THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
Thế nào là Thiên Chúa quan phòng?
Không có định mệnh.
Tin vào định mệnh là tin rằng số phận con người được định
đoạt trước một cách vô đoán không sao cưỡng lại được. Con người phải cam chịu,
không thể đổi được số trời.
Mặc dầu người ta tin có số tốt, số xấu, định mệnh
thường gợi lên những cảnh éo le, tan thương, tuyệt vọng. Như vậy định mệnh là
một sức mạnh tàn bạo, khắt khe, mù quáng. Nếu tin vào định mệnh, con người phủ
nhận tự do của mình và dễ buông xuôi. Những xã hội bị thuyết định mệnh chi phối
thường bị trì trệ, lạc hậu, không phát triển nhanh chóng được.
Người Á Đông rất tin vào định mệnh. Nhiều triết gia Tây
phương cũng ngã theo thuyết này, như phái khắc kỷ (Stoiciens), Spinoza…
Cần phân biệt thuyết tất định vật lý với thuyết tất định tâm
lý. Thuyết tất định vật lý chi phối thế giới vật chất: mọi hiện tượng vật chất
đều tuân theo những định luật cố định. Thuyết này đúng và khoa học dựa trên
thuyết này. Trái lại thuyết tất định tâm lý tin vào số mệnh nhằm sinh hoạt tâm
linh của con người. Thuyết này không thể chấp nhận được.
Cũng không có ngẫu nhiên
Tin vào rủi may là thú nhận rằng mọi cái trong thế giới này,
kể cả nơi con người, đều vô định, không có nguyên nhân, hỗn loạn, không có trật
tự. Nếu quả như vậy thì thế giới này là một thế giới vô chủ, bỏ ngỏ và con
người cũng không làm chủ được chính mình, giống như một chiếc lá bị lôi cuốn
trong cơn lốc. Nếu tin vào sự may rủi, con người dễ buông xuôi và trở thành vô
trách nhiệm. Con người cũng không có tự do.
Thực ra may rủi chỉ là ý niệm chủ quan. Mọi cái đều có
nguyên nhân. Sở dĩ ta có cảm tưởng may rủi là vì nguyên nhân sinh ra các biến
cố quá nhiều và quá phức tạp, ta không thể xác định được.
Thiên Chúa quan phòng.
Thánh kinh dạy ta: “Mọi sự đều do Thiên Chúa, bởi Ngài
và cho Ngài” (Rm 11,36). Lòng tin vào Thiên Chúa hàm chứa nhiều chân lý:
Thiên Chúa an bài, hướng dẫn thế giới và loài người (không
có ngẫu nhiên). Ngài an bài theo thượng trí và yêu thương. Ngài làm điều gì có
lợi thật cho ta, mặc dầu ta không hiểu, hoặc không thấy ngay (không có định
mệnh).
Ngài an bài nhưng tôn trọng tự do của con người và khong
hành động thay thế con người. Con người vẫn có thể lựa chọn nghịch với ý Thiên
Chúa và vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tin vào Thiên Chúa quan
phòng không có nghĩa là đào nhiệm, ỷ lại vào Thiên Chúa và trút lên Ngài những
lỗi lầm hoặc thất bại của mình. Nơi người tin vào Thiên Chúa quan phòng, phó
thác phải đi đôi với trách nhiệm.
Thiên Chúa hướng dẫn những gì?
- Ngài hướng dẫn vạn vật trong trật tự của chúng, theo
những quy luật Ngài đã ấn định (Định luật khoa học).
- Ngài hướng dẫn mỗi người trong cuộc sống cá nhân của
mình (Mt 5,45; 6,25-30; 10,29-30).
- Ngài hướng dẫn toàn thể nhân loại suốt trong lịch sử
thế giới.
Thiên Chúa hướng dẫn tới đâu?
Thiên Chúa hướng dẫn tất cả về ơn cứu rỗi chung cục của con
người và của nhân loại. Chủ đích cuối cùng của quan phòng là đưa loài người và
mỗi người tới ơn cứu rỗi. Nhìn từng biến cố lẻ loi của đời sống con người hoặc
của lịch sử nhân loại nhiều khi ta thấy tối tăm, khó hiểu, phi lý. Chỉ khi nào
nhìn tất cả trong ánh sang của ơn cứu rỗi chung cục ta mới có hy vọng hiểu được
phần nào ý định bí nhiệm của Thiên Chúa. Mỗi biến cố trong đời ta, vui hay
buồn, hạnh phúc hay sầu khổ, đều là một bước đường đưa ta lại gần ơn cứu rỗi.
Và tựu trung chỉ điều này mới đáng kể.
Thiên Chúa hướng dẫn cách nào?
- Nếu chúng ta biết chắc Thiên Chúa muốn đưa ta tới đâu
(chủ đích) thì ngược lại, không phải lúc nào ta cũng thấy rõ Ngài hướng dẫn ta
tới đó cách nào (phương thế, đường lối).
- Chính Thiên Chúa đã lưu ý ta điều đó. “Đường lối
của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55, 8-9). Vì thế ta phải
chấp nhận đi trong tối tăm: “Nào có ai biết được tâm tư của Chúa, hoặc có
ai đã làm cố vấn cho Ngài?” (Rm 11, 34). Và luôn cầu khẩn: “Xin dạy
cho con biết đường lối của Chúa!” (Tv 119, 27).
- Có thể Thiên Chúa dẫn đưa ta bằng những đường lối xem
ra quanh co, nhưng sau cùng ta vẫn tới đích. Một khi đã nhận ra con đường ta
phải theo, con đường Thiên Chúa muốn cho ta theo, thì dù thẳng tắp hay quanh co
ta đừng bao giờ rời bỏ con đường đó. Dù phải qua thung lũng tối tăm, ta không
nao núng vì có Chúa ở bên (Tv 23, 4).
- Mọi việc đều nằm trong sự an bài của Thiên Chúa,
nhưng Thiên Chúa an bài mỗi việc một cách khác, ở một mức độ khác, tùy theo
việc đó lien quan gần hay xa, trực tiếp hay gián tiếp với ơn cứu rỗi. Sự việc
càng liên quan đến ơn cứu rỗi Thiên Chúa càng quan phòng nhiều hơn.
- Sự quan phòng của Thiên Chúa sang tỏ nơi người lành
hơn người dữ, vì người lành cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc thực hiện
ơn cứu rỗi.
- Mặc dù Thiên Chúa quan phòng, sự ác vẫn có thể xảy ra
vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người.
- Trong hành vi phạm tội của con người cần phân biệt
hai mặt: con người được tự do lựa chọn và con người dùng quyền tự do để lựa
chọn sự ác. Con người được tự do lựa chọn thì phù hợp với quan phòng. Thiên
Chúa muốn điều đó. Còn con người lạm dụng tự do để lựa chọn sự ác thì không phù
hợp với quan phòng. Thiên Chúa không muốn điều đó, nhưng tôn trọng tự do của
con người.
- Vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người nên sự ác
có thể xảy ra. Nhưng Thiên Chúa đã có cách để diệt trừ sự ác. Chính là thập
giá, Ngài dung thập giá của con Ngài để tiêu hủy tội lỗi và sự chết. Từ đó phát
sinh ơn cứu rỗi. Thập giá chính là tột đỉnh của quan phòng. Không có gì làm
sáng tỏ thượng trí và tình thương của Thiên Chúa bằng thập giá.
--------------------------------
No comments:
Post a Comment