Thursday, March 27, 2014

GIỜ KINH TỐI trong GIA ĐÌNH (II)

VÀO ĐỀ
Lần trước, chúng ta đã nói tới bầu khí đạo đức trong gia đình và những ưu điểm của giờ kinh tối nơi người tín hữu Việt Nam. Lần này, chúng ta sẽ nói đến những khuyết điểm. Thế nhưng, trước khi đề cập tới những khuyết điểm, tôi xin kể lại một câu chuyện để vào đề.

Có một ông bố vợ, trong ngày cưới đã gặp chàng rể, trao cho anh ta một phong thư và nói: Đây là tiền hồi môn của con gái tôi.

Chàng rể về nhà, hớn hở mở phong thư, thế nhưng trong đó chỉ có một tờ giấy ghi những hàng chữ như sau:

- Chịu khó làm việc trị giá 100.000 đồng
- Sạch sẽ và làm bếp giỏi trị giá 100.000 đồng
- Không ăn quà vặt và không chạy theo thời trang trị giá 100.000 đồng.
- Tế nhị, dịu hiền và không bép xép chuyện của người khác trị giá 100.000 đồng.
- Đạo đức và sốt sắng trị giá 500.000 đồng.
- Cùng với số tiền mặt 100.000 đồng
- Tổng cộng hết thảy là một triệu đồng.

Ông bố vợ đã có một cái nhìn sâu sắc và đánh giá đúng mức khi cho rằng: tinh thần đạo đức là điều quan trọng trong công việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Như chúng ta đã nói: Gia đình chính là chiếc gạch nối giữa cá nhân và xã hội. Gia đình nào xã hội nấy. Muốn cải tạo xã hội trước tiên phải cải tạo từ gia đình. Phải tề gia rồi mới trị quốc và bình thiên hạ.

Đồng thời, gia đình còn có một ảnh hưởng sâu đậm trên bản thân chúng ta, vì nó là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người.

Bởi đó, để mỗi cá nhân có được một đời sống đạo đức, chính gia đình cũng phải có một đời sống đạo đức hay nói một cách khác: đời sống đạo đức của mỗi cá nhân, được phát sinh và bồi dưỡng nhờ bầu khí đạo đức của gia đình.

Và bầu khí đạo đức của gia đình, một phần lớn được hình thành và được biểu lộ qua giờ kinh tối.

Vậy đâu là những khuyết điểm của giờ kinh tối hiện nay, để rồi chúng ta ra sức sửa đổi.

Có Năm KHUYẾT ĐIỂM

1. Khuyết điểm thứ nhất, đó là quá chú trọng về lượng hơn về phẩm.

Chúng ta thích đọc dài, đọc dẻo và đọc dai. Kéo tràn cung mây từ kinh này tới kinh khác, nhiều khi vừa đọc vừa ngủ gật, vừa lo ra chuyện nọ và chuyện kia. Chúng ta cứ tưởng rằng càng đọc nhiều bao nhiêu, càng có công bấy nhiêu.

Đang khi đó, tục ngữ bảo: Quí hồ tinh bất quí hồ đa.

Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhấn mạnh: Khi cầu nguyện, các con chớ có ham dài lời như dân ngoại, vì họ tưởng phải nói thật nhiều mới được việc. Các con đừng bắt chước họ, vì trước khi các con xin, Cha các con đã biết rõ các con cần những gì rồi.

Những lời kinh vô hồn, không có tâm tình, sẽ biến chúng ta trở thành những con vẹt, những chiếc máy cassette. Nếu như Chúa muốn nghe những lời kinh vô hồn ấy, Ngài chỉ cần sắm một chiếc máy cassette, rồi nhờ những giọng ca vàng như Khánh Ly, Thanh Lan…đọc hết lời kinh này đến lời kinh khác trong cuốn sách “toàn niên”. Rồi lúc nào muốn, Ngài chỉ cần nhấn nút là sẽ có ngay những lời kinh êm tai, hơn hẳn cái giọng khàn khàn, đầy mùi thuốc lào của tôi.

2. Khuyết điểm thứ hai, đó là chúng ta quá chú trọng đến lời nói hơn việc làm.

Thực vậy, nhiều người trong chúng ta chỉ sống đạo trong nhà thờ chứ không sống giữa lòng cuộc đời. Tại nhà thờ họ đọc hết kinh này tới kinh khác, họ ăn năn sám hối đến lỗi vãi cả nước mắt, thế nhưng khi bước vào cuộc sống, họ lại vội vã gian tham và bất công, độc ác và đay nghiến đối với anh em mình.

Đúng thế, tại nhà thờ họ là những con chiên ngoan, nhưng trong cuôc sống họ đã hóa kiếp thành những loài lang sói.

Đức tin của họ là như một chiếc áo dài raglan thật mới và thật đẹp, họ mặc vào khi đến nhà thờ, nhưng lúc trở về, họ vội cởi ra và cất kỹ ở trong tủ.

Họ chia đời sống thành từng ngăn: ngăn lao động, ngăn ăn uống, ngăn ngủ nghỉ, ngăn đạo đức…và ngăn đạo đức chỉ là một ngăn rất nhỏ bé, biệt lập, không liên quan gì tới những ngăn khác.

Chúng ta ưa thích làm những công việc đạo đức nặng phần trình diễn và dễ dãi như đọc kinh, lần hạt, tổ chức những cuộc rước kiệu thật om xòm và rùm beng mà ít bận tâm đến những điều quan trọng, đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng. Đó là: hãy quên mình để nghĩ đến anh em, hãy khiêm tốn để phục vụ người khác, hãy giữ luật công bình và bác ái đối với những người chung quanh.

Tinh thần đạo đức phải thấm nhiễm vào từng tư tưởng, từng lời nói, từng việc làm của chúng ta. Tinh thần đạo đức phải được biểu lộ qua đời sống bác ái và yêu thương.

Chúng ta hãy nhớ tới lời Chúa đã phán: Không phải những kẻ nói rằng: Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, mà được vào nước trời đâu, nhưng là những kẻ làm theo thánh ý Cha Ta trên trời.

Trong ngày phán xét Chúa cũng bảo: Hỡi những kẻ đã được Cha ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần thưởng Cha ta đã sắm sẵn cho các ngươi từ thủa đời đời. Vì khi Ta đói các ngươi đã cho ăn, khi Ta khát các ngươi đã cho uống, khi Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, khi Ta đau yếu và bị cầm tù các ngươi đã viếng thăm.

Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Giacôbê tông đồ đã xác quyết: Đức tin không việc làm là một đức tin chết.

Chúng ta không thể chỉ cho người khác thấy được một đức tin không việc làm, nhưng trái lại, chúng ta có thể dùng những hành động, những việc làm dù nhỏ bé, dù tầm thường, để chỉ cho người khác thấy đức tin sống động của chúng ta.

3. Khuyết điểm thứ ba, đó là thiếu phần học hỏi lời Chúa. Tục ngữ đã bảo: vô tri thì bất mộ, không biết thì không thể yêu mến. Lời Chúa đối với phần đông người tín hữu Việt Nam vẫn còn là một cái gì xa lạ, chính vì thế họ không yêu mến, không gắn bó, không sống lời Chúa.

Sở dĩ không yêu mến, không gắn bó và không sống lời Chúa, là vì họ không biết. Sở dĩ họ không biết là vì họ không muốn học hay không chịu học. Vì không học hỏi, không tìm hiểu, nên đời sống đạo đức của họ thật nông cạn và hời hợt, mang nặng tính chất tình cảm, thiếu chiều sâu, thiếu niềm xác tín tự bên trong.

Một đời sống đạo đức èo uột như thế sẽ có không đủ sức để thánh hóa gia đình và xã hội. Tinh thần Phúc Âm chưa thấm sâu vào tư tưởng, lời nói và việc làm. Đức tin mới chỉ là một ngôi nhà được xây trên cát. Mặc dù bên ngoài thật đồ sộ và đẹp đẽ, nhưng khi giông bão nổi lên và thử thách xảy đến, đức tin ấy sẽ bị sụp đổ, sẽ bị mai một.

Có một vị thừa sai đã phê bình về những nhà trí thức Việt Nam trong phong trào “Pax Romana” hồi trước ngày giải phóng, nghe nó xót xa làm sao: Về phương diện nghề nghiệp, về phương diện chuyên môn, họ là những người rất tài giỏi, nhưng về phương diện tôn giáo, về phương diện đạo đức, họ mới chỉ là những đứa nhỏ mười hai, mười ba tuổi, vì kiến thức đạo đức của họ đã dừng lại và dậm chân tại chỗ sau lần thêm sức, hay rước lễ bao đồng mà thôi.

4. Khuyết điểm thứ tư, đó là thiếu những lời nguyện tự phát.
Chúng ta chỉ thích đọc những lời kinh có sẵn, không đổi mới, nên buổi đọc kinh chỉ hời hợt bên ngoài, không bén rễ sâu vào tâm trí, không nói lên những băn khăn lo lắng của cá nhân, của gia đình chúng ta ngày hôm nay.

Bởi đó, dễ sinh ra nhàm chán, nặng nề và khó có thể giúp chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa qua từng nhịp sống thường ngày, vì nó không xuất phán từ lòng cuộc đời, không phản ánh cho những nhu cầu cần thiết của bản thân chúng ta.

5. Và sau cùng, khuyết điểm thứ năm, đó là không hợp với tâm lý của tuổi trẻ. Thực vậy, tuổi trẻ không thể chú ý quá mười lăm hay hai mươi phút, thế mà người lớn bắt chúng phải đọc kinh hằng giờ.

Tuổi trẻ cần có một bầu khí sinh động và vui vẻ, thế mà buổi đọc kinh lại đều đều và tẻ nhạt.

Tuổi trẻ có khung hướng hiếu động, thế mà nhiều bậc cha mẹ lại bắt chúng phải quỳ hay ngồi suốt cả buổi đọc kinh.

Cho nên không lạ gì giới thanh thiếu niên chán ngán, khiếp sợ đọc kinh và tỏ thái độ tiêu cực, yên lặng, ngủ gục, buồn nản trong suốt giờ kinh và dễ dàng chém vè, bỏ đi khi có cơ hội hay khi không còn ở trong vòng kiềm tỏa của gia đình và cha mẹ.

Đó là một vài nhận xét, trong bài sau chúng ta sẽ đề cập tới phải canh tân, phải đối mới giờ kinh tối như thế nào.
---------------------------------------
chungnhanduckito.net


3Like · · Share

No comments:

Post a Comment