THỎa mãn vỀ bẢn thân và tin tưỞng vàO Thiên Chúa
(Luca 18,9-14 – CN XXX - C)
1.- Ngữ cảnh
Tại điểm này của bài tường thuật cuộc hành trình (điểm cuối, theo Luca), tác giả Lc thêm vào một dụ
ngôn khác liên hệ đến đề tài cầu nguyện, đó là dụ ngôn Người Pharisêu
và người thu thuế (18,9-14). Có lẽ bản văn này được đặt đi theo Dụ ngôn
Quan tòa bất chính vì hai bản văn giống nhau về đề tài “cầu nguyện”, chứ
không vì được nói ra trong cùng một hoàn cảnh. Đoạn này làm thành một kết luận rất khớp với bài tường thuật cuộc hành trình của riêng Luca
(9,51–18,14. Xem “Ngữ cảnh” của Lc 9,51-62), vì kết thúc bằng đề tài quan trọng của Lc là cầu nguyện.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Mở (18,9);
2) Dụ ngôn (18,10-13);
3) Kết luận khuyến thiện (18,14).
3.- Vài điểm chú giải
- một số người tự phụ là công chính mà khinh chê người khác
(9): Dịch sát là “những người tin chắc về bản thân họ rằng họ là công
chính và cư xử với phần còn lại (của loài người) với sự khinh bỉ”. Mặc
dù tác giả không có ý nói đây là những người Pharisêu, những lời của Đức
Giêsu ở 16,14-15 vẫn gợi ý như thế. Tuy nhiên, bản văn cũng nhắm đến
một nhóm mở rộng hơn, theo như lời Ed 33,13, nghĩa là đúng cho cả các môn đệ của Đức Giêsu.
- lên Đền Thờ (10): Từ ngữ “Đền Thờ” nói đến hai điều. Trước tiên, vì Giêrusalem được xây dựng trên một quả núi với bốn đỉnh, vua Salômôn, nhằm xây dựng một nơi để thờ phượng Đức Chúa, đã san bằng một đỉnh để làm một cái nền làm lễ đài, trên đó, ông quy tụ dân Israel lại để làm công việc thờ phượng. Ta có thể tưởng tượng lễ đài này có hình thang, chung quanh có tường, các bức tường chạy từ bắc xuống nam dài khoảng 450m. Trên cái nền này, có một số công trình xây dưng, để góp phần vào việc thờ phượng Thiên Chúa. Cái nền này được gọi là Đền Thờ. Điều thứ hai, công trình xây dựng ở tại trung tâm trên nền này được làm giống như một cung điện. Cung điện này chạy từ tây sang đông, với một cửa ra vào ở phía trước, cửa này nằm ở cuối phía đông. Phía sau cung điện này tiếp giáp với bức tường phía tây của “Đền Thờ”. Cung điện này gốm có ba phòng hay vùng. Có hai cái sân quây chung quanh (ở về phía đông của tòa nhà), tại đây các phụ nữ và người nam Israel đứng để thờ phượng Thiên Chúa. Rồi có một phòng ở giữa gọi là Gian Thánh, tại đây có bàn dâng hương (x. ông Dacaria gặp thiên thần Gabriel) và một chân nến luôn luôn cháy sáng. Chỉ có các tư tế mới được vào phòng này, còn những người nam Israel thì có thể vào hai hành lang dọc hai bên phòng này. Cuối cùng, có một phòng phía cực tây, Gian Cực Thánh, đã được bao đời coi là Nơi Cư Ngụ của Thiên Chúa, hoặc của Danh Ngài hoặc Vinh Quang Ngài, trên trái đất. Không ai được vào gian phòng này, ngoại trừ thầy thượng tế, mà cũng chỉ mỗi năm một lần. Cung điện này, với ba phòng, cũng được gọi là Đền Thờ. Phía trước Đền Thờ, và trên nền Đền Thờ, có một bàn thờ để dâng những lễ hy sinh và một bể chứa nước, và một hồ nước to.
- cầu nguyện
(10): Người ta có thể cầu nguyện tại Đền Thờ vào bất cứ lúc nào trong
ngày, nhưng có hai khoảng thời gian được dành cho việc cầu nguyện chung:
giờ thứ ba (tức khoảng 9g sáng; x. Cv 2,15) và giờ thứ chín (tức khoảng 3g chiều; x. Cv 3,1).
- Người Pharisêu (10): x. 5,17. Theo sử gia Gioxép (Ant. 18.1,2 § 11), nhóm Pharisêu là một trong ba “triết học” của người Do Thái thời ông; đôi khi ông cũng gọi họ là “phái” (haireseis; x. Ant. 13.5,9 § 171; Cv 15,5). Tên Hy Lạp Pharisaioi rất có thể đã được phiên âm từ tiếng A-ram Perishayê, “những người tách biệt”. Đây hẳn là một tên do những người khác dùng mà gọi nhóm này, có thể bởi vì nhóm này có một sự xa cách và tranh giao thiệp với những người Do Thái giữ Torah không nghiêm túc (x. Cv 26,5). Họ giải thích Luật Môsê rất chặt, nhấn mạnh không những trên việc tuân giữ luật Torah viết, mà cả trên Luật truyền khẩu, tức là truyền thống được gán cho Môsê và các vị tiền nhân (x. Mc 7,3). Họ coi việc hiểu biết Torah và những điều luật truyền và cấm như dấu chỉ và đảm bảo cho lòng đạo đức. Do đó họ tuân giữ chi li ngày sa-bát và các ngày lễ, những quy tắc về thanh tẩy, thuế thập phân, ăn chay. Họ tin vào sự sống lại của thân xác, tin có các thiên thần, có việc Đấng Mêsia đến.
- người thu thuế (10): x. 3,12. Tên gọi này dịch từ tiếng Hy Lạp telônês (do từ telos có nghĩa là “thuế”); La-tinh: publicanus. Nền hành chánh Rôma quy định nhiều loại thuế: thuế thổ trạch, thuế động sản, thuế gián thu, đặc biệt đánh trên việc nhập cảng muối. Những “người thu thuế” thường được giao cho nhiệm vụ thu khoản thuế cuối cùng này. Vì thế họ thường có mặt tại các trạm quan thuế (Caphácnaum: Mc 2,14; Giêrikhô: Lc 19,2). Vì do nghề nghiệp, họ phải tiếp xúc thường xuyên với mọi hạng người, kể cả người ngoại giáo, nên họ bị coi là những người ô uế. Quy định mức thuế là quyền của chính quyền, nhưng thường được áp dụng cách võ đoán, nên người thu thuế bị dân chúng khinh bỉ, và danh từ “người thu thuế” tương đương với “hạng tội lỗi” công khai (x. Mt 9,10-11; Mc 2,16; Lc 5,30; 7,34; 15,1; 19,2-7), hạng ngoại đạo (x. Mt 18,17; 21,31), và hạng trộm cướp (x. Lc 3,2t). Một người Do Thái đạo đức tuân giữ lề luật thì chẳng có gì phải giao dịch với người thu thuế.
- đứng thẳng
(11): Chúng ta không biết ông này đứng ở đâu, nhưng dựa vào câu đối lập
là c. 13, ta có thể suy ra là ông đứng trước Sân dành cho Israel bên
trong khuôn viên Đền Thờ.
- Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi (13): Người thu thuế cầu nguyện trong tinh thần của Tv 51; anh nói ra lời xin được thương xót và tha thứ, chứ không phải tạ ơn. Trong tình trạng bế tắc, anh đọc những câu đầu tiên của Tv 51 và chỉ thêm vào “ là kẻ tội lỗi” theo nghĩa đối lập: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (c. 3) “là kẻ tội lỗi”, tức là “dù con là kẻ tội lỗi”. Nhưng cũng trong Tv này, có câu: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (c. 19). Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa giống như được Tv mô tả: Ngài chiếu cố đến người tội lỗi đang tuyệt vọng và Ngài không chiếu cố đến kẻ chỉ cậy dựa vào “sự công chính” của riêng mình.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở (9)
Hoàn
cảnh đưa Đức Giêsu đến chỗ kể dụ ngôn này chính là: Người thấy “một số
người tự phụ là công chính mà khinh chê người khác”. Như thế, chúng ta
đã linh cảm thấy bài này có mục đích giúp người ta hiểu thế nào là cầu
nguyện đúng đắn, đâu là sự đạo đức chân thật. Đức Giêsu giúp hiểu nhiều
điều liên quan đến cách xử sự sai lạc và cách xử sự đúng đắn đối với
Thiên Chúa, đối với người lân cận và đối với chính mình.
* Dụ ngôn (10-14a)
Bài
dụ ngôn phác ra một cảnh tưởng tượng, nhưng đối với các thính giả của
Đức Giêsu, cảnh này cũng rất thực. Ông Pharisêu, một người sống thánh
thiện, hẳn là ở trong vùng đông hoặc vùng tây, nơi mà những người nam
Israel có thể đứng cầu nguyện. Rất có thể ông Pharisêu này không ở trong
một hành lang nào vây quanh. Lời cầu nguyện của ông quay hướng về Thiên
Chúa trên trời, Ngài ngự dưới dạng huyền bí trong Gian Cực Thánh. Rất
có thể Đức Giêsu muốn ta hiểu rằng người thu thuế cũng ở tại nơi mà các
người nam cầu nguyện với
nhau, trong một tư thế mà ông Pharisêu có thể thấy và bình luận về anh
ta trong khi cầu nguyện. Không chắc là người thu thuế đứng gần ông
Pharisêu. Rất có thể khi cầu nguyện, ông Pharisêu quy chiếu về một dung
mạo có lẽ xa nơi ông vẫn cầu nguyện.
Trong lời cám ơn Thiên Chúa, người Pharisêu nêu ra cả một danh mục gồm những nhân đức, như một lý
do để tự hào. Phần đầu với những yếu tố tiêu cực: Ông không giống như
những người khác (trộm cắp, bất chính, ngoại tình), nhất là “tên thu
thuế kia”. Phần hai với những yếu tố tích cực: Ông ăn chay và đóng góp
quá mức được yêu cầu. Ông nói sự thật. Nhưng ông không cám ơn Thiên Chúa
bởi vì Ngài đã gìn giữ ông khỏi điều dữ và đã làm cho ông có khả năng
làm điều thiện. Ông xác tín rằng ông nên công chính do sức lực riêng,
nên ông tin là Thiên Chúa ủng hộ ông. Như thế,
ông đã diễn tả cho thấy ông hết sức bằng lòng về mình và Thiên Chúa
cũng phải bằng lòng về ông.
Khởi
điểm của người thu thuế rõ ràng là tiêu cực: anh đứng đàng xa, nhìn
xuống, đấm ngực, và xin Thiên Chúa đoái thương anh là kẻ “tội lỗi”; anh
không biện minh gì về những gì anh đã làm. Anh không đi vào chi tiết
trong những tội lỗi của anh. Chúng ta biết một sự vi phạm thường xảy ra
trong nghề thu thuế là lừa đảo người khác (x. 3,12; 19,8). Qua phong
thái của anh và nhất là trong lời cầu nguyện, người thu thuế chứng tỏ
anh nhận định đúng đắn về hoàn cảnh và tình trạng của mình. Anh là một kẻ tội lỗi, nhưng anh nhìn nhận như thế; anh biết mình không xứng đáng được tha thứ,
bởi vì muốn được tha thì phải bỏ đời sống tội lỗi, nghĩa là bỏ nghề, và phải đền bù (số tiền đã lấy cộng thêm một phần
năm); mà làm sao có thể biết những ai là nạn nhân của anh để đền bù. Do
đó, tình trạng của anh là vô vọng. Tuy nhiên anh biết là Thiên Chúa có
thể cứu anh khỏi tình cảnh vô vọng này, Ngài có thể tha thứ cho anh, nên
anh cứ kêu cầu. Chính vì thế, anh lại tìm được tình trạng công chính
trước mắt Thiên Chúa: anh ta được Thiên Chúa tha thứ. Trong khi đó,
người Pharisêu nghĩ rằng tự mình đã đạt được sự công chính, vì ông vẫn
tránh trộm cắp, ngoại tình, làm điều gian ác, và lại còn ăn chay và cúng
dâng cho nhà Chúa. Nhưng Đức Giêsu cho biết: trước mắt người đương
thời, ông này chẳng phải là “người thu
thuế” hay kẻ “tội lỗi”, nhưng ông không tìm được tình trạng “công chính
trước mắt Thiên Chúa”, vì ông tự mãn.
Bài dụ ngôn nhắc lại phản ứng của Đức Giêsu đối với hai kiểu đạo đức, nhưng cũng cho một ví
dụ về cách Người khẳng định thái độ đối với người Pharisêu và người thu
thuế trong xã hội Paléttina đương thời (x. 5,20-32; 7,36-50).
* Kết luận khuyến thiện (14b)
Kết
luận đã có ở 14,11, cho thấy rõ rằng dụ ngôn không chỉ được ngỏ với
những người đương thời Đức Giêsu, nhưng còn cho các môn đệ Đức Giêsu
(các Kitô hữu) nói chung.
Bản
văn cung cấp nhiều gợi ý phong phú do sự tương phản giữa hai nhân vật,
hai thái độ ở trong Đền Thờ, và do những lời hai người thưa gửi với
Thiên Chúa. Chúng ta chẳng bao giờ biết được người Pharisêu đã phạm tội
gì hoặc người thu thuế đã đền bù được gì. Đức Giêsu đã để chuyện ấy lại
cho phán xét của Thiên Chúa (hoặc cho trí tưởng tượng của độc giả).
Người chỉ tuyên bố rằng một người thì được nên công chính dưới mắt Thiên
Chúa, còn người kia thì không. Và độc giả hiểu được lý do: người ta
không đạt được sự công chính do tự hào hoặc thậm chí do sinh hoạt theo
kiểu tự tin vào bản thân hay làm việc thiện khi tuân giữ Luật Môsê và
các quy tắc Pharisêu, mà là do biết nhìn nhận bản thân dưới mắt Thiên
Chúa.
+ Kết luận
Có những nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu muốn ban một giáo
huấn về việc cầu nguyện, hoặc về sự khiêm nhường, hay về việc cầu
nguyện khiêm tốn. Trong thực tế, ta có thể theo ý kiến của đa số mà cho
rằng Đức Giêsu ban một giáo huấn về hai kiểu sống nội tâm.
Cách thức chúng ta hành động và chịu đựng, hoàn cảnh trong đó chúng ta được đặt vào hoặc trong đó chúng ta rơi nào, có một tầm
mức đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là cách
thức chúng ta nhìn và sống những điều ấy trước nhan Thiên Chúa. Đức
Giêsu diễn tả minh bạch điều này qua lời cầu nguyện của người Pharisêu
và người thu tuế. Cả hai trình diện trước nhan Thiên Chúa và đưa đến cho
Ngài hoàn cảnh trong đó họ đang sống. Bản thân họ, các cách họ sống và
các lời họ cầu nguyện khó mà có thể được giới thiệu trong thế mâu thuẫn
sâu sắc hơn được
nữa. Đức Giêsu tuyên bố dứt khoát về cách Thiên Chúa theo đó mà đánh
giá lối sống của họ, và như thế, Ngài đã cho biết đâu là cách xử sự đúng
đắn trước mặt Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Độc giả hiện đại có thể nghĩ rằng ít ra người Pharisêu cũng lương thiện
với chính mình, vì tuy ông khoe khoang trước mặt Thiên Chúa, ông cũng
đang cố gắng sống công chính, cố gắng giữ các điều răn, và thậm chí còn
làm hơn thế nữa, trong khi người thu thuế dường như chẳng hề cố gắng gì
hay cố gắng không bao nhiêu. Do đó, độc giả hôm nay khó mà tự đồng hóa
với người thu thuế. Tuy nhiên, lý luận như thế là ép bản văn quá ý hướng
của nó. Bản văn chỉ muốn nêu ra một khía cạnh là sự khoe khoang và kích thích độc giả suy nghĩ thêm; nhưng phần suy nghĩ thêm không được che mất
điểm chính của sứ điệp.
2. Thật đáng khen khi ta biết tránh những điều xấu và làm những điều tốt. Cũng thật đáng khen khi biết cám ơn Thiên Chúa về những ân huệ Ngài ban. Chúng ta sẽ không bao giờ cám ơn Thiên Chúa cho đủ được. Do đó, cần coi chừng khuynh hướng pharisêu: coi những điều mình đã làm được như là những công trạng riêng, chứ không phải là những ơn Chúa; coi những việc đó như một điểm tựa cho phép mình được đánh giá mình cao hơn và từ đó, nhìn xuống kẻ khác với ánh mắt khinh bỉ. Những người Pharisêu hôm nay đang khẳng định: “Tôi không giết ai cả; tôi chẳng ăn cắp của gì của ai; tôi không hề ngoại tình. Tôi có gì phải trách mình đâu? Tôi có cần gì đến bí tích hòa giải? Mọi sự nơi tôi đều phải phép mà! Thiên Chúa cũng như người ta phải bằng lòng về tôi thôi, cũng như tôi vẫn đang bằng lòng về tôi đây này!”. Nhưng khi nói như thế, người này không thấy rằng Thiên Chúa không những cấm làm những điều tồi tệ như ngoại tình, giết người và trộm cắp, nhưng còn truyền người ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau như chính mình. Như thế, ai còn có thể bằng lòng về mình?
2. Thật đáng khen khi ta biết tránh những điều xấu và làm những điều tốt. Cũng thật đáng khen khi biết cám ơn Thiên Chúa về những ân huệ Ngài ban. Chúng ta sẽ không bao giờ cám ơn Thiên Chúa cho đủ được. Do đó, cần coi chừng khuynh hướng pharisêu: coi những điều mình đã làm được như là những công trạng riêng, chứ không phải là những ơn Chúa; coi những việc đó như một điểm tựa cho phép mình được đánh giá mình cao hơn và từ đó, nhìn xuống kẻ khác với ánh mắt khinh bỉ. Những người Pharisêu hôm nay đang khẳng định: “Tôi không giết ai cả; tôi chẳng ăn cắp của gì của ai; tôi không hề ngoại tình. Tôi có gì phải trách mình đâu? Tôi có cần gì đến bí tích hòa giải? Mọi sự nơi tôi đều phải phép mà! Thiên Chúa cũng như người ta phải bằng lòng về tôi thôi, cũng như tôi vẫn đang bằng lòng về tôi đây này!”. Nhưng khi nói như thế, người này không thấy rằng Thiên Chúa không những cấm làm những điều tồi tệ như ngoại tình, giết người và trộm cắp, nhưng còn truyền người ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau như chính mình. Như thế, ai còn có thể bằng lòng về mình?
3. Đứng trước lệnh truyền yêu thương, chúng ta phải thường xuyên suy nghĩ, nhìn nhận những thiếu sót của mình và bắt đầu lại không ngừng, với lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Điểm khởi hành của người Pharisêu thì tốt. Nhưng chính những điều ông làm là tốt đã đẩy ông đến chỗ chắc chắn về mình khi đứng trước nhan Thiên Chúa, nên ông đã tỏ ra ngạo mạn đối với người thân cận; ông trở nên mù quáng và tự mãn, nên thành thiếu sót đối với những bổn phận lớn hơn.
4. Hôm nay chúng ta cũng có dịp xét lại cách thức chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể tự hỏi về những thái độ chúng ta thường có khi cầu nguyện. Phải chăng đó là những thái độ hướng chiều về sự tự phụ, tự mãn, hoặc nghi kỵ đối với Thiên Chúa? Chúng ta có thẳng thắn và khiêm nhường trình bày hoàn cảnh của mình trước nhan Thiên Chúa chăng, hay là chúng ta không màng thưa chuyện với Ngài, lấy cớ là không nên quấy rầy Thiên Chúa?
5. Cuối cùng, một hệ
luận có thể rút ra là: Ai đã làm được những điều đúng đắn, thì cũng
đừng sao nhãng những bổn phận lớn hơn khi tỏ ra tự phụ, ngạo mạn khinh
bạc hoặc đi theo sự mù quáng của mình. Còn ai thấy mình còn trĩu nặng
tội lỗi, thì đừng coi thường hoặc thất vọng, nhưng cứ tin tưởng quay về
với Thiên Chúa, vì Ngài không bao giờ từ chối tha thứ cho ai khiêm tốn
xin Ngài ban cho.
6. Qua dụ ngôn trên, chúng ta thấy việc cầu nguyện không phải là một sinh hoạt phụ thuộc, bên lề cuộc sống của một con người, nhưng lời cầu nguyện của một người chịu ảnh hưởng của lối sống tổng quát của người ấy. Như thế, lời giáo huấn về cách cầu nguyện đúng đắn trở thành lời giáo huấn về cách cư xử đúng đắn.
------------------------------------------
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
No comments:
Post a Comment