Nhưng rồi vì bận công việc làm ăn, ông phải đi vắng mất ba tuần lễ. Trong thời gian đó, ở nhà chẳng có ai chăm sóc. Khi trở về, ông thấy cây hồng đã tàn héo và chết khô. Ông thở dài và nói :
- Không ai tưới nước và bón phân, cây hồng của tôi đã héo và đã chết.

Đối với con cái cũng vậy, nếu chúng ta bỏ bê, không chăm sóc, chắc chắn chúng sẽ hư hỏng.

GIÁO DỤC
Bàn về vấn đề giáo dục, câu hỏi đầu tiên chúng ta đặt ra, đó là phải giáo dục từ bao giờ, từ lúc nào ?
Kinh nghiệm thông thường vốn bảo chúng ta phải dạy con từ khi nó còn nhỏ :
- Dạy con từ thưở còn thơ,
Dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về.
- Bé không vin, cả gẫy ngành.
- Uốn cây từ thưở con non,
Dạy con từ thưở con còn đương thơ.
- Khi măng không uốn thì tre trổ vồng.
Một cây non, chúng ta muốn uốn ra hình hài nào cũng được, nhưng khi nó đã già, đã cứng thì khó mà uốn cho được, bởi vì nó sẽ gẫy.

Godefroid là con một gia đình giàu có, nhưng về sau đã trở nên hư hỏng và phạm nhiều tội ác. Trong một cuốn sách do chính tay viết ra, hắn đã đổ hết trách nhiệm về những tội ác hắn phạm cho bà mẹ vì bà luôn chiều chuộng và nhắm mắt làm ngơ, không dạy bảo, để rồi hắn dần dần trở nên thô lỗ cộc cằn.

Ngày kia, hai mẹ con đang ở trong vườn, bà lấy tình mẫu tử khuyên nhủ hắn, nhưng hắn cười, rồi giơ tay chỉ vào một cây cổ thụ trong vườn và nói :
- Thưa mẹ, cây cổ thụ này còn có thể uốn được không ?

Bà mẹ trả lời :
- Nó đã già như vậy thì làm sao mà uốn được.
Bấy giờ hắn nói tiếp :
- Vậy muốn dạy con, thì mẹ cũng phải dạy từ khi con còn nhỏ. Bây giờ con đã lớn, đã cứng rồi, thì làm sao dạy được nữa.

Đứa bé là như một cây non, chúng ta muốn uốn sao cũng được. Đứa bé là như một tờ giấy trắng, chúng ta muốn viết gì vào đó cũng hay.

Tuy nhiên cái khó là phải ấn định xem “còn thơ”, “còn nhỏ” là lứa tuổi nào ?
Có một bà mẹ ẵm đứa con của mình tới một nhà tâm lý và hỏi :
- Vào lứa tuổi nào thì tôi mới nên giáo dục đứa con của tôi.
Nhà tâm lý nhìn đứa nhỏ và hỏi :
- Cháu bé được mấy tuổi rồi ?
Bà mẹ thưa :
- Cháu bé được năm tuổi.

Bấy giờ nhà tâm lý nói :
- Như thế là bà đã chậm mất năm năm rồi đó.

Theo các bác sĩ cũng như theo các nhà chuyên môn, thì không phải chỉ khi đã sinh con ra, chúng ta mới lo lắng đến việc giáo dục, mà ngay cả khi nó chưa mở mắt chào đời, chưa có mặt trong cuộc sống, chúng ta đã phải bắt tay vào công việc đó rồi.

Đúng thế, chúng ta phải bắt tay vào việc giáo dục bằng một đời sống tiết độ và khỏe mạnh.

Thực vậy, một ông bố nghiện ngập rượu chè, xì ke ma túy…thì đứa bé sinh ra chắc chắn sẽ bị èo uột về thể xác cũng như lệch lạc về tâm lý. Một ông bố chơi bời trác táng, mang bệnh nọ tật kia, thì theo sự di truyền, đứa bé sinh ra cũng sẽ bị thừa hưởng những chứng bệnh hiểm nghèo ấy.

Một người mẹ, trong thời gian mang thai, nếu không biết kiêng cữ, thì rất có thể vì tham lam những công việc nặng nhọc, bà bị xảy thai và giết chết chính con mình mà không hay biết.

Tuy nhiên, thời gian thuân tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái, đó là khi đứa con có trí khôn, bắt đầu nhận biết về những điều chúng ta nhủ bảo. Lúc bấy giờ, như chúng ta đã nói, tâm hồn đứa bé là như một cây non, chúng ta uốn sao cũng được. Tâm hồn đứa bé là như một tờ giấy trắng, chúng ta muốn viết gì cũng hay.

Trong việc giáo dục, thì gia đình nắm giữ một vai trò quan trọng, vì như công đồng Vaticanô II đã viết :
- Gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người.

Và trong mái trường đó, cha mẹ chính là những nhà giáo được tín nhiệm và yêu thương hơn cả, vì cha mẹ là những người sống gần con cái, hiểu biết con cái và yêu thương con cái hơn hết.

Bởi vậy, tục ngữ đã bảo :
-Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn.
Thật là bất hạnh cho đứa trẻ nào không được cha mẹ dạy bảo.
Chúng ta phải dạy con cái những gì? Chúng ta phải dạy con cái thế nào? Đâu là những điều nên làm và những điều phải tránh để việc giáo dục đem lại những kết quả tốt đẹp ? Đó là những đề tài chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.

Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ trong sách “Cổ học tinh hoa” :
Doãn văn Tư có một đứa con không giống mình. Tức giận lắm, ông thường đánh đập chửi bới nó luôn. Có người thấy vậy liền can :
- Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Điều can hệ khi có con là phải làm sao dạy dỗ nó nên người tử tế. Còn việc nó có giống hay không giống mình là chuyện không quan trọng.

Thực vậy, giáo dục con cái mới là việc thực sự quan trọng và cần thiết, vì như một câu danh ngôn đã bảo :
- Thà rằng hôm nay, con cái phải khóc vì được cha mẹ dạy bảo, còn hơn là sau này, chính cha mẹ sẽ phải khóc vì con cái mình ngang bướng và ngỗ nghịch.
------------------------------------

chungnhanduckito.net

No comments:

Post a Comment