Friday, May 16, 2014

NĂM ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ ĐỨC GIÊSU
Bài viết riêng cho CNN của Lm. James Martin, Dòng Tên, Tổng Biên Tập tạp chí America,tác giả tác phẩm "Đức Giêsu là một cuộc hành hương" (Jesus: A Pilgrimage) nhân mùa Phục Sinh 2014.
Mỗi khi đến mùa Phục Sinh là Đức Giêsu lại được nhắc đến rất nhiều kể cả theo lối tiêu cực do một số người mang nhiều thành kiến là Người chưa bao giờ thực sự hiện hữu. Hầu hết những gì chúng ta biết về Người thì đã được biết đến trong 2.000 năm qua. Nhưng nhờ có những tiến bộ trong sử liệu và ngành khảo cổ, các Kitô hữu nhiệt thành vẫn có những khám phá đầy kinh ngạc và mới mẻ về cuộc đời và thời đại của Người.
Đây là 5 điều có lẽ bạn chưa biết về Người:
1. Đức Giêsu xuất thân từ một làng quê hẻo lánh
Hầu hết các nhà khảo cổ bây giờ đồng ý rằng Nazareth chỉ có từ 200 đến 400 nhân khẩu. Toàn bộ Cựu Ước và sách Talmud không hề nhắc đến Nazareth. Còn trong Tân Ước nó thường được nhắc đến với một sự châm biếm, Tin Mừng theo Thánh Gioan kể rằng khi Nathanael nghe về một Đấng Messiah có tên là “Giêsu Nazareth”, ông đã hoài nghi ngay: “Ở Nazareth thì làm sao có gì hay ho ?”
2. Đức Giêsu không biết tất cả mọi sự
Đây là một nan đề gai góc của thần học. Nếu Người mang thần tính thì Người phải am tường tất cả. Thật vậy, trong nhiều dịp Người đã tiên báo về cái chết và sự trỗi dậy của mình. Tin Mừng theo Thánh Máccô ghi lại thoạt tiên Đức Giêsu thẳng thừng từ chối chữa bệnh theo yêu cầu của một phụ nữ không phải Do Thái: “Không thể lấy bánh của con cái mà ném cho chó được.” Nhưng khi chị ta trả lời rằng chó cũng được ăn mảnh vụn rớt xuống gầm bàn thì Người đã kinh ngạc và chữa lành cho đứa con gái của chị ta. Dường như Người nhận ra sứ vụ của mình không dừng ở nơi người Do Thái.
3. Đức Giêsu đã sống đời dầm mưa giãi nắng
Từ năm 12 đến 30 tuổi, Đức Giêsu làm công việc của một người thợ mộc tại Nazareth. Khi Người bắt đầu rao giảng dân chúng đã ngỡ ngàng: “Đây có phải là anh thợ mộc không ?” Nghề nghiệp của Người theo nguyên gốc Hy Lạp là tekton. Xưa nay vẫn quen dịch là thợ mộc. Nhưng hầu hết các học giả bây giờ đều cho rằng đó là một thứ tạp vụ, một số còn dịch là “người làm công nhật”. Một tekton có thể làm cửa, bàn ghế, giá đèn, lưỡi cầy. Nhưng có lẽ người cũng còn xây tường gạch hay phụ giúp vào việc xây nhà ( thợ hồ – Người thường đưa vào dụ ngôn những vật liệu này ). Đó là một nghề nghiệp cơ cực, phải kéo lê dụng cụ, các thanh gỗ và tảng đá trên toàn miền Galilê.
Đức Giêsu đâu có phải là loại người nổi đình nổi đám, nhảy vào hí trường thế giới sau một cuộc đời nhàn hạ của một bác phó mộc chỉ sống thoải mái tại nhà, hàng ngày chỉ ngắm nghía và trau truốt một vài thanh gỗ đâu. Trong 18 năm, Người đã làm việc cật lực và nặng nề. ( Thánh Luca đã nói về giai đoạn này một cách vắn gọn: "Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Có lẽ ta cần hiểu rằng Người đã chấp nhận gia cảnh nghèo hèn của cha mẹ, tức là từ khi còn rất trẻ Người đã phải làm lụng quần quật để mưu sinh ).
4. Đức Giêsu cần đến thời gian riêng
Tin Mừng thường nói về nhu cầu của Đức Giêsu tách khỏi đám đông và ngay cả các môn đệ nữa. Nếu có dịp đến thăm khu vực biển Galilê nơi Đức Giêsu thực hiện hầu hết các sứ vụ của Người, các bạn sẽ thấy các thị xã nằm rất san sát nhau. Tìm được một khoảng trống riêng cho mình là điều rất khó. Tại đó vẫn còn một cái hang nằm trên bờ biển gần với Capharnaum, khu vực tập trung các hoạt động của Người. Có lẽ Người đã thường đến đó để cầu nguyện. Hang đó có tên Eremos, nghĩa là hẻo lánh hay cô tịnh, từ đó phát xuất ra từ ẩn sĩ.
Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn cần có thời gian sống một mình để cầu nguyện với Cha của Người.
5. Đức Giêsu không muốn chết
Khi gần đến cuộc thương khó, Người đã xin “cất chén này đi”. Đó là một lời cầu nguyện thống thiết với Cha mà Người gọi một cách trìu mến là Abba. Rõ ràng Người không muốn chết. Một số Kitô Hữu cho rằng Đức Giêsu yêu mến và mong chờ cái chết. Nhưng như tất cả mọi người khác, cái chết là một nỗi kinh hoàng đối với Người. Tâm hồn Thầy buồn đến chết được ( Mt 26, 38 ). Buồn đến chết tức là buồn ghê gớm vì không có gì ghê gớm bằng cái chết. Nhưng khi Người nhận ra đó là ý muốn của Cha thì Người bằng lòng đón nhận cái chết, ngay cả một cái chết trên thập giá.
Người ta thường nói về những khát vọng của họ khi xuyên tạc cuộc đời của Đức Giêsu. Nào là Người lấy Maria Mácđala làm vợ, sinh ra nhiều đứa con, ngao du qua Ấn Độ…
Chung cuộc lại Đức Giêsu không bao giờ là một vấn nạn lịch sử để người ta tìm hiểu, nhưng Người luôn luôn là một huyền nhiệm mời gọi mọi người đào sâu.
-----------------------------------
Lm. JAMES MARTIN, Dòng Tên,


No comments:

Post a Comment