Wednesday, November 6, 2013

SỐNG CHO CHÚA

“Chúng ta sống là sống cho Chúa” (Rm 14,8)

Chúng ta đã đi đến phần cuối cùng của thư Rôma. Bài này cũng là bài kết thúc một loạt các đề tài suy niệm rút ra từ lá thư quan trọng này của Phaolô. Vì những bài trên khai triển đã khá dài, nên bài này xin được vắn tắt hơn.

 Trong phần cuối thư Rôma, Phaolô viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.Vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9).


Theo văn mạch, thánh Tông đồ đang đưa ra những lời khuyên thực tế về một vấn đề đặc biệt, liên hệ đến nố lương tâm về kiêng cữ trong ăn uống. Đột nhiên, ngài đổi giọng, nói lên những lời lẽ khác hẳn, những lời lẽ trịnh trọng, làm chúng ta liên tưởng đến một loại tuyên tín khi chịu phép Rửa Tội, hoặc như một thánh thi ca ngợi Đức Kitô, ứng khẩu đột xuất. Những lời này vượt quá vấn đề bình thường của cộng đồng tín hữu Rôma, mang một ý nghĩa phổ quát, bao trùm tất cả đời sống kitô giáo.

Nếu ta nhớ thì, ngay từ đầu lá thư, ta đã có thể thấy: trong khi ta còn đang đắm chìm trong bóng tối tội lỗi, sống dưới cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, không được hưởng vinh quang của Ngài, vì chúng ta sống cho mình, thì giờ đây, Phaolô cầm tay chúng ta, dẫn ta đi tới tình huống mới, đi vào con đường mới, là không còn sống cho mình nữa, nhưng là sống cho Thiên Chúa.

“Sống cho Chúa” thâu tóm tất cả cuộc đời người kitô hữu chúng ta, là mục tiêu mà mỗi người phải phấn đấu đạt tới trong cuộc lữ hành trần gian này. Chúng ta cùng nhau suy niệm về ý tưởng ấy.

1. Sống cho mình và sống cho Chúa

Sống cho mình là sống như người có nguyên lý riêng để sống, có mục tiêu riêng để sống. Đó là sống tự mình, sống vì mình. Điều này có nghĩa là sống khép kín, giới hạn cho mình mà thôi, chỉ hướng tới việc làm thoả mãn các nhu cầu riêng, hướng tới vinh quang của mình, không có một ý hướng nào về vĩnh cửu hoặc không nhằm tới vĩnh cửu.

Còn sống cho Chúa là sống bởi Chúa, sống bằng sự sống phát xuất từ Chúa, sống bằng Thần Khí của Ngài. Sống cho Chúa là sống vì Ngài, vì vinh quang của Ngài. Hoàn toàn ngược lại với cách sống cho mình. Nguyên lý chủ yếu được thay thế: nguyên lý không phải là tôi, nhưng là Thiên Chúa. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Không còn coi mình là trung tâm. Trung tâm giờ đây là Chúa. Ta đặt Ngài làm trung tâm đời mình.

Nói theo ngôn ngữ của khoa học, có thể coi đây là một cuộc cách mạng Kopernik, được thực hiện trong tiểu vũ trụ là con người. Nói thế vì có cuộc cách mạng Kopernik trong đại vũ trụ. Chắc chúng ta đều biết: dựa theo hệ thống thiên văn cũ của Ptolémée người Ai Cập, người ta tưởng là trái đất đứng yên và là tâm của vũ trụ, còn mặt trời là hành tinh xoay quanh trái đất, soi sáng và sưởi ấm cho nó (thuyết địa tâm). Nhưng với Kopernik, nhà thiên văn và tu sĩ người Ba Lan ở thế kỷ 15-16, khoa học đã cho thấy ngược lại: trong thái dương hệ, chính mặt trời là trung tâm, đứng yên, còn trái đất cũng như các hành tinh khác xoay quanh nó (thuyết nhật tâm) (Thực ra, Kopernik dựa vào toán học để đưa ra quan niệm trên như một giả thuyết, và chỉ đưa ra vào lúc cuối đời, vì sợ bị gán tội lạc giáo. Còn Galileo Galilei gần một thế kỷ sau, dựa vào kính thiên văn để quả quyết. Do vậy mà có vụ án nổi tiếng trong lịch sử, lâu lâu vẫn được nhắc lại).

Nơi tiểu vũ trụ là con người chúng ta cũng có một cuộc cách mạng tương tự, theo nghĩa là chúng ta phải loại bỏ hệ thống cũ, để chấp nhận hệ thống mới. Hệ thống cũ là “cái tôi”,  muốn coi mình là trung tâm như trái đất, tự mình ban bố luật lệ, muốn chỉ định chỗ đứng của mọi sự sao cho đáp ứng với sở thích của mình (ngã tâm?). Điều gì làm hài lòng mình, hoặc làm hài lòng những người có cảm tình với mình, thì có chỗ đứng gần gũi với mình. Ngược lại, điều gì hay người nào mình không thích, thì được đặt ở xa, hoặc chống lại.

Nhưng trong hệ thống mới mà ta phải chấp nhận, Đức Kitô như Mặt trời công chính, là trung tâm và ngự trị trên muôn loài muôn vật (Kitô trung tâm). Cái tôi phải khiêm tốn hướng về Ngài, chiêm ngắm Ngài, phục vụ Ngài, nhận nơi Ngài Thần Khí ban sự sống, như trái đất nhận từ mặt trời ánh sáng làm cho muôn vật được sống.

Một khi chấp nhận hệ thống mới này, chúng ta thực sự có sự sống mới. Trước sự sống mới này, ngay cả sự chết cũng mất đi quyền lực vốn được coi là vô song của nó. Trước đây, mọi sinh vật đều phải chào thua sự chết. Không một ai làm được gì trước cái chết. Chết là hết, như người ta vẫn nói. Nay không còn như vậy nữa, vì “Sự Sống đã chiến thắng Thần Chết, Thập giá đã chiến thắng Địa ngục”.

Mâu thuẫn lớn nhất mà con người xưa nay đều nghiệm thấy, là mâu thuẫn giữa sự sống và sự chết, thì nay mâu thuẫn này đã bị vượt qua. Giờ đây, đối với ta, mâu thuẫn lớn nhất, triệt để nhất, không còn phải là giữa sự sống và sự chết, nhưng là giữa sống cho mình và sống cho Chúa. Từ nay, sống cho mình là chết thực, còn sống cho Chúa là sống thực.

Đối với những ai tin, thì sự sống và sự chết chỉ là hai giai đoạn, hai cách thức khác nhau sống cho Chúa và với Chúa. Giai đoạn thứ nhất là sống cuộc đời trần gian, trong đức tin và đức cậy, giống như của đầu mùa, được coi là giai đoạn khởi đầu. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ sau cái chết của mình, mới là giai đoạn chiếm hữu trọn vẹn và vĩnh viễn.

Cho nên, cũng thánh Phaolô đã nói: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự sống hay sự chết… không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,13). Hiểu theo nghĩa trên đây, thì ngay cả cái chết cũng có thể là một mối lợi, vì cho phép ta được sống với Đức Kitô mãi mãi (Pl 1,21tt).

2. Lý do sống cho Chúa

Không phải Phaolô chỉ do phấn khởi nhất thời mà thốt ra những lời trên. Đàng sau nhưng lời đó là cả một lập luận chặt chẽ. Chúng có lý do hẳn hoi.

* Trước hết là lý do công bình. Phaolô nói rằng chúng ta thuộc về Chúa và “Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa” (Rm 14,9), tức là để cứu ta, để thiết lập vương quốc của Ngài nơi ta. Vì chúng ta thuộc về Chúa, nên chúng ta hãy sống cho Chúa. Vế trước của câu tóm lược giáo lý, lời loan báo Tin Mừng. Vế sau tóm lược lời khuyến thiện, lời khuyên thực hành và sống điều tốt.

Cứ như ngững lời trên của Phaolô, thì lý do khiến ta phải sống cho Chúa chính vì ta là người của Ngài, thuộc về Ngài. Irênê nói: “Ngài đã ban thân xác của Ngài để đổi lấy thân xác của ta, ban linh hồn của Ngài để đổi lấy linh hồn của ta”. Đức Kitô đã cứu chuộc ta hoàn toàn. Không ai có thể mua thân xác người nào mà đồng thời mua được cả ý muốn của người đó. Ngay cả khi mua một người nô lệ, như trong xã hội thời xưa, người nô lệ này vẫn có ý muốn tự do. Với Đức Kitô thì không như thế. Không chỉ thân xác ta, mà cả ý muốn của ta cũng thuộc về Ngài. Đây mới là điều chính. Vì vậy, khi nào ta sử dụng ý muốn để phục vụ cho riêng ta, không phục vụ cho chủ nhân hợp pháp của nó là Chúa, ta làm điều bất công thực sự cho Chúa.

* Ngoài lý do công bình, còn có lý do khác: lý do tình yêu. Phaolô viết: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người… Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14tt).

Vậy ngoài quyền lợi của Chúa, tình yêu của Ngài cũng thôi thúc ta quyết định sống cho Ngài. Chúa đã yêu ta và đã trao nộp mình vì ta (Ep 5,12). Ngài yêu ta khi ta còn là tội nhân, khi ta còn thù nghịch với Ngài (Rm 5,6.10). Cách riêng, Ngài yêu thương từng người, như Phaolô nói: “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Cho dù chỉ có mình tôi ở thế gian này để cứu, thì Ngài cũng sẵn lòng chịu chết.

Tình yêu của Đức Kitô thì vô biên, vì là tình yêu của Thiên Chúa. Vô biên thì không thể phân chia. Vì vậy, về phía Ngài, Ngài yêu cả nhân loại thế nào, thì cũng yêu từng người thể ấy. Cũng như trong Thánh Thể, thân xác Chúa hiện diện hoàn toàn nơi mỗi hình bánh trong vô số hình bánh mà Giáo Hội truyền phép, cũng vậy, tình yêu của Chúa hiện diện đầy đủ nơi mỗi người được Ngài cứu chuộc.

Chúa nói cho từng người chúng ta thế này: “Trước mặt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Quả thật, tình yêu của Đức Kitô thôi thúc ta, bao trùm trên ta, đổ tràn vào lòng ta.

Ngày xưa, khi một ông chủ mua một người nô lệ, thì không phải vì mến nó, không phải vì muốn điều tốt cho nó, nhưng là vì yêu mình, để được nó phục vụ, để nó làm việc cho mình. Nhưng với Đức Giêsu là Chúa, tất cả đều ngược lại. Một Giáo phụ hy lạp viết thế này: “Ở đây, mọi sự đã được làm vì vinh quang của các tôi tớ. Chúa đã không cứu chuộc để kiếm chút lợi lộc nào từ những con người được cứu chuộc, nhưng để thiện ích của Ngài trở thành thiện ích của họ, để chủ nhân và các công việc của chủ nhân là một mối lợi cho các tôi tớ, để người được mua hoàn toàn chiếm hữu người mua. Các tôi tớ của Đức Kitô chiếm hữu Ngài, thừa tự những thiện ích của Ngài” (Cabasilas).

3. Hoa quả của một đời sống cho Chúa

Hoa quả chính yếu là niềm vui. Người nào chỉ biết sống cho mình, thì để nuôi dưỡng niềm vui của mình, người đó chỉ có một đối tượng để vui mà thôi. Đối tượng này là chính mình. Giới hạn, nghèo nàn biết bao! Mong manh biết bao! Dễ đi đến chỗ buồn chán biết bao! Còn ai sống cho Chúa, người đó có một đối tượng và một lý do vô biên, thần linh, luôn mới mẻ, để làm cho mình vui. Điều này, chính Chúa đã quả quyết: “Các điều ấy, Thày đã nói với anh em, để niềm vui của Thày ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11).

Cũng Giáo phụ hy lạp vừa nói trên đã viết: “Nếu nhờ một phép mầu nào mà người ta có thể thoát khỏi thân xác mình, để mặc lấy một thân xác khác đẹp hơn, thì niềm vui sẽ thay đổi, và sẽ càng lớn hơn khi thân xác mới này càng tốt hơn thân xác trước. Nhưng vấn đề không chỉ là thoát khỏi thân xác, mà là thoát khỏi chính chúng ta, để đón nhận Thiên Chúa; giờ đây chính là Thiên Chúa chiếm chỗ của thân xác và linh hồn ta, thì niềm vui này cũng phải vượt quá mọi niềm vui nhân loại, và trở thành niềm vui đáp ứng với mối phúc của Thiên Chúa”.

Niềm vui có được do biết sống cho Chúa sẽ làm ta đi tới chỗ mà Phaolô gọi là tự hào: “Chúng ta tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5,2). Niềm tự hào hay vinh dự này là một yếu tố bảo đảm làm ta vui, làm cho người được cứu chuộc sống trên một bình diện khác hẳn. Người sống trên bình diện tự nhiên, hoặc người không có đức tin, không thể biết được bình diện này. Vì sao? Vì niềm vui có là do hy vọng sẽ được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, và mọi thứ gian truân không làm nó mất đi. Ngược lại, nó biến chính gian truân thành động lực tự hào, như Phaolô nói: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy” (Rm 5,4). Thánh Tông đồ còn viết: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

4. Sự lựa chọn của ta lúc này

Cuối một cuộc tĩnh tâm hoặc kết thúc một thời gian canh tân đời sống thiêng liêng chẳng hạn, ta phải có một quyết định là lại chọn Đức Giêsu như là Chúa duy nhất của đới ta. Chính ở điểm này mà phép Rửa Tội của chúng ta, có thể nói, được hoàn tất. Nó không còn bị trói buộc nữa.

Theo thần học cổ điển, một bí tích còn bị trói buộc khi nó không làm phát sinh hiệu quả, vì một ngăn trở nào đó. Chẳng hạn người lãnh nhận bí tích Hôn Phối hay Truyền Chúc Thánh mà mắc tội trọng, thì bí tích không thể ban ân sủng (tuy vẫn thành sự nếu đáp ứng những điều kiện pháp lý). Phải dứt ngăn trở bằng sám hối và thú tội, bí tích mới sinh hiệu quả (tức là bí tích được tháo gỡ, không còn bị trói buộc nữa).

Đối với nhiều kitô hữu, phép Rửa Tội còn bị trói buộc, không do một tội nào thật sự cho bằng do thiếu niềm tin cá nhân của người lãnh nhận. Nó giống như một món quà quý giá, gói kỹ, nhưng còn dây buộc, chưa mở ra, do người nhận thờ ơ, quên bẵng…

Trên nguyên tắc, chúng ta đã trở nên phong phú, vì đã được vinh dự làm con cái Thiên Chúa, làm người thừa kế của Đức Kitô, là phần tử của Giáo Hội, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Toàn là những tước hiệu cao quý. Chúng ta được quyền chu toàn mọi thực hành của đời sống kitô giáo. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại không biết điều đó, hoặc có biết nhưng không quan tâm. Do vậy, chúng ta không tận dụng sự phong phú của mình, và sống một cách nghèo nàn. Thế nên phải tháo gỡ cho bí tích Rửa Tội, để một sức mạnh mới có thể phát sinh từ đó, và để các đặc sủng được ban cho ta nhằm “lợi ích chung” (1Cr 12,7), có thể biểu lộ trong đời sống của ta.

* Cách đơn giản nhất bày tỏ quyết định lực chọn của ta là tuyên xưng “Đức Giêsu là Chúa”. Coi vậy mà không dễ đâu. Khó đấy! Vì phải tuyên xưng bằng một cách thức mới, tuyên xưng trong Thần Khí, tuyên xưng mạnh mẽ, như lời Phaolô quả quyết: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa với tất cả lòng tin, tức là hiệp thông cách mầu nhiệm vào sự chết và sự sống lại của Chúa. Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa không chỉ là một lời khẳng định, nhưng nói lên một quyết định: quyết định sống trong vương quyền của Ngài, quyết định một cách tự do. Tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa là công nhận Ngài là Chúa của ta, nhận Ngài là lẽ sống của đới ta, muốn sống cho Ngài chứ không còn sống cho ta nữa. Lời tuyên xưng như vậy có giá trị thật lớn. Đó là những lời Tin Mừng. Đó là bức tường thành vững chắc chống lại quyền lực của Ác thần ở trong ta cũng như ở ngoài ta.

Đọc trong Phúc Âm, ta thấy ma quỷ khi gặp Đức Giêsu thì thét to: Ông là Con Thiên Chúa, Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Nhưng không bao giờ chúng nói: Ông là Chúa. Vì sao vậy? Cũng có lý do. Nói rằng ông là Con Thiên Chúa, tức là nói lên một điều khách quan, thực tế, không tuỳ thuộc vào ma quỷ. Chúng không thể kêu khác được. Còn nếu như chúng nói “Ông là Chúa”, thì vấn đề lại khác hẳn, vì có nghĩa công nhận Ngài là Chúa và đương nhiên luỵ phục Ngài. Quỷ mà tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, sẽ không còn là quỷ nữa, mà trở lại làm các thiên thần!

Bởi vậy, lời tuyên xưng đó làm phân cách hai thế giới: thế giới của Satan và thế giới các thiên thần.

* Chúng ta phải mau mắn quyết định thái độ cho mình. Phaolô cảnh giác: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,11tt). Đêm, chính là cuộc sống hiện tại. Ngày gần đến, chính là “ngày của Chúa”, ngày sẽ ấn định vận mệnh đời đời của ta.

Nhà văn Nga nổi tiếng, Dostoievski, trong cuốn “Anh em nhà Karamazov”, đã mô tả tâm trạng của một tên gian ác vào lúc hắn bị đưa đi xử tử, đại khái như sau: Hắn nghĩ trong lòng: còn một đoạn đường khá xa, rồi còn một đoạn đường thứ hai nữa, cuối đường này mới là đoạn đầu đài. Nghĩ vậy nên hắn vẫn lơ láo, hết nhìn người lại nhìn nhà cửa cây cối hai bên đường, chẳng một chút bận tâm chuẩn bị cho giờ phút cuối. Chỉ tại vì hắn nghĩ đường còn dài, thời gian còn lâu. Thế rồi hắn đến chỗ xử tử lúc nào không hay.

Biết bao lần trong đời, chúng ta cũng có cách suy nghĩ và hành xử như tên gian ác đó: ảo tưởng còn nhiều thời gian để sống. Cho dù nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn tưởng mình còn sống lâu. Đời còn dài mà! Vì nghĩ còn thời giờ, cuộc đời còn dài, nên chẳng lo toan, cứ rong chơi, cứ chia trí, nhìn bên này ngắm bên nọ, như tên tử tội kia.

Lời Chúa cảnh báo chúng ta rằng: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,31). Mọi người đang qua. Mọi vật đang qua. Chúng ta đang qua. Augustinô diễn giải thêm: Chúng ta phải vượt qua khỏi thế giới này, chứ đừng vượt qua cùng với nó. Nhưng vượt qua đời này về với Chúa Cha là một chuyện, còn vượt qua để đến với Satan lại là chuyện khác. Chúng ta vượt qua đời này bằng tâm hồn, trước khi vượt qua bằng thân xác chúng ta. Chúng ta vượt qua để rồi cư ngụ, vì, như lời Sách Thánh nói: “Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó, còn ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,17).

Như đã nói trên, khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã quyết tâm từ bỏ ma quỷ để sống cho Chúa. Đó là điều cơ bản. Sau đó trong cuộc đời, chúng ta có khấn hứa gì khác thì cũng chỉ là làm mới lại ước nguyện cơ bản đó, hoặc làm gia tăng nó, hoặc chuyên biệt hoá nó, chẳng hạn trong các khía cạnh nghèo khó, vâng phục, khiết tịnh của các dòng tu. Cho nên, việc ta xác định lại cuộc đời, quyết tâm sống cho Chúa từ lúc này, cũng là nằm trong ý hướng cơ bản ấy.

Cũng khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã được ban Thần Khí. Nhưng phải thành thật nhận rằng Thần Khí mà chúng ta lãnh nhận, lắm lúc bị chôn vùi nơi ta, như kho tàng quý giá nằm sâu trong thửa ruộng. Thời gian này là thời gian hoạt động của Thánh Thần. Chúng ta hãy biết dựa vào Ngài, để hoa quả của Thánh Thần được phát triển thực sự, làm cho cuộc đời chúng ta trở thành một cuộc đời sống cho Chúa.

Trong tiểu sử chân phước Angela Foligno, một nhà thần bí lớn ở thế kỷ 12, có một sự kiện có thể giúp ta hiểu những điều nói trên đây. Trong một thời gian khá dài, Angela đã từ bỏ thế gian và tội lỗi, để sống một cuộc đời thật khắc khổ. Nhưng một hôm, Angela thấy còn một công việc phải làm, thấy Thiên Chúa chưa thực sự là tất cả cho mình. Vì sao? Linh hồn thì muốn Thiên Chúa, vậy mà nó còn muốn nhiều sự khác nữa. Bởi đấy, Angela cảm thấy như phải thống nhất cả con người của mình, thân xác phải là một với linh hồn, ý muốn phải là một với trí khôn, để chỉ còn một ý muốn mà thôi. Lúc ấy, Angela nghe thấy tiếng Chúa nói tự thâm tâm: “Con muốn gì, Angela?”. Không lưỡng lự, Angela kêu to: “Con muốn Thiên Chúa”. Tiếng ấy tiếp: “Ta sẽ thực hiện ý muốn của con”. Quả thật, Thiên Chúa đã giúp cho ý nguyện của Angela được thực hiện, giúp Angela kiến tạo một cuộc đời thánh thiện, một cuộc đời không ngừng soi sáng cho Giáo Hội và thế giới suốt nhiều thế kỷ qua.

“Con muốn Thiên Chúa”: quả là một lời cao đẹp nhất mà một con người có thể thốt lên.

Con người chúng ta thường bị phân hoá nơi chính mình, với hàng ngàn ý tưởng, ước muốn, dự phóng trong trí. Có thể nói đếm số tóc trên đầu còn dễ hơn biết hết những ý nghĩ trong đầu chúng ta. Ta giống như một cây xum xuê, có chim trời tứ phương đến đậu, líu lo ríu rít. Chỉ cần hô lên một tiếng lớn thôi là chúng sẽ bay đi hết. Tiếng hô ấy là tiếng hô lặp lại tiếng hô của Angela Foligno: “Tôi muốn Thiên Chúa”. Tiếng hô ấy xua đuổi bao nhiêu chuyện trong trí, trả lại cho ta sự thinh lặng và an bình.

Vậy giờ đây, mỗi người hãy nhìn vào đời sống của mình. Trong thâm tâm ta, Chúa cũng gọi tên ta và hỏi: “. . . , con muốn gì?”. Thật phúc cho những ai can đảm, được đầy sức mạnh của Thần Khí, biết lặp lại lời của Angela “Con muốn Thiên Chúa”, để rồi thực sự biết sống cho Chúa.

Lm Micae TRẦN ĐÌNH QUẢNG
(micquang@pmail.vnn.vn)

No comments:

Post a Comment