Friday, February 28, 2014

Giải đáp phụng vụ:

Tại sao thắp bảy ngọn nến trong lễ đại triều Giám mục?

Hỏi: Thưa cha, liệu có mối liên hệ nào giữa bảy ngọn nến được sử dụng trong thánh lễ đại triều Giám mục và chân đèn bảy ngọn (menorah) của Đền Thờ Giêrusalem không? - C. S., Roma, Ý.
--------------------------------
Đáp: Bạn ạ, không có mối liên hệ trực tiếp nào và có lẽ cũng không có mối liên hệ gián tiếp nào.

Một số tập tục của người Do Thái đã trực tiếp đi vào phụng vụ Công Giáo ngay từ đầu - ví dụ, các chữ Amen, Alleluia và các cấu trúc cơ bản của một số lời nguyện chúc lành và của các Kinh nguyện Thánh Thể.

Nhiều tập tục khác đã gián tiếp đi vào sau đó, lấy cảm hứng từ Kinh Thánh mà chúng ta có chung với Do Thái giáo. Ví dụ, trong thời Trung cổ, các lời cầu nguyện được sáng tác cho nghi thức truyền chức đã nhắc tới chiếc áo thánh thiêng của A-ha-ron (Aaron) và các thầy cả thượng phẩm khác. Sau một vài thế hệ, các lời cầu nguyện này tạo cảm hứng cho việc ra đời của một số nghi lễ, mà trong đó tân chức được mặc áo lễ theo nghi thức trong lễ truyền chức. Có nhiều ví dụ tương tự của các ảnh hưởng gián tiếp ấy.

Về vấn đề chúng ta đang nói, các chứng từ sớm nhất của việc bảy ngưởi giúp lễ cầm nến sáng đã có trong phụng vụ Tòa thánh thế kỷ thứ VII. Các ngọn nến này sau đó được đặt trên mặt đất ở phía trước bàn thờ, chứ không đặt trên bàn thờ.

Việc các người giúp lễ cầm đuốc sáng có lẽ bắt nguồn từ phong tục của người Rôma khi đi hộ tống một số quan chức cao cấp của triều đình với đuốc sáng, trong khi một người khác cùng đi với quan này và mang theo một bản sao trang trí thật đẹp của bộ luật.

Tuy nhiên, số lượng người cầm đuốc là không xác định. Vì vậy, ngay cả khi tập tục phái sinh từ tục lệ của người Rôma, sự lựa chọn bảy người cầm đuốc là dường như không bình thường. Một số tác giả nói rằng con số này có thể được lấy cảm hứng từ bảy ngọn đèn trong Sách Khải Huyền, chương 1. Tuy nhiên sự gán ghép này chỉ là một giả thuyết, với ít bằng chứng ủng hộ nó.

Bảy ngọn đèn khải huyền có thể một cách nào đó là liên quan đến chân đèn bảy ngọn, nhưng điều này không có ảnh hưởng đến việc đưa ý này vào phụng vụ.

Tập tục được mô tả trong tài liệu của thế kỷ thứ VII đã không được sử dụng đều đặn ở Rôma, mặc dù nó được duy trì trong một số tu viện. Vào khoảng nửa đầu của thế kỷ XI, các ngọn nến xuất hiện trên bàn thờ. Tuy nhiên, tập tục và số lượng ngọn nến là không phổ quát.

Mãi cho đến cuối thế kỷ XIII, tập tục sử dụng bảy ngọn nến trên bàn thờ trong thánh lễ đại triều Giám mục được phục hồi cho phụng vụ Rôma. Nó đã được thiết định vững chắc trong một sách Nghi lễ, được viết bởi Đức Hồng Y Giacomo Stefaneschi (1270-1343), khi ngài viết: "Khi Đức Giáo Hoàng cử hành lễ đại triều, bảy ngọn nến phải được đặt trên bàn thờ".

Tập tục này vẫn tiếp tục ngày nay. Đối với hình thức ngoại thường, các chỉ dẫn của sách Nghi Thức Giám Mục về thánh lễ đại triều Giám mục nói là đặt bảy đèn trụ (candelabras) trên bàn thờ. Thánh giá được đặt phía trước của cây nến cao nằm ở trung tâm.

Tập tục cho hình thức thông thường là ít chính xác hơn. Điều này là bởi vì người ta được phép đặt nến gần bàn thờ, chứ không chỉ trên bàn thờ. Các số 125 và 128 của Nghi Thức Giám Mục tiên liệu khả năng có từ hai đến bảy người giúp lễ cầm ngọn nến sáng tham gia đoàn rước vào thánh lễ. Các ngọn nến sau đó có thể được đặt gần hoặc trên bàn thờ .

Mặc dù sách phụng vụ không quy định rõ ràng, và phù hợp với tập tục thánh lễ Giáo hoàng, người ta có thể đặt bảy ngọn nến trên hoặc gần bàn thờ, trước khi Thánh Lễ bắt đầu. Vể việc rước trước thánh lễ, hai người cầm nến sáng đi hai bên người cầm thánh giá, và đi sau đó có thể là sáu người cầm đuốc sáng. Trong trường hợp này, các ngọn nến được sử dụng trong đám rước được đặt kín đáo sang một bên, khi cuộc rước kết thúc. Hai ngọn nến được sử dụng trong lúc công bố Tin Mừng và vào cuối Thánh Lễ. Sáu người cầm sáu ngọn đuốc đi theo người cầm bình hương ra trước bàn thờ trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể.
------------------------
Nguyễn Trọng Đa

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

(Zenit.org 25-2-2014)

No comments:

Post a Comment