Thursday, March 27, 2014

GIỜ KINH TỐI trong GIA ĐÌNH (III)


Chúng ta đã tìm hiểu về những khuyết điểm của giờ kinh tối trong gia đình. Và từ những khuyết điểm ấy chúng ta phải canh tân, phải đổi mới như thế nào?



VỀ HÌNH THỨC
Trước hết chương trình phải sinh động và đầy đủ những điểm chính yếu như: cầu nguyện chung bằng kinh đọc, cầu nguyện riêng bằng những lời tự phát. Nghe và suy niệm lời Chúa, để rồi áp dụng trong đời sống cụ thể hằng ngày. Lần hạt mân côi.

Tiếp đến, thời gian phải thuận tiện để mọi người có thể tham dự đầy đủ, đừng quá sớm vì nhiều người còn vắng mặt và cũng đừng quá muộm để tránh tình trạng uể oải buồn ngủ. Đồng thời, đừng quá lâu, đừng quá kéo dài vì không thích hợp với tâm lý tuổi trẻ.

Thời gian thuận tiện nhất, đó là vào khoảng từ tám đến chín giờ tối. Và kéo từ mười lăm đến hai mươi phút là cùng. Kế đó, người lớn có thể đọc thêm, một cách riêng tư, bao lâu tùy ý.

Sau cùng là địa điểm. Nên tổ chức đọc kinh tối trước bàn thờ trong gia đình cho thật ấm cúng.

Tới đây chúng ta hãy thử nhìn lại chiếc bàn thờ trong gia đình, xem nó như thế nào?
Một thiếu nữ Nhật Bản, đang du học ở bên Mỹ, được bạn bè mời đi dự tiệc nhiều lần. Dầu vậy cô vẫn nhớ khung cảnh gia đình tại quê hương xứ sở.

Một lần dự tiệc xong, bạn bè đã ôn tồn hỏi cô xem có điều gì làm cho cô không được vui. Cô trả lời: Nhà của các bạn thật đẹp và tôi học được nhiều sự mới lạ, nhưng có một điều còn thiếu đối với tôi, đó là các bạn mời tôi đến nhà thờ tham dự thánh lễ để chúc tụng Thiên Chúa với các bạn. Nhưng ở nhà, các bạn lại chẳng hề để ý tới Ngài. Còn tại nước tôi, mỗi nhà đều có bàn thờ, và chúng tôi như luôn thấy được thần minh ở trước mặt.

Lời nhận xét của cô sinh viên này làm cho chúng ta suy nghĩ. Gia đình chúng ta không đến nỗi quá tệ vì đã chẳng có một bàn thờ. Nhưng tự hỏi bàn thờ ấy như thế nào?

Tượng ảnh thì lem luốc dính đấy màng nhện và bụi bậm. Trang trí thì chẳng có gì là mỹ thuật, vài cành hoa ny lông đặt lên cho có. Rồi chúng ta biến bàn thờ thành một cái chạn nhỏ, trên đó có đủ mọi thứ lỉnh kỉnh, từ chiếc kính lão đến cuốn sách kinh. Từ chai thuốc đau bụng đến cuốn sổ gia đình…

Nếu nhìn vào gia đình của anh em lương dân, chúng ta thấy mình thua xa ở điểm này. Bàn thờ của họ bao giờ cũng được đặt vào một vị trí trang trọng nhất trong nhà, rồi hình ảnh, lư hương đều được gìn giữ cẩn thận.

Chúng ta cũng phải như thế: hãy cố gắng lau chùi bàn thờ cho sạch sẽ, trình bày một cách đơn sơ nhưng trang nhã, phải ở một chỗ thuận tiện, để khi bước vào mọi người đều chú ý đến.

Tượng chịu nạn ở giữa và thêm một vài ảnh tượng Đức Mẹ hay các thánh ở bên cạnh. Trong giờ đọc kinh nên đốt đèn hay nến trên bàn thờ để có được sự trang nghiêm sốt sắng.

VỀ TINH THẦN
Trước hết, cần giáo dục cho mọi người hiểu biết cầu nguyện là gì, phải cầu nguyện thế nào cho sốt sắng và thực sự hữu ích?

Tiếp đến, hãy liệu sao cho giờ kinh tối là một dịp thuận tiện giúp mọi người có cơ hội lắng nghe và suy niệm lời Chúa, ngõ hầu nhận ra thánh ý Ngài và áp dụng vào đời sống cụ thể qua tư tưởng, lời nói và việc làm.

Sau cùng, hãy sống mầu nhiệm kinh mân côi: phải hiểu kinh mân côi là gì? Phải đọc như thế nào mới thực sự hữu ích: miệng đọc lòng suy, và rồi quyết tâm sống những mầu nhiệm cao cả ấy.

CHƯƠNG TRÌNH ĐỀ NGHỊ
-------------------------------
Dựa vào những ưu điểm, những khuyết điểm và những gợi ý canh tân, chúng ta đưa ra một chương chình đề nghị cho giờ kinh tối trong gia đình. Giờ kinh tối này chia làm bốn phần:

1- Phần thứ I: mở đầu (khoảng 03 phút).
. Mọi người cùng làm dấu thánh giá.
. Người hướng dẫn nói về ý chỉ chính của giờ kinh tối.
. Hát hay đọc kinh Chúa Thánh Thần
. Kinh cáo mình hay kinh ăn năn tội.

2- Phần thứ II: chia sẻ lời Chúa (khoảng 10 phút)
. Mọi người đứng và nghe một đoạn phúc âm.
. Người hướng dẫn gợi lại một vài ý tưởng để giúp suy niệm vắn tắt. Sau đó mọi người tùy theo lòng sốt sắng, có thể nói lên những suy nghĩ, những tâm tình của mình, bằng không thì yên lặng trong giây lát.
. Tiếp theo một vài người được chỉ định hay do lòng sốt sắng có thể dâng lên Chúa những lời nguyện tự phát, bắt nguồn từ nhưng ý tưởng đã được chia sẻ hay từ những nhu cầu cụ thể và cần thiết của cá nhân, gia đình hay khu xóm… sau mỗi ý nguyện, tất cả đềuhợp ý: Xin Chúa nhận lời chúng con.

3- Phần thứ III: ca ngợi (khoảng 05 phút).
. Một chục kinh Mân côi: người hướng dẫn giải thích vắn tắt một ngắm rồi đọc một kinh lạy Cha, mười kinh kính mừng và một kinh sáng danh.
. Tiếp đến, đọc kinh lạy Nữ Vương, kinh vực sâu hay một kinh thích hợp cho từng gia đình như kinh thánh bổn mạng.

4- Phần thứ IV: kết thúc (khoảng 02 phút)
. Hát kinh hòa bình, đọc kinh dâng mình ban đêm, hay kinh cám ơn.
. Người gia trưởng hay hướng dẫn đọc lời chúc lành: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho tất cả chúng ta”.
. Mọi người cùng làm dấu và thưa: Amen.

THỰC HIỆN
Nhiệm vụ tổ chức giờ kinh tối cũng như đổi mới cách thức đọc kinh tối, trước hết là nhiệm vụ của những bậc cha mẹ, thiết tha với việc duy trì và củng cố đức tin của bản thân và của con cái mỗi ngày một thêm vững mạnh.

Nhiệm vụ này càng khẩn thiết hơn nữa trong những hoàn cảnh vắng bóng nhà thờ, vắng bóng linh mục và tu sĩ. Chính giờ kinh tối trong gia đình là cơ hội thận tiện để mọi người yêu thương nhau hơn nữa, lắng nghe lời Chúa, làm việc phụng tự và cầu xin cho công cuộc truyền giáo, cũng như góp phần đem nước Chúa đến cho người khác bằng chính đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của gia đình mình.

Trước hết cha mẹ phải ý thức vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc thánh hóa gia đình và củng cố đức tin. Để chu toàn nhiệm vụ thiêng liêng cao cả ấy, cha mẹ phải tổ chức đọc kinh tối hằng ngày trong gia đình, sao cho sốt sắng và thích hợp với tâm lý tuổi trẻ. Làm thế nào để giờ kinh tối trở thành một sinh hoạt thường xuyên của mọi gia đình trong khu xóm.

Riêng về việc đổi mới. Đối với những gia đình thường đọc kinh tối thì tương đối dễ dàng. Chỉ cần các bậc cha mẹ tham dự một vài buổi kiểu mẫu tại nhà thờ, hay tại khu xóm, rồi cố gắng áp dụng trong gia đình, dù lúc đầu có đôi chút khó khăn như chưa quen chia sẻ lời Chúa, chưa quen có những lời nguyện tự phát.

Đối với những gia đình it khi đọc kinh tối, ngoài việc gây ý thức qua những giờ giáo lý hay bài giảng, ngoài việc tổ chức những giờ kinh kiểu mẫu tại nhà thờ, những gia đình trong khu xóm có thể liên kết với nhau thành từng nhóm nhỏ, hoặc những người thiện chí ở gần nhà nhau thành lập những nhóm từ ba đến mười người, với mục đích đem lời Chúa vào trong gia đình của mình và giúp những gia đình khác cùng sống Lời Chúa, bằng việc tổ chức đọc kinh tối theo chiều hướng đổi mới.

Những nhóm nhỏ được này hình thành và hoạt động qua những giai đoạn sau:

1. Gặp gỡ và liên kết để đi đến sự nhất trí: Sống Lời Chúa và giúp người khác cùng Sống Lời Chúa bằng cách liên kết với nhau trong tình yêu thương huynh đệ, bằng sinh hoạt hàng tuần để chia sẻ lời Chúa và đọc kinh tối chung với nhau.

2. Huấn luyện và thực tập về phương pháp chia sẻ lời Chúa, cầu nguyện tự phát, cách thức canh tân giờ kinh tối. Thực tập chung rồi rút ra những ưu điểm và khuyết điểm của mình.

3. Áp dụng và truyền bá: trước hết, mỗi tuần một lần tại gia đình của một người trong nhóm, với sự tham dự của gia đình ấy.

Rồi sau đó, những người trong nhóm sẽ giúp những gia đình khác tổ chức giờ kinh tối theo chiều hướng canh tân.

Khi đến mỗi gia đình, nên lưu ý tới thành phần trẻ và người gia trưởng, phân chia cho họ những công tác như đọc sách thánh, suy niệm Phúc Âm.

Đến đúng giờ và giải tán sớm để tránh sự phiền phức cho gia đình chủ nhà, không nên bày vẽ ăn uống sau khi đọc kinh xong, vì sẽ đem lại hậu quả không tốt cho nhóm và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Để kết luận tôi xin kể lại mẩu chuyện nho nhỏ:

Hai vợ chồng trẻ, sau khi đã cãi nhau thậm tệ, cho nồi nêu soong chảo bay ra ngoài sân, đã giận nhau một cách kịch liệt không thèm nhìn mặt nhau, thiếu điều chị vợ khăn gói quả mướp về với bu.

Bà con lối xóm dùng lời lẽ khuyên bảo song cũng chẳng ăn thua gì. Chiến tranh lạnh vẫn đè nặng và làm cho bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt.

Sau cùng, một cụ trùm già đã đến thăm và nói:

- Tôi không xin anh chị làm hòa với nhau, nhưng chỉ tha thiết xin anh chị một điều rất nhỏ mọn, là cả hai anh chị cùng tôi, chúng ta hãy đọc một kinh lạy Cha.

Nói đoạn, cụ trùm già bắt đầu đọc kinh Lạy Cha một cách chầm chậm, thật trang ngiêm và sốt sắng. Rồi ông cụ trùm già đột ngột dừng lại sau câu:

- Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Cụ trùm già đưa mắt nhìn hai anh chị và cả hai đều xúc động. Mắt họ dưng dưng như muốn khóc. Rồi họ đã xiết chặt tay nhau để hòa giải và tha thứ.

Lời kinh lạy Cha đơn sơ này đã đem lại một tác động lớn lao, đó là đã bắc được một nhịp cầu cảm thông giữa hai cõi lòng đang chất đầy những hờn giận và ghen ghét.

Cũng vậy, bầu khí đạo đức trong gia đình chính là một liều thuốc hiệu nghiệm hàn gắn những rạn vỡ và thúc đẩy chúng ta xích lại gần nhau hơn dưới cùng mái ấm.
-----------------------------------
Chungnhanduckito.com

No comments:

Post a Comment