Sunday, May 21, 2023

THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

1. Tên gọi nguyên thủy của tháng 5:

Tháng 5 trong lịch Gregoriana được gọi bằng tiếng La-tinh là Maius.  Các ngôn ngữ có gốc La-tinh cũng đều sử dụng chữ Maius này để đặt tên cho tháng 5 của mình: Mai (tiếng Pháp), May (tiếng Anh), Maggio (tiếng Ý), và Mai (tiếng Đức) v.v…  Nó có nghĩa là Mùa Xuân.

Theo chứng tích của một loạt các tác giả La-tinh, thì Maius là tên của một nữ thần mà người Rô-ma cổ đại rất tôn kính.  Cứ vào đầu tháng 5, tức tháng Maius, thì một vị tư tế của thần Volcanus – tức thần lửa – sẽ dâng cho nữ thần Maius những tế phẩm mới.  Cũng có thể vì thế mà nữ thần Maius còn có một tên gọi khác là “Maia Vulcani,” tức Vợ của thần Volcanus.  Người Rô-ma xưa đã đặt tháng Maius là tháng đầu tiên trong năm canh nông.  Dưới thời hoàng đế Nê-rôn (37- 68), tháng Maius đã được đổi tên thành tháng Claudius, tức tên của chính vị bạo chúa này.  Rồi dưới thời hoàng đế Commodus (161 – 192), tháng này đã bị đổi tên thành Lucius, tức tên của chính ông.  Tuy nhiên, sau khi vị hoàng đế này qua đời, tháng 05 lại được gọi theo tên nguyên thủy là Maius.

Theo lịch của người Rô-ma cổ đại, trước khi lịch Julian xuất hiện, thì tháng Maius là tháng thứ ba.  Còn theo lịch Julian, thì tháng này là tháng thứ năm với 31 ngày.  Điều đặc biệt của tháng 5 là ngày đầu tiên của tháng này luôn luôn trùng Thứ (tức ngày trong Tuần) với ngày mồng 01 của tháng 01 năm sau, ví dụ: ngày mồng 01 tháng 5 năm 2020 rơi vào ngày thứ Sáu, thì ngày mồng 01 tháng 01 năm 2021 cũng là ngày thứ Sáu.  Trong khi các tháng khác, không tháng nào có ngày đầu tiên trùng Thứ như thế.


2. Tháng  5 – Tháng Hoa Kính Đức Mẹ:

Vậy tại sao người ta lại đặt tên cho tháng 5 – tháng Maius – là tháng Đức Maria, hay tháng Hoa Kính Đức Mẹ?  Như đã nói ở trên, tháng Maius là tháng thứ ba theo lịch Rô-ma cổ đại.  Người Rô-ma thời ấy dành riêng tháng này để tôn kính Nữ Thần Mùa Xuân cũng như để mừng kính sự Đâm Chồi Nẩy Lộc sau một mùa Đông héo tàn.  Người Rô-ma xưa cũng gọi nữ thần này là Iupiter Maius.  Cũng có thời gian người Rô-ma coi ngày mồng 01 tháng 5 là ngày Lập Hạ.  Vì sự nở rộ của các loài hoa cũng như vì sức sống của Mùa Xuân, nên tháng 05 đã được coi là tháng đẹp nhất trong năm.

Còn theo truyền thống Công giáo, Đức Maria được coi là “người đẹp nhất trong giới phụ nữ.  Trong linh đạo Công giáo, Đức Maria luôn được coi là “Đóa hồng của ơn cứu độ,” hay “Mùa Xuân của ơn Cứu Độ.  Vào đầu thời Trung Cổ, các bức ảnh hay bức tượng của Đức Mẹ thường được đặt ở giữa những bông hoa, vì các loài bông, đặc biệt là bông hồng, chính là biểu tượng cho sự “tràn đầy ân sủng” của Đức Maria.  Và những bông hoa ấy cũng là biểu tượng của Địa Đàng đã mất.  Bên cạnh đó, truyền thống Công giáo cũng thường trình bày Đức Maria là “Bông Hồng không gai”, hay “đóa hoa đẹp nhất.  Trong khi đó, các bông Đuôi Diều, Hải Quỳ và Cẩm Chướng lại được dùng để làm biểu tượng cho “sự đau đớn của Đức Mẹ,” còn những bông Linh Lan thì được dùng để làm biểu tượng cho sự tràn đầy ân sủng của Người, cũng như là biểu trưng cho ơn cứu độ thế giới.

Người ta đoán rằng, việc dành tháng 5 để tôn kính Đức Maria đã có tại Tây-Ban-Nha và Bồ-Đào-Nha ngay từ hồi thế kỷ XIII.  Hồi ấy, một vài xứ đạo của hai quốc gia trên đã sử dụng tháng 05 để tổ chức những cuộc rước hoa, cũng như để đem những bó hoa đến dâng kính cho Đức Mẹ.  Còn tại Thụy Sĩ, việc dành ngày đầu tháng 5 để tôn kính Đức Mẹ đã có từ đầu thế kỷ XIV với Chân Phúc Heinrich Seuse (Henri Suzo [OP] – 1297-1366): cứ vào ngày đầu tiên của tháng 05, thì Ngài sẽ dành cho Đức Mẹ một sự tôn kính đặc biệt, và dùng những bông hoa để trang hoàng cho những bức tượng của Đức Mẹ.  Ở Ý, vào thế kỷ XVI, Thánh Philiphê Neri (1515-1595) luôn có thói quen là cứ đến ngày mồng 01 tháng 5 hàng năm thì tập trung các em thiếu nhi Công Giáo lại quanh bàn thờ Đức Mẹ để dâng cho Người những bông hoa tươi thắm và đầy sắc hương.  Có tài liệu cho rằng, ngay từ đầu thế kỷ XVII, các nữ tu Dòng Phanxicô tại vùng Napoli của Ý, đã dành cả tháng 05 như là tháng để cử hành việc tôn kính Đức Mẹ cách long trọng trong thánh đường kính thánh Clara của Dòng mình: chiều nào các Nữ Tu ấy cũng đều hát kinh kính Đức Mẹ, kết hợp với việc nhận Phép Lành Mình Thánh Chúa.  Và kể từ đó, tháng kính Đức Mẹ đã nhanh chóng lan rộng ra khắp các Giáo xứ trong vùng.  Tuy nhiên, cũng có tài liệu cho rằng, việc dành cả tháng 5 để làm tháng Hoa kính Đức Mẹ chỉ mãi tới thế kỷ XVIII mới xuất hiện lần đầu tiên tại Ý.  Dù sao thì sang thế kỷ XIX, việc sử dụng tháng 05 như là tháng Hoa Kính Đức Mẹ đã trở nên khá phổ biến tại khắp Âu Châu.  Vào ngày mồng 01 tháng 5 năm 1841, ba Nữ Tu Dòng Chúa Chiên Lành đã cử hành việc dâng hoa kính Đức Mẹ lần đầu tiên tại Tu Viện Haidhausen của họ ở München, Đức Quốc, và đó cũng được coi là buổi tiến hoa kính Đức Mẹ đầu tiên tại Đức.

Ngoài việc tiến hoa kính Đức Mẹ ra thì nội dung của các buổi cử hành này cũng rất phong phú và đa dạng.  Trước khi tiến hoa, người ta thường Lần Chuỗi, đọc các bài suy niệm về Đức Mẹ, cũng như đọc nhiều những lời nguyện cầu cùng Đức Mẹ, và hát những ca khúc khác để mừng kính Người.  Vào ngày mồng 01 tháng 05 năm 1965, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã công bố Thông Điệp “Mense maio” để chính thức nhìn nhận tháng 05 là tháng kính Đức Mẹ trong Giáo hội Công giáo.  Ngài cho rằng, “quả là một truyền thống quý báu khi các vị tiền nhiệm đáng kính của Cha vẫn luôn chọn tháng 5, tức tháng Kính Đức Mẹ, để mời gọi toàn dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện mỗi khi Giáo hội có nhu cầu, hay mỗi khi có một mối nguy hiểm nào đó đe dọa thế giới” (số 3).

Ngoài ra, tháng 5 không chỉ được gọi là tháng kính Đức Mẹ Thiên Chúa, nhưng đôi khi, tháng này cũng còn được người Công giáo gọi là Vầng Nguyệt Maria.  Việc tôn kính Đức Maria trong tháng này thường được cụ thể hóa bằng việc Lần Chuỗi kết hợp với việc dâng tiến hoa. 

3. Tháng Hoa tại Việt Nam

Việt nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới nên hoa nở quanh năm ngày tháng.  Có một số loài hoa chỉ nở theo mùa như hoa Mai, hoa Đào, hoa Gạo, hoa Bằng Lăng hay hoa Phượng v.v…, nhưng cũng có những loài hoa nở mọi lúc, mọi nơi, chẳng hạn như hoa Hồng, hoa Huệ hay hoa Cúc v.v…  Tuy nhiên, có lẽ tháng 5 là tháng đa dạng và phong phú nhất của các loài hoa.  Người Việt nam vốn rất yêu hoa và luôn dành cho hoa một sự trân trọng đặc biệt.  Rất nhiều bậc cha mẹ muốn sử dụng tên của các loài hoa để đặt tên cho con gái của mình, chẳng hạn như Huệ, Phượng, Mai, Đào, Lan hay Cúc v.v…  Khi việc dành tháng 5 như là tháng Hoa để tôn kính Đức Maria được du nhập vào Việt nam, thì các tín hữu Công giáo ở đây đã hưởng ứng với tất cả sự hồ hởi.  Chính vì thế, việc tiến hoa kính Đức Mẹ trong tháng 5 đã mau chóng được tổ chức tại hầu hết các Giáo xứ.  Trước đây, trong các buổi tiến hoa, việc Lần Chuỗi luôn được coi là thành phần quan trọng và không thể thiếu.  Tuy nhiên, ngày nay, một số nơi xem ra đã bỏ qua việc Lần Chuỗi, và chỉ chú trọng tới việc tiến hoa mà thôi.  Bỏ Lần Chuỗi trong các buổi tiến hoa như thế, không biết có nên và có tốt hay không?  Dù gì thì đó cũng là một cách thực hành không sát lắm với truyền thống.  Trước đây, các buổi tiến hoa trong tháng 5 thường được tổ chức khá đơn giản, với 5 cặp tiến hoa đại diện cho năm sắc hoa.  Những thiếu nữ trên dưới 10 tuổi được chọn để làm người tiến hoa được gọi là những “Con Hoa.  Tuy nhiên, trong nhiều xứ đạo ngày nay, việc tiến hoa đã được tổ chức hết sức cầu kỳ và trang trọng.  Người ta không còn chỉ sử dụng 10 “Con Hoa” để dâng hoa nữa, nhưng đã sử dụng tới cả trăm Con Hoa hoặc hơn nữa.  Các Con Hoa bây giờ không chỉ là các thiếu nữ trên dưới 10 tuổi, nhưng còn là những phụ nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi, và thậm chí có cả nam giới nữa.  Những buổi dâng hoa với các Con Hoa thuộc đủ mọi giới và đủ mọi lứa tuổi như thế, được gọi là những buổi Đại Đồng Tiến Hoa.

Kết luận

Để kết thúc bài viết này, xin được nhắc lại nguyên văn những lời sau đây của Đức Thánh Cha Phao-lô VI: “Chính vì tháng 5 luôn khơi lên những lời cầu nguyện thẳm sâu và đầy lòng tín thác, và cũng vì trong tháng 5 này, những lời khẩn xin của chúng ta có thể dễ dàng đến được với trái tim đầy nhân hậu của Đức Nữ Trinh, nên việc chọn tháng 5 này để kêu mời Dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện bất cứ khi nào Giáo hội có nhu cầu, hay bất cứ khi nào thế giới bị đe dọa bởi một mối nguy nào đó, là một thói quen rất quý báu mà các vị tiền nhiệm của Cha đã thực hiện.  Và kể cả chúng ta nữa, hỡi các bậc chư huynh đáng kính, trong năm [mừng kỷ niệm lần thứ 50 ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima – (dg)] này, cũng cảm thấy cần phải đưa ra cho toàn thế giới Công giáo một lời kêu mời tương tự.  Thực ra, khi chúng ta nghĩ tới những nhu cầu hiện tại của Giáo hội, cũng như nghĩ tới sự bình an của thế giới, thì chúng ta sẽ có đủ mọi lý do chính đáng để tin rằng, đây chính là giờ phút đặc biệt nghiêm trọng và khẩn thiết hơn bao giờ hết, đòi buộc chúng ta phải kêu gọi toàn dân Ki-tô giáo cùng nhau cầu nguyện” (Mense maio, 3).

Lm. Đaminh Trần Tiến Thiệu

No comments:

Post a Comment