Wednesday, October 16, 2013

Thánh Tâm Chúa Giêsu và linh mục

Người ta kể về một loài chim có tên là bồ nông. Những con chim mang bộ lông màu trắng này thường sống gần hồ nước mặn sâu trong đất liền. Mỗi lần kiếm ăn, chúng phải bay vài chục cây số để trở về biển khơi bắt cá. Có những ngày, vì giông bão, chim không kiếm được mồi, mà đàn con thì háu đói kêu la thảm thiết, chim mẹ không cầm lòng được, đã tự dùng mỏ mổ vào ngực mình cho chảy máu, nhỏ giọt cho con ăn, thay cho lương thực bổ dưỡng. Sau “bữa tiệc” ấy, người ta thấy nơi mỏ chim mẹ còn nhỏ dòng máu tươi, và những con chim con nằm im lìm, thỏa mãn. Thấy chim con được ăn no, chim mẹ tuy đau đớn về thể xác mà trong lòng vẫn vui. Vì thế, hình ảnh chim bồ nông trở thành biểu tượng cho lòng mẹ yêu thương con thắm thiết, sẵn sàng hiến mình cho con được sống.

Hình ảnh con chim bồ nông làm chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Gioan kể lại, khi Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, những người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19,34). Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống mình vì tình yêu thương nhân loại. Máu và nước chảy ra là bằng chứng của một tình yêu bao la, tự hiến hy sinh cho đến cùng (x. Ga 13,1). Máu và nước cũng là tượng trưng cho bí tích Thanh tẩy và bí tích Thánh Thể. Các tín hữu được sinh ra và được nuôi dưỡng từ trái tim bị đâm thâu qua của Đức Giêsu. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là suối nguồn hạnh phúc cho con người. Biết bao người đến với Thánh Tâm Chúa đã tìm được sự ủi an và sức mạnh siêu nhiên để tiếp tục bước đi dầu cuộc đời còn nhiều cay đắng. “Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Thập giá là trường dạy khiêm nhường, là mẫu mực của tình bác ái. Như chim bồ nông mẹ hiến mình cho đàn chim con được sống, Đức Giêsu đã mở trái tim của Người để chúng ta được đón nhận sự sống siêu nhiên. Niềm vui của chim bồ nông mẹ là niềm vui của hy sinh tự hiến. Niềm vui của chim bồ nông con là niềm vui của nhận lãnh dồi dào. Chim mẹ đau mà vẫn vui vì biết rằng nỗi đau của mình đem lại cho chim con sự sống. Chim mẹ chẳng cần đắn đo suy tính xem sự hy sinh của mình có được chim con biết đến hay không. Đó là sự hy sinh không đòi điều kiện, không mong đáp đền. Sự hy sinh ấy nói với ta về huyền nhiệm của tình thương.

Hình ảnh con chim bồ nông cũng được dùng để diễn tả đời linh mục. Linh mục là người được thánh hiến để nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu. Qua sứ mạng của linh mục, nhân loại mọi nơi mọi thời được gặp gỡ Đức Giêsu, được đón nhận nguồn suối ơn lành từ Thánh Tâm Chúa. Sứ mạng của linh mục là dẫn đưa con người đến với Chúa và đem tình thương của Chúa đến cho con người. Chiếc áo dòng màu đen biểu tượng cho sự hy sinh khổ chế, mời gọi linh mục chết đi mỗi ngày để cho đàn chiên được sống, noi gương Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành.

Người hạnh phúc nhất là người làm cho tha nhân được hạnh phúc. Đức Giêsu đã chết để đem hạnh phúc cho tha nhân. Xét theo khía cạnh này thì Đức Giêsu là người hạnh phúc nhất. Noi gương Đức Giêsu, linh mục dấn thân để đem cho người khác niềm vui và hạnh phúc. Linh mục được hưởng niềm vui khi thấy người tội lỗi trở về với Chúa, người mâu thuẫn làm hòa với nhau, người nghèo khó được ủi an nâng đỡ và người hấp hối được lãnh nhận các bí tích trước khi ra đi trong an bình. “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui” (Thánh Irênê). Khi đem niềm vui cho tha nhân, linh mục loan truyền vinh quang của Thiên Chúa, làm cho hình ảnh của Chúa được thể hiện nơi gương mặt con người. Thiên Chúa yêu thương con người. Tình thương ấy được chứng minh bằng việc Ngài sai Con Một mình đến trần gian để đem cho họ ơn cứu rỗi, để rồi những ai tin nơi Người thì được sự sống đời đời (x. Ga 3,16).

Vì được kêu gọi nên giống Chúa Giêsu, “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, linh mục có bổn phận phải nên thánh. Nhân dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu năm nay, 15-6-2012, cũng là ngày cầu nguyện xin ơn thánh hoá các linh mục, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, đã gửi một thư chung cho các linh mục trên toàn thế giới. Ngài đã nhắc lại bổn phận cao quý này như sau: “Đây là vận mệnh tuyệt vời của chúng ta: chúng ta không thể nên thánh nếu không giúp anh chị em mình nên thánh; và không thể giúp anh chị em mình nên thánh, nếu trước hết chúng ta không nỗ lực thánh hoá chính mình”. Một linh mục thánh thiện là phúc lành của Thiên Chúa đối với cộng đoàn đức tin. Nói cách khác, đời sống đức tin của người tín hữu phụ thuộc rất nhiều vào sự thánh thiện của linh mục. Lịch sử Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam đã có rất nhiều linh mục hy sinh nghèo khó, tận tuỵ vì đàn chiên, noi gương Đấng đã đến “không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đáng tiếc là đây đó vẫn còn những cá nhân linh mục sống ngược lại với ơn gọi nên thánh, giống như những nốt nhạc buồn trong bản trường ca của đời linh mục. Tuy vậy, không vì thế mà vẻ đẹp cao quý của hồng ân linh mục bị biến dạng, hay làm cho sứ mạng của linh mục trở thành lỗi thời. Đức Hồng y Bộ trưởng đã đề nghị một “phương thuốc” cho các linh mục trước những khó khăn của thời đại hôm nay: “Chúng ta phải cầu xin Chúa quan phòng thôi thúc chúng ta nhiệt tâm khơi lại lý tưởng toàn hiến cho Chúa Kitô vốn là nền tảng chính yếu của sứ vụ linh mục”.

Như con chim bồ nông dành trọn tình thương yêu cho đàn con mình, linh mục cũng được mời gọi sống tình yêu thương bao dung với mọi người, không phân biệt lương giáo, giàu nghèo. Đời linh mục cũng thường được so sánh với ngọn nến, chấp nhận tan chảy, tiêu hao mòn mỏi để đem ánh sáng cho đời. “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Khi sống sứ mạng yêu thương để cho đi không tính toán, linh mục thực hiện đức ái ở mức độ cao cả nhất. Đây là nét đẹp chính yếu của đời linh mục. Nét đẹp đó đem lại cho linh mục niềm vui.



“Nên thánh” là nên giống Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trải qua biến cố thập giá để chứng minh tình yêu bao la của Thiên Chúa. Linh mục không thể nên thánh mà chối từ thập giá. Thập giá gắn liền với đời linh mục, cũng như đã từng gắn liền với Đức Giêsu. “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). “Bỏ mình” và “vác thập giá”, hai khái niệm này diễn tả những nét căn bản của đời Kitô hữu nói chung và đời tu nói riêng. Hành trình thập giá là hành trình của hy sinh gian khổ. Tuy nhiên, vì là con người, nên linh mục còn mang trong mình những yếu đuối và phải đối diện với những cám dỗ gắn liền với phận người. Và như thế, đời linh mục cũng là một cuộc chiến cam go để chọn lựa. Nên thánh là sự chọn lựa Thiên Chúa thay vì thế gian; chọn lựa bao dung thay cho hận thù; chọn lựa Nước Trời thay cho những lợi lộc trần thế.

Vì đời linh mục có nhiều khó khăn thử thách, nên chúng ta cần cầu xin Chúa thánh hóa các linh mục, làm cho các ngài thực sự là dấu chỉ của Chúa giữa trần gian. Xin được mượn lời nhắn nhủ của Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ để kết thúc những dòng suy tư này: “Là những thừa tác viên của lòng Chúa thương xót, chúng ta biết rằng việc tìm kiếm sự thánh thiện luôn có thể khởi đầu lại bằng tâm tình sám hối và ơn tha thứ. Nhưng chúng ta cũng cảm thấy phải cầu xin điều ấy, trong tư cách cá nhân linh mục, nhân danh mọi linh mục và cho mọi linh mục”.

Hải Phòng, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
----------------------------------------------------
+ Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ

No comments:

Post a Comment