Monday, May 12, 2014

Có luyện ngục và "lâm-bô" như Giáo hội Công giáo quan niệm?

Giáo hội Công giáo quan niệm rằng sau khi chết ai còn mắc các tội nhẹ, thì phải đến ở trong luyện ngục, bị lửa thiêu trong một thời gian không ai biết được. Vì thế những người còn sống phải xin lễ mi-sa cho họ, để họ chóng lên thiên đàng. Nhưng Kinh thánh không dạy một điều nào như thế cả!? Kinh thánh cũng không nói gì tới ngục "lâm-bô" dành cho các trẻ em!



A. LUYỆN NGỤC: TÌNH TRẠNG THANH LUYỆN

Trong Kinh thánh "luyện ngục" không được nhắc tới một cách đích danh, cũng như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi vậy. Tuy nhiên đạo lý về luyện ngục cũng dựa trên Kinh thánh, không phải trên một hai câu rời rạc, nhưng trên một cái nhìn toàn diện về Thiên Chúa với ý định cứu độ của Người và về tình trạng yếu đuối của con người. Các yếu tố cơ bản trong cái nhìn toàn diện ấy có thể được tóm tắt như sau: 
a. Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, vô cùng trong trắng, không thể chấp nhận điều gì là ô uế. Khi miêu tả thành Giê-ru-sa-lem mới, tác giả sách Khải huyền đã viết như sau:
"Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ trường sinh của Con Chiên mới được vào" (Kh 21,27).
b. Tuy nhiên Thiên Chúa cũng là Đấng vô cùng nhân hậu. Vì thế Người luôn ban cho con cái Người có đủ thời gian để thanh luyện bản thân, để họ xứng đáng đón nhận hạnh phúc hưởng kiến thánh nhan Người.
Khi một người đã tin vào Thiên Chúa là Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại, thì trên nguyên tắc người ấy sẽ được cứu độ, theo lời khẳng định của tông đồ Phaolô: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10,9).
Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày người ấy có thể chưa sống trọn vẹn điều răn đức Mến. Các tín hữu ở Cô-rin-tô, những người đã đón nhận Tin Mừng mà thánh Phaolô rao giảng, cũng chưa đạt tới sự hoàn hảo mà thánh Tông đồ ao ước: họ còn chia rẽ nhau thành nhiều phe phái (1 Cr 1,11-12), còn gây gương xấu (5,1-2), còn kiện tụng nhau trước toà án ngoại giáo (6,1), còn khinh dể nhau trong buổi cử hành tiệc thánh ( 11,17.22).
Chẳng lẽ sau khi chết, những tín hữu còn bất toàn ấy đều bị kể là địch thù của Thiên Chúa và phải xuống địa ngục cả sao?
Bởi thế cần có một thời gian thanh luyện. Thời gian ấy dài hay ngắn, điều đó tuỳ thuộc vào tình trạng của từng người. Sự thanh luyện ấy bao gồm một sự đau khổ nào đó. Thánh Phaolô nói về ngày phán xét như sau:
"Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa" (1 Cr 3,14-15).
Thánh Tông đồ phân biệt hai lớp người: một lớp thì được thưởng ngay lập tức, còn lớp kia thì "được cứu như thể băng qua lửa".
Ta đừng hiểu "lửa" ở đây theo nghĩa vật chất, nhưng là một hình ảnh của văn-thể khải huyền mà tác giả dùng để nói lên ý nghĩa thanh luyện. Chính  lửa tình yêu của Thiên Chúa sẽ "thiêu đốt" các vết nhơ của con người.
Như vậy "luyện ngục" không phải là một nơi chốn trong không gian, một cảnh ngục tù như người bình dân thường quan niệm, nhưng là một tình trạng. Luyện ngục cũng không phải là một hình phạthay một sự trả thù của Thiên Chúa với những ngọn lửa rùng rợn, nhưng là một sự nhận thức rõ ràng của con người về cuộc sống lạnh nhạt của mình trước kia khi đối diện với tình yêu nồng nhiệt của Thiên Chúa. Ta phải nhìn nhận rằng nhiều bài hát trong các giáo xứ còn phản ánh một quan niệm về "luyện ngục" (!) chưa chính xác về thần học.
c. Việc các tín hữu được tham dự vào sự Sống lại của Đức Giêsu là một quá trình biến đổi tiệm tiến gồm nhiều giai đoạn, giai đoạn cuối cùng là tất cả mọi người công chính sẽ được sống lại, trong linh hồn và trong thể xác, vào ngày tận thế, theo lời dạy của thánh Phaolô:
"Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung" (1 Tx 4,14-17).
Vì ngày ấy chưa xảy đến, nên hiện thời ngay cả các thánh "trên thiên đàng" cũng đang chờ đợi ngày ấy, ngày mà thân xác cũng sẽ được cứu chuộc (x. Rm 8,23).
Trong viễn cảnh mà mọi người đang phải chờ đợi ấy (kể cả các thánh), nếu có một thời gian mà các linh hồn chưa hoàn toàn trong trắng phải chờ đợi trong "luyện ngục", thì cũng đâu có gì lạ lùng?
d. Việc các tín hữu cầu nguyện cho những người đã qua đời là một tập tục đã có từ lâu đời trong Cựu Ước. Sách Ma-ca-bê đã nói tới việc ông Giu-đa "xin dâng của lễ cho những người chết, để họ được giải thoát khỏi các tội lỗi" (2 Mcb 12,46). Trong Tân Ước, thánh Phaolô đã dạy rằng Giáo hội là "thân mình" của Đức Kitô (1 Cr 12,12-30). Và Giáo hội gồm chẳng những các tín hữu trên trần gian, mà còn các thánh trên thiên đàng và các linh hồn trong tình trạng thanh luyện. Việc các tín hữu tưởng nhớ tới các thánh, hay các linh hồn trong "luyện ngục" biểu lộ cách cụ thể "sự hiệp thông giữa các thánh" mà Kinh Tin Kính đã nêu ra: "Tôi tin các thánh thông công".
Chúng ta cũng cần lưu ý là lời cầu nguyện của các tín hữu cho những người đã qua đời đặt nền tảng trên vai trò trung gian của Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh. Không có sự trung gian của Đức Giêsu, Đấng liên kết chúng ta với các thành phần khác của Nhiệm- thể, chúng ta không thể tiếp xúc với những người thuộc thế giới bên kia, như người bình dân tưởng tượng. Chính vì lý do đó mà sự tưởng nhớ tới các thánh và các linh hồn trong thời thanh luyện được thực hiện chủ yếu trong thánh lễ là nơi mà Giáo hội cử hành sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. 

B. NGỤC "LÂM BÔ"

Về "lâm-bô" (phiên âm từ tiếng la-tinh limbus), Giáo hội chưa nêu ra một định nghĩa thần học gì cả. Vì thế, từ trước tới giờ người ta vẫn nghĩ rằng các em nhỏ phải chết khi chưa được chịu phép Thánh Tẩy, thì phải ở trong "lâm bô": chỗ ấy không phải là chốn cực hình, vì các em không phạm một tội riêng nào cả; nhưng các em cũng không được hưởng thánh nhan Thiên Chúa, vì các em chưa được thanh-tẩy; các em chỉ được hưởng một thứ hạnh phúc tự nhiên.
Hiện thời các nhà thần học, theo lời mời gọi của Đức thánh cha Bê-nê-đic-tô XVI, đang suy nghĩ về vấn đề này. Ta có thể nói suy tư ấy được diễn ra trên hai khẳng định cơ bản:
- Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người đều được cứu độ và Đức Giêsu đã chết cho tất cả mọi người. Thiên Chúa  không muốn loại trừ bất kỳ ai, nhất là những kẻ yếu hèn và những kẻ chưa biết sử dụng lý trí và tự do;
- Trước khi nói đến các Bí tích, thì phải hiểu chính Giáo hội là Bí tích cứu độ cho tất cả mọi người (theo lời dạy của Công đồng Vaticanô II). Giáo hội được Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ mang ơn cứu độ (chứ không chỉ rao giảng mà thôi) đến cho mọi người.
Vì thế sự cần thiết của  các Bí tích (trong trường hợp đây là Bí tích Thánh tẩy) phải được suy nghĩ trong một bối cảnh rộng rãi hơn là bối cảnh mà các thần học gia thời Trung-cổ nêu ra.
-------------
Norberto
http://www.ofmvn.org

No comments:

Post a Comment