Tuesday, January 28, 2014

TÌM HIỂU VỀ PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

NGHI THỨC CHÚC BÌNH AN TRONG THÁNH LỄ

Giuse Nguyễn Văn Đoán

Bình an luôn luôn là ước mong của con người khi sống ở trần gian. “Nó là một khát vọng không thể tan biến trong mỗi trái tim”.[1] Do đó, nó là một trong những chủ đề thường được người ta chào chúc nhau trong cuộc sống, đặc biệt đối với những người có nguồn gốc Sêmít. Bất cứ khi nào họ gặp nhau, họ thường chào nhau bằng cách thức là “Shalom alechem” (Do thái) và “Salaameleikum” (Ả Rập). Người Do thái dùng chữ Shalom, nghĩa là bình an, để chào nhau. Hạn từ này có ý nghĩa rất rộng, chỉ tất cả mọi sự thịnh vượng, và có thể dịch là hạnh phúc[2]
           Trong Kinh Thánh, mỗi khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Giê-su luôn căn dặn các ông rằng khi vào bất cứ thành nào, làng nào hay nhà nào, thì trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà [thành, làng] này!” (Xc. Mt 10,11-13; Lc 10,5-6). Thánh Phao-lô cũng thường bắt đầu và kết thúc lá thư của ngài bằng lời chào chúc bình an. Bởi vì thánh nhân ý thức rằng bình an rất cần thiết và quan trọng đối với người Ki-tô hữu, nhất là trong bối cảnh các Ki-tô đang bị thử thách khi sống đức tin!
 Shalom đối với các Ki-tô hữu mà họ mong ước cho nhau không chỉ là tình trạng không có xao xuyến, lo lắng và căng thẳng, nhưng còn là trạng thái đầy ơn phúc của Thiên Chúa, được ban cho con người như là ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy, sau khi hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su ban bình an cho các ông, và Người giải thích rằng bình an của Người ban tặng trong Thánh Thần không phải là bình an của thế gian, hay nói cách khác, đó là sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Cho nên dù gặp khó khăn thử thách cũng đừng lo lắng và xao xuyến (Xc. Ga 14,16-27).
Mẹ Giáo hội tiếp tục nài xin ơn bình an này cho con cái mình trong các kinh nguyện và trong Phụng vụ, cách riêng là Phụng vụ Thánh lễ. Trong Thánh lễ, nghi thức chúc bình an dù không phải là nghi thức tâm điểm, nhưng nó mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống đức tin của người tín hữu. Nếu ý thức một chút về điều này, người tín hữu sẽ thiết tha và lưu ý hơn trong việc cử hành và chia sẻ bình an với người khác, bình an mà họ đã lãnh nhận từ Chúa Giê-su Ki-tô (Xc. Ga 24,27).
 Trong bài này, người viết xin trình bày ba mục, đó là: (1) lịch sử của việc trao chúc bình an, (2) ý nghĩa và (3) cách thực hành việc trao chúc bình an trong Thánh lễ.

1. Lịch sử

Theo Kinh Thánh, cử chỉ trao ban bình an có ngay từ thời các tín hữu tiên khởi. Điều này đã được thánh Phao-lô khuyên nhủ các tín hữu ở Côrintô: “Anh em hãy hôn chào nhau một cách hôn thánh thiện (1Cr 16,20). Nhưng ở đây không cho biết nó diễn ra khi nào. Rất có thể nó diễn ra trong những buổi họp nhau thờ phượng của các tín hữu, vì lá thư này được viết cho cả cộng đoàn, chứ không phải cho riêng một cá nhân.

Paul Bernier cho rằng, [3] cử chỉ “hôn chúc bình an” có thể được đặt ở phần đầu lễ, với ý nghĩa là cách thức chào chúc, đón nhận những người cùng đến cầu nguyện và thờ phượng; hoặc có thể được đặt sau phần Phụng vụ Lời Chúa và trước phần Dâng lễ để tượng trưng cho tình huynh đệ và sự thống nhất trong cộng đoàn trước khi dâng hy lễ (Xc. Mt 5,23-24). Điều này phù hợp với trình bày của giáo phụ Hylạp Giustinô (thế kỷ II) khi ngài mô tả về Phụng vụ Thánh Thể để giải thích cho hoàng đế La mã Antonius Pius (138-169). Ngài mô tả:
Sau khi đọc xong bút tích của các Tông đồ và Sách các Ngôn sứ, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người sống theo các giáo huấn tốt và gương lành tốt đẹp này. Sau đó chúng tôi đứng dậy, dâng lời cầu nguyện […]. Sau lời nguyện, chúng tôi hôn và chúc bình an nhau. Tiếp đến, một tín hữu mang bánh và một chén rượu có pha nước đến cho người chủ sự. [4]

Như vậy, việc trao hôn bình an ở thế kỷ II được diễn ra sau lời nguyện chung và trước khi dâng của lễ. [5] 

Vì vậy, thật ý nghĩa khi thánh Giám mục Cyprianô thành Carthage (thế kỷ III) cho rằng việc làm hòa với nhau để có “bình an của Thiên Chúa” là điều kiện để được Thiên Chúa đón nhận của lễ mà người tín hữu tiến dâng:
Thiên Chúa đã không nhận lễ vật của kẻ bất hòa và truyền cho họ phải rời bàn thờ, quay về làm hòa với anh em trước đã, rồi Người mới có thể vui nhận những lời cầu xin phát xuất từ một tâm hồn hòa thuận. Đối với Thiên Chúa, lễ tế cao cả nhất là niềm bình an, là tình huynh đệ thuận hòa và là một đoàn dân hiệp nhất nhờ mối hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần [6]
Vào đầu thế kỷ IV, việc trao hôn bình an lại được đặt sau Thánh lễ. Cử chỉ này nói lên sự đồng tình đối với tất cả những gì vừa xảy ra, và như một lời khuyến khích nhau sống trọn nghĩa những gì họ vừa cử hành.[7]
Nhưng đến cuối thế kỷ IV, trong phụng vụ thời thánh Ambrôsiô thành Milan, việc trao chúc bình an lại diễn ra trước khi lễ vật được mang lên bàn thờ, giống với thế kỷ II.[8]
Tuy nhiên, trong lá thư gửi cho Decenxiô (khoảng thế kỷ V), Đức Giáo hoàng Innocentê I giải thích rằng việc trao hôn bình an diễn ra theo sau Kinh nguyện Thánh Thể. Ngài tương phản giữa việc thực hành ở Rôma với việc thực hành ở các nơi khác. Ngài giải thích rằng nghi thức này là một sự diễn tả việc ưng thuận của cộng đoàn đối với mầu nhiệm vừa được cử hành. [9]

Vị trí của việc trao hôn bình an ở thế kỷ VI cũng như vậy. Khi đem của ăn đàng cho bệnh nhân, người ta trao cho họ cái hôn bình an trước khi cho họ rước lễ; do đó, nó đã trở thành nghi thức chuẩn bị cho rước lễ. Dần dần, đến thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả, cử chỉ trao chúc bình an được áp dụng trong Thánh lễ trước khi Hiệp lễ. Trong thời kỳ này, vì người ta chỉ trao hôn bình an cho những người đã tham dự Thánh lễ và sẽ rước lễ mà thôi, cho nên những người dự tòng không được rước lễ nên cũng không nhận được hôn bình an. 10]
Khoảng thế kỷ X, Kinh xin ơn bình an và hiệp nhất cho Hội Thánh được đưa vào Thánh lễ, khi lễ chặng viếng Rôma được đưa qua Pháp và Đức. Kinh này mở đầu bằng việc nhắc lại lời hứa của Chúa Giê-su: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”, và nhờ lời hứa ấy mà xin cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Vì thấy mình tội lỗi và yếu đức tin, nên khi xin ơn này, linh mục thưa với Chúa: “Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa”. [11]
Vào thời Trung Cổ, khi việc rước lễ trở nên hiếm hoi thì trao hôn bình an trở thành phần bổ túc của việc rước lễ: linh mục hôn bàn thờ, rồi ngài trao hôn bình an cho hàng giáo sĩ những người này trao lại cho giáo dân. [12]
Thời Công đồng Triđentinô, cử chỉ chúc bình an ít khi được thấy, chỉ trừ những ngày lễ trọng.[13]Cụ thể là theo chữ đỏ của Thánh lễ Tridentinô, sau việc bẻ bánh và những lời tung hô Chiên Thiên Chúa, tư tế sẽ đọc lời nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói với các tông đồ rằng, Thầy để lại bình an….”. Rồi nếu có trao dấu hiệu bình an thì ngài sẽ hôn bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Ki-tô như để lãnh nhận bình an từ nơi Người. Tiếp đó, ngài trao bình an cho các thừa tác viên khác theo thứ tự phẩm trật (tức là trao cho phó tế); đến lượt mình, thầy phó tế sẽ trao bình an cho thầy phụ phó tế; rồi thầy phụ phó tế lại trao bình an cho các thừa tác viên khác nữa; và cuối cùng, dân chúng làm theo một dây chuyền tương tự. Thực ra, đây là một cung cách trao ban bình an có vẻ hình thức và máy móc. [14]
Cũng vì thời gian này ít khi sử dụng việc trao hôn bình an, nên người ta cũng có cảm tưởng như nó bị quên đi.
 Đến Công đồng Vaticanô II, Ủy ban Phụng vụ đã lấy lại nghi thức chúc bình an và đặt ngay sau Kinh Lạy Cha, như thời của Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả. Cụ thể, nghi thức chúc bình an được thực hiện từ lời nguyện sau kinh Lạy Cha (“Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”) cho đến trước lời nguyện thầm của linh mục khi chuẩn bị Hiệp lễ.
Nghi thức chúc bình an này gồm có:

-   Lời nguyện xin ơn bình an, đây là lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Đức Ki-tô trong phần thường lễ. Lời nguyện này được gọi là Kinh Embolismos (thêm vào, đặt vào giữa) và chỉ có bên Tây phương.
-   Tiếp đó, chủ tế và các tín hữu chúc bình an cho nhau. Chủ tế chúc bình an cho các tín hữu bằng công thức: Bình an của Chúa…” (Pax Domini…) và cộng đoàn đáp lại. Vì công thức này thực ra chưa phải là một lời mời trao đổi, nên liền sau đó, phó tế hay vị chủ tế còn thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”.[15] Lúc này các tín hữu diễn tả dấu bình an của tình huynh đệ cho những người gần mình.[16]
-   Cuối cùng là Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, trong đó, kết thúc bằng lời cầu: “xin ban bình an cho chúng con” (dona nobis pacem).
 Như vậy, việc chúc bình an đã có từ rất sớm trong cộng đoàn các tín hữu khi họ tụ họp để thực hành Lễ Bẻ Bánh, nhưng nó được đặt ở những vị trí khác nhau tùy theo mỗi thời đại và mỗi khu vực. Do đó, ý nghĩa của nó cũng được giải thích khác nhau.

2. Ý nghĩa
Như trong phần lịch sử đã trình bày, có nhiều vị trí khác nhau để cử hành nghi thức chúc bình an, như: hoặc trước phần Đầu lễ, hoặc sau phần Phụng vụ Lời Chúa và trước phần dâng lễ, hoặc sau Kinh Lạy Cha và trước phần Hiệp lễ, hoặc sau phần Kết lễ. Ngày nay, trong các Hội Thánh Công giáo Đông phương và Tây phương, nghi thức chúc bình an xuất hiện ở hai vị trí khác nhau trong Thánh lễ, và ý nghĩa của nó được giải thích gắn liền với vị trí mà mỗi nơi đặt để.
 a. Ý nghĩa của nghi thức chúc bình an ở Giáo hội Công giáo Đông phương
Ngày nay, Hội Thánh Công giáo Đông phương vẫn sử dụng nghi thức chúc bình an thời thánh giáo phụ Giustinô (thế kỷ II), có nghĩa là nghi thức chúc bình an được đặt sau Phụng vụ Lời Chúa và trước lúc dâng lễ vật.[17]
Khi đặt sau phần phụng vụ Lời Chúa, cử chỉ này như một dấu ấn niêm trên việc công bố Tin Mừng, như một lời cam kết chung, một sự dấn thân tập thể đối với sứ điệp Tin Mừng. Đối với người Ki-tô hữu, hôn chúc bình an là một biểu hiện tính liên đới sâu xa với sứ vụ của Đức Ki-tô. Ngoài việc khích lệ nhau sống sứ điệp Tin Mừng như bài giảng đã vạch ra, biểu hiện này còn là một đảm bảo về tính chân thành của việc cử hành. Đó là thực hiện sự hoà giải và bình an huynh đệ nhằm thanh tẩy hy lễ của mình, theo lời dạy của Chúa Ki-tô: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Trao hôn bình an được coi là nghi thức bản lề vừa để kết thúc việc nghe Lời Chúa vừa dẫn nhập vào cử hành Thánh Thể.
Đồng tình với ý nghĩa trên, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã đề nghị các Bộ có thẩm quyền về Phụng vụ ở Hội Thánh Công giáo Tây phương nghiên cứu khả năng đặt nghi thức chúc bình an ở vị trí như Hội Thánh Công giáo Đông phương cử hành. Ngài nói:
Xét đến các thói quen cổ xưa và đáng kính cùng với những ước muốn của các Nghị Phụ thượng hội đồng, tôi đã đề nghị các Bộ có thẩm quyền nghiên cứu khả năng đặt việc chúc bình an vào lúc khác, ví dụ trước khi dâng lễ vật lên bàn thờ. Hơn nữa, việc lựa chọn như thế làm nhớ lại một cách ý nghĩa lời khuyên răn của Chúa Giê-su về sự hòa giải cần có trước khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa (Xc. Mt 5,23tt).[18]
 b. Ý nghĩa của nghi thức chúc bình an ở Giáo hội Công giáo Tây phương
Khác với anh em Hội Thánh Công giáo Đông phương, Hội Thánh Công giáo Tây phương (từ Công đồng Vaticanô II) đã lấy lại cách thức chúc bình an từ thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả, nghĩa là nghi thức chúc bình an được đặt sau Kinh Lạy Cha và trước khi Hiệp lễ.[19] Việc lấy lại nghi thức chúc bình an và đặt ở vị trí này khiến một số người không thích cho lắm, vì họ nghĩ rằng: ngoài các cử chỉ và di động phiền toái, lại còn thiếu sự thân mật giữa các tín hữu đang tham dự Thánh lễ. Một số khác cho rằng nó làm gián đoạn dòng chảy của phần Phụng vụ! Nhưng thực tế, nghi thức này lại hòa quyện một cách nhịp nhàng vào trong dòng chảy của Phụng vụ. Quả vậy, hành vi chúc bình an thường được giải thích trong mối quan hệ của nó với những gì diễn ra trước đó (Kinh Lạy Cha) cũng như những gì diễn ra sau đó (bẻ bánh và rước lễ).
Sau Kinh Lạy Cha, vị tư tế đã không chỉ xin Chúa cứu mọi người trong Hội Thánh cho “khỏi mọi sự dữ”, nhưng còn xin cho mọi người một ơn cao cả hơn hết, đó là ơn bình an. Chữ bình an trong Kinh Thánh và trong Phụng vụ có một ý nghĩa rộng rãi hơn theo nghĩa thông thường.[20] Cần phải chú ý đến tất cả vẻ phong phú của từ này, đó là Chúa Cứu Thế chính là Vua bình an, Người đã đem đến sự bình an toàn diện, vĩnh cửu. Bình an là ơn huệ lớn lao của thời đại Đấng Cứu Thế (Xc. Is 9,6-7; 32,17-18).

b.1. Bình an bắt nguồn từ Đức Ki-tô
Theo mô tả của thánh sử Gio-an: vào đêm trước khi ra đi chịu chết, Đức Ki-tô đã cầu xin cho sự hiệp nhất (Xc. Ga 17) và trao ban quà tặng bình an cho các môn đệ của Ngài (Xc. Ga 14,27). Hầu hết những lần hiện ra sau phục sinh, Chúa Ki-tô đều chào chúc các môn đệ bằng cách trao ban bình an:“Bình an cho các con” (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26). Cho nên, bình an mà các môn đệ nhận được là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua. Sách lễ Rôma đã lấy lại những ý tưởng trên để đưa vào trong nghi thức chúc bình an. Thật vậy, Kinh xin ơn bình an và hiệp nhất Hội Thánh mở đầu bằng việc nhắc lại lời hứa của Chúa Giê-su Ki-tô với các Tông đồ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Căn cứ vào lời hứa ấy, chủ tế xin Chúa thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất. Sau khi xin Chúa ban ơn bình an, chủ tế cầu chúc mọi người có được bình an của Chúa: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”; cộng đoàn đáp: Và ở cùng cha. Rồi thầy phó tế hay chính chủ tế mời gọi: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau. Toàn bộ diễn tiến và nội dung trên khẳng định rằng bình an ở đây là bình an của Đức Ki-tô, Đấng đã phục sinh và luôn đồng hành cùng Hội Thánh. Chỉ có bình an của Đức Ki-tô, các tín hữu mới thực sự sống bình an (giao hòa) với nhau.
 b.2. Đây là một sự hòa giải
Trong Kinh Lạy Cha, tất cả tín hữu khám phá ra mình là con cái của cùng một Cha và tất cả là anh chị em với nhau. Do đó, khi họ xin Chúa Cha tha nợ cho họ thì họ cũng phải tha nợ cho nhau; khi họ xin ơn bình an qua lời cầu xin của chủ tế (“Xin ban cho chúng con những ngày chúng con đang sống được bình an”, “xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an”) thì họ cũng phải sống an bình (giao hòa) với anh chị em mình. Chỉ cảm nghiệm và nói lên điều đó thôi thì chưa đủ, mà cần phải được thể hiện cụ thể. Thật phù hợp và ý nghĩa khi chuyển những tâm tình của lời kinh này sang một hành vi phụng vụ cụ thể. Cử chỉ chúc và trao bình an là một trong những dấu hiệu đẹp nhất, qua đó, các tín hữu biểu lộ rằng họ là con cùng một Cha. Bằng việc chúc cho người khác được bình an của Chúa Ki-tô, tất cả mọi người trong cộng đoàn bày tỏ rằng họ đang nỗ lực vượt qua chính mình để đến và hòa giải với người khác. Việc này đôi khi đòi hỏi một sự cố gắng lớn, nghĩa là mỗi người cần ra khỏi “vỏ ốc” cái tôi của mình, đồng thời, coi người khác như là người mà họ phải tôn trọng và yêu thương. Để chúc bình an một cách thật sự, trước tiên, người tín hữu cần phải tha thứ trong lòng, rồi mới biểu lộ dấu chỉ bình an cho anh chị em bên cạnh. Chính vì vậy, cử chỉ trao ban bình an được coi như việc dọn mình trực tiếp để xứng đáng chuẩn bị hành vi Phụng vụ tiếp theo.[21]
Quy chế Sách lễ Rôma cũng liên kết việc trao chúc bình an với các hành vi Phụng vụ theo sau nó (x. số 82). Đó là phần Hiệp lễ, phần mà tất cả những người được gọi mời để trở nên một khi cùng ăn với nhau một bánh.[22] Chính cử chỉ chúc bình an là dấu chỉ cho sự hiệp nhất này.
 b.3. Dấu chỉ yêu thương và hợp nhất
Trước khi chúc bình an, chủ tế nài xin Chúa Ki-tô: “ban cho Hội Thánh được… hợp nhất theo thánh ý Chúa”. Do đó, việc chúc bình an là dấu chỉ hiệp nhất. Việc hiệp nhất này nhằm hướng tới việc hiệp nhất nơi Hiệp lễ, nơi mọi người chia sẻ Mình và Máu Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu về khía cạnh này như sau: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,7). Như vậy, việc chúc bình an là một cách thức nhắc cho cộng đoàn biết rằng Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất. Thật vậy, làm sao người tín hữu có thể đến gần Chúa Ki-tô và nói rằng họ yêu mến Ngài trong khi lại từ chối hướng lòng và hướng mặt về những người anh chị em bên cạnh họ?[23] Thánh Gio-an khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Linh mục Lawrence E. Mick đã giải thích điều này rằng: “Nếu tôi không sẵn lòng để nhận biết và hiệp nhất với tất cả anh chị em cùng tham dự bữa tiệc này thì làm sao tôi sẵn sàng đón nhận Mình và Máu Chúa Ki-tô được.[24] Như vậy, những người anh chị em đang đứng bên cạnh mình chính là hình ảnh của Thiên Chúa, và cụ thể hơn nữa, là chi thể của Đức Ki-tô. Nói cách khác, trao chúc bình an cho người khác và đón nhận việc chúc bình an từ họ là thừa nhận sự hiện diện của Đức Ki-tô ở nơi mình và nơi anh chị em của mình, bởi vì, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng: “anh em là thân thể Đức Ki-tô và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27). Dấu chỉ bình an là một phương cách rất phù hợp, qua đó, người tín hữu công khai tôn kính sự hiện diện của Đức Ki-tô nơi anh chị em trước khi tiến gần đến bàn tiệc Thánh Thể, là nơi mà họ chân nhận sự hiện diện đích thực của Đức Ki-tô trong hình bánh và hình rượu. Vì vậy, chúc bình an không phải chỉ là lúc chúng ta hỏi thăm sức khỏe của nhau cho bằng đó là thời gian chia sẻ sự hiện diện của Đức Ki-tô trong tâm tình cầu nguyện, là lúc chia sẻ bình an, tình yêu và sự hợp nhất.
Tất nhiên, việc chia sẻ bình an, tình yêu và sự hợp nhất không được giới hạn và đóng khung trong nhà thờ, trong Hội Thánh, giữa những người tín hữu với nhau, bởi vì chắc chắn dấu chỉ này có giá trị to lớn hơn (x. Ga 14,27). Trong thời đại đầy sợ hãi và xung đột như ngày nay, cử chỉ này càng mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Ý nghĩa phổ quát này được Tông huấn Sacramentum Caritatis xác định:
Hội Thánh không ngừng ý thức trách nhiệm của mình là cầu xin ơn bình an và hợp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại… Hội Thánh trở thành tiếng nói kêu gọi hòa bình và hòa giải dâng lên từ tâm hồn của mỗi người thiện tâm, hướng tiếng đó lên Đấng là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14) và có thể hoà giải các dân tộc và con người, ngay cả khi những nỗ lực của con người thất bại. Từ tất cả những điều này, chúng ta hiểu xúc cảm được nghiệm thấy khi thực hiện dấu chỉ ban bình an trong buổi cử hành phụng vụ.[25]

3. Thực hành
Quy chế Sách lễ Rôma (số 154): Vị tư tế có thể chúc bình an cho các người giúp lễ, nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh, để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành. Nếu có lý do chính đáng, ngài cũng có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh. Điều này cũng được nhắc lại trong số 72 của Huấn thị Bí tích Cứu độ (SC).
Như vậy, Quy chế và Huấn thị trên cho thấy rằng phạm vi của vị tư tế khi chúc bình an là “phải luôn luôn ở trên cung thánh”,[26] với mục đích là để tránh “làm xáo trộn cuộc cử hành”, chứ không phải tránh làm xáo trộn giữa những người tham dự Thánh lễ. Điều này có nghĩa là để tránh nguy cơ lôi kéo người ta chú ý đến cá nhân vị tư tế như thể ngài là tác nhân và là nguồn của bình an; trong khi, Hội Thánh luôn khẳng định rằng chỉ Đức Ki-tô mới có thể ban bình an đích thực.
Tránh “làm xáo trộn cuộc cử hành” còn được hiểu rằng nếu vị tư tế đến và trao bình an cho đa số người tham dự, thì đối với một cộng đoàn lớn, đây sẽ là gánh nặng cho ngài và làm mất nhiều thời giờ. Dành mất quá nhiều thời giờ cho nghi thức này (vốn chỉ là phần chuẩn bị cho Hiệp lễ) sẽ lấn áp những phần quan trọng hơn trong Phụng vụ. [27]
Tuy nhiên, một số nhà phụng vụ cho rằng không nên rập theo một nguyên tắc cụ thể và cứng nhắc, mà tùy vào từng bối cảnh và không gian phụng tự. Khuynh hướng chung ngày nay là vị tư tế nên chúc bình an cho một số các thừa tác viên phụng vụ và một số tín hữu ngồi ở những đầu ghế hay những hàng ghế đầu tiên.
 b. Cách thức chúc bình an
Theo truyền thống, cách thức chúc bình an ban đầu là kiểu ôm hôn trong cộng đoàn theo như lời khuyên của thánh Phao-lô (x. 1Cr 16,20). Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa, nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.[28] Huấn thị Bí tích Cứu độ (số 72) nhắc lại Quy chế Sách lễ Rôma (số 82) rằng:
Mỗi người nên chúc bình an một cách giản dị và chỉ với những người ở chung quanh mình... Về những gì liên quan đến dấu hiệu để chúc bình an, cách thức của nó được Hội đồng Giám mục ấn định, theo tâm tính, phong tục và tập quán của các dân tộc khác nhau, và được Tông Toà xác nhận.
Và “khi trao bình an, [mọi người] có thể nói: ‘Bình an của Chúa hằng ở cùng anh’, và được đáp lại là ‘Amen’” (QCSLRM, số 154).
Ngày nay, cách thức chúc bình an thông thường ở Việt Nam là các tín hữu hai bên quay vào giữa nhà thờ và cúi đầu chào nhau. Thực ra, hình thức bắt tay cũng đang được phổ biến ở một số nhà thờ hay trong một số các tu hội hoặc trong các nhóm nhỏ ở Việt Nam. Tất nhiên, đây không phải là sự cứng nhắc, mà có thể có các cử chỉ khác miễn là chúng phải tao nhã và có ý nghĩa: mang lại sự ấm áp, thân thiện, tình huynh đệ và sự chấp nhận nhau.
Ngoài ra, tác giả Erasto J. Fernandez (SSS) còn lưu ý rằng cho dù cách thức chúc bình an có phần nào “lộn xộn” đi chăng nữa, nhưng nếu nó phá vỡ được bầu khí chia rẽ, thói cô lập, tự coi mình là trung tâm hoặc ích kỷ về mặt thiêng liêng, thì cộng đoàn vẫn nên dành cho cách thức đó cơ hội, và thực sự, điều này đáng được làm thế, bởi vì người ta không thể thực sự rước lễ, nếu vẫn còn cô lập và chia rẽ.[29]
 c. Thái độ cần tránh khi chúc bình an
Thánh Phao-lô dạy rằng thái độ khi “hôn”chúc bình an là phải “thánh thiện”. Để có được thái độ “thánh thiện” đó thì cộng đoàn nên tránh một vài thái độ:
- Thứ nhất là chúc bình an cho chiếu lệ, thờ ơ như một nghi thức vô hồn.
- Thứ hai, là chúc bình an mà lòng còn đối kỵ nhau.
- Thứ ba là hồ hởi và sôi nổi quá mức cần thiết.
- Thứ tư là trò chuyện với nhau.
Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại lưu ý của Thượng Hội Đồng Giám Mục rằng cần có thái độ điều tiết khi thực hành cử chỉ này, vì nếu nó bất cập hay thái quá thì sẽ làm cho mất ý nghĩa hay làm cho bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc Hiệp lễ.[30]

Kết luận
Việc trao ban bình an là một động tác đơn giản, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nó mang lại kết quả và ý nghĩa hết sức sâu rộng. Đó là một cử chỉ yêu thương, hòa giải và thông hiệp. Cử chỉ này vừa biểu lộ niềm tin của người tín hữu vào tình yêu Thiên Chúa, vừa nhắc nhở người tín hữu phải sống yêu thương như Thiên Chúa mà họ tôn thờ bằng việc hòa giải và hiệp thông với anh chị em mình. Có như vậy, người tín hữu mới thông dự một cách sâu xa vào sự bình an của Đức Ki-tô, từ đó, họ trao ban bình an này cho người khác. Như thế, chia sẻ với người bên cạnh một nắm tay, hôn bình an hoặc cúi đầu chúc bình an (tùy theo phong tục của mỗi dân tộc) không phải là cử chỉ xã giao, lịch sự, mà là dấu chỉ hiệp thông trong sự bình an và tình yêu thương nhau. Và sự bình an này do Chúa Ki-tô ban tặng (“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”). Thật vậy, Chúa Ki-tô đã phán: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Do đó, sự bình an này rộng lớn hơn những gì con tim chúng ta có thể chứa đựng được, cũng như rộng lớn hơn những gì bàn tay chúng ta có thể truyền đạt được.[31] Người ta sẽ rất coi thường và bỏ qua điều này khi họ đến với Thánh lễ mang tính cách cá nhân và quy ngã.[32]



[1] Đức Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 49.
[2] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ, ĐCV. Thánh Giuse Sàigòn, 1997, tr. 171.
[3] Xc. Paul Bernier, bản Việt ngữ Thánh lễ gõ nhịp cho cuộc sống, Trần Đình Long dịch, [không rõ Nxb.], tái bản 2011, tr. 138.
[4] Justinô, Hộ giáo (Apologia), I: 65 (Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1345).
[5] Việc trao hôn bình an chỉ dành riêng cho những tín hữu, còn những người dự tòng được giải tán. (Xc. Erasto J. Fernandez,The Eucharist step by step, bản Việt ngữ Thánh lễ từng bước đi vào cuộc sống, Trần Đình Long dịch, [không rõ Nxb.] - 2012, tr. 155).
[6] Trần Minh Hiến, Phụ trương Giáo phụ học, tập II, ĐCV. Huế 1998, tr. 181
[7] Xc. Paul Bernier,Sđd., tr. 138.
[8] Xc. Dennis C. Smolarski, Q&A: The Mass, Liturgy Training Publications - 2002, tr. 64-65.
[9] Xc. Anscar J. Chupungco, Handbook for Liturgical Studies, tập III, Claretian Publications - 1997, tr. 119.
[10] Xc. Phạm Đình Ái, Cử hành Hy lễ Tạ ơn, HV Thánh Thể, 2012, tr. 228.
[11] Xc. Trần Đình Tứ, Sđd., tr. 171.
[12] Xc. Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, ĐCV. thánh Giuse Sàigòn - 2001, tr. 136.
[13] Xc. Paul Bernier, Sđd., tr. 139.
[14] Xc. Sđd.
[15] Xc. Thêôphilô, Hướng dẫn cử hành Thánh lễ, Tôn Giáo - 2012, tr. 157.
[16] Trần Ngọc Quỳnh, Cử Hành Mầu Nhiệm Tạ Ơn, Đại Kết - 1996, tr. 191
[17] Erasto J. Fernandez, Sđd., tr. 155.
[18] Xc. Đức Bênêđictô XVI, Propositio, số 23 (23/10/2005).
[19] Xc. Paul Bernier, Sđd., tr. 139.
[20] Người Do Thái dùng chữ Shalom, nghĩa là bình an, để chào nhau. Tiếng này có ý chỉ tất cả mọi sự thịnh vượng, và có thể dịch là hạnh phúc. (Xc. Trần Đình Tứ Sđd., tr. 171).
[21] Xc. Paul Bernier, Sđd., tr. 139.
[22] Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Sđd., tr. 191.
[23] Vũ Thái Hòa, 40 câu hỏi về Thánh lễ, câu 26.
[24] Lawrence E. Mick, Worshiping Well, The liturgical Press, 1997, tr. 85
[25] Đức Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 49.
[26] Tại một số quốc gia, vào những dịp đặc biệt như lễ an táng, lễ cưới, hay khi có nhà lãnh đạo dân sự hiện diện…, linh mục chủ tế có thể chúc bình cho một vài tín hữu ở gần cung thánh.
[27] Xc. Dennis C. Smolarski, Sđd., p. 66.
[28] Xc. Thêôphilê, Sđd., tr. 157.
[29] Xc. Erasto J. Fernandez, Sđd., tr. 159.
[30] Xc. Đức Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 49.
[31] Vũ Thái Hòa, Sđd.
[32] Xc. Erasto J. Fernandez, Sđd., tr. 159.

No comments:

Post a Comment