Nguồn gốc và Ý nghĩa
từ “Linh Mục”?
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
----------------------------------------------------
Năm 2009, Đức Thánh Cha
Bênêdictô XVI đã công bố Năm Linh Mục, để kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của cha
thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các linh mục, bắt đầu từ ngày lễ kính Thánh
Tâm Chúa Giêsu 19/06/2009 đến 19/06/2010. Năm nay, Đức Giáo Tông cũng mời các
linh mục về Vatican để tham dự lễ bế mạc Năm
Thánh. Linh mục trở thành tâm điểm chú ý của Hội Thánh, nên chúng tôi thử tìm
hiểu về thuật từ linh mục.
1.
Nguồn gốc.
Tại Việt Nam, ban đầu
các linh mục được gọi là thầy, thầy cả, cũng có nơi dùng những danh xưng
như: sacêđotê (gốc Tây Ban Nha: sacerdote), phatêrê (gốc Latin: frater), cụ, ông cụ, (cụ chính, cụ tuỳ), pe (gốc Pháp: père), cố, cố đạo, đạo trưởng, thầy đạc đức. Cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện danh xưng “cha” dịch từ chữ père, đồng thời xuất hiện từ “linh mục” dịch từ chữ prêtre bên tiếng Pháp và sau này
cũng dùng để dịch hai từ sacerdos và presbyter trong tiếng Latin. Nhưng thực ra
hai thuật từ Latin này không hoàn toàn đồng nghĩa:
Sacerdos (sacer: thánh + dare: dâng hiến): tư
tế, người dâng hy tế thánh. Các dịch giả của Tân Ước đã dùng từ này để dịch
từ hiereus trong tiếng Hy Lạp, cả hai thuật từ
này đều có mang ý nghĩa hiến tế, dâng cúng lễ vật. Nó chỉ các tư tế, những
người liên hệ trực tiếp tới hy lễ và đền thờ. Hầu như trong mọi tôn giáo đều có
giới tư tế này. Vào thời Chúa Giêsu, giới tư tế bao gồm vị thượng tế, các tư tế
và nhiều chức sắc khác (con cái cháu chắt của chi tộc Lêvi). Chức năng chung
của các tư tế chính là trung gian, là nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người.
Đây cũng là tư tưởng để hiểu chức năng tư tế tối cao của Chúa Giêsu, và với một
hình thức mở rộng là chức năng của các “linh mục” trong Giáo Hội ngày nay, mà
trước kia chúng ta gọi rất đúng là “thầy cả”.