Chuyện của ĐGM Bùi Tuần
---------------------------------
Con đường tôn vinh Thiên Chúa
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Thế nhưng, Ngài đã bị các vị lãnh đạo tôn giáo của Ngài kết án. Họ đã loại trừ Ngài nhân danh luật đạo. Họ đã mưu giết Ngài vì mục đích tôn vinh Thiên Chúa!Lỗi lầm lịch sử này là một thảm kịch. Nó xảy ra không chỉ một lần và không phải chỉ dưới một hình thức, nghĩa là có nhiều việc làm nhân danh Chúa mà làm hại Chúa. Có nhiều công trình thực hiện vì mục đích tôn vinh Thiên Chúa lại bị Thiên Chúa từ bỏ. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế: “Ngày ấy, sẽ có nhiều người kêu cùng Chúa rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm phép lạ sao? Bấy giờ Thầy sẽ trả lời họ rằng: Ta không hề biết các ngươi. Hãy đi khỏi đây, hỡi những kẻ gian ác” (Mt 7,22).
Như vậy là có những người nhân danh Chúa mà làm nhiều việc coi như lành thánh, nhưng lại bị Chúa xếp vào loại gian ác, không được vào Nước Trời. Thế thì những ai sẽ được vào Nước Trời? Chúa Giêsu nói rõ: “Chỉ những ai làm theo ý Cha Thầy trên trời mới được vào Nước Trời” (Mt 7,21). Biết đúng ý Chúa và thực hành ý Chúa, đó là điều kiện để vào Nước Trời.
Chúa muốn chúng ta thực hành nhiều điều như giáo lý dạy. Nhưng có một điều phải được kể là quan trọng nhất, chắc chắn nhất, Chúa muốn chúng ta thực hiện ưu tiên, đó là giới luật yêu thương. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là chúng con yêu thương nhau. Thầy đã yêu thương chúng con thế nào, chúng con cũng phải yêu thương nhau như vậy. Người ta sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy ở sự chúng con biết thương yêu nhau” (Ga 13,34-35).
Yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta, đó là đặc điểm đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Phải chăng yêu thương như thế cũng là con đường tôn vinh Thiên Chúa? Chắc chắn là như vậy.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha hãy tôn vinh Con Cha, để Con Cha lại tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Sau lời cầu ấy, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc thương khó, tới cảnh chịu nạn trước khi phục sinh... Tất cả chỉ vì yêu thương. Ngài hợp ý với Chúa Cha về tình yêu thương đối với nhân loại. Có thể nói con đường Chúa Cha tôn vinh Ngài, cũng như con đường Ngài tôn vinh Chúa Cha, chính là con đường tình yêu làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Ðể hiểu, ít là đôi chút, về con đường tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta nên nhận định sơ qua tình yêu, mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong ba ngày Tuần Thánh.
1/ Ngài là tình yêu gánh tội trần gian
Ngài vừa là con chiên vẹn sạch tinh tuyền, tự nguyện chịu sát tế để đền tội nhân loại. Ngài vừa là Chúa chiên lành, tự hiến mình chết thay cho đoàn chiên. “Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Ðấng Cứu Chuộc, phải đổ máu mình ra để đền tội cho nhân loại” (Rm 3,21). Qua việc đền tội này, Chúa Giêsu cho thấy quyền lực quỷ dữ là rất mạnh, thế giới sự ác là rất lớn. Ngài đẩy lùi chúng bằng thánh giá, tượng trưng cho tình yêu chấp nhận hy sinh.
2/ Ngài là tình yêu liên đới với những kẻ khốn cùng
Ngài đã bị bắt oan, bị kết án oan, bị chết oan, bị xếp vào hạng người mà cả quyền đời quyền đạo cùng nhau loại trừ. Ngài muốn liên đới với những người bị khinh, bị nhục, bị khổ. Ngài cùng chịu số phận như họ. Ðể họ có thể tìm được tình yêu hy vọng ngay trong số phận đen tối của mình. Cùng chịu khổ nhục, đó là một cách chia sẻ, mà không phải ai cũng muốn và dám thực hiện.
3/ Ngài là tình yêu đón nhận những người bị coi như đồ bỏ
Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu là con người không còn một giá trị nào. Lý lịch xấu. Thành tích xấu. Ðạo đức dưới số âm. Thế mà lương tâm anh đã được Chúa đánh thức vào phút chót. Anh đã biểu lộ một số tâm tình khiêm tốn, thương người, khao khát hạnh phúc đời sau. Anh đã được Chúa hứa cho vào thiên đàng ngay hôm ấy. Một cách nào đó, anh đã được phong thánh. Chính Chúa Giêsu, trên ngai toà thánh giá, đã nhân danh Ðấng Cứu độ, thánh hoá anh.
4/ Ngài là tình yêu cởi mở với những kẻ mà cơ chế tôn giáo coi thường
Ông Simon đã vác đỡ thánh giá cho Chúa. Bà Veronica đã đón đường lau mặt cho Ngài trên đường Ngài bị điệu đến pháp trường. Bà Madalena đứng dưới chân thánh giá Chúa, sau này lo việc táng xác Ngài, cũng như đi tìm xác Ngài. Viên sĩ quan tuyên xưng Chúa Giêsu là kẻ vô tội. Họ là ai? Họ là những người mà cơ chế tôn giáo hồi đó coi thường, và có thể là khinh thường.
5/ Ngài là tình yêu thánh hoá trong chân lý
Các tông đồ, nhất là thánh Phêrô, trước đây tưởng mình tốt lành, kiên cường, trung tín. Nhưng cuộc Chúa Giêsu chịu nạn là một thử thách đối với các ngài. Các ngài đã tỏ lộ rõ bộ diện thực của mình. Cũng rất yếu đuối: bỏ trốn Chúa, chối Chúa, bán Chúa. Sự thực được phơi bày. Ðể rồi các ngài nhận thức được rằng: chính các ngài cần được tha thứ, cần được cứu độ. Khiêm tốn biết mình tội lỗi yếu hèn, đó là chân lý dọn đường đón nhận ơn thánh hoá.
6/ Ngài là tình yêu đánh thức lương tâm
Thảm kịch Chúa Giêsu bị quyền lực đạo đời kết án là một câu hỏi đặt ra cho nhiều lương tâm. Bản án mà các quyền lực dành cho Chúa Giêsu đã trở thành bản án cho chính các quyền lực ấy. Bản án này tố cáo cái gian, cái ác, cái ghen ghét, cái sai lầm, vẫn hiện diện trong các người của xã hội và của tôn giáo. Sự nhẫn nhục, hiền lành chịu đựng những oan ức nơi các nạn nhân cũng chính là một cách đánh thức lương tâm nhân loại. Nhờ đó, bao người đã sám hối, trở về, đổi mới.
7/ Ngài là tình yêu tha thứ
Trên thánh giá, Chúa đã cầu xin với Ðức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm”. Ngài đã tha thứ những gì không thể tha thứ được. Ngài đã tha thứ cho mọi người, miễn là họ biết đón nhận ơn tha thứ. Ngài tha tội, và xoá mọi mặc cảm tội lỗi, làm cho người có tội trở nên tốt hơn khi chưa phạm tội. Ðến nỗi Hội Thánh đã có lần thốt lên: “Tội hồng phúc” (Felix culpa), khi nói về những ai biết đón nhận ơn tha thứ, ơn cứu độ của Ðức Kitô.
8/ Ngài là tình yêu huấn luyện phấn đấu
Chúa Giêsu rất thương các môn đệ của Ngài. Nhưng Ngài đã không cưng chiều. Với cuộc tử nạn, Ngài đã đưa các môn đệ vào những thử thách đớn đau. Và rồi, sau khi sống lại, Ngài đã về trời, để các môn đệ ở lại trần gian. Các môn đệ phải tự mình xoay xở, tự mình phấn đấu, tự mình thích nghi, để lập thân, để trưởng thành, để xây dựng các cộng đoàn, để rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh phải nói là rất khó. Có Thánh Linh của Chúa Kitô soi sáng hỗ trợ, các môn đệ đã phấn đấu với mọi nghịch cảnh và với chính mình. Phấn đấu trong hân hoan và tin yêu vô vàn.
9/ Ngài là tình yêu xây dựng hiệp nhất
Chúa Giêsu rất thiết tha với sự hiệp nhất. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Ngài muốn xoá bỏ mọi ranh giới tạo nên do những quan niệm hẹp hòi. Ngài mở ra mọi tầm nhìn mới mẻ rộng rãi về quan niệm tôn giáo của Ngài:
Nước chung của mọi người là Nước Trời.
Cha chung của mọi người là Cha trên trời.
Luật chung của mọi người là luật yêu thương.
Ðặc điểm chung của các môn đệ Ngài là bác ái phục vụ.
Ðấng Cứu độ và trung gian chung của mọi người là chính Ngài.
Nhìn sơ qua một số những hoạt động trên của Ðức Kitô, tôi thấy tình yêu của Ngài là một ngọn đèn pha chiếu soi con đường tôn vinh Thiên Chúa.
Tôi thấy ở đâu có bác ái, ở đó có tôn vinh Thiên Chúa. Một cộng đoàn gồm nhiều người tài giỏi sẽ không tôn vinh Thiên Chúa cho bằng một cộng đoàn mà mọi người sống đậm tình liên đới. Một xã hội gồm toàn những cá nhân giàu sang sẽ không tôn vinh Thiên Chúa cho bằng một xã hội gồm những trái tim biết yêu thương, chia sẻ, giàu khả năng kính trọng nhau với những khác biệt, và cùng nhau phấn đấu cho lợi ích chung.
Một nốt nhạc không làm nên một bài ca. Cũng thế, bài ca sống động tôn vinh Thiên Chúa là một liên đới đẹp giữa nhiều cuộc đời, giữa nhiều thân phận. Chỉ có tình yêu mới làm nên được liên đới ấy. Tất nhiên tình yêu ấy phải biết sáng tạo. Tình yêu của Ðức Kitô là một mô hình tuyệt vời, luôn luôn mới, không ngừng dẫn tới phục sinh.
Nhìn chung quanh đây, tôi thấy nhiều người đang sống ơn tình yêu Chúa Giêsu. Kẻ thì đón nhận. Người thì chia sẻ. Với những vẻ đẹp muôn màu, họ rất đông, trong Công giáo và ngoài Công giáo.
Ðiều đáng ngạc nhiên là nhiều người như thế đã xuất hiện từ đám đông hầu như không biết đạo Chúa. Họ hiểu bác ái một cách đơn sơ, nhưng họ thực hành bác ái một cách cặn kẽ không thể ngờ được. Nên nhớ rằng: Thực hành mới là quan trọng.
Cởi mở trước những bất ngờ như thế với lòng cảm tạ cũng là cách tôn vinh Thiên Chúa. Thực ra, trên những ngả đường tôn vinh Thiên Chúa đã và đang xảy ra nhiều bất ngờ.
Bao trường hợp Chúa được tôn vinh, ngoài các nơi thánh, ngoài các thời giờ thánh, ngoài mọi cơ chế, ngoài mọi tính toán. Thiết tưởng những công trình tôn vinh Chúa đẹp nhất, chính là những con người tốt, lương thiện, toả sáng tình yêu phục vụ vị tha. Họ là những người của đời thường, luôn phấn đấu với chính mình để có lòng từ nhân, biết làm việc từ thiện một cách quảng đại và khiêm tốn, biết từ bỏ chính mình để sống cho kẻ khác. Họ đi vào Nước Trời bằng những bước đi nhẹ nhàng, khiêm tốn. Bước đi nhỏ thôi, nhưng mang vẻ đẹp của tình yêu và niềm tin. Họ là những bài ca nhỏ tôn vinh Thiên Chúa. Họ là những bản tin nhỏ về phục sinh trong thời sự hôm nay. Họ phản ánh phần nào tình yêu Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
---------------------------
+ĐGM GB. BÙI TUẦN
No comments:
Post a Comment