Một độc giả yêu cầu giải thích về cuộc hoán cải của thánh Phaolô. Câu trả lời của học giả Kinh thánh tiết lộ một số chi tiết đặc biệt: có khả năng là thánh nhân không cưỡi ngựa như người ta miêu tả mà ngài đi bộ.
Đọc đoạn kinh thánh về cuộc hoán cải
của thánh Phaolô đã làm nảy sinh trong tôi một số tò mò. Thánh nhân chưa bao
giờ kể rằng ngài đã té ngã khi cưỡi ngựa, như người ta thường miêu tả. Tôi cũng
có ấn tượng về sự kiện đó là sau cú ngã này ngài bị mù. Tôi cũng bị ấn tượng vì
tiếng nói với ngài là tiếng của Chúa Giêsu chứ không phải của Chúa Cha. Các yếu
tố này có thể mang tính ngụ ngôn, biểu tượng như chúng ta đã học khi nghiên cứu
nhiều đoạn Kinh thánh Cựu ước không? Hoặc nó được xem như một sự kiện đã xảy ra
như sách Tông đồ Công vụ đã tường thuật cho chúng ta? - Francesco Magi
Cha Stefano Tarocchi, giáo sư Kinh thánh, trả lời
Sách Tông đồng Công vụ kể lại ba lần thánh Phaolô được “kêu gọi”, thường được
gọi là sự “hoán cải”, điều này cũng được phụng vụ nhắc đến: đó là sự tái dựng
của thánh Luca, tác giả Tin mừng thứ ba, một trong những sự kiện đã xác định
nên Kitô giáo như chúng ta đã biết: tính lịch sử của biến cố không nằm ở
việc tranh cãi mà là ý nghĩa của nó.
Để hiểu hết được ý nghĩa của nó, trước hết chúng ta cần phải đi đến những điều
mà chính thánh tông đồ đã nói về mình trong lời mở đầu thư gửi Galata: đó là
một lời kêu gọi thực sự từ Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải người Con của mình cho
thánh nhân. Thánh Phaolô đã viết như sau: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở
thế nào trước kia trong đạo Do thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn
tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa
nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với
các truyền thống của cha ông.
Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi
tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận
theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ
trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ảrập, rồi lại trở về Đamát. Ba năm sau
tôi mới lên Giêrusaem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi
đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa.
Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói
dối. Sau đó tôi đến miền Xyri và miền Kilikia. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức
Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: "Người trước
đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn
tiêu diệt", và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa” (Gal 1,12-24).
Cũng như trong các thư của Phaolô, có hàng loạt bản văn kể lại sự kiện xảy ra
trong cuộc đời của ngài, với tư cách là người bách hại niềm tin Kitô hữu nay đã
được thay đổi. Dưới đây là một ví dụ : “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi,
là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất
trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội
Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15, 8-9). Hoặc lần khác trong thư gửi cho Philipphê:
“Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Bengiamin, là người
Hípri, con của người Hípri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt
thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng
ai trách được tôi. Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức
Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Ph 3,5-7).
Trở lại với ba trình thuật của sách Tông đồ Công vụ kể về ơn gọi của vị tông
đồ, có duy nhất một trình thuật viết về ngôi thứ ba, nằm ở chương 9 (Cv 9,1-21).
Trong khi hai chương khác (Cv 22 và 26) thuật lại ở ngôi thứ nhất, như những
bài diễn văn đích thực của thánh Phaolô, một trong những cách kể chuyện của tác
giả cuốn sách. Bài diễn văn đầu tiên được công bố tại Giêrusalem trước tòa án
ngay sau khi vị tông đồ bị bắt (Cv 22, 1-21). Bài thứ hai được công bố trước
vua Hêrôđê Agrippa II ở Cesare, một thành phố nơi thánh Phaolô bị bắt giữ. Cả
ba trình thuật đều khớp với nhau về bản chất nhưng chúng có những điểm khác
biệt quan trọng, cũng như những điểm liên hệ đầy quyết định. Trong đó có cả
tiếng Chúa Giêsu nói với Phaolô trên đường đi Đamát, nơi Phaolô trực chỉ cùng
với lá thư của thầy thượng tế giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, “để nếu
thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về
Giêrusalem” (Cv 9,2), tức là những người theo Chúa Giêsu. Vì vậy chính tiếng
của Chúa Giêsu nói với Phaolô trong ba trình thuật: “Saun, Saun, tại sao ngươi
bắt bớ Ta?”. Phaolô trả lời bằng một câu hỏi: “Ngài là ai” và Chúa Kitô đáp:
“Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9, 4-5).
Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thay vị trí của Chúa Cha trong lời kêu gọi:
Chúng ta không nên ngạc nhiên về sự trao đổi này trong Ba Ngôi, bởi vì có một
sự nhận biết chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và những người môn đệ của Ngài, là mục
tiêu cho sự bắt bớ của Phaolô. Điều này đã được nói rất rõ trong thư thứ nhất
gửi cho Timôtê, khôi phục lại cho chúng ta hình ảnh của Phaolô theo cộng đoàn
đầu tiên: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho
tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ
nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì
tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1Tm 1,
12-13). Ba tính từ được sử dụng cho thấy nỗ lực của ngài trong việc làm cho các
Kitô hữu mất uy tín (“báng bổ”) và tìm đến tận nơi họ đang ở (“kẻ bắt bớ”), và
cuộc đấu tranh của Phaolô để chiếm ưu thế trước những ý tưởng của họ, chắc chắn
là không phải bạo lực về thể xác (“bạo lực”).
Trở lại với các trình thuật của sách Tông đồ Công vụ, chúng ta cũng nên lưu ý
đến những điểm khác biệt. Đồng thời chúng ta hãy quên đi cú ngã ngựa của
Phaolô: hình ảnh này xuất hiện trong một số biểu tượng tranh vẽ thời trung
cổ, và được tái hiện trong tranh vẽ kép của Caravaggio, là người có những phân
tích cách cực kỳ thú vị. Không có ngựa vì hầu như Phaolô đã đi bộ như phần đông
những người khác, là những người không thể mua một phương tiện di chuyển đắt
tiền như vậy.
Trong hai trình thuật đầu tiên (Cv 9 và 22), Phaolô chỉ ngã xuống đất. Cả hai
trình thuật cho biết Phaolô bị mù khi đứng dậy “vì ánh sáng chói loà kia làm
cho tôi không còn trông thấy nữa”. Chỉ có trình thuật thứ ba của sách Tông đồ
Công vụ (Cv 26) nói rằng “tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất”. Và chỉ
trong tường thuật này sách Tông đồ Công vụ kể rằng có tiếng nói với Phaolô bằng
tiếng Do thái, và ngay sau đó Chúa Kitô lập tức trao cho Phaolô sứ mạng rao
giảng cho người Do thái và dân ngoại.
Chỉ trong trình thuật đầu tiên, những người đồng hành với Phaolô nghe được
tiếng của Chúa Kitô nhưng không thấy luồng ánh sáng. Trong trình thuật thứ hai,
các bạn đồng hành của Phaolô thấy luồng sáng nhưng không nghe được gì. Họ chỉ
nghe Phaolô hỏi Chúa Kitô rằng tôi phải làm gì: đó là lúc Phaolô được sai đến
Đamát để nhận những lời chỉ dẫn, đang khi ông bị mù. Đúng lúc đó Anania được
giới thiệu. Ông là người chữa lành và sau đó rửa tội cho Phêrô. Chúng ta hãy
nhớ rằng Phaolô đang nói trong đền thờ Giêrusalem: ngay trong đền thờ, qua một
thị kiến, ngài nhận mệnh lệnh ra đi rao giảng Tin mừng.
Trái lại, trình thuật thứ nhất dẫn nhập với hình ảnh đầy hống hách của Anania,
người đã được mạc khải những gì đã xảy ra và đã được mời đến gặp Phaolô ở nơi
được gọi là “Phố Thẳng” nghĩa là con đường của Đamát – : trong thị kiến, Phaolô
đã biết trước được sự xuất hiện của chính Anania, người sẽ chữa lành cho
ngài.
Anania phản đối Chúa Kitô, Đấng đã hiện ra với ông trong thị kiến. Ông cho
biết Phaolô đã gây ra biết bao điều tệ hại cho các “tín hữu”, ngoài ra Phaolô
còn nhận được sự “ủy quyền của các thượng tế đi bắt tất cả những người “khẩn
cầu” nhân danh Thiên Chúa”. Tuy nhiên Anania được Chúa cho biết rằng
Phaolô là “khí cụ Chúa chọn” để mang danh Ngài đến trước mặt các dân ngoại, các
vua chúa và con cái nhà Israel; và chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả
những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta".
Thế là mọi việc đã diễn ra nhanh chóng: Ông Anania liền đi; ông vào nhà, đặt
tay trên ông Saolô và nói: "Anh Saun, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là
Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để
anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần." Lập tức có những cái gì
như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu
phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại. Phaolô ở lại với các môn đệ, đang ở Đamát,
một vài ngày, và ngay sau đó vào hội đường rao giảng Chúa Giêsu là Con Thiên
Chúa (Cv 9).
Người được đặc phái đến với các “dân ngoại” đã không thay đổi đường lối của
mình, nhưng bị “Chúa Giêsu Kitô chinh phục” (Phip 3,12). Chính Phaolô đã nói :
“Tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt
bì, cũng như ông Phêrô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người
được cắt bì” (Gal 2,7).
Giuse Võ Tá
Hoàng chuyển ngữ
www.toscanaoggi.it/
No comments:
Post a Comment