Sunday, April 2, 2023

Một khoé nhìn Thần học về LỄ TRUYỀN TIN

Ngày 25 tháng 3 hàng năm, Lễ Truyền tin cùng với Lễ kính Thánh Giuse trước đó vào ngày 19/3 đã được cử hành cách đặc biệt. Hơn nữa, đây lại là hai lễ trọng (solemnity) duy nhất được cử hành trong Phụng vụ mùa Chay thánh. Ngày lễ Truyền tin không tưởng nhớ đến khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nhất thiết có liên quan đến việc NHẬP THỂ và Giáng sinh của Ngài. Theo cách hiểu này, toàn bộ Phụng vụ và đức tin Công giáo đều mang tính “quy kitô” (Christ-centered). Lễ Truyền tin được xem như một ngày thuộc lễ Giáng sinh; nhưng lại không thể không dành cho một lễ Phục sinh sau đó.

Để phần nào giúp độc giả hiểu thêm ý nghĩa thần học của ngày lễ đặc biệt này, xin được trình bày ba điểm: (i) Lễ Truyền Tin là gì; (ii) Mối liên quan giữa sự kiện Truyền tin và Mầu nhiệm Nhập thể; (iii) Một cách nhìn mới thêm về Lễ Truyền Tin.

 The Annunciation

(i) Lễ Truyền Tin

Theo lịch sử, thánh Augustinô đã đề nghị cử hành lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho phù hợp với đúng chín tháng trước Noel. Nhưng lúc đó Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô (656) đã ấn định 8 ngày trước lễ Giáng sinh. Sau đó được chuyển sang ngày 18 tháng 01 để tránh mùa Chay. Tuy nhiên, từ thời Đức Bênêđictô XIV (1675-1758)[1] Lễ Truyền tin được tái ấn định và Giáo hội hoàn vũ cử hành lễ này vào 25 tháng 3 (như Augustinô đã đề nghị) như ngày nay. Riêng tại Hoa Kỳ, Công đồng Baltimore quyết định lễ Truyền tin (25/3) là lễ nghỉ và lễ buộc cho Giáo hội nước này vào năm 1884.[2]

Trở lại với Giáo hội Công giáo hoàn vũ, ngày 25 tháng 3 đánh dấu một lễ trọng được gọi là “Lễ Truyền tin”. Từ ngữ “truyền tin” có nghĩa và mang sứ điệp gì? Từ “truyền tin” xuất phát từ cách Giáo hội đặt tên ngày lễ qua Phụng vụ. Trong tiếng Latinh ta có cụm từ “Annuntiationem Beatae Mariae Virginis” chỉ lễ này. “Annuntiationem” có gốc là từ tiếng Latinh annuntiare, có nghĩa là “thông tri/báo tin”.

Như thế, theo ngữ nghĩa lễ này nói đến đến việc Đức Trinh Nữ Maria được “truyền tin” về việc NHẬP THỂ (Incarnatio) của Chúa Giêsu, và Mẹ đã đón nhận theo Thiên Ý như được tường thuật trong Tin Mừng Luca.[3]

Ý Nghĩa Phụng Vụ

Thời xưa, lịch Rôma trọng thể mừng “lễ Ngôi Lời Nhập thể” còn gọi là “Lễ Truyền tin của Chúa” (Annuntitio Domini). Lễ này sau đó đã được chỉnh đổi lại; nhưng là lễ Mừng Đức KitôĐức Trinh Nữ Maria. Mừng Chúa Giêsu là Ngôi Lời đã trở thành Con của Mẹ Maria (Mc 6,3). Mừng Đức Maria Trinh Nữ trở thành Thiên Chúa Thánh Mẫu (Lc 1,43).

* Về Chúa Kitô, Phụng vụ Đông và Tây phương mừng lễ trọng này để kính nhớ “lời xin vâng” của Ngôi Lời nhập thể đi vào trần gian.[4] Lễ này cùng một trật kính nhớ giây phút đầu tiên của ơn Cứu chuộcmối tơ duyên kết hợp bất khả phân ly của Thiên tính với nhân tính trong một ngôi vị của Ngôi Lời.

* Về phần Mẹ Maria, cả hai Phụng vụ Đông-Tây phương mừng lễ này như một lễ của Tân EvàĐức Trinh Nữ tuân phục và trung thành. Như Đức Kitô trước khi vào thế gian, Mẹ cũng thưa “Xin vâng” (Lc 1,28b). Bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Nhập thể để trở nên Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại. Và bởi nhận làm người Con,[5] một Đấng trung gian nơi cung lòng Mẹ (1 Tm 2,5), Mẹ thật sự trở nên Hòm bia Giao ướcĐền thờ Thiên Chúa. Phụng vụ này nêu lên đỉnh điểm (climax) cuộc đối thoại cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, và sự tự nguyện chấp nhận và hợp tác của nhân loại (qua Đức Trinh Nữ) trong công trình Cứu chuộc.[6]

(ii) Mối tương quan

Như đã nói có liên quan đến việc NHẬP THỂ và Giáng sinh của Chúa Giêsu. Mà việc Nhập thể (Incarnation) là bước đầu của việc Nhập thế (nativity/giáng sinh) đi vào lịch sử nhân loại. Vì thế Mầu nhiệm Nhập thể này cần thiết nên được đề cao nhấn mạnh hơn nữa nhưng cần thiết như đã theo thứ tự thời gian để diễn tả

- trước hết, phù hợp với chương trình/kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: trước hết qua việc nhập thể, đến việc giáng sinh nhập thế để cứu độ nhân loại.

- mặt khác, giúp giáo dân nhắc nhớ lại Mầu nhiệm Giáng sinh vừa qua (trước đó ba tháng) hoặc sẽ diễn ra (vào chín tháng sắp đến) như một “quy trình” khép kín của ơn Cứu độ căn cứ theo lịch Năm Phụng vụ đó.

- theo đó, việc truyền tin và mầu nhiệm Nhập thể có một liên hệ không thể tách biệt khỏi nhau. Nhưng có thể nói, việc truyền tin trong một ý nghĩa nào đó, chỉ là “bối cảnh” (background) hay một chứng nhận. Đây là một dấu chỉ mang tính hữu hình (signum visible) dành cho con người. Với cách tự nhiên nhân loại đó, con người nhận biết rằng qua đó mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc siêu nhiên được thể hiện theo đúng lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa giàu lòng Xót thương.[7]

(iii) Một cách nhìn mới thêm về Lễ Truyền Tin

Qua hai phần (i) và (ii) đã nêu, chúng tôi hoàn toàn hợp ý và hiệp thông với toàn thể Giáo hội về tinh thần ngày Lễ Truyền Tin theo truyền thống xưa nay. Tuy nhiên, điều này có thể giúp thấy rõ hơn về Mầu nhiệm Nhập thể khi chúng ta tham dự thánh lễ, hiệp thông với chủ tế trong ba Lời Nguyện, đặc biệt là Lời Tổng Nguyện sau đây.

“Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người. Này chúng con tuyên xưng Ðấng Cứu Ðộ là Thiên Chúa thật và là người thật, xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.”[8]

“Lạy Thiên Chúa toàn năng Giáo Hội nhận biết mình đã khởi đầu trong ngày Con Một Chúa nhập thể. Xin chấp nhận của lễ Giáo Hội tiến dâng mà ban cho chúng con được hân hoan cử hành các mầu nhiệm của Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.”[9]

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng rằng: Con Chúa nhập thể trong lòng Ðức Trinh nữ Maria là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận củng cố niềm tin chân thật ấy, và xin cho cuộc chiến thắng phục sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn cứu độ và niềm vui muôn đời. Chúng con cầu xin…”[10]

Như thế, các Lời nguyện trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay rõ ràng đã soi sáng, nung nấu tâm trí, linh hồn giúp ta nhận ra những điều cốt lõi này còn được ẩn dấu (hidden) trong ngày Lễ trọng đại vốn mang tính Nhập thể này.

Tưởng cũng nên nhắc, lại có thể có ý kiến cho rằng như vậy sẽ làm phai nhạt hay giảm nhẹ lòng sùng kính Mẹ của một số tín hữu chăng. Theo chúng tôi, điều đó nếu có sẽ ngược lại nơi tâm hồn Thánh Mẫu của chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ tin rằng Mẹ Maria không những sẽ rất hân hoan vui mừng và thậm chỉ còn mong mỏi điều đó được thể hiện, một khi Thiên Chúa được tôn vinh hơn. Và khi Thiên Chúa được tôn thờ hiển danh, chính Mẹ cũng sẽ được tôn kính và yêu mến hơn. Vì nhìn lại trong cuộc đời, Mẹ luôn tự nhận mình là nữ tỳ, tôi tớ Thiên Chúa (ancilla Domini). Mẹ luôn lấy Thánh Ý Chúa (fiat) làm khởi đầu cho mọi sự trong cuộc đời từ trước đó và nhất là đã gắn kết với Mẹ từ lúc Mẹ được Truyền tin hôm nay.[11]

Tạm kết luận

Ngoài những truyền thống về đạo lý về Lễ Truyền tin xưa nay, nên chăng, tín hữu chúng ta ao ước mong muốn Mẹ Giáo hội cách nào đó sẽ đào sâu, phổ biến, và nhấn mạnh thêm lên về MẦU NHIỆM NHẬP THỂ (The Mystery of the Incarnation). Đặc biệt trong bối cảnh ngày Lễ truyền tin hôm nay mà vốn dĩ, một phần không nhỏ giáo dân họ có thể chỉ nhìn sự kiện với cuộc đối thoại giữa hai “nhân-vật-phụ-mà-coi-là-chính” là sứ thần Gabriel và Đức Maria. Trong khi đó, họ có thể bỏ sót hay quên mất Nhân vật “thực sự chính” lại là Con Một Thiên Chúa Nhập thể, Ngôi Hai đã đến thế gian vì yêu thương nhân loại đến cùng (x. Gn 13,1) 

Trong một ý tưởng nhỏ bé, khiêm tốn mang tính học hỏi, chúng tôi xin nêu lên suy tư của mình. Có lẽ đây cũng chỉ là nhãn giới, tạm gọi là khoé nhìn “làm mới” về Lễ Truyền tin từ trong kho tàng đức tin (de deposito fidei) được Thiên Chúa thông ban qua Hội thánh. Điều này vốn rất cần được sự soi chiếu hướng dẫn của các đấng có trách nhiệm và thẩm quyền trước những cảm thức đức tin (sensus fidei) hiện có của và nơi các tín hữu hậu thời Vatican II.

Lễ Truyền Tin 2023

DuySa



[1] Giáo hoàng Biển Đức XIV (La Tinh: Benedictus XIV), còn gọi là Bênêđíctô XIV (31 tháng 3 năm 1675 – 3 tháng 5 năm 1758, tên khai sinh: Prospero Lorenzo Lambertini) là một giáo hoàng, cai quản Giáo hội Công giáo Rôma từ ngày 17 tháng 8 năm 1740 đến ngày 3 tháng 5 năm 1758. (x. Wikipedia)

[2] Lm. Phêrô, CMC, Nguồn: tinmung.net. Truy cập 24/3/2-23. https://giaophannhatrang.org/vi/news/Phung-Vu-343/Le-Truyen-Tin-Lich-su-va-y- nghia-13949.html.

[3] X. Lc 1,26-38.

[4]Lạy Chúa, này con đây. Con xin đến để thực thi ý Chúa”. (x. Dt 10,7; Tv 39,8-9).

[5] X. Gl 4,4.

[6] Ibid.

[7] x. Xh 34,6; Ep 2,4; ĐGH Phan-xi-cô, “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 6.

[8] X. Lời Tổng nguyên.

[9] X. Lời nguyên Tiến lễ.

[10] X. Lời nguyện Hiệp lễ.

[11] x. Lc 1,28b.

No comments:

Post a Comment