Có HỎA NGỤC không?
Lm. JB. Nguyễn Hữu Thy
Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, chẳng những luôn khuyến khích các tín hữu tưởng nhớ đến những người quá cố của họ trong các kinh nguyện hằng ngày, nhất là dâng Thánh Lễ Mi-sa cầu nguyện cho linh hồn những người đã qua đời, nhưng còn dành trọn cả một tháng trong năm, tháng mười một hay cũng được gọi là «Tháng Các Đẳng» hay «Tháng Các Linh Hồn», để đặc biệt kính nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời.
Hành động đó đã minh nhiên khẳng định rằng đối với người Kitô hữu chết không phải là hết, nhưng sau khi chết con người sẽ còn tiếp tục sống và sống một cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra là sau khi từ bỏ cõi đời này, chỉ có Thiên Đàng là nơi vĩnh cửu duy nhất sẽ đón nhận các người đã quá cố, hoặc còn có nơi nào khác nữa, hay nói rõ hơn, có hỏa ngục hay không?
Theo tâm lý tự nhiên ngày nay, đa số người đương thời có khuynh hướng muốn được yên thân sống thoải mái dễ dãi, chứ không muốn nhắc đến luân lý, đạo đức hay tội lỗi nữa. Vì thế họ cũng không muốn đề cập tới vấn đề hỏa ngục, nếu không nói là họ phủ nhận sự hiện hữu của hỏa ngục.
Nhưng ít nhất là vẫn còn có bao Kitô hữu chân chính và bao người thiện tâm khác trên khắp thế giới vẫn luôn xác tín rằng sự hiện hữu của hỏa ngục là một chân lý mặc khải bất khả phủ nhận. Trong số những người tin có hỏa ngục, có lẽ người ta cũng phải kể đến ca sĩ Sting, tên thật là Gordon Summer (1951), một ca sĩ nhạc Rock nổi tiếng người Anh. Ông luôn tin có hỏa ngục, một nơi có mặt của mọi thành phần xã hội: từ các quan tòa, các luật sư, các Hồng Y, Giám Mục, các nhạc sĩ, các ca sĩ, v.v…, đúng như lời tường thuật của Lm Jose Maniyangat về sự trải nghiệm của ông về hỏa ngục, như chúng ta vừa trình bày ở trên! Trong một bài hát thuộc loại nhạc kích động với tựa đề bằng tiếng Anh: «Saint Augustine in Hell» (Thánh Augustinô ở trong hỏa ngục), Sting đã hát: «They’re all here, You’re not alone»: Tất cả họ đều có mặt ở đây, chứ không phải một mình anh đâu. Bài hát đề cập tới việc vị thánh nhân đã ra sức vất vả chống lại sự cám dỗ về đức trong sạch khi phải đứng trước một người phụ nữ nhan sắc đầy quyến rũ.
Thật cả là một hiện tượng quá ngạc nhiên, hoàn toàn vượt khỏi quan niệm thường tình: Trong hỏa ngục cũng có cả sự hiện diện của những bậc vĩ vọng, những người khi còn sống đã từng đóng vai trò người bảo vệ luân lý, đạo đức và công bằng, và theo sự phán đoán bình thường nhân loại, thì họ là những người sau khi chết sẽ được bay thẳng về Thiên Đàng. Còn hỏa ngục là nơi chỉ dành cho những kẻ đã phạm những tội ác nặng nề chống lại nhân loại, như: Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Nê-rô, Giu-đa, Napoléon, hay những bọn khủng bố, những kẻ giết người như ngóe, bọn phản bội hại người hay những kẻ cực đoan đã gây nên bao tang thương đau khổ và chết chóc cho hàng triệu người vô tội, tiêu hủy cả một nền văn hóa của nhân loại, và không ngừng gieo rắc hận thù, ghen ghét trên khắp thế giới.
1. Cái hố sâu trong hỏa ngục
Vâng, theo quan niệm đại chúng thì những kẻ đã gây nên những tội ác như thế cần phải được trừng phạt một cách đích đáng, và – dựa theo luật công bằng – sự trừng phạt đó cũng phải vượt sang cả bên kia thế giới vĩnh cửu nữa.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cụ thể, người ta thường dùng danh từ «hỏa ngục» như một cách so sánh hay có tính cách ẩn dụ, để ám chỉ những khó khăn to nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ: Trong một chuyến đi nghỉ hè xa mà phải ngồi chờ cả ngày tại phi trường hay tại nhà ga xe lửa, hết ngồi rồi lại đứng, bởi vì máy bay hay tàu bị trục trặc hay vì một sự cố nào đó xảy ra, nên phải hủy chuyến bay hoặc phải đến trễ, hay bị kẹt xe hàng giờ đồng hồ trên đường đi nghỉ hè giữa khí trời nóng nực oi ả; khi khởi công xây nhà mà trời cứ mưa tầm tã cả ngày; khi con cái và mọi người trong nhà đau ốm liên miên, nhưng tiền dành dụm lại không còn, vay mượn thì không ai cho; hay: cảnh phải lam lũ vất vả cả ngày mà vẫn kiếm không đủ cơm nuôi gia đình; nhất là khi cuộc sống trong gia đình hoàn toàn thiếu đầm ấm, mất hạnh phúc, vợ chồng lục đục bất hòa với nhau suốt ngày v.v… Bấy giờ đó quả là «hỏa ngục!» và người ta mới cảm nhận được sự đau đớn và thất vọng chua xót trong lòng trước niềm khao khát được cơm no áo ấm, được một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.
Nhưng cả khi phải đối mặt với những thử thách và khó khăn vất vả như thế, người ta cũng chưa hẳn tin hỏa ngục như là một nơi có thực. Trái lại, người ta đã tương đối hóa hỏa ngục và sử dụng nó như một kiểu chơi chữ, như một nơi giả tưởng để diễn tả một sự chịu đựng đắng cay nào đó mà thôi. Đó chính là điều mà các nhà tâm lý học, các triết gia và văn họa sĩ của thế kỷ XX vừa qua đã làm, và quan điểm đó của họ đã để lại một ảnh hưởng sâu rộng trong ngôn ngữ cũng như trong tư tưởng của các tầng lớp xã hội.
Quả vậy, nhà phân tâm học Sigmund Freud và giáo sư tâm lý học C.G. Jung đã diễn tả ý niệm «hỏa ngục» chỉ còn như là cái vực sâu thẳm nhất của nội tâm con người; còn trong cuốn tiểu thuyết nổi danh «Doctor Faustus» của ông, văn hào Thomas Mann đã coi «hỏa ngục» như là biểu hiệu cho sự man rợ ghê tởm, xảy ra dưới chế độ diệt chủng Đức Quốc Xã; trong khi đó, triết gia Jean-Paul Sartre – bằng một hình thức hiện sinh nhẹ nhàng – lại quan niệm rằng «hỏa ngục» luôn luôn là «những người khác».
Hỏa ngục được coi như một nơi hoàn toàn và tuyệt đối không có sự hiện diện của Thiên Chúa, dù một lời nói hay một dấu hiệu cũng hoàn toàn không.
Tuy nhiên, điều đó không luôn như vậy. Đặc biệt nhất là các bức hình thời trung cổ trình bày về ngày Phán Xét Chung – mà ngày nay người ta còn tìm thấy trên trần các nhà thờ chánh tòa và vương cung thánh đường cổ hay trong bản văn Sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ – đã vẽ lên một cách rõ ràng và đầy ấn tượng tình trạng của những kẻ bị kết án trầm luân trong hỏa ngục. Trong khi đó, chữ «hỏa ngục» trong tiếng Do-thái là «Ge hinnom», hoàn toàn chỉ có nghĩa là vùng thống trị của ma quỷ mà thôi; khác với chữ «âm phủ» (nước của những kẻ chết) mà trong tiếng Do-thái là «Sheol» và cũng khác với các quan niệm Hy Lạp thời thượng cổ về nước của kẻ chết, tức thế giới của tối tăm.
Những trình bày về hỏa ngục chỉ muốn nhằm cảnh giác và làm cho người xem động lòng lo sợ, hầu họ biết ăn năn sám hối và cải thiện cuộc sống, dựa trên ý nghĩa Kinh Thánh và những lời dạy của Chúa Cứu Thế, ví dụ: «Thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục.» (Mt 18,8-9)
Trong vùng ảnh hưởng nền văn hóa Tây phương nói chung, những hình ảnh trình bày về hỏa ngục hay những suy diễn tưởng tượng về hỏa ngục rất đa dạng. Vâng, có khi hỏa ngục được coi như một nơi của thù oán; có khi lại được coi như một lò lửa cháy bừng bừng đến vô tận; và nhiều khi còn được coi như núi hỏa ngục. Trong cuốn tiểu thuyết nổi danh «La Divina Commedia» của ông, Dante Alighieri (1265-1321), một thi hào người Ý, còn trình bày hỏa ngục như một cái hố sâu mà Satan đã gây ra khi y bị rơi từ Thiên đàng xuống.
Còn các danh họa Kitô giáo, như Hieronymus Bosch (1450-1516), Peter Paul Rubens (1577-1640), Sandro Botticelli (1445-1510), hay Michelangelo (1475-1564), đều trình bày hỏa ngục như chặng đường cuối cùng của cuộc sống con người, chứ không còn là nơi thanh luyện hay cải hóa nữa. Và có lẽ đó cũng là quan niệm chung của các nền văn hóa và các tôn giáo khác.
Điều đó cũng nói lên rằng các danh họa Kitô giáo trên đã luôn trung thành với các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Bởi vì dựa theo lời Chúa Giê-su trong Phúc Âm, nhiều thánh Giáo phụ từ thế kỷ I cho tới thế kỷ III, ví dụ như Clemens de Rom, Irenée de Lyon, đã khẳng định rằng người ta không được phép đùa giỡn với một cuộc sống bên kia biên giới sự chết được, vì đó là một sự thật minh nhiên. Và sau cái chết chỉ còn lại hai nơi cư ngụ duy nhất cho con người: Hoặc Thiên đàng hoặc hỏa ngục, có lẽ tạm thời còn có một nơi tạm trú thứ ba, đó là Luyện ngục. Ngoài những chỗ đó ra, tuyệt đối không còn bất cứ nơi chốn nào khác nữa.
Thế nhưng, bỗng nhiên Ô-ri-gê-nê (185-254), một vị thuộc hàng Giáo phụ, lại giới thiệu một suy tư thần học mới: Thuyết «Apocatastase» – sự cứu vớt muôn loài muôn vật. Origênê cho rằng sau cuộc sống đời này, tất cả mọi tạo vật đều được trở về cùng Thiên Chúa Tạo Hóa, còn hỏa ngục hoàn toàn trống rỗng. Đó quả là một quan điểm có thể được coi là hấp dẫn, mang tính cách nhân bản và tiến bộ. Vì thế, nhiều Giáo phụ thuộc thế kỷ IV và thế kỷ V, như Gregoire de Nyssan đã chấp nhận thuyết đó.
Nhưng thuyết Apocatastase của Ô-ri-gê-nê chỉ kéo dài đến năm 553 thì hoàn toàn chấm dứt. Công đồng đại kết Constantinople II đã tuyên cáo: «Nếu ai nói hay nghĩ rằng hình phạt dành cho ma quỷ và những kẻ vô đạo chỉ có tính cách tạm thời và trong một lúc nào đó sẽ được chấm dứt hay sẽ có sự hồi phục lại cho ma quỷ và những kẻ vô đạo, thì bị dứt phép thông công.»
Lời khẳng định: Từ hỏa ngục không hề có con đường nào dẫn tới cùng Thiên Chúa, là một quan điểm trải qua bao thế kỷ đã được chứng thực bởi các thị kiến của nhiều vị thần bí, như Anna Catharina Emmerick, Anna Schäfer hay thánh Padre Piô, v.v…và trên nguyên tắc, mãi cho tới nay Giáo Hội vẫn không chối bỏ. Trái lại, trong cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (SGLHTCG), được phát hành năm 2005, còn được xác định: «Giáo Hội dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Sau khi chết, linh hồn kẻ còn mang tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình ‘lửa đời đời’.»(1)
Chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong cuốn sách mới nhất của Người «Chúa Giê-su thành Na-da-rét» cũng đã xác nhận rằng có hỏa ngục, và là một nơi vĩnh viễn dành cho những ai chối từ tình yêu Đức Kitô.
Ông Robert Spaemann, triết gia Công Giáo thời danh người Đức, cũng tin sự hiện hữu của Hỏa ngục, ông viết : «Sứ Điệp Kitô giáo là Sứ Điệp mà Đức Giê-su đã mang tới rồi, chứ không phải là sứ điệp mà lẽ ra Đức Giê-su cần phải mang tới, như chúng ta quan niệm. Và Đức Giê-su đã từng nói về sự nguy hiểm, sẽ bị hư mất đời đời.»(2)
2. Án phạt đời đời
Tuy nhiên, ở đây người ta cũng có thể chân thành nêu lên câu hỏi: Ngày nay còn có bao nhiêu người và bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong Giáo Hội thực sự coi trọng những phát biểu đó nữa? Trong thời đại ngày nay, ai còn đầy xác tín nói về hoả ngục và về án phạt đời đời? Và nếu trường hợp có người còn can đảm dám làm chuyện đó, thì người ấy sẽ quả quyết thế nào về hỏa ngục: là một nơi chốn, một tình trạng hay chỉ là một cảm giác?
Thế hệ của những nhà thần học cũng như những vị giáo phẩm trong Giáo Hội ngày nay, xem ra có một sự đồng thuận cho rằng, hỏa ngục không phải là một nơi chốn dành để trừng phạt những kẻ có tội với các đau khổ thể xác, nhưng là một điều có tính cách trừu tượng, hay nói đúng hơn, đó là sự «xa lìa Thiên Chúa», như chính ĐTC Gioan Phao-lô II khi sinh thời cũng đã từng phát biểu. Nhưng nói chung, tất cả những nhà thần học này đều trung thành với giáo huấn của Giáo Hội về hỏa ngục.
Nhưng bên cạnh đó còn có những nhà thần học khác đã tìm cách dựa theo khoa chú giải Kinh Thánh có tính cách phê bình sử quan, để đưa ra một con đường trung dung khác, thay vì quan điểm «sự cứu rỗi cho muôn loài muôn vật» và «sự hiện hữu của hỏa ngục». Theo quan điểm thứ ba này thì hỏa ngục hiện hữu thực sự và như một «khả hữu thực tiễn» (Karl Rahner). Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ có một linh hồn nào đó sẽ bị lạc đường sa vào chỗ ấy, bởi lẽ tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa thì bao la vô tận.
3. Muôn kiếp phải xa lìa Thiên Chúa
Đặc biệt tại đa số các cộng đoàn Kitô giáo thuộc vùng lãnh thổ nói tiếng Đức, xem ra người ta có khuynh hướng chọn lối cắt nghĩa thứ hai. Các giáo sĩ ngày nay ít đề cập đến hỏa ngục trong các bài giảng của mình, vì họ thường quan niệm rằng: trong vấn đề tín ngưỡng, nên tôn trọng sự tự do chọn lựa của con người, hay nói rõ hơn, nên để giáo dân tự do sống đạo theo sự ý thức của họ, chứ không nên giữ đạo vì do sợ hãi khỏi phải xuống hỏa ngục. Phải chăng đây là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn?
Một điều không thể phủ nhận được là quan niệm trên đã từ từ làm cho người ta quên đi sự nguy hiểm về một cuộc sống đời đời xa lìa Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống và nguồn mọi hạnh phúc của con người. Đồng thời nó cũng dẫn tới một hậu quả khác nữa, đó là khuynh hướng muốn tương đối hóa tội lỗi, nghĩa là chỉ có tội nhẹ, tức chỉ có những sai sót lặt vặt, chứ không còn có tội trọng nữa; nói cách khác, con người không còn nguy hiểm sợ mất sự sống vĩnh cửu nữa.
Hay sự im lặng không muốn đề cập tới hỏa ngục như thế còn có những lý do khác nữa? Phải chăng sự im lặng đó còn nhằm tránh cho người tín hữu mặc cảm tội lỗi, bởi vì trong nhiều thế kỷ qua, các bài giảng về hỏa ngục đã làm cho các tín hữu đâm ra áy náy sợ hãi vì lo bị mất linh hồn? Và cuối cùng, phải chăng vì do những lý do quyền hành, lý do kinh tế hay chính trị, v.v… mà người ta đã từng làm cho cuộc sống tâm linh của các tín hữu trở thành lệ thuộc và mất tự do, khi trình bày cho họ hình ảnh khủng khiếp về hỏa ngục?
Nếu sự thể thực sự là như vậy, thì cần thiết phải tìm cách hóa giải ngay cái mặc cảm phiền phức đó. Nhưng phải chăng để làm cho công cuộc Phúc Âm hóa của Giáo Hội, mà Đức Gioan Phao-lô II cũng như Đức Bênêđíctô XVI đã khởi động và cổ vũ, trở nên khả tín và khả thi, nếu khi người ta trình bày công cuộc Cứu Rỗi của Đức Kitô và viễn tượng về Nước Trời, tuyệt đối không được đả động tới những thực tại ngược lại, hay nói rõ hơn, không được đề cập tới hỏa ngục?
Nếu sứ mệnh của Giáo Hội nói chung và của từng người Kitô hữu nói riêng, là không chỉ dừng lại nơi những hoạt động thiêng liêng và từ thiện được dành cho mọi tầng lớp xã hội như các đoàn thể từ thiện khác trong xã hội vẫn làm, thì Giáo Hội cũng như từng người Kitô hữu còn cần phải tái khám phá ra sự hiện hữu của hỏa ngục như một biểu hiệu sự công bằng của Thiên Chúa, chứ không phải như một dụng cụ để hành hạ hay trả thù.
Vâng, mặc dù nói đến hỏa ngục là một điều ít ai muốn nghe, nhưng việc đề cập tới sự hiện hữu của hỏa ngục cũng góp phần vào việc sống trọn vẹn tinh thần Phúc Âm hơn, vì thế, khi hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã cho ba em nhìn thấy trong khoảnh khắc sự vô cùng khủng khiếp của hỏa ngục và sự đau khổ khôn kể xiết của những kẻ tội lỗi bị trầm luân trong đó(3), mặc dù tuổi đời của cả ba em chỉ mới từ 6 đến 10 tuổi mà thôi. Đàng khác sự hiện hữu của hỏa ngục là một chân lý đức tin, một chân lý bất khả phủ nhận.
-----------------------------
Lm. Nguyễn Hữu Thy
Chú thích
(1) SGLHTCG phần 1, đoạn 2, chương 3, mục 12, số 1035.
(2) Nguyệt San bằng Đức ngữ «Fatima Ruft», số 210, tháng 3.2010, trang 16.
(3) x. Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, Trier 2008, trang 99.
No comments:
Post a Comment