Sunday, October 23, 2022

LUYỆN TẬP NHÂN ĐỨC

  1. KHÁI NIỆM VỀ CÁC NHÂN ĐỨC

(Nhân đức tự nhiên và nhân đức siêu nhiên)

  1. Định nghĩa

Nhân đức là một danh từ rất khó hiểu, nó vốn trừu tượng, lại có nhiều nghĩa khác nhau. Theo nguyên tự Hán Việt, nhân đức là điều hay, người ta cứ lòng ngay, lòng tốt mà làm. Theo người Rôma, nhân đức (virtus) là một sức mạnh tinh thần, phải kiên gan trì chí mới tập được. Theo Thánh Tôma, nhân đức là tập quán hoàn hảo con người để hành động cho tốt.

Xét về mặt nhân đức tập thành, thì nhân đức là do thói quen, do tập luyện mà có, khiến ta làm điều thiện cách dễ dàng, mau mắn và thích thú.

  1. Phân loại

Người ta phân ra nhân đức tự nhiên và siêu nhiên.

2.1. Nhân đức tự nhiên: Nhân đức tự nhiên là tập quán của linh hồn, do công luyện tập mà được, khiến ta dễ dàng mau mắn và thích thú làm điều thiện. Phù hợp với lẽ phải. Chẳng hạn đức ái nhân nơi một lương dân.

2.2. Nhân đức siêu nhiên: Nhân đức siêu nhiên không phải là tập quán làm điều thiện cách dễ dàng, nhưng là tài năng Chúa phú vào linh hồn một trật với ơn thánh sủng, khiến ta có khả năng làm việc siêu nhiên, đáng thưởng đời sau.

Các nhân đức siêu nhiên là do Thiên Chúa phú vào linh hồn nên cũng gọi là nhân đức thiên phú. Chẳng hạn đức ái nhân của người giáo hữu.

Hai thứ nhân đức này khác xa nhau lắm. Nhân đức tự nhiên do luyện tập mà có được, còn nhân đức siêu nhiên do Chúa phú vào linh hồn cách nhưng không.

Nhân đức tự nhiên khi đã tập thành khiến ta làm việc thiện cách dễ dàng, mau mắn và thích thú. Còn nhân đức siêu nhiên ban đầu mới chỉ là một khả năng để ta làm được những việc siêu nhiên đáng thưởng đời đời, nhưng phải tập luyện mới trở thành tập quán làm điều thiện cách dễ dàng được.

Sau hết, nhân đức tự nhiên nhằm sự thiện tự nhiên và hướng về Chúa tạo thành; còn nhân đức siêu nhiên nhằm sự thiện siêu nhiên và hướng về Chúa Ân Sủng, như Đức Tin đã mạc khải.

Khỏi nói về 3 nhân đức đối thần, các nhân đức luân lý tự nhiên đều hoá nên nhân đức siêu nhiên nơi người giáo hữu, vì chúng được Thiên Chúa phú vào linh hồn, được thực hành bởi lý do đức tin, dưới sự thúc đẩy của ơn hiện sủng. Chẳng hạn, lương dân yêu người vì tình nhân đạo và lẽ tự nhiên; còn người giáo hữu, ngoài lý do đó, thì yêu người trên hết là vì tình huynh đệ siêu nhiên và ân sủng thúc giục.

Có biết như thế ta mới hiểu tại sao người giáo hữu có thể yêu thương cả thù địch và giúp đỡ người khác, có khi hy sinh đến cả tính mệnh.

  1. Nhân đức luân lý siêu nhiên

Xét theo đối tượng, nhân đức chia ra đối thần và luân lý.

Đức đối thần là quy thẳng vào Thiên Chúa.

Đức luân lý giúp ta sửa trị tính nết, gạt bỏ chướng ngại, lo liệu phương thế, để tiến tới sự kết hiệp cùng Chúa, nghĩa là hướng về Chúa cách gián tiếp.

Để hướng dẫn đời sống tinh thần, lý trí và đức tin đã vạch sẵn cho ta những quy tắc phải giữ, cũng như trong đời sống thể xác, lý trí đã vạch cho ta những vệ sinh căn bản (ăn, ngủ, mặc…) mà ta không thể phế bãi được. Những quy tắc căn bản đời sống tinh thần gọi là nhân luân, nghĩa là trật tự con người phải giữ. Giữ được nhân luân cho thích trung, đó gọi là nhân đức luân lý hay luân lý vậy.

Luân đức rất nhiều, nhưng đều quy về 4 đức trụ bản, gọi tắt là bản đức. Gọi là bản đức vì chúng là nền móng cho các đức khác tựa vào. Bốn bản đức là: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.

Đức khôn ngoan giúp ta tìm các phương tiện tối hảo để đạt cứu cánh siêu nhiên, là Thiên Chúa.

Đức công bình khiến ta tôn trọng quyền lợi người khác, để bảo tồn sự hoà thuận giữa anh em.

Đức can đảm giúp ta bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của mình, chịu đựng các thử thách, thực hành công việc khó khăn để đạt tới hạnh phúc trường sinh.

Đức tiết độ giúp ta kềm hãm các dục tình và bắt chúng tuân theo luật Chúa.

Tóm lại, đức công bình điều chỉnh bổn phận ta với tha nhân, đức can đảm và tiết độ điều chỉnh bổn phận ta đối với bản thân. Còn đức khôn ngoan thì hướng dẫn các nhân đức khác.

Mỗi bản đức lại sinh ra nhiều đức khác, không thể đề cập hết được. Ở đây, ta sẽ bàn về các bản đức và mấy đức liên hệ quan trọng mà thôi.

  1. Khôn ngoan
  2. Công bình: thờ phượng – phục tùng
  3. Can đảm: khoát đạt – quảng đại – nhẫn nhục – kiên nhẫn
  4. Tiết độ: thanh khiết – khiêm nhường – hiền lành – thanh bần
  5. Ba nhân đức khấn dòng.
  6. NHÂN ĐỨC KHÔN NGOAN
  7. Khái niệm về đức khôn ngoan

Trong điều này ta sẽ bàn về: Bản chất và yếu tố đức khôn ngoan.

1.1. Bản chất

Khôn ngoan là nhân đức siêu nhiên, khiến ta biết lựa chọn những phương thế thích hợp với mỗi hoàn cảnh, để đi đến thành công, hầu đạt tới hạnh phúc trường sinh.

Khôn ngoan đây không phải là khôn ngoan tự nhiên, khôn ngoan xác thịt, nhưng là khôn ngoan siêu nhiên.

Khôn ngoan xác thịt là tìm phương kế gian ngoan để đạt mục đích bất chính, hoặc để mưu lợi ích chính đáng nhưng cách bất chính. Thánh Phaolô đã lên án sự khôn ngoan ấy, vì nó đối nghịch cùng Thiên Chúa.

Khôn ngoan tự nhiên cũng gọi là khôn ngoan thế gian chỉ lo đạt mục đích đời này, không lo gì đến Thiên Chúa và đời sau. Ở đây cần phải nhắc lại Lời Chúa: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì.” (Mt 16,26).

Khôn ngoan đây là khôn ngoan siêu nhiên, dựa vào nguyên tắc đức tin và quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Nó chi phối tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của ta để quy hướng đời ta về cùng Thiên Chúa.

Đức khôn ngoan là ở tại trí năng, vì trí năng lo việc suy xét, lựa chọn phương tiện thích hợp cho mỗi hoàn cảnh. Ngoài những nguyên tắc chung, người khôn ngoan còn phải biết những chi tiết thực tế, mới trông áp dụng cho nhằm được. Tuy nhiên, ý chí cũng có phần phải đóng góp, vì nó phải truyền cho trí năng tìm tòi phương tiện và quyết định thi hành.

1.2. Yếu tố

Muốn hành động khôn ngoan phải có 3 yếu tố: suy nghĩ cho chín chắn, quyết định cho khôn ngoan và thực hành cho chu đáo.

1.2.1. Suy nghĩ

Trước hết, phải suy nghĩ cho chín chắn, mới tìm ra các phương tiện xứng hợp. Việc càng quan trọng càng phải suy nghĩ kỹ hơn. “Một người lo bằng một kho người làm.” Vậy phải biết suy nghĩ và bàn hỏi.

– Suy nghĩ: Phải suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lịch sử loài người nói chung và kinh nghiệm bản thân nói riêng, là những bài học vô giá, dạy cho ta biết đường xử thế. Hoàn cảnh hiện tại cũng phải được lưu ý, vì mỗi cảnh, mỗi người, mỗi thời, mỗi thế hệ đều có khuynh hướng, tập tục, tâm lý và điều kiện riêng, ta phải biết, để hành động cho đắc lực. Hoàn cảnh tương lai cũng phải được dự phòng, nghĩa là dự đoán các biến chuyển, phản ứng và công hiệu việc làm của ta, để mà phòng bị đối phó, nếu cần.

Tóm lại, phải nhìn lại quá khứ, dự bị tương lai mới có thể tổ chức hiện tại được.

– Bàn hỏi: Suy nghĩ một mình chưa đủ, còn phải bàn hỏi người khôn ngoan từng trải. Đáo cuộc giả mê. Người đứng ngoài thường nhìn thấy những khía cạnh mà ta không thấy. Đấng ta phải bàn hỏi trước tiên là cha linh hướng, vì ngài vô tư và hiểu thấu ta hơn. Đồng thời phải cầu xin Chúa Thánh Thần, là Cha sự sáng, là Thầy dạy rất khôn ngoan.

1.2.2. Quyết định

Sau khi đã suy nghĩ, phải xét đoán và quyết định những phương thế nào là hiệu nghiệm hơn cả. Muốn phê phán cho đúng, hãy gạt bỏ những thành kiến, đam mê tình cảm, thường làm lệch cán cân lý trí; trái lại phải đứng về phía Đức Tin mà xét đoán mọi công việc. Đừng hời hợt hãy cân nhắc lẽ thuận, lẽ nghịch cho sâu sắc, phân minh. Nhưng cũng không nên lưỡng lự hoài, mà phải biết quyết định điều nào mình thấy là hợp, là tốt hơn cả.

1.2.3.Thực hành

Sau hết, phải thực hành điều quyết định cho chu đáo. Muốn thế phải biết dự phòng, thận trọng và cảnh giới.

– Dự phòng là ước lượng nghị lực cần thiết, dự liệu phương tiện để thắng trở lực có thể xảy đến.

– Thận trọng là ngó trước nhìn sau, để tìm điều thuận mà lợi dụng, điều nghịch mà phòng ngừa.

– Cảnh giới là có sẵn một phương sách để đối phó với sự bất ngờ. Sự khôn ngoan của ta có hạn. Dầu chuẩn bị đến đâu, vẫn có thể có chuyện chẳng lành xảy tới trên đường nhân đức cũng như đường thế sự. Vậy phải cẩn thận đề phòng, để khỏi bị đánh úp mà thua trận.

  1. Sự cần thiết của đức khôn ngoan

Đức khôn ngoan cần thiết cho sự thánh hoá và tông đồ.

2.1. Muốn thánh hoá bản thân, phải tránh lánh tội lỗi và tập tành nhân đức. Muốn tránh tội lỗi cần biết căn nguyên và cơ hội sinh ra tội, đồng thời tìm ra các phương dược thần diệu mà áp dụng cho chu đáo. Những điều ấy, chỉ có đức khôn ngoan mới làm được.

Muốn tập nhân đức và kết hiệp cùng Chúa, cũng cần phải nhờ đức khôn ngoan. Đức tại trung dung, nếu không khôn ngoan thì làm sao tránh khỏi thái quá hoặc bất cập? Nhiều nhân đức lại xem như tương khắc, thí dụ: công bình với nhân hậu, can đảm với hiền lành, thương người với thánh khiết, làm thế nào mà dung hoà được, nếu không có đức khôn ngoan cầm cân nảy mực và chế chẩm cho khéo léo?

2.2. Vả lại, muốn làm tông đồ, càng phải khôn ngoan hơn nữa. Theo nhận xét của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: làm ích cho các linh hồn, đâu có phải dễ. Người ta ai cũng có lòng tự ái, nhất là vấn đề lương tâm. Đức khôn ngoan sẽ dạy cho biết phải tế nhị khi giao tiếp, dè dặt lúc khuyên lơn, biết gây thiện cảm, biết đợi thời đợi dịp, biết áp dụng phương tiện cho mềm mỏng. Một vị linh mục, trong việc cai quản và thánh hoá đoàn chiên, cần phải khôn ngoan mới trông thành công được.

  1. Cách thế tập luyện đức khôn ngoan

Phương tiện chung cho mọi nhân đức, luân lý cũng như đối thần, là siêng năng cầu nguyện, để thông cảm với Chúa Giêsu và hấp thụ các đức tính của Ngài. Nguyên tắc chung này sẽ áp dụng cho hết các nhân đức. Sau không cần nhắc lại nữa, muốn nên khôn ngoan, việc trước hết là phải năng cầu xin ơn ấy cùng Chúa, như lời Thánh Giacôbê dạy: “Trong anh em, ai thiếu khôn ngoan, hãy kêu xin cùng Chúa, tất Ngài sẽ ban cho dư dật.” (Gc 1,5).

3.1. Tổng tắc

Tổng tắc đức khôn ngoan là quy hướng mọi sự về cứu cánh siêu nhiên. Đối với khởi sinh, cứu cánh ấy là phần rỗi linh hồn; nhưng đối với đạt sinh cứu cánh ấy là sự vinh danh Chúa. Quan niệm sau quan trọng hơn quan niệm trước, nhưng không phải ai cũng thực hiện được.

Trong thực tế, ta nên chọn một châm ngôn đạo đức, để hằng ngày chiêm niệm và cố gắng sống theo. Thí dụ: lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì? Chỉ có sự đời đời là đáng kể. Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến.

3.2. Áp dụng

3.2.1. Áp dụng cho khởi sinh: Khởi sinh nên dùng tổng tắc trên mà trừ khử những tính xấu nghịch đức khôn ngoan, vì thái quá hoặc vì bất cập.

+ Thái quá:

– Sự khôn ngoan xác thịt chỉ tìm thoả mãn dục tình; bất phân phúc tội. Nên nhớ: lạc thú mau qua, thiên đàng còn mãi.

– Tính quỷ quyệt chuyên dùng mưu mô, gian dối. Nên nhớ: thật thà là cha quỷ quái. Phải khôn ngoan như con rắn, nhưng phải ngay thật như bồ câu.

– Tính lo lắng quá đỗi về tương lai và của cải. Hãy ôn lại bài học quan phòng của Chúa.

– Thành kiến và đam mê làm thiên lệch sự phê phán và lựa chọn. Phải khách quan và bình tĩnh mới được.

+ Bất cập:

– Tính nhẹ dạ, vô tâm, hấp tấp hay làm cho hỏng việc.

– Đi đâu mà vội mà vàng, mà mắc phải lưới mà quàng phải dây! 

– Tính do dự, bất kiên, cẩu thả phải diệt trừ bằng sự quyết đáp, chu đáo và cẩn mật.

– Lỗi lời nói: khởi sinh chưa gột rửa được tinh thần thế tục, nên còn hay lỗi sự khôn ngoan trong lời nói. Vậy phải cẩn ngôn, “uốn lưỡi bảy lần rồi mới nói”.

Vàng thì thử lửa, thử than.Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

3.2.2. Áp dụng cho tiến sinh: Tiến sinh hãy suy gẫm ngôn ngữ và hành vi đầy khôn ngoan của Chúa trong Phúc Âm, để cảm thông và mô phỏng. Giáo lý của Ngài về đức khôn ngoan và toát lược trong mấy câu: “Hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính Ngài trước đã. Hãy khôn ngoan như con rắn và thật thà như bồ câu.” (Mt 6,33; 10,16). “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” (Mt 13,33). Còn gì khôn ngoan bằng cách Chúa đối đáp với kẻ thù, cách Ngài dạy dỗ dân chúng qua các dụ ngôn tài tình linh động, và cách Ngài đào tạo các tông đồ, vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ! Ngắm gương ấy, gẫm lời kia, cầu nguyện cho sốt sắng, đó là cách tối hảo tập đức khôn ngoan vậy.

III. ĐỨC CÔNG BÌNH

  1. Khái niệm về đức công bình

1.1. Định nghĩa

Công bình là nhân đức làm cho ta sẵn lòng trao trả quyền lợi hoặc tài sản của ai cho người ấy.

Đó chỉ là áp dụng nguyên tắc tự nhiên: “của nào thuộc chủ ấy”, mà ai ai cũng công nhận. Chúa Giêsu đã dạy “hãy trả cho Xêda cái gì của Xêda” (Mt 23,24). Khổng Tử cũng nói rằng “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Đó là khuôn vàng thước ngọc ta phải cứ trong việc cư xử với tha nhân. Có công bình mới có an ninh trật tự. Phải, có công bình người ta mới biết tôn trọng quyền lợi nhau, tránh thói gian tham, giữ lòng ngay thật, gạt bỏ bất công và nhờ thế, duy trì được an ninh xã hội.

1.2. Phân loại

1.2.1. Công bình chung: Công bình chung chi phối sự liên lạc giữa xã hội với tư nhân. Đối với xã hội, tư nhân phải biết ơn và sẵn sàng đóng góp tiền của sức lực, mà xã hội có quyền đòi hỏi. Ích chung trọng hơn ích riêng, nên khi cần, nhân dân cũng phải hy sinh tính mạng và tài sản, ít là một phần vì công ích. Ngược lại, xã hội phải bảo đảm tính mạng, tài sản và quyền lợi của tư nhân. Lại phải tuỳ tài lực người ta mà trọng dụng, tuỳ tội phúc mà thưởng phạt, kẻo lỗi đức công bình phân phối.

1.2.2. Công bình riêng: Công bình riêng chi phối sự liên lạc giữa tư nhân với tư nhân. Chẳng những ta phải tôn trọng quyền sở hữu về của cải, mà cả các quyền lợi khác về thể xác hoặc tinh thần, như tính mạng, danh giá, tự do của người ta nữa.

  1. Thực hành đức công bình

2.1. Về tài sản

Phải tôn trọng tài sản người ta, tránh ăn cắp vặt, gian lận, quanh co, trong điều nhỏ mọn cũng thế. Công nợ không nên vay khi không chắc trả được. Nếu đã vay thì liệu trả cho sớm. Đồ đạc sách báo mượn của ai phải giữ cẩn thận như của mình và phải nhớ trả càng sớm càng tốt. Nếu chẳng may hư hỏng cách nào thì phải bồi thường cho xứng. Tiền bạc người ta ký thác, tài sản của hội đoàn phải sổ sách phân minh, để lỡ mình có chết bất ngờ, người ta khỏi thiệt hại. Nếu là linh mục, phải giữ sổ lễ và sổ của chung cho minh bạch, để chẳng may mình có qua đi, người ta biết đường mà liệu.

2.2. Về danh giá

Phải tôn trọng danh thơm tiếng tốt người ta.

2.2.1. Tránh võ đoán: Phải tránh sự võ đoán, cũng gọi là xét đoán dông dài, nghĩa là kết tội người ta theo sự bề ngoài, không rõ căn nguyên, không tường lý sự, chỉ nghe theo thiên kiến hoặc dục vọng của mình.

Võ đoán là tiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài có quyền phán xét loài người. Võ đoán cũng là tội bất công, vì lên án khi chưa nghe người ta tự bào chữa. Theo đức công bình và bác ái, ta hãy giữ đừng xét đoán ai khi mình không có phận sự; hoặc nếu có xét đoán thì xét đoán rộng cho người ta hết sức.

2.2.2. Tránh nói hành: Phải tránh tật nói hành, nghĩa là tỏ tội lỗi hay nết xấu kín nhiệm của người ta, mặc dầu là có thực. Kẻ bị nói xấu, lẽ dĩ nhiên là buồn rầu, khi thấy danh giá mình bị tổn thương, uy tín mình bị suy giảm, và bởi đó, công việc mình bị thiệt thòi.

2.2.3. Tránh vu cáo: Phải tránh vu cáo, nghĩa là đổ lỗi cho người ta khi người ta không có. Tội bất công này thường là con đẻ của tính độc ác và ghen tị. Một kẻ nói ra, trăm người hoạ lại, danh tiếng người ta chẳng mấy chốc đã bị xé rách tơi bời, thiệt hại biết đâu mà kể.

Đức công bình buộc phải đền trả sự thiệt hại đã làm. Của cải đền trả còn dễ. Danh giá đền trả mới khó thay! Dầu khó, ta cũng phải liệu rút lời lại, và tìm dịp khen bù kẻ ta đã chê bai. Cách tốt hơn cả là giữ mình đừng nói xấu, vu cáo, cũng đừng a dua, trái lại hãy khéo léo lái qua câu chuyện khác; hoặc hơn nữa, cố gắng làm trạng sư của người vắng mặt, như Thánh Têrêsa đã làm xưa.

  1. Đức công bình và các nhân đức liên hệ

Đức thờ phượng

Đức thờ phượng cũng thuộc đức công bình, vì nó khiến ta trả món nợ tôn sùng cho Thiên Chúa. Nhưng nó không hẳn là công bình, vì ta không thể tôn sùng Thiên Chúa như Ngài đáng được. Ta sẽ bàn về: Khái niệm đức thờ phượng và cách thức thực hành đức ấy.

  1. Khái niệm đức thờ phượng

1.1. Bản chất

Theo thần học, thờ phượng là động tác tôn kính, nhằm mục đích chứng minh lòng thần phục đối với Đấng tạo thành. Động tác này gồm hai yếu tố: trí khôn và lòng muốn. Trí khôn phải nhận thức sự ưu tú trác tuyệt của Thiên Chúa. Lòng muốn phải nhận chịu quyền điều khiển tối cao của Ngài. Động tác ấy được thực hiện ngấm ngầm trong thâm tâm, hoặc biểu lộ ra ngoài, đó là thờ phượng.

Vậy, thờ phượng là nhân đức uốn lòng ta tôn kính Thiên Chúa, vì sự ưu tú trác tuyệt và quyền chủ tể tối cao của Ngài.

Đối tượng của đức thờ phượng là sự tôn kính Thiên Chúa, chứ không phải là chính Thiên Chúa như nhân đức đối thần.

Lý do của đức thờ phượng là sự cao sang trổi vượt và quyền hành tối cao của Chúa, khiến vạn vật phải phục tùng và qui hướng về Ngài.

Tác động thờ phượng có hai thứ: bề trong và bề ngoài.

1.1.1. Tác động bề trong là thờ lạy, đội ơn, tạ tội và xin ơn. Trong mấy việc ấy, quan trọng nhất là thờ lạy, nghĩa là sấp mình xuống trước mặt Chúa, để nhìn nhận Ngài là thần minh tuyệt đối, nguồn gốc mọi sự tốt lành, giữ quyền sinh tử vạn vật trong tay.

1.1.2. Tác động bề ngoài, dùng để phát biểu tác động bề trong. Quan trọng nhất là Thánh lễ Misa. Ngoài ra còn lời cầu nguyện công tư, lời khấn, lời thề hợp pháp cùng các việc siêu nhiên bên ngoài, làm vinh danh Thiên Chúa mà thánh Phêrô gọi là “của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” (1 Pr 2,5).

1.2. Sự cần thiết của đức thờ phượng

Vạn vật đều phải theo khả năng mà tạ ơn Thiên Chúa. Thánh Kinh rằng “các tầng trời chúc tụng vinh quang của Chúa” (Cv 18,2). Nhưng loài người có trí để suy, có lòng để mến, càng phải thờ Chúa cách hoàn toàn hơn nữa, chẳng những nhân danh riêng mình, lại còn nhân danh chung vạn vật.

Khốn thay! Loài người mải miết làm ăn, hưởng thụ, mấy ai lưu tâm đến phận sự ấy. Vì thế, Giáo Hội đã tuyển chọn một số người chuyên lo việc thờ phượng, thay cho nhân loại, đó là bậc tu sĩ và giáo sĩ. Danh từ tu sĩ theo Latinh có nghĩa là kẻ thờ phượng, vì đời họ được dệt nên bằng những việc thờ phượng liên tục. Và linh mục, với hai phương thần diệu: kinh thần vụ và lễ Misa, hằng ngợi khen Thiên Chúa cách vô cùng xứng đáng, như Chúa Giêsu đã làm xưa.

  1. Thực hành đức thờ phượng

Muốn thực hành đức thờ phượng, phải luyện lòng sốt sắng, nghĩa là hun đúc chí muốn làm các việc đạo đức cách hăng hái và quảng đại. Xét cho cùng, lòng sốt sắng chỉ là cách biểu lộ đức mến Chúa.

2.1. Đối với bậc khởi sinh

Hãy giữ chu đáo luật đọc kinh cầu nguyện, luật thánh hoá Chúa Nhật, Lễ Trọng. Hãy tránh phóng tâm, mơ mộng và du hí phàm trần, vì đó là nguồn gốc sinh ra sự chia trí. Hãy chuyên chăm đời sống nội tâm, nghĩa là năng nhớ mình ở trước nhan Chúa, và hồi tâm định trí mỗi khi cầu nguyện.

2.2. Đối với bậc tiến sinh

Hãy cố gắng kết hiệp với Chúa Giêsu trong tinh thần thờ phượng, vì trót đời, khi sống cũng như lúc chết, Ngài đã làm hiển danh Cha Ngài cách vô cùng hoàn hảo.

2.2.1. Tinh thần ấy gồm hai tâm tình: cung kính và mến yêu. Cung kính là tôn trọng và kính sợ Chúa, là Đấng tạo thành vạn vật, chủ tể càn khôn mà ta được sung sướng thần phục. Yêu mến là mến yêu Chúa Cha nhân lành, khả ái, đầy lòng thương ta. Cũng phải kể vào đây tâm tình thán phục, biết ơn và ca ngợi nữa.

2.2.2. Gương mẫu đức thờ phượng là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ khi giáng trần đến khi tắt thở, Ngài hằng tán tụng khong khen Đức Chúa Cha, xưng ra Thiên Chúa là tất cả, loài người là hư không. Công việc ấy, ngày nay, Ngài còn đang tiếp tục trong bí tích Thánh Thể cũng như trong linh hồn ta, mà Ngài thông cho tâm tình thờ phượng. Vậy ta hãy năng kết hợp cùng Thánh Tâm để thờ phượng Thiên Chúa cho xứng đáng.

2.2.3. Chúa Giêsu đã thờ phượng Cha Ngài bằng cách hiến tế trên thánh giá. Ta cũng phải hiến tế bản thân, biến đời ta thành những chuỗi dài những lễ hy sinh dâng lên trước toà Chúa. Như thế là ta đã thờ phượng Chúa cách liên lỉ vậy.

  1. Đức công bình và các nhân đức liên hệ

Đức phục tùng

Đức phục tùng cũng thuộc đức công bình, vì nó giúp ta trả món nợ tôn kính và vâng lời đối với bề trên. Trong giai đoạn này sẽ bàn về: căn bản, sự cao quý và cách thực hành đức phục tùng.

  1. Căn bản đức phục tùng

Phục tùng là nhân đức khiến ta bắt ý mình theo ý bề trên, vì lẽ ngài là đại diện Thiên Chúa.

Đối với Kitô giáo, phục tùng bề trên không phải là vâng lời một con người, song là vâng lời Thiên Chúa xuyên qua vị đại diện chính thức của Ngài. Đó là căn bản đức phục tùng Công giáo.

1.1. Đối với Thiên Chúa

Thiên Chúa là chủ tể tối cao, mọi loài phải tùng phục tuyệt đối, là thụ tạo, loài người phải vâng phục Thiên Chúa. Là con Chúa, loài người càng phải lấy lòng hiếu thảo mà vâng lời Cha. Đối với Chúa Giêsu, loài người là thần dân đã được Ngài giải phóng bằng giá rất cao, nên cũng phải tuân theo các luật Ngài ban bố.

1.2. Đối với đại diện Thiên Chúa

Phục tùng Chúa, ta cũng phải phục tùng những đại diện chính thức của Ngài. Loài người không thể sống lẻ loi, Chúa đã muốn họ hợp thành xã hội. Xã hội nào cũng phải có cấp trên để lãnh đạo, cấp dưới để vâng theo, nếu không sẽ hỗn loạn và không mưu được công ích. Quyền hành cấp trên là do Thiên Chúa “chẳng có quyền nào chẳng bởi Chúa. Vâng phục bề trên là vâng phục Chúa, chống cưỡng bề trên là chuốc lấy án phạt đời đời” (Rm 13,1-2). Còn bổn phận người trên là thi hành quyền bính để mưu vinh danh Chúa và ích chung cho xã hội. Nếu lạm dụng sẽ có lỗi trước mặt Chúa và thượng cấp. Bổn phận người dưới là vâng lời các vị đại diện Chúa, như vâng lời Ngài vậy: “Ai nghe các con là nghe Ta; ai khinh các con là khinh Ta.” (Lc 10,16).

1.2.1. Bề trên chính thức: Bề trên chính thức là ai? Thưa, đó là những người Chúa đã đặt lên chỉ huy các xã hội.

Trong gia đình là cha mẹ. Trong quốc gia là Quốc trưởng và các cộng sự viên. Trong Giáo Hội là Đức Giáo hoàng đối với thế giới Công giáo: vị giám mục đối với giáo phận, cha sở và cha phó đối với giáo xứ, như giáo luật đã quy định. Sau hết, trong tu viện, bề trên chính thức là những người được đặt lên theo hiến pháp, mà các tu sĩ đều phải tình nguyện vâng lời, trong phạm vi tu luật.

1.2.2. Giới hạn quyền bính: Quyền hành bề trên là quyền có giới hạn; không phải muốn sao cũng được. Trước hết, không được truyền điều gì nghịch với luật Chúa và Hội Thánh; và nếu có truyền thì bề dưới cũng không được thi hành, như lời Thánh Phêrô dạy: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta.” (Cv 5,25). Cũng không được truyền điều gì anh hùng, hay khó khăn quá không thể làm được, vì “chẳng buộc ai làm điều gì bất khả”. Nhưng khi hồ nghi, thì phải cho bề trên là hữu lý. Sau nữa, bề trên không được truyền điều gì vượt quá quyền hạn. Thí dụ bề trên dòng truyền việc gì ngoài giới hạn Hiến pháp và Tu luật đã chỉ định.

  1. Sự cao quý của đức phục tùng

2.1. Đức phục tùng kết hiệp ta với Chúa

Theo Thánh Tôma, trong các nhân đức luân lý, sau đức thờ phượng, chẳng có đức nào cao quý bằng đức phục tùng, vì nó kết hiệp ta với Chúa hơn mọi nhân đức khác.

Quả thế, đức phục tùng khiến ta biết bỏ ý mình theo ý Chúa, hoá nên đồng tâm nhất trí với Ngài. Hợp nhất về ý chí là hiệp nhất hoàn toàn; vì ý chí là chúa các tài năng, nó đã phục, thì các tài năng đều phục hết. Hy sinh về ý chí là hy sinh lớn nhất; vì ta trọng tự do hơn tiền tài, khoái lạc. Bởi thế Thánh Kinh dạy: rằng “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 V 15,29).

2.2. Đức phục tùng là mẹ sinh ra và giữ gìn các nhân đức

Đức phục tùng, trước hết, được đồng hoá với lòng mến Chúa, như lời Chúa dạy: “Nếu các con mến Cha, thì hãy giữ các giới răn.” Thánh Gioan phụ hoạ: “Ai tuân giữ giới răn thì thực là kẻ có lòng mến Chúa tinh ròng.” (1 Ga 2,5). Như thế, đức phục tùng minh chứng và phát huy đức mến vậy. 

Ngoài ra, đức phục tùng cũng khiến ta thực hành các nhân đức khác, vì đó là điều Chúa muốn, như lời Thánh Tôma, “tất cả các nhân đức đều thuộc về đức Phục Tùng, vì lẽ Chúa đã truyền phải giữ”.

2.3. Đức phục tùng thánh hoá đời sống

Những việc tầm thường, nếu làm vì đức vâng lời, thì cũng là những việc lành, đẹp lòng Chúa, đáng thưởng đời sau. Trái lại, việc tốt mà trái ý bề trên, thì chẳng còn đáng kể là tốt nữa. Đức vâng lời vì như cây đũa thần, chỉ vào đâu là đó hoá ra vàng. Người vâng lời làm ít mà được nhiều, vì “kẻ phục tùng sẽ được nhiều thắng trận” (dụ/ng 21,28).

Thánh Phanxicô Salê viết: “Phục Tùng là cách tử đạo trọng nhất trong các cách tử đạo, vì chẳng chết một lúc, một lần, mà chết liên miên trót cả đời sống.” Đức phục tùng, như thế, giúp ta lập công trạng lớn lao. Vậy ta phải cố gắng thực hành cho được.

3.Thực hành đức phục tùng

3.1. Áp dụng: Linh hồn hãy tuỳ bậc nhân đức của mình mà thực hành sự vâng lời

3.1.1. Áp dụng cho khởi sinh: Khởi sinh hãy lưu tâm giữ lề luật Chúa và Giáo Hội cho chín chắn, cùng siêng năng thi hành mệnh lệnh bề trên cách tinh mật và siêu nhiên.

3.1.2. Áp dụng cho tiến sinh: Tiến sinh hãy năng suy gẫm gương phục tùng Chúa Giêsu từ khi sinh ra cho đến khi chết. Khi vừa giáng trần, Ngài đã tự hiến để làm trọn thánh ý Đức Chúa Cha; trải 30 năm trường, Ngài đã vâng phục Thánh Giuse và Đức Mẹ; và sau cùng, Ngài đã vâng lời cho đến chết, lại chết trên thập giá! (Pl 2,8).

Thấm nhuần tinh thần cao cả ấy, tiến sinh hãy thành tâm vâng phục bề trên, cả trong những điều trái ý cực lòng, không than van năn nỉ.

3.1.3. Áp dụng cho đạt sinh: Đạt sinh hãy đi xa hơn, bắt trí phán đoán của mình tùng phục trí phán đoán của bề trên. Ở bậc tiến sinh, ta đã dâng ý chí cho Chúa; song ở bậc đạt sinh ta còn dâng nốt trí hiểu cho Ngài nữa. Nói khác đi ta sẽ có cùng một ý nghĩ như bề trên, và trở nên như cái gậy đặt trong tay người vậy. Tuy nhiên, không cấm ta trình bày quan điểm của mình với bề trên, nhưng phải làm cách cung kính, bình thản và sẵn sàng theo ý người.

3.2. Tư cách phục tùng

Phải vâng lời cách siêu nhiên, phổ cập và tinh tuyền.

3.2.1. Vâng lời cách siêu nhiên: Vâng lời siêu nhiên là nhìn nhận Chúa nơi bề trên; không gì giúp ta dễ vâng lời cho bằng. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy vâng lời chủ mình cách tôn trọng, kính nể và đơn sơ như vâng lời Chúa vậy.” Tài đức bề trên không phải là lý do cho tùng phục. Nết xấu của người không phải là lý do cho ta bất tuân. Hãy vâng phục, chỉ vì người là đại diện của Chúa.

3.2.2. Vâng lời cách phổ cập: Vâng lời phổ cập là vâng lời trong hết mọi sự chính đáng bề trên dạy, trừ điều nghịch luật Chúa thì không kể. Bề trên có thể lầm khi truyền khiến; nhưng ta không lầm lúc vâng lời.

3.2.3.Vâng lời cách tinh tuyền: Vâng lời tinh tuyền, là vâng lời mau lẹ, vui vẻ và tinh mật, làm đúng ý bề trên, không tìm đường giảm bớt. Thánh Anphongso viết: “Ma quỷ cũng vâng lời, nhưng cách miễn cưỡng. Tu sĩ nào vâng lời miễn cưỡng thì có lẽ gọi được là xấu hơn ma quỷ, vì nó không khấn vâng lời.”

  1. Phận sự bề trên

Phần trên, ta đã nói về phận sự của bề dưới. Nhưng không phải là bề trên không có phận sự. Phận sự của bề trên, thực ra, còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều;  vì “vâng lời thì dễ hơn truyền khiến”. Bề dưới chỉ phải vâng phục một người; còn bề trên thì xem ra phải vâng phục tất cả, nghĩa là người phải khéo léo lựa ý mọi kẻ thuộc quyền.

4.1. Đối với Thiên Chúa: Người lãnh đạo phải nhớ quyền mình có là quyền thừa uỷ của Chúa, nên phải làm theo ý Ngài, và sẽ phải trả lẽ về mọi hành động của mình, như lời Thánh Kinh: “Kẻ quyền hành sẽ phải hành hình dữ dội.” (Khôn ngoan 6,7). Vì thế, kẻ làm bề trên phải sợ hơn là mừng.

4.2. Đối với cộng đồng: Người lãnh đạo được đặt lên để để lo ích chung cho cộng đồng, nghĩa là để phụng sự người ta, không phải để người ta phụng sự, như lời Chúa phán: “Kẻ lớn trong các con sẽ là đầy tớ các con.” (Mt 23,11).

4.3. Đối với bề dưới: Người lãnh đạo có phận sự làm ích cho người thuộc quyền. Người phải làm gương cho bề dưới, nhất là về sự phục tùng thượng cấp của mình. Người phải công bằng, tuỳ tài đức mà sử dụng, tuỳ nhu cầu mà giúp đỡ, không được thiên tư. Người cũng phải yêu thương bề dưới, cảm thông sự yếu đuối của họ, nâng đỡ nhiều hơn quở phạt. Vì thế, khi truyền khiến, hãy lưu tâm đến tâm lý và sức lực mỗi người.

Có như vậy, sự lãnh đạo cũng như sự phục tùng sẽ trở nên êm dịu, dễ dàng hơn, và sinh ích cho cả đôi bên.

  1. ĐỨC CAN ĐẢM
  2. Khái niệm về đức can đảm

1.1. Định nghĩa

Theo nguyên tự, can là gan, đảm là mật. Người Á Đông xưa quan niệm rằng: gan to mật lớn là dấu người mạnh mẽ, nhiều nghị lực. Người Âu châu lại cho rằng trái tim (coeur, courage) là nguồn gốc của sức mạnh.

Can đảm là nhân đức làm cho linh hồn được mạnh mẽ để làm những việc khó khăn, không sợ hãi cũng không táo bạo.

Đức can đảm phải giữ mực trung dung giữa sự sợ hãi và sự táo bạo. Nó khử trừ cảm xúc sợ sệt, kẻo kiệt lực không dám tiến lên. Nhưng cũng tiết chế cảm xúc táo bạo, kẻo sinh ra liều lĩnh mà thất bại.

1.2. Hành vi

Can đảm có hai hành vi chính yếu: làm việc khó và chịu sự khó.

1.2.1. Làm việc khó: Muốn thành công ở đời cũng như trong đường nhân đức, phải quyết định đảm đương việc khó, và kiên chí thực hành, gặp trở lực nào cũng gắng sức vượt qua, không chịu bỏ dở công việc.

Lòng ta đã quyết thì đành

Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây.

1.2.2. Chịu sự khó: theo Thánh Tôma, “chịu sự khó, khó hơn làm việc khó”. Mà ở đời, biết bao sự khó xác hồn, ta phải chịu. Người ta nói “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng thoái thường khó hơn là tiến. Tiến là lúc ta có lực, thoái là lúc ta kém thế. Tiến là lúc ta còn trớn, thoái là lúc ta đã nản. Tiến lâu hay mau là tuỳ ở ta, thoái lâu mau là tuỳ ở địch. Vì thế, ta kết luận: “lửa thử vàng, gian nan thử đức. Có gió cả mới rõ cây cứng mềm”.

1.3. Phân loại

Có 4 đức liên hệ với can đảm. Hai đức giúp ta làm việc khó, đó là khoát đạt và quảng đại; hai đức giúp ta chịu sự khó, đó là nhẫn nhục và kiên nhẫn.

  1. Thực hành đức can đảm

2.1. Bậc khởi sinh: Khởi sinh hãy mạnh mẽ chống trả tính lo sợ, là tính thường ngăn trở chu toàn bổn phận, như sợ khó nhọc hiểm nghèo, sợ phê bình đàm tiếu, sợ mất lòng bạn hữu thân nhân. Hãy bảo mình: chỉ có một điều đáng sợ là tội, mọi sự khó sẽ qua, ân sủng và phúc trường sinh còn mãi; mặc cho miệng đời mai mỉa, thà mất lòng người ta mà được lòng Chúa, hơn mất lòng Chúa mà được lòng người ta.

2.2. Bậc tiến sinh: Tiến sinh hãy năng suy gẫm gương can đảm Chúa Giêsu đã làm, để di dưỡng tâm hồn và cố gắng thực hành như vậy. Ngay từ phút đầu tiên Ngài đã tình nguyện lãnh cuộc đời đau khổ, đau khổ như chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ngài đã chiến đấu mạnh mẽ với kẻ thù của Thiên Chúa, mặc dù biết mình sẽ bị hại. Nhất là trong cuộc Tử Nạn, Ngài đã tỏ ra vô cùng anh dũng. Ngài đã nhìn thẳng và đi thẳng đến sự chết, bình tĩnh khi bị bắt cũng như khi bị hành hạ, sỉ nhục. Ngài đã quảng đại chữa lỗi và xin tha cho các lý hình. Gương mẫu xán lạn ấy đã hấp dẫn các thánh trên đường gian nan và tử đạo.

2.3. Bậc đạt sinh: Đạt sinh hãy vun trồng các ơn huệ Thánh Thần. Nhất là ơn hùng dũng, để biết làm và chịu mọi sự vì mến Chúa.

Tin ở sức mạnh của Chúa, cậy vào ơn phù giúp của Ngài và mến yêu sự tuyệt hảo của Ngài, đó là bí quyết đã tạo nên những người đại đảm.

Đức can đảm và các đức liên hệ 

  1. Đức khoát đạt

1.1. Khoát đạt là có chí lớn, muốn làm những điều vĩ đại, cho vinh danh Chúa và sinh ích cho đồng loại.

Khoát đạt không phải là ham hố. Ham hố có tính cách ích kỷ, nghĩa là tìm tiền tài danh vọng cho mình. Khoát đạt có tính cách vị tha, nghĩa là mưu ích cho người khác.

1.2. Người khoát đạt phải có tâm hồn cao thượng, lý tưởng lớn lao, chí khí dũng mãnh, mới trông thực hiện được hoài bão.

Khoát đạt bằng tư tưởng, tâm tình chưa đủ, phải khoát đạt bằng hành động và sự nghiệp nữa. Trong mỗi địa hạt, quân sự, chính trị, kinh tế, tôn giáo đều có những người xuất chúng, vì những hành động cao cả họ đã làm.

1.3. Đối nghịch với tính khoát đạt là tính nhút nhát. Nhút nhát là quá sợ thất bại, không dám hành động gì cả. Thực là uổng phí cuộc đời! Thà hành động mà sai lỗi một hai khi, còn hơn ngồi khoanh tay mà không lỗi.

Làm trai cho đáng nên trai,

Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên.

Của đời muôn sự của chung,

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.

  1. Đức quảng đại

2.1. Đức quảng đại là tay sai của đức khoát đạt. Nếu khoát đạt là muốn làm việc lớn, thì quảng đại là sẵn sàng tiêu những món tiền lớn để thực hiện các việc lớn ấy, hầu làm vinh danh Chúa, hoặc mưu ích cho đồng loại.

Người giàu hãy rộng rãi giúp vào công cuộc của Chúa. Biết bao tổ chức Công giáo phải tê liệt vì thiếu tiền tài? Nhưng không phải giàu mới quảng đại. Bà goá Phúc Âm, chỉ bỏ hai đồng vào quỹ Đền thờ mà đã được Chúa Giêsu ca ngợi.

Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Giuse Cốt-tô-lanh-gô, với hai bàn tay trắng đã quảng đại hơn ai hết. Xem ra như Chúa ép lòng người ta phải đem tiền của đến cho những tâm hồn quảng đại, để họ thực hiện những công cuộc vĩ đại của Ngài.

2.2. Quảng đại cũng là lòng rộn rãi tha thứ, không chấp lỗi người ta, lại sẵn sàng làm ơn, khi có thể, cho đối thủ của mình. Đức này biết bao lần đã đổi thù thành bạn, và có sức bắt người đời thán phục. Đó là cách Đức Giáo hoàng Piô VII đối với Napoleon, Thánh nữ Maria Goretti đối với chàng trai đâm chết mình.

  1. Đức nhẫn nhục

3.1. Đức nhẫn nhục giúp ta chịu đau khổ vì yêu mến Chúa: nhẫn nhục là nhân đức làm cho ta biết kết hiệp cùng Chúa Giêsu mà bình thản chịu đau khổ xác hồn, vì lòng mến Chúa.

Đời là biển khổ, là sủng nước mắt, hữu thân hữu khổ là lẽ tất nhiên, không sao khỏi được. Bất nhẫn, than trách, ngã lòng, nguyền rủa đều là vô ích. Chỉ còn một cách là chịu đựng thế nào cho hữu ích, êm đềm. Đó là công dụng của đức nhẫn nhục. Việc càng lớn, sự khó càng nhiều, nên muốn làm việc lớn, phải sẵn sàng chịu khó.

Căn bản đức nhẫn nhục của Kitô giáo là thuận theo ý Chúa trong các thập giá Ngài gửi đến, theo gương Chúa Giêsu còn lưu lại sáng ngời.

3.2. Thực hành đức nhẫn nhục theo 3 bậc đường nhân đức.

3.2.1. Bậc khởi sinh: Khởi sinh hãy lấy đức tin mà lãnh nhận các đau khổ như bơi Chúa gửi đến, trấn áp cảm xúc tự nhiên, không phàn nàn, không bất nhẫn, vì hy vọng phần thưởng trên trời Chúa đã dành cho. Đồng thời, biến đau khổ thành phương dược thanh tẩy tâm hồn, đền bù tội lỗi và trừ khử tính mê.

3.2.2. Bậc tiến sinh: Tiến sinh hãy hăng hái và cương quyết đi thẳng vào đường thánh giá Chúa đã đi, năng suy gẫm về gương nhịn nhục của Ngài, nhất là trong cuộc Tử Nạn, và gắng sức noi theo, vì biết rằng “có đồng nhục mới đồng vinh với Ngài” (Rm 8,17). “Phúc cho kẻ khóc lóc, kẻ bị bách hại vì công lý” (Mt 5,5-10).

3.2.3. Bậc đạt sinh: Đạt sinh hãy ước ao và yêu mến đau khổ, vì nó làm vinh danh Chúa và thánh hoá các linh hồn. Bậc này hợp cho tu sĩ linh mục và tông đồ. Tuy nhiên, không nên theo cơn sốt sắng nhất thời, mà xin Chúa gửi đau khổ, thử thách đến, kẻo hợm mình đã vậy, lại có khi nguy hiểm nữa. Nếu thấy ý định đó thúc bách lâu ngày, hãy trình bày với cha linh hướng.

  1. Đức kiên nhẫn

4.1. Đức kiên nhẫn giúp ta chiến đấu tới cùng: kiên nhẫn là cố gắng chiến đấu và chịu đựng cho đến cùng không bỏ dở công việc vì mỏi mệt, nản lòng hay nhu nhược.

Thời gian là yếu tố cần thiết cho sự thành công. Người xưa đã nói: nước chảy đá mòn, kiến tha lâu cũng đầy tổ.

Ở đời chẳng việc gì khó

Người lập chí phải nên kiên.

Chẳng có nhân đức nào vững, khi chưa được luyện lọc qua lò lửa của thời gian. Thời gian xây dựng cũng nhiều. Thời gian phá hoại cũng lắm. Theo tính tự nhiên loài người, cố gắng một ngày thì dễ, cố gắng hết năm này tháng khác thì khó. Cung giương mãi cũng chùng, người gắng mãi thấy mỏi mệt, mỏi mệt thì sinh chán nản, chán nản thì sinh ươn hèn, ươn hèn thì bỏ việc.

4.2. Đức kiên nhẫn giúp ta bền vững đến cùng: muốn kiên nhẫn, phải năng cầu xin ơn ấy với Chúa và Đức Mẹ. Chỉ có Chúa giúp ta được bền đỗ đến cùng.

Đồng thời, ta cũng phải tâm niệm: sự khó mau qua, thiên đàng còn mãi, và ta sẽ được đời đời nghỉ ngơi hoan lạc, bù lại những gian lao phiền muộn ở đời. Rồi ta lại hăng hái tiếp tục công việc dầu thấy ít thành quả cũng không sờn. Chúa không đòi sự thành công, mà đòi sức cố gắng.

Tuy nhiên, kiên nhẫn không loại trừ sự nghỉ ngơi chính đáng, phải biết nương nhẹ con ngựa của mình mới trông đi xa được. 

(Theo Linh mục Châu Diên, Tu đức học, tr. 326-332, viết theo quyển Théologie ascétique et mystique của cha Tanquerey)

 

No comments:

Post a Comment