Sunday, May 4, 2014

Khiêm-Nhường và Kiêu-Ngạo

Trong tiếng Việt, có một sự trùng hợp thú vị giữa hai tánh hoàn toàn đối lập: Khiêm Nhường và Kiêu Ngạo đều viết tắt là K.N. Ai ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, nhưng đào luyện được tánh khiêm cho chính mình không phải dễ, vì kiêu căng hình như là bản tánh của loài người. Tác giả truyện “Tây Du Ký” muốn nêu lên tâm lý con người giống con khỉ Tôn Ngộ Không trước khi bị bắt phục là muốn bằng trời (nên tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh). Thánh Kinh cho biết con người tuy là con cái của Thượng Đế mà lại học đòi nết xấu của Satan. Theo sách Isaia (14,12-15), Satan chính là thiên sứ Lucifer phản nghịch muốn dành quyền tể trị của Đức Chúa Trời, đã cám dỗ bà Êva ăn trái cấm mà phạm tội bất tuân.

Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào. (Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã (Cn 6,18). Câu này là một câu Kinh Thánh gốc mà nhiều tín hữu Tin Lành học thuộc. Bản dịch Anh ngữ theo New KJV là: Pride goes before destruction, and a haughty spirit before a fall. Bàn về chữ “Pride” trong câu tiếng Anh này thì chúng ta có thể bối rối. “Pride” có 2 nghĩa khác nhau: một nghĩa nói lên niềm tự hào, hãnh diện, tánh tự trọng thì không có gì đáng trách; nghĩa thứ hai là tự thị, tự cao, tự đại, kiêu ngạo là tánh xấu. Các nhà tâm lý học cho rằng trẻ con không được thúc đẩy bằng “pride” sẽ dễ trở nên yếu đuối, nhu nhược, sẽ có “low self-esteem” nghĩa là thiếu tự trọng thì sẽ không làm nên việc gì. Vậy vấn đề ở đây là tìm sự quân bình: “pride” vừa phải, đúng mức là tự trọng, là tốt; nhưng để đi tới quá mức thành kiêu căng, hợm hĩnh là đáng ghét. Vì vậy dịch chữ “pride” và hình dung từ của nó “proud” phải cẩn thận vì tùy ý trong câu, còn chưa rõ nghĩa cứ dịch là tự hào (tự hào có thể tốt hay xấu tuỳ câu văn.)

Kiêu ngạo giả: có những người có vẻ khinh thế, ngạo vật mà thật sự họ không kiêu căng. Những người này ban đầu tánh rất tốt, nhưng bị lừa gạt, nên mất lòng tin mà tỏ ra bất cần. Họ đáng thương hơn đáng trách. Điền Tử Phương trong câu chuyện “Khinh Người” trong số báo này là điển hình. Khiêm Nhường giả: lại có những người bên ngoài rất khiêm tốn, nhưng bên trong lại kiêu ngạo ngầm.

Đây là điều không hay mà ai trong chúng ta cũng có thể mắc. Chúng ta có thể tự thị, khoe khoang tánh khiêm nhường của mình nữa!

Chúng ta thử tìm hiểu Khiêm Nhường và Kiêu Ngạo qua Kinh Dịch và Kinh Thánh: Kinh Dịch, quyển sách cơ bản của đạo học Đông phương, rất chú trọng đến đức Khiêm () Quẻ thứ 15 trong Kinh Dịch là Địa Sơn Khiêm, nghĩa là núi tuy cao nhưng chịu nhún nhường nằm dưới đất, hoặc nói cách khác đất tuy thấp nhưng trong lòng lại có chứa núi, có ý nói về người có bản lãnh nhưng cư xử ôn nhu, khiêm tốn. Trong quẻ chứa những câu dạy dỗ rất hay về đức Khiêm. Xin trích một đoạn trong tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê:

Kinh Dịch, đạo của người quân tử: Khiêm là đạo của trời, đất và người. Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở duới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm: 天道虧 盈而益謙). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người, thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm: 人道惡盈而好謙).
Trong Địa Sơn Khiêm, chúng ta còn được nhắc dù gặp hoàn cảnh khó khăn cách mấy như vượt sông lớn, cứ cố giữ đức khiêm nhường rồi kết quả vẫn tốt: khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát (謙謙君子用涉大川吉).
Khiêm nhường là coi trọng người khác, thấy ở bất cứ người nào cũng có những điều chúng ta có thể học hỏi được; biết nhìn nhận khuyết điểm hay lỗi lầm của mình. Khi nghe những lời phê bình về mình mà nóng mặt, hay sôi máu là coi chừng mình thiếu sự khiêm nhường.

Đức Chúa Giêsu dạy môn đồ phải khiêm nhường như em bé (Mt 18,3-4.) Chúa Giê-xu kêu các sứ đồ đến mà dạy: “ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người” (Mc 9,35); “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Mt 23,12). Chính Chúa đã đích thân rửa chân cho 12 môn đồ để dạy bài học khiêm nhường trong phục vụ. Khiêm nhường là làm vui lòng Chúa, khiêm nhường sẽ nhận được sự dẫn dắt của Ngài.

Người khiêm nhường sống trong hòa bình. Họ không tranh thắng, không cãi cọ với anh em mình để dành phần phải. Họ không tạo kẻ thù một cách vô ích. Khi biết làm mếch lòng ai, họ sẵn sàng hạ mình xin lỗi. Khi ai làm mếch lòng họ, họ không bận tâm và tha thứ ngay khi người đến xin lỗi. Vì “chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm” (Gc 3,2). Thánh Phao-lô khuyên: “Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ao ước sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng.

Chớ cho mình là khôn ngoan (Rm 12,16). Khi mình đắc ý, đắc chí, khoái tỉ về mình hay những gì liên quan tới mình thì chúng ta thường tâm sự với người khác. Nếu chỉ nói qua một lần như chia sẻ tâm tình thì không có gì đáng trách, nhưng khoe quá lần thứ hai thì dễ thành người “vô duyên”. Ông La Rochefoucauld (1613-1680) ghi trong tác phẩm Maxims: “tự hào về mình thì được, nhưng khoe cho người khác là lố bịch” (It is as proper to have pride in oneself as it is ridiculous to show it to others). Hãy nhớ lời dạy của người cha trong KinhThánh: “Hãy để cho kẻ khác khen ngợi con, miệng con chẳng nên làm; Để cho người ngoài tán mỹ con, môi con đừng làm” (Cn 27,2).

Câu tục ngữ Việt “Mèo khen mèo dài đuôi” hay câu ngạn ngữ của Hòa Lan: “Con khỉ càng leo cao thì càng hở mông” (When apes climb high, they show their naked rumps) ngụ ý chê người hay khoe mình, tự cao tự đại.

Khoe khoang là kiêu ngạo. Thánh Kinh cho rằng con người không có một cơ sở nào để hợm mình, khoe khoang về những gì mình có, hay những gì mình thực hiện được; vì tất cả là quà Thượng Đế ban cho. Trong một bức thư gửi cho Hội Thánh Côrinhtô, thánh Phaolô nhắc: “Ai bảo là anh chị em hơn người khác? Có gì anh chị em có mà không phải là quà tặng đâu? Và nếu là quà tặng thì tại sao anh chị em tự hào như thể quà đó do tay mình làm ra?” (1Cr 4,7).

Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình hay hơn, khôn hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. Đức Chúa Trời quở trách những người này: “Bọn kiêu căng, Chúa tởm kinh, căm ghét” (Cn 16,5);

Kiêu ngạo là tự dối mình: “Nếu người nào tưởng mình quan trọng lắm, mà thật ra chẳng là gì cả, thì người ấy đã tự lừa dối lấy mình” (Gl 6,3).

Hiền triết Đông Phương nhấn mạnh “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (滿招損, 謙受益) có nghĩa là “tự mãn, kiêu ngạo sẽ mời gọi sự tổn hại, còn khiêm tốn thì nhận được lợi ích.” Thánh Kinh cũng phân biệt rõ: “Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống; nhưng ai có lòng khiêm nhượng sẽ được tôn vinh” (Cn 29,23). Chúng ta cũng cần có sự quân bình trong đời sống tinh thần về mặt này: có tinh thần tự trọng, tự hào mà không kiêu căng, có mỹ đức khiêm nhường mà không tự ti, nhút nhát.
-------------------------------
NSM

No comments:

Post a Comment