Sunday, May 21, 2023

HƯỚNG VỀ QUÊ TRỜI

Người Kitô hữu “sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian.  Họ có bổn phận  gắn kết và cộng tác xây dựng cuộc sống trần gian, nhưng họ lại không thuộc về thế gian, cũng như Chúa Giêsu không thuộc về thế gian (x. Ga 17,14).  Cuộc sống trần gian chỉ là cõi tạm, vì quê hương đích thực của người tín hữu là Quê Trời.  Dù được mời gọi gắn bó với cuộc sống trần thế, cùng nhau xây dựng trần gian như “phác thảo đời sau,” nhưng người tín hữu không được quên bổn phận quan trọng là phải luôn hướng về Quê Trời.  Lễ Thăng Thiên là dịp để chúng ta suy tư điều ấy.

 

 Chúa Giêsu về trời, vì Người từ trời mà đến.  Người là Đấng Thiên sai, được Chúa Cha sai đến trần gian để thiết lập vương quốc hòa bình và yêu thương.  Trong ba năm loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn cố gắng thực hành Thánh ý Chúa Cha, dù gặp nhiều chống đối và gian nan thử thách.  Cuộc khổ hình thập giá và nhất là sự phục sinh vinh hiển, chính là chiến thắng của yêu thương trên hận thù, của Thiên Chúa trên thế gian và của ánh sáng trên bóng tối.  Hôm nay, chúng ta mừng Chúa về trời, trong tiếng reo hò của các thiên thần.  Chúa về trời như một cuộc khải hoàn vinh thắng, như một vị vua hồi loan sau trận chiến huy hoàng.  Thánh Phaolô đã trình bày sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu như sự biểu dương mà Chúa Cha dành cho người Con Chí Ái.  Quả thực, Chúa Cha đã tôn vinh Đức Giêsu và đặt người bên hữu.  Đây là cách diễn tả sự ngang hàng giữa Chúa Cha và Chúa Con, và vinh dự mà Chúa Cha ban cho Chúa Con (Bài đọc II).

 Nếu Chúa Giêsu đã về trời, thì Người lại không lìa xa chúng ta.  Người đã hứa: “Này đây Thày ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh lời hứa của Chúa Giêsu.  Nhờ có Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội mà cộng đoàn Kitô hữu ban đầu từ một nhóm nhỏ những người dân chài chất phác đơn sơ đã trở thành một cộng đoàn đông đảo hiện diện trên toàn thế giới.  Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến trần gian để tiếp nối công việc của Chúa Giêsu, nhất là liên kết mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và mọi ngôn ngữ thành cộng đoàn duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.  Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội để củng cố Đức tin và niềm hy vọng của chúng ta vào đời sau.  Chính trong niềm xác tín ấy mà Giáo Hội hôm nay tuyên xưng và cầu nguyện với Chúa Cha: “Người lên trời, không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).

 Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, mà là một dân đang lữ hành, tức là đang tiến bước.  Đích điểm mà Giáo Hội đang tiến tới, đó chính là Quê Trời, nơi Chúa Giêsu đã về để hưởng vinh quang với Chúa Cha.  Người tín hữu là thành phần của Giáo Hội, đang tiến bước cùng với anh chị em mình.  Trong cuộc lữ hành này, còn nhiều thử thách gian nan.  Có những người gục ngã vì thất vọng hoặc vì chông gai trên đường.  Cũng như bất kỳ người lữ hành nào, người Kitô hữu phải kiên trì, cố gắng trung tín để đến đích mình mong đợi.  Trong cuộc lữ hành về Quê Trời, chúng ta không đơn lẻ, nhưng có Chúa đồng hành với chúng ta.  Thầy không bỏ các con mồ côi.  Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng” (Ga 14,13).  Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta còn có Chúa Thánh Thần đồng hành trên mỗi bước đường của cuộc sống.  Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm chứng cho Đức Giêsu: “Khi nào Thần Khí Sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

 Vì luôn hướng về Quê Trời như đích điểm và lý tưởng của mình, người Kitô cần có cái nhìn siêu nhiên trong đời sống hằng ngày, nhất là trong những thực hành Đức tin.  Tác giả Luca làm chúng ta ngỡ ngàng, khi ghi lại câu hỏi của một vài môn đệ: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israen không?”  Chúng ta ngỡ ngàng, vì những môn đệ này là những người đã chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa, và đã được gặp Người từ cõi chết sống lại.  Vậy mà lúc này, đầu óc các ông còn đầy những tư tưởng trần gian và những tham vọng thế tục.  Họ vẫn mang hình ảnh một Đấng Thiên sai trần gian, với hy vọng lúc đó họ cũng được hưởng lợi lộc do việc Thầy mình khôi phục một quyền bính trần tục.  Trong thực tế hôm nay, đây đó vẫn còn những tín hữu mang một quan niệm thuần túy trần gian về giáo huấn của Chúa và về ân sủng của Người.  Đó là một đức tin vụ lợi, thích chạy theo những điều ngoạn mục và giật gân.  Đến một lúc nào đó, khi không đạt được những điều họ kỳ vọng, cái mà họ gọi là “đức tin” nơi họ sẽ sụp đổ và thay vào đó là sự bất mãn tiêu cực.

 “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời.  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời. Lời của vị sứ thần muốn nhắn nhủ các môn đệ và nhắn nhủ chúng ta: hãy cố gắng thực thi những gì Chúa đã dạy, trong khi chờ đợi Người đến trong vinh quang.  Hãy trở về với cuộc sống trần thế, với tâm trạng đổi mới, với niềm hân hoan phấn khởi, vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.  Hơn nữa, hãy thực hiện điều Chúa đã truyền trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đây chính là bổn phận của chúng ta.  Khi thực hiện những điều này, chúng ta chứng tỏ chúng ta đang hướng về Quê Trời.

 Lễ Chúa Giêsu lên trời không phải là kết thúc, nhưng là khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường của chứng nhân.  Mỗi chúng ta hãy lên đường, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa, như Người đang mời gọi chúng ta.

 
TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

No comments:

Post a Comment