Wednesday, November 6, 2013

CẦU CHO KẺ... CHẾT.
Tháng 11, Giáo hội dành riêng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, hay đã chết. Thế thì chết nghĩa là gì?

CHẾT SINH HỌC
Người chết là một người mà trong họ, từ khối não trung ương đến các bộ phận: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết… cùng tất cả các “ban ngành đoàn thể” đều đồng loạt đứng im, không hoạt động nữa. Thế là họ hết sống, và ta gọi đó là cái xác chết. Và chỉ mấy giờ đồng hồ sau, các vi sinh vật sẽ hoạt động làm cho xác chết ấy dần dần thối rữa ra. Còn hồn của họ, theo niềm tin Kitô giáo, ngay khi vừa lìa khỏi xác, đã phải hay được diện kiến tôn nhan Thiên Chúa, để chịu xét xử về tất cả cuộc đời trần gian của họ. Họ sẽ được gặp Chúa, hưởng vĩnh phúc với Chúa, nếu như suốt đời họ đã băn khoăn thao thức đi tìm Người, và trung thành phụng thờ Người.

CHẾT TÂM LÝ
Đó là cái chết của một người trong lòng một người hay một số người nào đó, như một thi sĩ Việt Nam đã viết: “Yêu là chết trong lòng một ít, cho rất nhiều nhưng lấy lại chẳng bao nhiêu”. Ví dụ: sau bao năm tháng cố gắng nuôi dưỡng tình cảm để tiến tới xây dựng cuộc sống hôn nhân, một thanh niên bị người yêu phản bội. Khi được hỏi về người yêu cũ ấy, anh ta đáp: “Trong lòng tôi, cô ấy đã chết rồi”. Hoặc như một đứa con hư hỏng đến nỗi cha mẹ không chịu nổi, phải tuyên bố “từ con”. Khi ai nhắc tới nó, ông bà ấy có thể trả lời: “Đối với gia đình tôi, coi như nó không còn trên đời này nữa”.

Và trong lòng mỗi người chúng ta, có không, một “xác chết” nào đó của một người nào đó, mà ta thậm chí không muốn nghĩ đến? Có không, những con người xuất hiện trong trí ta với sự dửng dưng vô cảm đến lạnh lùng? Tệ hơn nữa, có hay không, trái tim ta đã “ngừng đập” vì nó chẳng còn muốn yêu ai?


CHẾT LINH HỒN
Trong Tin Mừng Lc 9, 59-60, Chúa Giêsu nói với một thanh niên: “Anh hãy theo ta”. Người đó thưa: “Xin Thầy cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giêsu bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy đi loan báo triều đại Nước Thiên Chúa”.

“Kẻ chết chôn kẻ chết”? Chúa nói gì lạ vậy? Chết rồi còn chôn được ai? Trong câu nói này, từ “kẻ chết” thứ hai tức là chết sinh học, tất nhiên rồi. Vậy ta phải hiểu “kẻ chết” thứ nhất trong câu nói này thế nào? Chết ở đây là những người chết phần linh hồn, họ ở trong bóng tối sự chết, vì tiền tài, danh vọng, lạc thú đã làm đảo điên tâm trí họ.


Trong thời đại chúng ta hiện nay, do ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa quá khích, cùng với quan niệm lệch lạc về sự độc lập, tự do, tự chủ nơi người trẻ, đã đưa tới lối sống ích kỷ, tiêu cực, tiêu thụ và hưởng thụ, làm cho nền đạo đức luân lý tuột dốc . Nhiều người trẻ đang lao xuống vực thẳm, vì không có lý tưởng sống. Nhiều người khác chỉ mê làm giàu, bon chen danh vọng chức tước, tranh thủ tận hưởng khoái lạc, vì họ không hiểu ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Nếu sống ở đời chỉ có thế thôi thì đến một lúc nào đó, họ sẽ mất thăng bằng, cảm thấy trống rỗng vô vị. Mà càng trống rỗng, họ càng say sưa đi tìm thỏa mãn đam mê bất chính, dục vọng thấp hèn. Cái vòng lẩn quẩn ấy trói buộc họ, khiến họ không sao thoát ra được. Cứ thế, họ đi vào ngõ cụt, họ lún sâu xuống bùn lầy, và rơi vào tay thần chết. Chính cái chết tâm hồn làm cho họ tuyệt vọng. Tuyệt vọng đưa họ đến cái chết tâm lý. Cái chết tâm lý của họ trong lòng người thân và cả trong lòng họ, làm cho tinh thần họ ra bạc nhược, sinh lực cạn kiệt vì bệnh hoạn. Họ đã hủy hoại đời mình bằng cách tự vẫn gián tiếp, để cho họ chết dần chết mòn từng ngày. Thật đáng tiếc và đáng trách, trong khi bao người phải vay tiền chạy gạo kiếm sống từng bữa thì họ dùng tiền bạc dư thừa của họ để tự thiêu cả hồn lẫn xác họ!!!

Tháng Cầu hồn nhắc chúng ta nhớ về những người đã chết dưới mọi hình thức: chết sinh học, chết tâm lý, chết linh hồn. Qua đó, chúng ta cũng nhìn lại mình, nghĩ về cuộc sống và cái chết của chính mình. Cố gắng sống yêu thương, chúng ta sẽ vượt qua cái chết sinh học bình an như bước qua ngưỡng cửa để hân hoan tiến vào Nhà Cha dấu yêu.
--------------------------------------
Tôma Bảo Nhu

No comments:

Post a Comment