Thursday, February 6, 2014

Vấn đề TRỢ TỬ...

Từ xưa đến nay, các ngành y khoa, luật pháp, luân lý, đạo lý đều bảo vệ mạng sống con người. Các giới bác sĩ, y tá, luật sư, triết gia, tu sĩ đều tranh đấu cho việc bảo vệ tôn trọng sự sống con người từ lúc phôi thai cho đến giây phút cuối đời.
Ngày nay, sự sống con người lại được quan niệm khác nhau: có những trường hợp, sự sống con người cần được bảo vệ tôn trọng tối đa; cũng có những trường hợp, sự sống cần lại phải bị cất bỏ loại trừ!
Con người ngày nay có xu hướng chấp nhận việc kết liễu mạng sống bằng cái chết êm dịu chỉ vì con người “chỉ biết quý trọng sự sống khi nó còn mang lại ích lợi vật chất hay tinh thần mà thôi“; và sự đau khổ bị xem như là một thất bại chua cay vừa là vô ích vừa không chịu đựng nổi, cho nên phải cất nó đi bất cứ giá nào, dù là phải dùng đến cái chết. Họ nhân danh lòng thông cảm từ tâm trước sự đau đớn của bệnh nhân nan y.

Trước đây, cất lấy mạng sống con người được xem như là tội ác; ngày nay, sự chết gần kề, với sự đau đớn vô độ chịu đựng, với sự ưng thuận của đương sự, sự việc cất lấy mạng sống con người lại được coi là một ân huệ ban tặng.

Đầu tiên là nước Hà lan, và tiếp đến là nước Bỉ chính thức ban hành luật pháp cho phép các bác sĩ giúp kết liễu mạng sống người bị bệnh nạn y; hành động nầy được gọi bằng danh từ hoa mỹ là “giúp chết êm dịu“ hay trợ tử. (euthanasie).

Một bác sĩ ở Anh, một y tá ở Pháp cũng đã thú nhận đã giúp các bệnh nhân nan y, các ông già bà cả bệnh tật già yếu kết liễu mạng sống của họ bằng hành động “trợ tử“.

Trợ tử là vấn đề mới và trở nên đề tài thời sự của con người trong xã hội âu châu ngày nay.

Trợ tử là gì?
Trợ tử là việc giúp kết liễu mạng sống con người vì lòng thương hại để cất bỏ đi những đau đớn tột bực nơi các bệnh nhân nan y và để tránh đi một đời sống kéo dài trong đau đớn nặng nề. Như thế, Trợ tử được hiểu là tác động hay là một sự từ khước với mục đích kết liễu mạng sống con người để chấm dứt sự đau đớn nặng nề theo lời yêu cầu của đương sự và được giúp thi hành bởi đệ tam nhân. Cốt yếu việc trợ tử nhằm ở sự chủ ý và những phương thế được dùng để kết liễu sự sống con người sớm hơn.

Còn việc mải miết chữa trị (acharnement thérapeutique) được hiểu là kiên trì dùng những phương thế chữa trị y khoa ngoại lệ, không tương xứng với tình trạng bệnh nhân và không mang lại được kết quả tương xứng mong ước, và đem lại sự tốn kém quá sức nặng nề cho gia đình và chỉ kéo dài sự sự sống bấp bênh đau đớn cho bệnh nhân.

Con người được có toàn quyền làm chủ mạng sống của mình hay không?
Nhân danh quyền tự do cá nhân, con người có quyền tự do chọn lựa: những ai xin được ‘trợ tử’ thì nhận được trợ tử như ý muốn, còn những ai không xin được trợ tử thì cũng được tôn trọng ý của mình. Trợ tử (euthanasie) đặt vấn đề là con người có toàn quyền làm chủ mạng sống mình hay không? Nghĩa là quyền quyết định sự sống, sự chết của mình?
Tại sao con người không có quyền tự do chọn lựa được trợ tử?

Quyền con người và nhân phẩm con người.
Xét về quyền con người, nhân phẩm con người liên kết chặt chẽ với con người có trước quyền tự do con người.

Tại sao? Vì một khi nói đến quyền con người là đề cập đến mối tương quan giữa con người với nhau. Bệnh nhân nào cũng có mối liên quan đến người thân: cha, mẹ, anh chị em, bạn bè quen biết xóm giềng... Quyền con người chỉ có thể hiện hữu khi có mối tương quan giữa người và người. Việc tối thiểu của quyền con người đòi hỏi sự tôn trọng tha nhân, tức là tôn trọng sự sống tha nhân. Vì thế, một khi con người có quyền kết liễu mạng sống mình thì mối tương quan giữa con người với nhau biến mất, như thế quyền con người cũng không còn.

Theo luân lý, quyền sinh sống là quyền bất khả nhượng và là thành phần của con người. Con người không có quyền xâm phạm đến sự sống mình, làm sao con người lại được phép trao quyền xâm phạm sự sống mình cho người khác?

Chết trong nhân phẩm cũng cần phải được hiểu được sống trong nhân phẩm cho đến hơi thở cuối cùng. Nhân phẩm con người trước tiên là được hiện hữu, và hiện hữu giá trị đối với tha nhân bất cứ trong cảnh huống nào của đời sống. Nhân phẩm con người hệ tại ở chỗ là không một ai được quyền xâm phạm đến sự sống của mình.

Giáo lý công giáo về trợ tử
Sự sống con người có giá trị cao quý hệ tại nó là nền tảng, là nguồn gốc và là điều kiện cần thiết của tất cả các hoạt động sinh sống con người và tình liên đới xã hội. Sự sống con người mang tính cách thiêng liêng và là hồng ân của Tình yêu Thiên Chúa mà con người có bổn phận bảo vệ và làm thăng tiến phát triển. Vì thế:

-Không một ai xâm phạm đến sự sống con người vô tội mà không xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa, mà không xâm phạm đến quyền căn bản bất khả nhượng của con người: có nghĩa là không phạm một tội ác tầy trời.
-Mỗi một con người có bổn phận gìn giữ sự sống mình theo chương trình của Đấng Tạo Hóa. Sự sống được trao phó cho con người gìn giữ như bảo vật mà con người có bổn phận phải phát triển ở đời nầy và thăng tiến toàn vẹn ở đời sau.

Vì thế, Giáo hội luôn khẳng định: không một ai có quyền kết liễu mạng sống con người, dù còn là thai nhi, trẻ con hay trưởng thành, già yếu bệnh tật nan y. Không ai có quyền xin kẻ khác giúp mình hay đồng ý cho kẻ khác kết liễu mạng sống mình. Không một chính quyền nào có quyền cho phép theo luật pháp kết liễu mạng sống con người. Đó là một hành động vi phạm đến luật Thiên Chúa, xâm phạm đến nhân phẩm con người, là một tội ác chống lại sự sống, xúc phạm đến nhân loại.
Giáo lý công giáo dạy: “con người không phải là chủ tể tuyệt đối mạng sống của mình“, vì khởi điểm sự sống con người là hành động tạo dựng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã tạo dựng sự sống con người. Con người sống tức là kết tạo mối giây liên lạc với Đấng Tạo Hóa và với anh em đồng loại. Sự sống được dựng nên để sống vĩnh cữu. Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, không phải của sự chết. Và tất cả mọi sự sống đều có giá trị trước mặt Đấng Tạo Hóa và anh em đồng loại, dù là sự sống của một thai nhi, hay sự sống của một người tàn phế bệnh tật nan y... Không bao giờ con người có quyền gì hủy diệt sự sống.

Lý do chính yếu Giáo hội công giáo không chấp nhận hành động trợ tử (euthanasie) đó là giới luật thứ năm: “Chớ giết người“. Giới luật nầy luôn nhắc đi nhắc lại trong Thánh kinh. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyên ông Gióp trong Cựu ước: Thiên Chúa cho phép Satan ra tay trên tài sản, trên gia đình, trên thân xác ông Gióp... nhưng không được quyền trên sự sống ông.

Mỗi sự sống đều có giá trị nhiều hơn chúng ta tưởng: nó có khả năng khơi dậy lòng yêu mến, khích động lòng bác ái thông cảm nơi tha nhân, nó cũng có thể như là dấu chỉ nhắc nhở hay cảnh cáo con người lầm bước... Và trong thực tế, cũng có những người tàn tật bệnh hoạn vẫn sống bình an hạnh phúc và góp phần chứng tá trong việc xây dựng nước Thiên Chúa.

Vì thế, trợ tử không phải là một tiến bộ văn minh khoa học, nhưng là một sự lùi bước vì có sự thay đổi thâm sâu mục đích ơn gọi của bác sĩ y tá vì họ thi hành việc trợ tử, giúp chết thay vì phải trợ sinh, giúp sống.

Sự đau đớn.
Sự đau đớn là một thành phần kết thuộc về đời sống con người. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, con người sống gắn liền với sự đau đớn về thể xác như về tâm linh. Con người sống bể khổ: sinh, bệnh, lão, tử đều là khổ!

Sự đau đớn khổ cực là một điều chủ quan, tùy theo cảm nhận của mỗi con người bệnh nhân, không thể do người khác ấn định bằng luật pháp; và nhất là sự đau đớn mang rất nhiều dạng khác nhau về thể lý, tâm lý, tinh thần.... Các nghành y khoa tâm lý đều cố gắng đưa ra những phương pháp trị liệu săn sóc để giảm bớt đau khổ .

Người công giáo trước vấn đề đau khổ và việc dùng thuốc giảm đau.
Theo phương pháp trị liệu y khoa ngày nay, có hai phương pháp săn sóc: -y khoa săn sóc chữa trị với mục đích chữa lành bệnh nhân hoàn lại sức khoẻ; - và đối với bệnh nhân vô phương chữa trị, y khoa săn sóc giảm đau với mục đích giúp đỡ bệnh nhân sống trong sự tiện khoái về thể xác, về tinh thần bằng sự hộ giúp thông cảm đi kèm.

Sự khổ đau thể lý gắn liền với đời sống con người; nhiều khi sự khổ đau trở nên tột độ và xem như vô lý cho đời sống, cho nên đôi khi con người muốn cất bỏ sự đau khổ bằng mọi giá, kể cả sự sống.
Theo giáo lý công giáo, sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, có giá trị đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa: Sự đau khổ được thông dự vào sự Thương khó của Đức Kitô trên thánh giá (Mt 27,34). Tuy nhiên, thái độ ‘anh hùng’đó không phải việc phải làm đối với tất cả mọi người công giáo.

Nếu không có phương thế nào khác và trong hoàn cảnh nhất định, giáo lý công giáo cũng cho phép cất bỏ sự đau khổ bằng những thuốc an thần chống đau, dù cho việc dùng thuốc nầy có hậu quả là giảm ý thức và thu ngắn đời sống của bệnh nhân; vì trong trường hợp nầy, việc dùng thuốc an thần chỉ có mục đích chữa đau đớn, chớ không chủ ý tìm cái chết sớm hơn.

Việc xử dụng tương xứng các phương thế y khoa trị liệu.
Người công giáo có quyền chết trong bình an xứng đáng với nhân phẩm và tước vị kitô hữu.

Luân lý công giáo phân biệt sự việc trợ tử (euthanasie) khác với quyết định từ chối không sử dụng những phương pháp y khoa chữa trị ngoại thường hay đúng hơn là không tương ứng, thường được gọi là “việc mải miết trị liệu“ (acharnement thérapeutique): những can thiệp y khoa chữa trị không còn thích hợp với thực trạng bệnh nhân, và không còn tương ứng với kết quả mong muốn hoặc quá nặng nề tốn kém với đương sự và gia đình.

Bộ giáo lý đức tin (Tuyên ngôn ngày 5.1980) định rằng: “Không ai bị bó buộc phải tiếp tục dùng những kỹ thuật y khoa trị liệu, mặc dù đã bắt đầu xử dụng, có thể mang theo những hậu quả rủi ro nặng nề hay chỉ kéo dài sự sống bấp bênh và nặng nề. Sự việc cất bỏ sử dụng các phương thế trị liệu như thế không phải là việc tự tử, nhưng đó chỉ xem như là chấp nhận thân phận làm người; hay chỉ là muốn tránh một áp dụng phương pháp y khoa trị liệu không tương ứng với kết quả có thể mong đợi; hay cũng chỉ là không muốn gây ra thêm những phí tổn quá nặng nề cho gia đình hoặc cho cộng đoàn xã hội.

Tại sao Giáo hội lên tiếng?
Giáo hội công giáo lên tiếng phê bình phản kháng luật cho phép bác sĩ thi hành việc trợ tử (euthanasie), cũng như các vấn đề xã hội con người như phá thai, phúc chế con người (cloning), thí nghiệm các phôi thai... không phải Giáo hội muốn áp đặt quan điểm luân lý công giáo cho những người không cùng tín ngưỡng hay là xen mình vào công việc của chính quyền.

Giáo hội có bổn phận phục vụ công ích của công đồng nhân loại và với sứ mạng “ngôn sứ“, Giáo hội phải lên tiếng thức tỉnh lương tâm con người và cảnh giác những điều nguy hại cho tương lai và sự sống con người. Và nhất là, Giáo hội có bổn phận soi sáng hướng dẫn các tín hữu công giáo biết rõ giáo lý công giáo và cách thức sống phù hợp với luật Thiên Chúa. Vì không phải tất cả những gì luật pháp quốc gia cho phép là hợp với luân lý công giáo, chẳng hạn như luật cho phép phá thai, cho phép việc trợ tử (euthanasie)... Đối với các tín hữu công giáo, khi luật pháp quốc gia trái ngược với luân lý công giáo thì không buộc người công giáo phải tuân theo luật quốc gia đó.

Giáo hội đề nghị.
Phản đối việc trợ tử, Giáo hội không phải là độc đoán nhẫn tâm trước các nỗi đau đớn thể xác hay tâm thần của các bệnh nhân nan y. Thật ra qua nhiều thế hệ, Giáo hội đã lưu tâm đến vấn đề đau khổ và cũng đã đem nhiều công của nghị lực và dùng nhiều phương thế thể lý như tâm linh trong việc hỗ trợ để thoa dịu sự đau đớn thể xác như tâm thần của con người, nhất là các người già cả đau yếu bệnh tật bị quên lãng bỏ rơi.

Thật ra, sự thoa dịu đau đớn khổ đau không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật y khoa mà thôi, nhưng sự đau đớn khổ đau mang ý nghĩa tâm linh đòi hỏi sự hỗ trợ tinh thần, như giáo huấn của Đức Piô XII khen ngợi tầm quan trọng và cổ võ các phương pháp săn sóc giảm đau nhắm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được trong gia đoạn cuối của bệnh nhân và nâng đỡ bệnh nhân theo tinh thần nhân đạo và bác ái kitô giáo. Vì ngoài việc chữa trị bằng phương pháp y khoa, điều mà bệnh nhân ước muốn là tình yêu thương cảm thông, lòng từ tâm, tinh thần siêu nhiên mà gia đình thân nhân bạn bè bác sĩ y tá đem đến cho họ bằng sự hiện diện bên cạnh để hỗ trợ an ủi.

Đứng trước sự đau khổ, Giáo hội công giáo không cổ võ bảo các kitô hữu phải chịu đau đớn, nhưng đã lên tiếng kêu gọi phát triển và phổ biến các phương thế săn sóc chống đau đớn cho các bệnh nhân, được gọi là “các phương pháp săn sóc giảm đau đớn“ (soins palliatifs). Phong trào cổ võ các phương pháp nầy có mục đích:

-công nhận những giờ phút cuối đời sống con người là thành phần của đời sống con người.
-khám phá ra ý nghĩa của những giờ phút sau cùng của đời sống.
-cổ võ sự hiện hiện của gia đình thân nhân bạn bè bên cạnh các bệnh nhân trong giờ phút cuối đời.
-sẵn sàng nâng đỡ và cộng tác với các bác sĩ, y tá, các nhân sự trong việc săn sóc chữa trị bệnh nhân.
-cổ võ thi hành các phương pháp săn sóc giảm đau đớn trong các ngành y khoa chữa trị.
-học hỏi những hiểu biết chuyên môn về những triệu chứng đau đớn của bệnh nhân.
-luôn theo dõi săn sóc bệnh nhân tới giây phút cuối đời.
-và luôn hỗ trợ an ủi các gia đình tang chế.

Các phương thế sân sóc giảm đau có mục đích làm cho sự đau đớn có thể chịu đựng được trong giai đoạn cuối của bệnh tật và đồng thời làm cho bệnh nhân được nâng đỡ theo tinh thần nhân đạo thích hợp. Phương thế nầy cần được sự hiện diện nâng đỡ.

Thay lời kết...
Con người có sinh có tử. Là kitô hữu, sự chết chúng ta phải được nhìn dưới ánh sáng đức tin vào Đức Kitô, Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại vì chúng ta.

Giúp đỡ những người già yếu bệnh tật trong những giờ phút cuối đời đó là giúp họ chấp nhận thân phận con người trong giây phút cuối đời, là giúp họ hiểu ý nghĩa cái chết trong đức tin kitô giáo: đặt tin tưởng vào Thiên Chúa sự sống và dọn mình tử bỏ những quyến luyến vật chất, tinh thần để ra đi về với Đấng sáng tạo.

Hội đồng giám mục Đức (Chết xứng đáng con người và Chết kitô hữu. Doc. Cat. 1979, số 1764, trang 479) nhắc nhở tính cách quan trọng của niềm tin: “Thiên Chúa luôn hiện diện cạnh bên các bệnh nhân“. Các bệnh nhân cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa qua cách thức người kitô hữu chúng ta hiện diện bên cạnh các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân ở vào giây phút cuối đời... bằng cách hiện bên cạnh và cảm thông với số phận bệnh nhân bằng những cử chỉ lời nói nâng đỡ cảm thông trong tinh thần bác ái kitô giáo. Nhờ sự hiện diện nâng đỡ như thế, bệnh nhân tin tưởng phó thác vào bàn tay Thiên Chúa và nhẹ nhàng ra đi trong bình an.

Các tôn giáo nghĩ gì về trợ tử.
Các tôn giáo đều công nhận “giá trị hiển nhiên của sự sống con người“ và sự sống con người cần phải được bảo vệ và tôn trọng. Nhưng đứng trước vấn đề “trợ tử’(euthanasie), mỗi tôn giáo có nhận định lập trường riêng của mình:

Các Giáo hội Tin lành cách chung cho rằng: “dưới hình thức nào đó trợ tử (euthanasie) chỉ là sự mải
miết chữa trị (acharnement thérapeutique), và con người vẫn tự cho mình có quyền quyết định. Và lời xin “trợ tử“ của bệnh nhân cần phải được nghe, chớ không nên xét đoán.
Giáo hội chính thống có cùng lập trường giống như Giáo hội công giáo.

Do thái giáo cấm ngặt làm bất cứ việc gì để kết thúc sớm sự sống của bệnh nhân.

Hồi giáo dạy, bất cứ trong hoàn cảnh điều kiện nào, phải tôn trọng sự sống; vì sự sống là một ân huệ của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa quyết định giờ chết, con người không được quyền kết thúc sớm sự sống con người. Hồi giáo chống lại sự mải miết điều trị (acharnement thérapeutique).

Phật giáo (theo Tổng hội Phật giáo tại Pháp): giáo lý cốt yếu Phật giáo cấm sát sinh, có nghĩa tôn trọng sự sống; nhưng trợ tử là một vấn đề rất là tế nhị, nên cần phải có sự phân biệt các ý kiến theo nghĩa trợ tử chủ động (euthanasie active) hay trợ tử thụ động (euthanasie passive). Cách chung, giáo lý Phật giáo phủ nhận những can thiệp trực tiếp có mục đích diệt sự sống; nhưng cũng cần phải tránh dùng sự mải miết chữa trị (acharnement thérapeutique) được xem như là hành động xâm lược. Và theo quan niệm Phật giáo, những giờ phút sau cùng của con người, cách riêng là của các bệnh nhân là những giờ phút bệnh nhân cần phải sống trong bình an và yên tịnh. (xem báo Dharma, số 5, tháng 4.1989. Institut Karma Ling.)
------------------------
PHS chuyển

No comments:

Post a Comment