Wednesday, March 12, 2014


.

Noi gương Thánh Giuse

SỐNG NĂM NHÂN ĐỨC

Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín
Chúng ta đang ở trong tháng Thánh Giuse. Thánh Giuse là quan thày của Giáo Hội Hoàn Vũ, của Giáo Hội Việt Nam và của Giáo Xứ chúng ta. Tôi muốn cùng quý độc giả tìm học những nhân đức sống đạo trong gia đình của Ngài. Mà vì, chúng ta thuộc gia đình Việt Nam, sống đạo lý tam cương ngũ thường, nên tôi ước mong chúng ta nhìn ngắm Thánh Giuse qua các nhân đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, tức là những nhân đức thuộc Ngũ Thường trong nền đạo lý và luân lý cổ truyền của Việt Nam. Chúng ta lần lượt trình bày vắn gọn về mỗi nhân đức
1. Noi gương Thánh Giuse về đức ‘Nhân’.

Theo văn hóa Việt Nam, đức ‘Nhân’ có nghĩa là nhân ái, nhân hậu, nhân từ, nhân hòa, nhân, nghĩa. Nói tắt là có lòng bác ái, thương người. Như ca dao tục ngữ đã diễn tả hình ảnh của người sống đức ‘nhân’ :

Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Lấy tình yêu xoá hận thù,
Một câu nhịn, chín câu lành.
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Đem đức nhân mà thay cường bạo.

Đức ‘nhân’ là nhân đức của mọi người, dù là cha mẹ, con cái hay anh chị em trong gia đình, gia đình Việt Nam hay gia đình Do Thái của thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu..
Cho nên, tôi nghĩ thánh Giuse không chỉ sống đức ‘nhân’ theo văn hóa Việt Nam, ngài còn sống đức ‘nhân’ theo Tin Mừng, nghĩa là theo lòng nhân ái của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8), ngài nằm lòng hơn ai hết luật cơ bản ‘mến Chúa Yêu người’ (Mc 12,28-34) và thấm nhuần lời Chúa Giêsu : ‘Không tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu’ (Ga 15,13). Thực tế hơn, muốn biết thánh Giuse đã sống đức ‘nhân’ như thế nào, chúng ta hãy đọc lại thơ thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho Giáo đoàn Corintô, chương 13 từ câu 1 đến câu 13.

Vì tràn đầy đức ‘nhân’, nên nơi thánh Giuse không ghen tương, khoe khoa, tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác của người khác. Trái lại, nơi thánh Giuse, thì đầy đức nhẫn nhục, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, chỉ vui khi thấy điều chân thật.
Vậy chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse sống đức ‘Nhân’ hay đức Bác Ái với mọi người, đặc biệt những người trong gia đình ruột thịt. Chúng ta đang đau buồn chứng kiến bao nhiêu gia đình tan vỡ hay rạn nứt giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, hay giữa anh chị em với nhau… Mỗi gia đình rạn nứt hay tan vỡ đều bởi nhiều nguyên do riêng, nhưng tất cả đều có một nguyên do chung là thiếu đức ‘Nhân’, thiếu đức ‘Bác Ái Tin Mừng’ tức là thiếu Tình Yêu dành cho nhau.

2. Noi gương thánh Giuse về đức ‘Nghĩa’.

Theo cách hiểu đơn sơ, đức ‘nghĩa’ chỉ về ‘ân nghĩa’, ‘lễ nghĩa’ hay ‘tình nghĩa’. Vì thế ông bà thường hay nói ‘ân sâu nghĩa nặng’, ‘ân thâm nghĩa trọng’, ‘tình thâm nghĩa nặng’, ‘nghĩa tử nghĩa tận’, ‘ơn trả nghĩa đền’. Tất cả những cụm từ này có một ý nghĩa chung, là ‘lòng biết ơn’, là ‘cách sống làm sao cho đúng lẽ phải đối với những người mình đã mang ơn mà trước hết là Thượng Đế và gần gũi là cha mẹ, vợ chồng và anh chị em trong gia đình.

Nếu lấy đức ‘nghĩa’ làm lăng kính để chiêm ngắm đời sống thánh Giuse, tôi nghĩ chúng ta phải quan tâm đến hai khía cạnh :

Thánh Giuse sống đức ‘nghĩa’ đối với Thiên Chúa : Một cách khiêm tốn, Ngài cảm nhận sâu xa về những hồng ân cao cả Thiên Chúa ban cho Ngài : Thiên chức làm bạn trăm năm của Đức Mẹ, thiên chức làm dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Thánh Giuse đã âm thầm lãnh nhận hai thiên chức này qua lời báo mộng của sứ thần ‘Này Giuse, Maria sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, được gọi là Emmanuen, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’. Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy, là đón Maria về nhà, và khi Maria sinh con trai, ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu’ (Mt 1,23-24). Từ đó, đời sống thánh Giuse là chuỗi ngày biết ơn Thiên Chúa.

Thánh Giuse sống đức ‘nghĩa’ với Đức Maria và với Chúa Giêsu : Thánh Giuse không nói mà làm. Càng biết ơn Thiên Chúa, thánh Giuse càng ý thức đến bổn phận của mình là ‘yêu thương’, ‘tôn kính’ và ‘phục vụ Đức Maria và Chúa Giêsu. Những biến cố nối tiếp còn ghi lại trong Tin Mừng tương quan đến đời sống của Chúa Giêsu và Đức Mẹ : Tất tưởi đi từ Nagiarét lên thành Betlem, vất vả mà không tìm ra nhà trọ và sau cùng phải trú thân nơi hang đá nhốt đàn vật ; đêm hôm đó mùa đông giá lạnh trẻ Giêsu đã ra đời ; hốt hoảng đem con trẻ và mẹ Người tỵ nạn qua Ai Cập ; trở về Nagiarét sống nghề thợ mộc … Tất cả những biến cố này đều biểu dương đức ‘nghĩa’ của Thánh Giuse đối với Đức Mẹ và Chúa Giêsu : Phục vụ hết mình.
Trong đời sống gia đình công giáo, chúng ta phải noi gương Thánh Giuse ‘sống đức ‘nghĩa’, tức sống lòng biết ơn đối vói Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập đời sống gia đình, Đấng đã kết hợp vợ chồng nên một và dạy phải yêu thương và chung thủy với nhau tới cùng (x Mt 19,3-6). Đồng thời phải theo luật Chúa sống hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu anh chị em trong nhà (x Hc 3,3-7+14-17).

3. Noi gương Thánh Giuse sống đức ‘Lễ’

Nếu đức ‘nghĩa’ nói về lòng biết ơn, thì đức ‘lễ’ lại nói về cách bày tỏ lòng biết ơn. Nói khác, đức ‘nghĩa’ là chiều sâu, thuộc nội diện, còn đức ‘lễ’ là thể thức bên ngoài, thuộc ngoại diện. Vì thế người ta thường hay ghép hai từ ‘nghĩa’ và ‘lễ’ vào với nhau gọi là ‘lễ nghĩa’.Trong tiếng việt đức ‘lễ’ được diễn tả là : ‘lễ độ’, ‘lễ giáo’, ‘lễ phép’, ‘lễ bái’.

Trong phạm vi giáo dục, đức ‘lễ’ rất quan trọng, như ông bà thường nói ‘tiên học lễ, hậu học văn’, và cũng khó giữ, vì ‘thờ thì dễ, lễ thì khó’. Do đó người ta tỏ ra khiêm tốn trong cách sống đức lễ : ‘lễ bạc lòng thành’, ‘lễ khinh nhân ý trọng’ : của dâng bé nhỏ, nghi thức đơn sơ … nhưng lòng biết ơn chân thực đáng quý…

Muốn biết đức ‘lễ’ quan trọng đến chừng nào, chúng ta cứ đọc ca dao tục ngữ, các câu chuyện cổ tích, các sách Giáo Khoa Thư thời xưa hay bộ Cổ học Tinh Hoa hoặc sách Luận Ngữ.

Nói rằng đức ‘lễ’ thuộc ngoại diện, nhưng khi nhìn vào đời sống của Thánh Giuse, chúng ta khó nhận ra đức ‘lễ’ của ngài. Chúng ta chỉ nhận ra qua hành động chứ không một chút nào ‘qua lời nói’. Nơi ngài đức ‘lễ’ biểu thị qua hai hành động cơ căn bản : ‘tuân phục theo niềm tin’ và ‘phục vụ với tình yêu sâu sắc’.
Hành động theo niềm tin : Khi nghe sứ thần bảo ‘hãy đón Maria về nhà, ngài liền thi hành không một lời thắc mắc, hay xin cắt nghĩa’ (Mt 1,20). Cũng vậy khi sứ thần bảo ‘phải đem Con Trẻ và Mẹ ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,13), rồi ‘hãy chỗi dậy mang con trẻ và mẹ Người về Do Thái’ (Mt 2,20).

Hành động với tình yêu chân thật : Quả thật, đức ‘lễ’ biểu lộ đức ‘nghĩa’. Vì đâu, thánh Giuse có thái độ bình tĩnh và cách hành động mau lẹ và trầm lặng… như vậy, Xin thưa : vì tình yêu nồng nàn thánh Giuse đối với Thiên Chúa, vì tình yêu phục vụ đối với Đức Mẹ và Chúa Giêsu.

Vậy, bài học chúng ta múc được nơi thánh Giuse về đức ‘lễ’ là lấy tình yêu làm động lực cho mọi hành động, cho mọi cách thế bày tỏ lòng biết ơn. ‘Hãy nói ít làm nhiều’, làm cách kín đáo ‘làm tay phải không cần cho tay trái biết’, và đặc biệt đừng có thói ‘chuông chưa đánh đã kêu’. Tính khoe khoang, dẫn đến tính tự kiêu, làm mất giá trị của đức ‘lễ’. Sống đức ‘lễ’ là phục vụ, và động lực phục vụ, là ‘tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy’ (2Cr 5,14).

4. Noi gương Thánh Giuse sống đức ‘Trí’.

Chúng ta có thể nêu lên mấy ý nghĩa tích cực về đức trí sau đây : - ‘Trí dục’, bồi dưỡng cho sự hiểu biết mỗi ngày một thăng tiến, mở mang. ‘Trí dục’ là một trong ba cột trụ của công trình giáo dục : thể dục, trí dục và đức dục. – ‘Trí khôn’, khả năng hiểu biết và cách sống đúng lễ nghĩa (đức ‘nghĩa’ và đức ‘lễ’). – ‘Trí đức’, khôn ngoan và lòng dạ tốt lành. Tóm lại, ‘tri’ là khả năng nhận thức, khả năng hiểu biết, ghi nhớ và phán đoán sự việc cách đúng đắn, khôn ngoan và sáng suốt. Nhận định tốt về đức ‘trí’ của một người, ông bà thường bảo : đây là người ‘đức trí kiêm toàn’, người ‘hiền minh thánh trí’.

Đem so chiếu những ý nghĩa của đức ‘trí’ trên đây với đời sống của thánh Giuse, chúng ta vui mừng , vì nhờ ơn Chúa, thánh Giuse có một đức ‘trí’ nổi bật, đáng làm gương cho chúng ta bắt chước. Phải chăng nhờ có ‘trí dục’, ‘trí đức’, ‘thánh trí’ mà thánh Giuse hiểu được và đón nhận thánh ý của Thiên Chúa miốn ngài phải làm gì, và ngài đã làm một cách thật khôn ngoan, sáng suốt, đáng được gọi là ‘người công chính’ (Mt 1,19), ‘người đầy tớ trung tín’ (Lc 19,17), người chủ gia đình khôn ngoan (kinh sáng lễ Thánh Giuse).

Từ những diễn ý trên đây, chúng ta nhận ra hai bài học quý giá về đức ‘trí’ thánh Giuse dạy chúng ta. :
Là phần tử của gia đình công giáo, hằng ngày chúng ta phải tự hỏi : Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì để yêu thương và xây dựng gia đình ? – Trong việc phục vụ gia đình luôn phải cầu nguyện để nhận ra ý Chúa. Gia đình hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện và chia sẻ.

Là phần tử công giáo sống trong xã hội, mọi người phải tận lực, khôn khéo và thành tâm sống cho nhau, nhờ nhau, và với nhau trong bổn phận và theo khả năng của mình. Biết sống như thế, người ta sẽ từ bỏ được những sân si gây nên bao nhiêu cảnh ‘thất trung’, ‘bất tín’ đau thương trong cộng đoàn và trong xã hội.

5. Noi gương Thánh Giuse sống đức ‘Tín’

Khi nói về đức ‘Tín’ trong ngũ thường, người Việt Nam nghĩ ngay tới ‘Tín nghĩa’ là lòng thành thật, đáng tin tưởng, ăn ở theo lẽ phải ; ‘Tín nhiệm’ là lòng thành thật và khả năng đáng tín nhiệm, đáng được giao phó một công tác hay một sứ mệnh để thi hành ; ‘Tín phục’ là tin tưởng nghe theo ; ‘Tín ngưỡng’ là tin tưởng, ngưỡng mộ, kính trọng và yêu mến.

Là người công giáo Việt Nam suy nghĩ về đức ‘tín’ trong luân lý và văn hóa của quê hương, chúng ta có thể đưa ra hai nhận định : Nói đến đức ‘tín’ là nói đến lòng thành thật, ‘lòng nghĩ sao, miệng nói vậy’, phải ‘tâm hành hiệp nhất’. Thành thật với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trái với lòng thành là giả dối, gian trá, không thật.
Nói đến đức ‘tín’ là nói đến lòng ‘trung tín’, nghĩa là cách ứng xử ngay thẳng, trước sau như một, như chung thuỷ giữa vợ chồng, trung tín với bạn hữu, nhất là trung tín với Trời, với Thượng Đế.

Nhìn vào đời sống thánh Giuse, tuy rất ít sử liệu, chúng ta nhận ra ngay đức ‘tín’ cao độ của Thánh Cả : Sự kiện Đức Maria, ‘người bạn sắp cưới’ của mình, ‘đột nhiên có thai’ đặt ra cho ‘người công chính’ nhiều vấn nạn, nhiều giả thiết … đi hay ở, tố cáo hay không tố cáo, chấp nhận hay bãi hôn, trốn đi để khỏi bị đàm tiếu hay ở lại ‘chịu đựng cách miễn cưỡng sự kiện với mọi hệ luận’ ??? (x.Mt 1,18-25). Ơn Chúa đã giúp thánh Giuse can đảm sống đức ‘tín’ : Tuy chưa cưới chính thức, nhưng ‘lời nói trước sau như một’ hay nói theo tục ngữ của Pháp ‘Se marier est marier pour le mieux et pour le pire’… 

Trong biến cố này, thánh Giuse chứng tỏ một đức ‘tín’ vững chắc đối với thánh ý của Thiên Chúa (qua lời báo của sứ thần báo mộng), với Đức Maria (vì đã hứa hôn) và với chính mình (chấp nhận để sống cao thượng và công chính). Đây là sống đức ‘tín’ theo lẽ khôn ngoan nhân loại, nhất là nhờ sức mạnh của đức tin (1Ga 5,4) và theo sự thúc đẩy của tình yêu (2Cr 5,14). Quả thật, đời sống của thánh Giuse là một thể hiện tròn đầy đức ‘tín’ gói gọn trong cụm từ ‘Giuse là người công chính’ (Mt 1, 19). Phụng vụ đã có lý khi ngợi khen thánh Giuse : ‘Đây là người đầy tớ trung tín Chúa đã đặt lên trông coi gia đình Người’ hay ‘Hỡi người đầy tớ trung tín, hãy vào chung hưởng niềm vui của Chúa ngươi’. (Thánh lễ 19.03).
Đâu là bài học đức ‘tín’ chúng ta có thể múc lấy từ đời sống của thánh Giuse ? – Tôi nghĩ đến ba bài học cơ bản này : Là người tín hữu, chúng ta hãy sống trung tín với những việc làm tối thiểu : cầu nguyện mỗi ngày, đi dâng lễ chủ nhật, chu toàn bổn phận hằng ngày.
Là phần tử của một gia đình công giáo, chúng ta hãy sống trung tín với ‘thiên chức’ vợ chồng, cha mẹ, con cái hay anh chị em trong nhà… hầu xây dựng gia đình (về mặt vật chất) và thánh hóa gia đình (về đời sống tinh thần).
Là một kitô hữu sống giữa đời, chúng ta cũng sống trung tín với nếp sống và việc làm hiện tại của mình để góp phần xây dựng ‘xã hội huynh đệ’ và làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa trong mọi môi trường sống.

Thánh Giuse không phải là người Việt Nam, nhưng luân lý ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đã ăn vào máu huyết của Ngài. Ngài sống luân lý ngũ thường cách tuyệt hảo hơn người Việt Nam nào hết. Ngài không chỉ là gương sáng cho người Việt Nam noi theo, nhưng cho hết mọi người của mọi thời. Vì thế, gương sáng của Thánh Giuse thật chói lọi và rộng lớn, không thể viết cho hết và ca tụng cho đủ. Chúng ta khiêm tốn dâng lên Ngài bài viết bé nhỏ này với lời Thánh Thi (kinh sáng lễ 19.3) kết thúc :

Thân lạy thánh cả thiên đàng hãnh diện,
Niềm cậy trông và cột trụ trần gian,
Chúng con dâng lời tán tụng đôi hàng,
Xin hiền phụ Giuse thương nhận lãnh.
-------------------------------------
ĐÔ MAI ĐỨC VINH
http://www.giaoxuvnparis.org/

No comments:

Post a Comment