Thursday, March 27, 2014

GIỜ KINH TỐI trong GIA ĐÌNH (I)


BẦU KHÍ ĐẠO ĐỨC
Tôi xin bắt đầu bằng một mẩu chuyện như sau. Có một anh chàng đến hỏi ý kiến cha sở về người yêu của mình. Cha sở bảo anh ta kê khai lý lịch:
- Cô ấy là người như thế nào?
Anh ta thưa lại:
- Nàng là con một ông trùm trong giáo xứ.

Cha sở lấy miếng giấy ghi một con số không vào đó.

Anh ta nói tiếp:
- Nàng ăn nói rất là có duyên cứ ngọt như mía lùi.
Lại một con số không trên mảnh giấy trắng. Anh ta vẫn không thất vọng và nói:
- Nàng đẹp ghê lắm… đẹp quỉ khóc thần sầu luôn.

Lại một con số không trên mảnh giấy trắng. Anh vẫn không thất vọng và nói:
- Nàng làm món nhậu thì thật tuyện vời, khỏi chê …

Lại một con số không nữa trên mảnh giấy trắng. Anh ta vội vã nói tiếp:
- Nàng hát rất hay, hình như có một dạo ở trong ca đoàn xứ.

Lại một con số không nữa trên mảnh giấy trắng. Anh ta suy nghĩ một lúc rôi ngâp ngừng thưa:
-Nàng đi buôn hết sẩy, chuyến nào trót lọt chuyến ấy.

Lại một con số không trên mảnh giấy trắng. Yêu lặng một lúc chàng khẽ nói:
- Suýt nữa thì con quên, nàng còn là một người đạo đức.

Cha sở bèn ghi thêm con số một vào trước những con số không và nói:
- Hãy cưới cô ấy mau lên, vì với tinh thần đạo đức, cô ấy sẽ là một tấm vé số độc đắc đấy.
--------------------------------------
Cha sở đã có một cái nhìn sâu sắc và đánh giá đúng mức khi cho rằng tinh thần đạo đức nơi mỗi cá nhân là một điều kiện quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, tinh thần đạo đức nơi mỗi cá nhân phải được khơi nguồn và bồi dưỡng trong bầu khí gia đình: làm sao chúng ta quên được những lời kinh bập bệ do người mẹ đã dạy chúng ta. Làm sao chúng ta quên được đôi tay vụng dại giơ lên để làm dấu thánh giá dưới sự chỉ bảo của người cha. Làm sao chúng ta quên được những buổi sáng vào độ gần tết được thầy bu đánh thức để đi lễ…

Những bài học đầu tiên này và những bài học tiếp nối sẽ ghi sâu vào tâm trí chúng ta, để rồi không một ai có thể xóa bỏ và làm cho mờ phai, cũng như không một cái gì có thể làm chúng ta cho quên đi được.

Hoàng hậu Blanche de Castille thường nói với con mình như sau: Thà rằng mẹ thấy con chết trước mặt mẹ, còn hơn là thấy con phạm một tội trọng, phản nghịch cùng Thiên Chúa.

Người con luôn khắc ghi cũng như thực thi lời dạy bảo ấy và đã trở nên một vị thánh, đó là thánh Louis, vua nước Pháp.

Chính những bài học đầu tiên này sẽ là những viên gạch xây dựng cho cuộc đời chúng ta. Và bầu khí đạo đức trong gia đình phần lớn được hun đúc, được bảo trì qua giờ kinh tối.

Xem đó chúng ta thấy: gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người. Và như chúng ta đã trình bày trong những bài trước: gia đình Kitô hữu phải là một chứng tích của tình yêu và hợp nhất, để liên kết một xã hội đang bị nạn phân rẽ và kỳ thị làm cho băng hoại một cách trâm trọng.

Gia đình Kitô hữu phải sống đức tin bằng cách lắng nghe và thực thi lời Chúa, mà thế giới hôm nay đang cố tình quên lãng.

Gia đình Kitô hữu phải là một cung thánh nhỏ bé, để dâng lên những lời ca tụng và những của lễ được kết thành do những lao công vất vả của mọi phần tử cho Thiên Chúa là Đấng mà nhân loại hiện nay đang chối từ.

Sau cùng, gia đình Kitô hữu phải chia sẻ trách nhiệm loan truyền ơn cứu độ cho muôn dân bằng gương sáng, nghĩa là bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.

Để tạo cơ hội cho mọi người trong gia đình thực hiện tình tình yêu thương hợp nhất, giúp nhau sống lời Chúa và chu toàn nhiệm vụ tư tế cũng như tông đồ, Giáo Hội đã đề xướng và cổ võ một phương thế rất hữu hiệu đó giờ kinh tối.

Thực vậy, giờ kinh tối sẽ giúp thánh hóa đời sống: chúng ta lắng nghe Chúa nói và chúng ta thân thưa với Ngài qua những tâm tình cầu nguyện, đồng thời chúng ta còn dâng lên Chúa lễ vật mọn hèn của chúng ta, đó là những lao công vất vả, những bực bội buồn phiền chúng ta gặp phải trong một ngày đã đi qua.

Ngoài ra chúng ta còn thể lợi dụng những giây phút này để cầu xin ơn Chúa cho bản thân chúng ta, cho những người thân yêu còn sống cũng như đã qua đời.

Tiếp đến, giờ kinh tối sẽ giúp chu toàn bổn phận giáo dục: chúng ta trao đổi những kinh nghiệm sống lời Chúa. Đồng thời cha mẹ trong giây phút này, có thể dùng những lời lẽ ôn tồn, thành thật và yêu thương để khuyên nhủ, nhắc bảo cho con cái.

Hơn thế nữa, chính thái độ trang nghiêm và sốt sắng của cha mẹ, cũng đã là một bài học, một mẫu gương cho con cái noi theo. Và mẫu gương này sẽ không bao giờ bị mờ phai trong suốt cả cuộc đời chúng.

Sau cùng, giờ kinh tối giúp hòa giải với nhau. Thực vậy, trong một ngày, rất có thể sóng gió đã nổi lên, rất có thể những bực bội, những buồn phiền và những va chạm đã xảy ra. Chẳng lẽ chúng ta lại giữ mãi nỗi hiền khích, nỗi bất đồng mà ngồi chung với nhau để cùng đọc kinh lạy Cha, để cùng chúc tụng Thiên Chúa.

Chính vì thế, giờ kinh tối đã trở nên một động cơ thúc đẩy mọi người trong gia đình làm hòa với nhau và xích lại gần nhau hơn, như lời Chúa đã phán: Nếu ngươi lên đền thờ dâng của lễ mà sực nhớ người anh em có điều chi bất bình với ngươi, thì hãy để của lễ đó, trở về làm hòa với anh em mình trước đã, rồi mới đến mà dâng của lễ sau.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: thời khắc cùng ngồi bên nhau và cùng nhau ngồi bên Chúa, sẽ là thời khắc của chân lý, của sự thật, sẽ là một khám phá kỳ diệu, một liều thuốc thần tiên, làm thay đổi hẳn bầu khí của gia đình, vì nhiều vấn đề gay cấn và căm go sẽ được giải quyết trong tình thông cảm và yêu thương.

Trước kia, hai vợ chồng chung sống hòa bình với nhau một cách miễn cưỡng, nông cạn và hời hợt, giờ đây tất cả chỉ còn là một: một ước vọng, một tình yêu, một niềm vui, một nỗi lo và một lời nguyện cầu van xin.

ƯU ĐIỂM GIỜ KINH TỐI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Ý thức được vai trò và tầm mức quan trọng của giờ kinh tối là như thế, tuy nhiên trong thực tế, khi quan sát giờ kinh tối tại phần lớn các gia đình Việt Nam, chúng ta nhận thấy ngoài một số ưu điểm rất đáng khuyến khích, vẫn còn nhiều thiếu sót, nhiều khuyết điểm cần phải canh tân và đổi mới cho thích nghi với đà phát triển của xã hội, cho phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ hôm nay.

Trước hết là những ưu điểm:

Người Công giáo Việt Nam vốn được coi là rất đạo đức và sốt sắng, số gia đình tổ chức đọc kinh tối không phải ít. Chính vì vậy, dù trải qua bao gian nan thử thách, dù bị bắt bớ cấm cách hằng mấy trăm năm ròng rã, đạo Công giáo không những chẳng mất đi, mà trái lại, vẫn luôn đứng vững và tiếp tục lớn mạnh không ngừng.

Hơn thế nữa, tại nhiều gia đình giờ kinh tối đã trở thành một thói quen tốt lành trong sinh hoạt thường ngày. Dù bận rộn với công việc mùa màng, dù gặp phải biết bao trở ngại cách này hay cách khác, nhưng họ vẫn trung thành với bổn phận đọc kinh cầu nguyện.

Có những giáo xứ buổi tối đã kéo chuông, để mọi gia đình cùng đọc kinh, hay để những người còn đang chuyện trò chỗ này chỗ khác, thì mau chấm dứt, trở về gia đình và đọc kinh chung với nhau.

Rất nhiều người Công giáo, nhờ những giờ kinh tối trong gia đình, đã hấp thụ được một đức tin vững chắc, một lòng mến thiết tha và một tinh thần tông đồ nhiện thành.

Vậy gia đình chúng ta đã có thói quen đọc kinh tối hay chưa? Nếu có, chúng ta đã đọc như thế nào? Đâu là những khuyết điểm chúng ta cần phải sửa đổi? Chúng ta sẽ lần lượt bàn tới.

Để kết luận, tôi xin ghi lại nơi đây ý tưởng của một nhà bác học. Thấy nhà bác học quì gối đọc kinh, có người đã không khỏi ngạc nhiên và nói: Giỏi như ông mà còn cầu nguyện hay sao?

Nhà bác học trả lời: Đức tin sâu xa và vững chắc nhất phải là đức tin của một bà già, vì bà ta luôn chuyên tâm cầu nguyện.

Giờ cầu nguyện chung trong gia đình sẽ hun đức tin cho chúng ta đã đành, mà còn tạo được một bầu khí hòa thuận, bắc được một nhịp cầu cảm thông giữa những người cùng sống chung dưới một mái ấm với nhau.
----------------------------
chungnhanduckito.net

No comments:

Post a Comment