BẢY DI NGÔN
TRÊN THÁNH GIÁ CỦA CHÚA GIÊSU
Mỗi Mùa Chay Thánh đến, trong Giáo hội Công giáo có vô số những cuộc tĩnh tâm, vô số những bài viết, bài suy niệm về Mầu nhiệm Khổ Nạn. Tất cả giục lòng tín hữu sống tâm tình CẦU NGUYỆN - ĂN CHAY - CHIA SẺ.
Ở các giáo xứ trên hầu khắp nước Việt Nam, còn có những buổi Ngắm Thương Khó, những Chặng Đàng Thánh Giá, giúp cho tín hữu đi sâu vào cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Độ đã vì yêu thương chúng ta mà chết tức tưởi đau đớn trên thập giá. BẢY LỜI NÓI TRÊN THẬP GIÁ của Chúa Giêsu Kitô vì thế được coi như di chúc thiêng liêng Người để lại cho Giáo Hội và cho mỗi môn đệ. Mỗi tín hữu đều đã nghe, suy niệm nhiều lần những lời này, nhưng đi sâu phân tích mỗi lời và tổng hợp lại, thì Paul Regard đã làm hết sức tốt, để người đọc thêm hiều biết và yêu mến, cũng như đem áp dụng vào đời sống của mỗi người.
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43)
3. Thưa Bà, đó là con Bà - Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27)
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34)
5. Ta khát (Ga 19,28)
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30)
7. Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46)
DẪN NHẬP
7 lời này - 7 lời tuyệt diệu - đó là những lời của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Chúng cấu thành một cách nào đó, Di Chúc Tinh Thần của Đấng Cứu Độ.
Kinh Thánh, đáng kể là trong Thánh vịnh 22, đã lưu lại kỷ niệm về một số khá lớn những lời đáng ghi nhớ, nếu không phải ở trên môi, chí ít cũng ở trong tim của Đức Chúa đang chịu đau khổ và hấp hối. Theo Sách Thánh, có những lời cầu nguyện đích thực, mà Đấng Thánh và Người Công Chính đã làm vào lúc chịu khổ nạn nhưng không được ghi lại. Và sự hiện hữu của những lời cầu nguyện như thế không quên nâng cao vẻ vĩ đại huy hoàng của khổ hình và cái chết của Con Người và Vua các vua.
Nhưng theo lời chứng chính thức của các Phúc Âm, có 7 lời quan trọng hàng đầu thật sự phát ra từ môi miệng oai nghiêm của Đấng Cứu Độ từ trên cao thập tự giá. Nội dung của bảy lời này lại cung cấp một bản tóm lược sáng ngời giá trị Kitô giáo. Sẽ thích hợp nếu chúng ta tập trung chú ý vào bảy lời này và cách mà Kinh Thánh giới thiệu chúng cho chúng ta, mỗi câu ở đúng vị trí của nó.
Có 4 Phúc Âm cũng như có 4 khía cạnh con người Đấng Cứu Độ. Mỗi một trong 7 lời của Đấng Cứu Độ được gìn giữ trong khung thích hợp với nó. Vì thế, phải tìm ra thứ tự thời gian 7 lời này trong 4 bản văn tách biệt nhau.
Phúc Âm theo Thánh Matthêu đưa ra cho chúng ta như là Phúc Âm của Vị Vua Thiên Sai. Bản văn này chủ yếu nói với con cái Israel. Phúc Âm theo Tháhh Máccô là Phúc Am của Người Tôi Tớ Hoàn Hảo và Vị Tiên Tri của Đấng Hằng Có. Phúc Âm theo Thánh Luca cho chúng ta thấy nhân tính thánh thiện và vinh quang của Đấng Cứu Độ. Bản văn này được dành cho mọi người, không có phân biệt rõ ràng, với Dân Ngoại và với người Do Thái. Phúc Âm theo Thánh Gioan chỉ cho chúng ta thấy trên hết thiên tính của Chúa Giêsu: Đấng Cứu Độ xuất hiện ở đó như một con người (Ga 1,30) nhưng con người này là Con của Thiên Chúa Cha, là Vị Thiên Chúa trên trời hiển thị bằng xương bằng thịt.
Cũng cần nhận xét rằng Sách Thánh trình bày cho chúng ta cái chết của Đấng Cứu Độ, khi thì như một tổng thể đầy đủ, khi lại như một tổng thể gồm những phần tách biệt nhau. Khi nói với chúng ta, ở chương 2 Thư gửi tín hữu Philipphê (Pl 2,8), rằng Chúa Giêsu Kitô “đã trở nên vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”, thì Thánh Phaolô Tông Đồ nói về Thánh giá như một tổng thể đầy đủ không bị phân chia ra. Ngược lại, các Phúc Âm trình bày chi tiết những thời khắc và những cảnh tượng thập giá. Từ góc độ này, thứ tự thời gian của 7 lời này chia ra làm 3 phần nhỏ: trước, trong và sau 3 giờ chiều.
Sách Thánh ghi lại với một sự chính xác tột bực, vị trí chính xác của tất cả những lời này. Một chút do dự dường như chỉ được dành cho những lời “Thưa Bà, đó là con Bà” và “Đó là Mẹ của con”. Bản văn của Thánh Gioan không cho thấy một cách sáng sủa tuyệt đối rằng những lời này được tách ra khỏi những lời “Ta khát”. Nhưng sự việc này chẳng làm ta ngạc nhiên. Nó hoàn toàn tự nhiên. Và chính sự việc ngược lại mới làm cho ta ngạc nhiên. Phúc Âm theo Thánh Gioan không mô tả nhiều những đau khổ của Chúa Giêsu trong vườn hấp hối: mô tả này liên quan tới khía cạnh nhân tính con người Đấng Cứu Độ và đó không phải là đề tài của Thánh Gioan. Vị Thánh sử thứ tư này trình bày cho chúng ta cách chung và đặc biệt nhất trong những cảnh tượng thập giá, thiên tính của Chúa Giêsu và những gì liên kết vào đó. Thánh Gioan cũng không nói về cơn hấp hối của Đấng Cứu Độ ở Vườn Gietsêmani. Sự việc này hết sức nổi bật. Nghiên cứu sâu xa những lời Chúa Giêsu trên thập giá đàng khác chứng minh rằng lời mà Thánh Gioan thuật lại trong Ga 19,26-27, trong khi vẫn có chỗ được ghi trong Phúc Âm thứ tư lại thuộc về cũng một phạm trù đạo đức như 2 lời đầu tiên lưu giữa trong Lc 23,34 và Lc 23,43. Như vậy, có thể kết luận với xác suất cao vị trí thứ ba của các câu “Thưa Bà, đó là con Bà” và “Đó là Mẹ của con”.
Còn lại là phải đừng để lẫn lộn cảnh tượng được thuật lại trong Ga 19,25-27 với cảnh tượng ít đặc trưng hơn được Thánh Matthêu (Mt 27,55-56), Thánh Maccô (Mc 15,40-41) và Thánh Luca (Lc 23,49) thuật lại. Trong Ga 19, các người nữ “đứng sát thập giá”. Trong Mt 27, Mc 15, Lc 23, các phụ nữ mà danh sách không hoàn toàn giống như danh sách trong Phúc Âm Gioan, “nhìn từ xa”.
Lời thứ tư, lời tóm tắt lại nỗi đau buồn khốn cùng buốt nhói của Đấng Cứu Độ sau 3 giờ chiều, nghĩa là tiếng kêu diễn tả tất cả những đau đớn và những đau khổ Người chịu lúc hấp hối, tìm thấy ở hai Phúc Âm. Sự hiện diện ở cả hai nơi tạo ra một ngoại lệ độc nhất trong loạt 7 lời, làm nổi bật tầm quan trọng của lời thứ tư. Trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu, những chữ “Thiên Chúa của tôi, Thiên Chúa của tôi” cho thấy được dịch từ tiếng Do Thái cổ (Hebreu), trong khi phần còn lại được dịch từ tiếng Aram, trước khi dịch sang tiếng Hylạp. Trong Phúc Âm theo Thánh Maccô, câu nói tiếng Dothái đi trước bản dịch Hylạp là hoàn toàn bằng tiếng Aram. Chúng ta sẽ thấy rằng không phải sự việc này sẽ không được giải thích. Cuối cùng cần lưu ý, giữa những cái chung chung này, rằng Chúa Giêsu ở trên thập giá, đã nói “Cha” khi Người nói với Thiên Chúa trước 3 giờ chiều (Lc 23,34) hoặc sau 3 giờ chiều (Lc 23,46). Nhưng vào lúc 3 giờ chiều, Đấng Cứu Độ chỉ có thể nói “Thiên Chúa của tôi” (Mt 26,46; Mc 15,34). Trong lúc 3 giờ chiều, “bị nên tội vì chúng ta” (2 Cr 5,21), “mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân xác Người trên cây gỗ giá” (1 Ph 2,24), Đấng Thánh và Đấng công chính, bị Thiên Chúa Uy Hùng của Người bỏ rơi và xa lánh, đã bị lấy mất sự hiệp thông hạnh phúc với Cha Người, sự hiệp thông trong đó Người đã luôn sống và ngợi khen tôn vinh Chúa Cha. Sự khác biệt này chỉ cho biết lợi ích và sự cần thiết nếu sắp xếp 7 lời này của Chúa Giêsu thành 3 phạm trù: trước, đang và sau 3 giờ chiều. Với những cân nhắc suy xét trên đây, bây giờ chúng ta phải đi vào nghiên cứu chi tiết mỗi một trong 7 lời này của Chúa Kitô trên thập giá và bối cảnh nó thuộc về. Sau đó sẽ hợp nhất lại trong một tổng hợp rộng rãi cả 7 lời này và sẽ rút ra từ nghiên cứu của chúng ta kết luận thực hành.
Do điều kiện hạn chế về chủ đề và thời gian, không thể triển khai rộng rãi về TỪNG LỜI CHÚA GIÊSU NÓI TRÊN THẬP TỰ GIÁ, ĐỂ CHỈ GIỚI THIỆU TỔNG HỢP
TỔNG HỢP
Nghiên cứu riêng biệt mỗi một trong 7 lời của Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh đem lại nhiều kết quả. Nhưng chỉ suy niệm từng lời một của Đức Chúa trên thập giá mà thôi, thì chưa đủ. Còn phải đưa ra ánh sáng sự hài hoà siêu phàm của mà chúng chung nhau tạo thành. Tiếp theo 7 chương dành cho việc nghiên cứu 7 lời tách riêng ra, phải có một chương tổng hợp kèm theo.
7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá cấu thành một tổng thể tuyệt vời. Trong tổng thể này, vừa là một vừa là tất cả, vốn cung cấp một tóm lược hùng vĩ của Kitô giáo, mỗi một trong các lời này có đươc vị trí riêng của nó và còn hơn thế nữa, hợp thành nhóm với các lời nói khác thành những phạm trù riêng biệt.
Không cần phải quay lại 3 nhóm nhỏ theo thứ tự thời gian mà chúng ta đã nêu ra ở đầu công trình này (trước - đang - sau 3 giờ chiều - BTGH). Tầm quan trọng chúng trình ra đã được đặt vào chỗ hợp pháp của nó, trong phần Dẫn nhập. Và như đã thảo thuận, chính theo thứ tự lịch sử mà trong khi nghiên cứu, chúng ta đã duyệt qua 7 lời nói, từng lời một.
Không có lợi để nhấn mạnh về sự việc là một số trong 7 lời nói này (lời thứ nhất, lời thứ tư và lời thứ bảy) đặc biệt hướng về Thiên Chúa, trong khi một số khác (lời thứ hai và lời thứ ba) nói với con người; những lời khác (nghĩa là lời thứ năm và lời thứ sáu) không có địa chỉ đặc biệt nào.
Điều quan trọng, ấy là phân chia theo nội dung thiêng liêng của chúng, 7 lời của Chúa Giêsu trên thập giá thành hai loạt lớn, mà sự hiện hữu và sự tách rời được xác định một cách rõ rệt và càng rạng ngời oai phong khi chúng hoà hợp với những dữ liệu theo thứ tự thời gian mà 7 chương đầu dựa vào. Hai loạt phải chịu áp đặt trật tự tinh thần và thiêng liêng đi theo trật tự lịch sử, không hoà trộn và không xung khắc loại trừ nhau. Một sự hoà hợp như thế đáng được nhấn mạnh, vì nó làm tăng một cách đặc biệt độ chính xác và sự mạch lạc của một chủ đề đáng ngưỡng mộ trong tất cả mọi chủ đề.
Được xem xét theo nhóm, từ góc độ chính yếu này, 7 lời Chúa Giêsu noi trên thập giá chia thánh nhóm nhỏ, và sau đó, hợp nhất lại theo cách sau đây: Những lời này tóm tắt lại những công trình sự sống và làm thành loạt thứ nhất. Những lời khác chỉ cho biết những tính chất sự sống và tạo thành loạt thứ hai. Kết hợp chung lại với nhau, cả hai loạt cấu thành kiến thức thực tiễn của cuộc sống Kitô giáo, mà Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đích thân biểu thị với đức tin của chúng ta như một kiểu mẫu hoàn hảo và như suối nguồn không bao giờ khô cạn.
Trong 7 lời này, thì 3 lời đầu tiên:
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng (Lc 23,43)
3. Thưa Bà, đó là con Bà - Đó là Mẹ của con (Ga 19,26-27)
cho thấy những công trình cuộc đời tuôn trào một cách nào đó từ cái chết của Đấng Cứu Độ. Đó là những biểu hiện sinh lợi của ân súng. Sự tha thứ các xúc phạm, việc được vào thiên đàng, những mối liên hệ nối kết các tâm hồn xuất hiện với chúng ta như là 3 công trình siêu vời của Kitô giáo.
Trong 7 lời này, thì 4 lời cuối cùng:
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người đã bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34)
5. Ta khát (Ga 19,28)
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30)
7. Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46)
mô tả bản chất và những đặc tính của đời sống Kitô hữu.
Đau khổ - tuyệt đối trong trường hợp của Chúa Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi trong 3 giờ hấp hối - cơn khát, công việc hoàn tất, sự lệ thuộc với Chúa Cha trên trời cho đến giờ cuối cùng trên thế gian làm thành một nguồn mạch các công trình đời sống.
Cần phải lưu ý rằng, trong dãy tiếp nối những lời Chúa Giêsu xướng từ trên cao thập giá, những lời liên quan đến sự sống đi trước những lời liệt kê những đặc tính của đời sống Kitô hữu.
Sự việc này, với tầm vóc đáng kể, đánh động chúng ta mạnh mẽ nhất, nhưng không gây cho chúng ta chút ngạc nhiên nào. Nó được giải thích ngay tức thì: hiển nhiên bản thân Chúa Giêsu không cần đến các nhân đức cái chết của người để hoàn tất các công trình sự sống. Hoàn tòan tự nhiên là sự biểu thị các công trình cuộc sống đi trước sự chỉ dẫn của thiên nhiên và của các đặc tính đời sống trong trường hợp độc nhất vô nhị của Đấng Cứu Độ. Chẳng phải Người là Con Người Thánh Thiện, hoàn hảo, hiển vinh, được miễn trừ mọi tội lỗi (x. 2 Cr 5,21; Dt 4,15) đó sao? Chẳng phải Người là Con Duy Nhất của Chúa Cha, Đấng Thiên Chúa nhập thể đó sao?
Với chúng ta, mà ân sủng Thiên Chúa kêu gọi, mặc cho sự mỏng giòn yếu đuối của chúng ta, để thể hiện lại một cách nào đó có thể, những nét riêng biệt đã chiếu sáng trong cuộc đời và trong hy lễ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, với sự tròn đầy không thay đổi của một vẻ sáng ngời khôn sánh, thì việc thực hành những công trình trong đời nhất thiết phải theo các tính cách cuộc đời và cái chết của Đấng Cứu Độ.
Đó chính là những gì sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy khi thuật lại cuộc tử vì đạo của Stêphanô:
Hai lời nói được chứng nhân trung thành của Chúa Giêsu Kitô xướng lên:
“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con” (Cv 7,59)
“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng quy tội cho họ” (Cv 7,60)
nhắc nhở chúng ta một cách hết sức gần gũi 2 trong các lời Chúa Giêsu nói trên thập giá:
Lời thứ bảy: “Cha ơi, con phó tâm hồn của con trong tay Cha” (Lc 23,46)
Lời thứ nhất: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm” (Lc 23,34)
Vì lý do vừa nêu trên, những lời nói này được trình bày cho chúng ta theo thứ tự ngược lại.
Ngoài khác biệt về thứ tự, cũng cần để ý những khác biệt về chi tiết.
Khi thốt lên lời thứ nhất và lời thứ bảy, một lời trước, còn lời kia sau 3 giờ chiều, Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh nói với Thiên Chúa Cha.
Thánh Stêphanô, cả trong 2 lần, cầu khẩn Đức Chúa.
Sự tôn kính mà Stêphanô dành cho Danh Vị Đức Chúa của Chúa Giêsu Kitô mang một vẻ đẹp hết sức cảm động. Đó mới chính là chết vì Đức Chúa và lệ thuộc vào Đức Chúa. Thánh Stêphanô cung cấp minh hoạ được nói trước cho lời giảng dạy về sau của Thánh Tông Đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 14,7-9). Stêphanô một cách nào đó nhận ra rằng chúng ta thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,23). Stêphanô không phó linh hồn Ngài với sự làm chủ vĩ đại này vốn là đặc điểm tự nhiên của Con Người hoàn hảo. Ngài hết lòng khiêm nhường cầu xin Đức Chúa nhận lấy linh hồn Ngài.
Chúa Giêsu nói: “Xin hãy tha cho chúng” với sự thoải mái và với quyền uy chỉ có nơi kẻ mà ý chí hoàn hảo con người hoà hợp với ý chí hoàn hảo Thiên Chúa. Thánh Stêphanô thì khiêm nhường thưa: “Xin đừng trách phạt họ vì tội này” và để cho chính Đức Chúa quyền quyết định. Chữ nguyên thuỷ được dịch thành “trách phạt” (imputer) trong đạo này liên tưởng đến những cân nhắc của Chúa Giêsu.
Linh đạo cao cả và tinh khiết, trong sáng và rạng ngời dường ấy của Vị Tử Vì Đạo tiên khởi này là hoa trái của một sự hiệp thông ưu việt với Đức Chúa hiển vinh. Chứng từ của Stêphanô cho chúng ta thấy các nhân đức mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đem ra thực hành, mỗi người theo chừng mực của mình.
Gương sáng này và lời kêu gọi này rất long trọng. Là những người được hưởng sự sống của Chúa Kitô và những kết quả vẻ vang của cái chết trên thập giá của Người, chúng ta được kêu gọi ngày lại ngày trong cuộc sống trần gian, thể hiện những đặc tính ấy và hoàn tất những công trình đời sống Kitô hữu. Thiên Chúa còn để chúng ta sống trong thế gian này chính là để phản ánh những nét của Chúa Kitô, Đức Chúa và là Đấng Cứu Đô chúng ta, Con Một Yêu Dấu của Người (x. 2 Cr 2,14-36; 4,6-10). Và chính ví cứu cánh này mà “Thiên Chúa vĩ đại và Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Đô của chúng ta” (Titô 2,13) đã nói trước cuộc khổ nạn: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Được nghiên cứu từng lời một dưới ánh sáng những dữ liệu chung vốn phối hợp chúng về mặt lịch sử, như trong nhóm công việc này; được quy tụ lại theo nguyên lý tinh thần và thiêng liêng - như trong chương 9 này - thành 2 nhóm, một chỉ cho biết các công trình, một còn lại chỉ cho biết những đặc tính và bản tchất của đới sống Kitô giáo; sau đó được hợp nhất lại và bằng việc nối lại mối quan hệ giữa 2 nhóm, làm thành một sơ lược lớn lao của Kitô giáo, 7 Lời Chúa Giêsu nói trên thập giá bằng nhiều cách, cấu thành một chủ đề được xác định một cách rõ ràng, một chủ đề có những đường nét riêng, tự nó thoả mãn cho mình và có tầm quan trọng hàng đầu.
Tuy vậy, bản tổng hợp còn có thể mở rộng thêm một cách nhất định. Trước Calvariô có Giêtsêmani và Con Đường Thương Đau.
Những Lời Chúa Giêsu nói trong Vườn Giêtsêmani và trên Con Đường Thương Đau, thực tình mà nói, không thể chỉ được đưa vào như là cộng thêm vào trong tổng thể tuyệt vời mà chúng ta vừa đánh dấu sự hiệp nhất và nhấn mạnh sự tròn đầy. Nhưng theo Kinh Thánh, có thể cho phép những lời ở Vườn Giêtsêmani và những lời trên Con Đường Thương Đau cung cấp một lời mở đầu kép cho 7 lời trên thập giá.
Hiển nhiên là những lời nói ở Vườn Giêtsêmani và những lời nói trên Con Đường Thương Đau cho phép học hỏi từ trường lớp của Chúa Kitô những điều kiện tiên quyết của cuộc sống Kitô hữu. Chúng bao hàm một loại chuẩn bị cho việc nghiên cứu học hỏi sự hiểu biết thực tiễn cuộc sống Kitô hữu phát xuất một cách rõ ràng từ 7 lời Chúa Giêsu nói trên thập giá và hình thành một tổng thể riêng ra. Chính với danh nghĩa này - và chỉ với danh nghĩa này mà thôi - mà ta có thể nói về một lời dẫn nhập kép cho 7 lời trên thập giá mà không trộn lẫn từ những chủ đề độc lập.
Tưởng cũng nên lưu ý rằng những lời nói ở Vườn Giêtsêmani hoặc trên Con Đường Thương Đau không được trình bày dưới hình thức ngắn gọn súc tích như 7 lời trên thập giá. Sự khác biệt này có tầm quan trọng và những lý do riêng của nó. Đó là những tính chất đặc thù chúng có được một cách rõ nét đến nỗi chúng làm cho 7 lời trên thập giá trở thành một đề tài độc nhất, một tổng thể tách hẳn ra.
Chắc chắn là những người được Chúa Giêsu cứu chuộc sẽ được lợi nhiều khi qua Giêtsêmani và Con Đường Thương Đau trước khi đứng suy gẫm trên Calvariô, dưới chân thập giá.
Nhưng không nên tìm kiếm trong công trình này một nghiên cứu sâu xa và đầy đủ những bản văn thuật lại cho chúng ta những lời của Đấng Cứu Độ ở Vườn Giêtsêmani hoặc trên Con Đường Thương Đau. Chúng ta chỉ giới hạn ở những nhận xét ngắn về các sự việc liên quan đến đề tài của chúng ta.
Ba Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại những lời của Đấng Cứu Độ ở Vườn Giêtsêmani (Mt 26,36-46; Mc 14,32-42; Lc 22,39-46). Câu chuyện được thuật ở 3 nơi này mời gọi phân biệt một đàng những liên lạc truyền đạt của Chúa Giêsu cho các môn đệ; đàng khác là những lời cầu khẩn của Con Người với Chúa Cha của Người.
Trong những lời của Đấng Cứu Độ nói với các môn đệ của Người, điều quan trọng hơn hết đối với công việc này, đó là câu 35 trong trình thuật Thánh Matthêu: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết; các con hãy ở lại đây và thức với Thầy”, cũng có câu tương tự trong trình thuật Thánh Maccô - c.34: “Linh hồn Thầy buồn đến chết; hãy ở đây và hãy thức”. Nhưng sau chữ “hãy thức”, bản văn của Thánh Maccô không có cụm từ “với Thầy”. Ở trong trình thuật Thánh Matthêu, nó lại là một nét đăc thù cần lưu ý đối với vấn đề chúng ta đang quan tâm, vì những chữ đó (cùng Thầy) đánh dấu một cách hết sức sáng sủa điều kiện mà Chúa Giêsu định cho chúng ta.
Những chữ “cùng Thầy” diễn tả ý tưởng kết hợp và tham dự với Chúa Giêsu vào thời khắc gay go nhất, lúc mà linh hồn sầu khổ của Chúa Giêsu ý thức được hết nỗi kinh hoàng sắp đến gần của việc Người bị Chúa Cha bỏ rơi giữa những nỗi thống khổ của cực hình thập giá trong bóng tối hấp hối. Ở với Chúa Giêsu trong giờ cảm nhận trước, giờ buồn sầu, khắc khoải khổ đau và kinh hãi là một vinh dự mà cơn buồn ngủ nặng trĩu của các môn đệ, 3 lần liên tiếp, tỏ ra không thể nhận thấy được ân sủng và không thể nếm cảm được tính chất tuyệt diệu. Hậu quả của một thái độ như vậy là khi gần đến lúc bị đóng đinh, tất cả các môn đệ - kể cả Phêrô, Giacôbê và Gioan - đã bỏ Đấng Cứu Độ và trốn mất (Mt 26,56; Mc 14,50). Chúa Giêsu trong cơn khốn cùng đã tìm những người an ủi và đã chẳng tìm được (x. Tv 69,20).
---------------------------------------
Paul Regard (http://www.bibliquest.org/Regard/Regard-Sept_paroles.htm)
BTGH chuyển ngữ và giới thiệu
No comments:
Post a Comment