Ý NGHĨA THẦN HỌC và LINH ĐẠO của VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ
Chủ đề mục vụ Năm
Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận XL là “Gia
đình và Giáo xứ sống Mầu nhiệm Thánh Thể”. Chọn lựa như vậy vì
Thánh Thể là «nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo»[1], là bản toát yếu và tổng luận
đức tin Kitô giáo[2]. Do đó, hiểu biết thực sự
về Thánh Thể là biết tất cả Kitô giáo, sống Thánh Thể là sống trọn vẹn nguồn ân
phúc thiêng liêng dồi dào của Thiên Chúa, vì Thánh Thể chứa đựng «chính Đức
Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là Bánh Trường Sinh trao ban sự sống cho
nhân loại»[3].
I. MỐI TƯƠNG QUAN
GIỮA THÁNH LỄ VÀ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ
Giữa Thánh lễ và
việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. «Cử hành Hy
tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với
Thánh Thể ngoài thánh lễ»[4]. Việc tôn thờ Thánh Thể
ngoài thánh lễ chính là sự kéo dài thánh lễ chúng ta cử hành, đưa ta đi sâu vào
Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện
trong Bí tích Thánh Thể. «Bao lâu mà Thánh Thể còn được lưu giữ trong các nhà
thờ, Chúa Kitô thực là Đấng Emmanuel, là “Chúa ở với chúng ta”. Chúa ở giữa
chúng ta ngày và đêm; đầy tràn ân sủng và sự thật»[5].
II. CÁC VIỆC TÔN THỜ
THÁNH THỂ NGOÀI THÁNH LỄ
Các việc tôn thờ
Thánh Thể ngoài Thánh lễ bao gồm:
1. Việc Rước lễ ngoài Thánh lễ
Ngay từ thời Giáo
Hội sơ khai, «Lý do tiên quyết và căn nguyên của việc lưu giữ Thánh Thể ngoài
Thánh lễ là để trao ban “của ăn đàng” (Viaticum)»[6] cho các bệnh nhân.
Những tín hữu không
thể tham dự Thánh lễ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ, «để họ được liên kết với
Chúa Kitô và với hy tế của Ngài được cử hành trong Thánh lễ»[7]. Người nhà của bệnh nhân
không thể dự lễ, nên dọn lòng rước lễ cùng với bệnh nhân, để nhờ hiệp nhất với
Chúa, họ hiệp thông sâu xa hơn với người bệnh trong lời khẩn nguyện và lễ dâng
thập giá.
2. Rước lễ thiêng
liêng
Rước lễ thiêng liêng
là việc sùng kính riêng tư. Một người yêu mến Chúa Thánh Thể sẽ liên lỉ ước ao
kết hiệp với Chúa và vì không thể rước cách Bí tích (rước lễ) thì lòng họ khao
khát rước Chúa cách thiêng liêng.
Hiệu quả của việc
sùng kính này tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa đối với lòng yêu mến khao khát
nơi mỗi người. Thực hành này đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ gìn giữ họ luôn sống trong
ân sủng và ban ơn giúp họ ngày càng kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Thánh
Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết: "Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và
không tham dự Thánh lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành
đem lại nhiều ơn ích; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên
bạn".[8]
Một điểm thuận lợi
là ta có thể rước lễ thiêng liêng mỗi ngày nhiều lần, ở bất cứ nơi nào, lúc
nào, làm cả ngày sống của ta luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, thành lời cầu
nguyện liên lỉ như Chúa dạy (x. Lc 18,1; 21,36).
3. Viếng Chúa
«Viếng Thánh
Thể lưu giữ trong nhà tạm là việc gặp gỡ Chúa cách ngắn ngủi, được thúc đẩy bởi
niềm tin rằng Chúa đang hiện diện tại đây và có đặc điểm là cầu nguyện trong
thinh lặng»[9]. «Việc viếng Thánh Thể là
một bằng chứng của lòng tri ân, một dấu hiệu của tình yêu mến và một bổn phận
tôn thờ của ta đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta»[10]. Thánh Anphonsô Liguori
viết: «Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể là
cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi
ích cho chúng ta»[11].
4. Chầu Thánh Thể
«Việc chầu Thánh Thể
thôi thúc các tín hữu ý thức về sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô và là một
lời mời gọi họ hiệp thông thiêng liêng với Chúa. Hơn nữa, đó còn là sự thúc đẩy
tuyệt vời để hiến dâng Thiên Chúa sự thờ phượng xứng hợp trong tinh thần và
chân lý »[12].
«Niềm tin vào sự
hiện diện đích thực của Chúa đương nhiên đưa tới việc biểu lộ công khai niềm
tin ấy. Lòng sùng mộ thúc đẩy các tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể cũng lôi
cuốn họ tham dự sâu xa hơn vào Mầu nhiệm Vượt Qua và đáp lại với lòng biết ơn Đấng, qua
nhân tính của mình, không ngừng tuôn đổ sự sống thần linh cho các chi thể của
Thân Mình Người. Ở bên Đức Kitô, họ được hưởng tình thân sâu xa của Chúa,
được gần gũi, tâm sự, cầu xin Chúa cho bản thân, cho người thân, cũng như cho
sự bình an và ơn cứu độ của thế giới. Dâng hiến trọn đời sống mình cho Chúa Cha
cùng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, họ được gia tăng đức tin, cậy, mến nhờ
những cuộc trao đổi tuyệt vời này. Nhờ vậy, họ được nuôi dưỡng những tâm tình
chân thực khiến họ có thể cử hành việc tưởng niệm Chúa với lòng sùng mộ thích
đáng và năng rước lấy Bánh Thánh mà Chúa Cha đã ban cho ta»[13].
Chúng ta “thinh
lặng” trước sự hiện diện của Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng tình yêu… «Nhờ
phụng thờ Chúa Thánh Thể, ta được biến đổi nên người Chúa muốn! Theo nghĩa đầy
đủ, chầu Thánh Thể có nghĩa là “Thiên Chúa và con người vươn đến nhau cùng một
lúc!”»[14].
5. Phép
lành Thánh Thể
Linh mục hay Phó tế
kết thúc Giờ Chầu Thánh Thể bằng việc ban phép lành Thánh Thể cho những người
hiện diện. Đây là một trong những á Bí tích.
Bất cứ sự chúc lành
nào cũng đều là lời ngợi khen, tạ ơn Thiên Chúa và là lời cầu xin các ân huệ
của Ngài. Trong Đức Kitô, các Kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha bằng
mọi thứ chúc lành thiêng liêng. Bởi vậy, Giáo Hội ban phép lành bằng cách kêu
cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Đức Kitô.
6. Cung nghinh Thánh
Thể
«Rước kiệu ngày lễ
trọng kính Mình Máu Chúa là “hình thức tiêu biểu” của những cuộc rước kiệu
Thánh Thể. Đó là phần nối dài việc cử hành phụng vụ Thánh Thể: ngay sau lễ kính
Mình Máu Chúa, Bánh Thánh được truyền phép trong thánh lễ được rước ra khỏi nhà
thờ để giáo dân “bày tỏ công khai
lòng tin và lòng mến đối
với Bí tích Thánh Thể”»[15]. «Các tín hữu hiểu rõ và
yêu thích những giá trị của việc rước kiệu Thánh Thể: họ ý
thức mình là thành phần của “dân Chúa”, đi
cùng đường với Chúa và
tuyên xưng niềm tin nơi Đấng thật sự là “Chúa ở cùng chúng ta”»[16]. «Thánh Thể được rước đi
cũng còn là nguồn mạch phúc lành và vô vàn ơn sủng» (x. Cv 10,38)[17].
7. Đại hội Thánh Thể
Thường tổ chức theo
từng cấp từ Giáo Hội địa phương tới hoàn vũ. Trong Đại hội Thánh Thể, các Kitô
hữu học hỏi về Mầu nhiệm Thánh Thể sâu xa hơn qua việc nghiên cứu về nhiều khía
cạnh thần học hay tu đức.
[1] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Lumen
Gentium, số 11; Christus Dominus, số 30.
[2] X. GLHTCG 1327.
[3] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum
Ordinis, số 5 ; x. Lumen Gentium, số 42.
[4] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích,
Huấn thị Eucharíticum Mysterium (1967), 3e.
[5] Rituale Romanum, De
Sacra Communione et de Cultu Mysterii Eucharistici Extra Missam (1973), 2 ; x. Huấn thị Eucharisticum
Mysterium (1967), số
3e.
[6] Rituale Romanum, De
Sacra Communione et de Cultu Mysterii Eucharistici Extra Missam (1973), 5.
[7] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Eucharisticum Mysterium, số 3e.
[8] Nicolas Cabasilas, Sự sống trong Đức
Kitô, IV, 10: SCh 355, 270; X. Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 34.
[9] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 165.
[10] GLHTCG, 1418; x. Phaolô VI, Thông điệp Mysterium
Fidei, 03/9/1965; AAS 57 (1965), 771.
[11] Visite al SS. Sacramento
e a Maria Santissima, Dẫn nhập: Opere Ascetiche, Avellino , 2000, 295; X. Thông điệpEcclesia de Eucharistia, số 25.
[12] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Eucharisticum Mysterium (1967),
số 60.
[13] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 164.
[14] Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS., “Ý nghĩa thần
học và linh đạo của việc tôn thờ Thánh Thể”, trong [http://dongthanhthe.net].
[15] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 162.
[16] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn
thị Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, số 162.
[17] Nvt.,
số 245.
No comments:
Post a Comment