Saturday, November 2, 2013

ĐỐI THOẠI TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
1. Ý Nghĩa Về Tính Người
Đặc biệt, trong văn hóa Việt Nam, chữ  “Nhân” với nghĩa là “Tính Người.”  Bao gồm chữ “Nhị” và bộ “Nhân đứng”.  Tính người bộc lộ trong quan hệ giữa hai người. 
L. Pheurbach từng viết: “Con người cá thể không chứa bản chất con người ở trong mình…  Bản chất con người chỉ bộc lộ trong giao tiếp, trong thể thống nhất giữa con người với con người.  Con người để cho mình chỉ là con người theo nghĩa thông thường; còn con người trong giao tiếp với đồng loại, trong sự thống nhất giữa Tôi với Anh mới chính là Thượng Đế.”[1]
Đối thoại làm con người trở nên giống Thượng Đế. 

Tính người và tính Thượng Đế được tăng cường, khi tính cộng đồng lại là một trong những đặc trưng văn hóa của Người Việt.  Do tính cộng đồng, người Việt Nam rất thích đối thoại.  Năng lực ăn nói được người Việt xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người:

“Vàng thì thử lửa, thử than; chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.”
2. Nghệ thuật ngôn từ
Và chúng ta đã biết, một trong những công cụ của giao tiếp là ngôn ngữ.  W. Humboldt, nhà văn hóa lớn của nhân dân Đức, từng nói: “Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc.”  Hồn cũng chính là nghệ thuật. 
Nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có ba đặc trưng sau đây:
Một là tính biểu trưng, có tính ước lệ.  Ví dụ: “Nhà em cách bốn quả đồi, cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng.  Nhà em xa cách quá chừng, Em van anh đấy, anh đừng thương em…” (Nguyễn Bính). 
Thứ hai là tính biểu cảm, nhiều thơ hơn văn xuôi.  Theo nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1983-1984: Tây Phương văn xuôi chiếm 78,3%; Việt Nam thơ chiếm 72,6%. 
Sau cùng là tính động, linh hoạt, tuỳ theo ý đồ của người nói mà anh ta có thể diễn đạt, không diễn đạt hay diễn đạt nhiều lần một ý nghĩa ngữ pháp nào đó: Tôi đi Mỹ, Tôi sẽ đi Mỹ, Ngày mai tôi đi Mỹ, ngày mai tôi sẽ đi Mỹ (so sánh: I’ll go to America tomorrow). 
Chính vì linh hoạt như vậy mà tiếng Việt có khả năng diễn đạt khái quát rất cao.  Chẳng hạn, trong khi người Việt có thể nói một câu không thời, không thể, không ngôi, như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: near the ink, you are black; near the light, you will shine.” 
Trong lời nói, người Việt rất thích dùng cấu trúc động từ.  Trong một câu, có bao nhiêu hành động thì có bấy nhiêu động từ; trong khi đó thì các ngôn từ phương Tây có khuynh hướng ngược lại, rất thích dùng danh từ, danh động từ, danh hóa tĩnh từ.  Ví dụ: “Cám ơn anh đã tới chơi: Thank you for your coming.”  Tiếng Việt ưa dùng cấu trúc chủ động khác với Tây Phương, hay dùng bị động.  Ví dụ: “John bị thầy phạt: John was punished by the teacher.”  Cấu trúc bị động thích hợp với lối tư duy khách quan; khác với tư duy chủ quan, chủ động.  Như vậy, trong giao tiếp đối thoại, người Việt thiên về nội dung tĩnh (tâm lý, tình cảm, dẫn đến nghệ thuật thơ ca và phương pháp biểu trưng) bằng hình thức động (cấu trúc độnbg từ, ngữ pháp, ngữ nghĩa linh hoạt). 

  Trong khi đó, người Tây nói riêng và truyền thống văn hóa trọng dương nói chung lại có thiên hướng nói đến những nội dung động (hành động, sự việc, dẫn đến nghệ thuật văn xuôi và phương pháp tả thực) bằng hình thức tĩnh (cấu trúc danh từ, ngữ pháp hình thức chặt chẽ). 
Mới hay, ngôn ngữ thực sự là tấm gương phản chiếu văn hóa dân tộc và tác động của luật âm dương (trong âm có dương, trong dương có âm; âm sinh dương, dương sinh âm) thật là rộng lớn và sâu xa![2]  Vì thế, văn hóa Phương Đông nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng, trọng “Tình”, nên khi thể hiện lại thích trọng “Lý”.  Ví dụ, “Chúng ta phải có nghĩa vụ với nhau; anh làm cái đó không đúng”. 
Ngược lại, văn hóa Phương Tây, trọng “Lý”, nên khi thể hiện lại thích trọng “Tình”.  Ví dụ, “Tôi yêu bạn; tôi cảm thấy buồn khi anh làm điều đó!”  Hiểu được điều này, người Việt bắt đầu thích ứng và đang có chiều hướng thay đổi cách đối thoại trong gia đình giữa cha mẹ và con cái.  Ví dụ, “Mẹ yêu con và mẹ rất hãnh diện về con; mẹ cảm thấy rất buồn khi thấy con nói với bố như vậy…”
Quả thực, trong giao tiếp đối thoại, người Việt lấy tình làm trọng: “Vợ chồng là nghĩa ở đời; ai ơi chớ nói những lời thiệt hơn.”  Trong cách diễn tả, Người Việt thường ưa vòng vo tam quốc, vấn xá cầu điền, nói vậy mà không phải vậy…Đấy là những hiện tượng văn hóa.  Bất kỳ hiện tượng văn hóa nào, cũng đều được qui định bởi một số yếu tố. 
Do tính cộng đồng, người Việt trọng quan hệ và trọmg tình hơn bất cứ thứ gì trên đời: “Đem nhau đến trước cửa quan, bên ngoài là lý, bên trong là tình.”  Trọng tình, nên sợ mất lòng, không dám nói thật: “Sự thật mất lòng.”  Ca dao tục ngữ ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” 
Do tính tự trị, người Việt thường hay linh hoạt, và rất trọng chủ quyền.  Vì thế, người Việt tuy bên ngoài cười cười, nhưng bên trong xét thấy không có lợi và sợ mất chủ quyền, thì họ có thể dễ không đồng ý hoặc sau đó rất dễ đổi ý.  Cha ông ta thường dậy: “Người ta trọng của trọng công, không ai lại trọng người không bao giờ.”  Và: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá; nhà có chủ.” 
Lại do tính hài hòa, nên người Việt thiếu quyết đoán, ăn nói nước đôi: “Làm trai phân hai mà nói.”  Nên rất dễ bị hiểu lầm là những người “ba phải,” không có lập trường.  Ngoài ra, trước khi đối thoại, người Việt thường hay tò mò quan sát, để biết người, hầu biết cách ứng xử: “Tùy mặt gởi lời, tùy người gởi của.” 
Hơn nữa, danh dự được người Việt gắn liền với giao tiếp, lời nói để lại tiếng tăm, nó được truyền đến tai nhiều người, tạo nên tai tiếng: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa.”  Và cuối cùng là nổi tiếng, nói lên danh dự và uy tín trong lời nói đối thoại.  Người Việt coi trọng cái tiếng hơn bất cứ thứ gì trên đời, nên cũng rất sợ dư luận: “Sợ mang tai mang tiếng.” 
Về cách thức giao tiếp, người Việt ưa tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận.  Lối giao tiếp trọng tình, ưa tế nhị khiến người Việt có thói quen giao tiếp “vòng vo tam quốc”, không mấy khi mở đầu trực tiếp, nói thẳng vào vấn đề như người Tây Phương.  Truyền thống khi bắt đầu giao tiếp là phải “vấn xá cầu điền” (hỏi thăm nhà cửa ruộng vườn).  Cũng để tạo không khí, người Việt thường mở đầu bằng miếng trầu, chén trà, điếu thuốc, ly bia…
Ngoài ra, người Việt thường hay khuyên: “Ý tứ”.  Nên hay có thói quen đắn đo cân nhắc kỹ khi nói: “Ăn có nhai, nói có nghĩ; biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe; khôn cũng chết, dại cũng chết, ai biết thì sống; người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo…” 
Hơn nữa, chính vì sợ mất lòng, khiến người Việt không mấy quyết đoán, vì thế nói bằng nụ cười, rất hay cười.  Lại hay nhường nhịn: “Một sự nhịn là chín sự lành; chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê.” 
Lm. Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)


[1]
Kagan M.C. 1988: Mir obscheija. – Moskva: Politizdat.
[2]Trần Ngọc Thên.  Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa VN.Văn hóa giao tiếp và NT ngôn từ”, VN 1996, 307-325.

No comments:

Post a Comment