Hiểu Sống Đức Tin:
Hôn Thú Của Thánh Giuse Là Thật Hay Giả?
Những câu hỏi này không chỉ mới được nêu lên trong thế kỷ XXI, nhưng ngay từ thời các Giáo phụ, nếu chưa muốn nói là ngay từ thời các thánh tông đồ. Trước hết, đã rõ là Thánh Giuse không phải là cha của Đức Giêsu. Đây là điều mà các thánh Matthew và thánh Luca đã khẳng định trong chương đầu của tác phẩm của mình, khi giải thích nguyên nhân của việc Đức Maria thụ thai. Và thánh Luca còn lặp lại một lần nữa, vào lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi. Sau khi đã tìm lại người con bị thất lạc, Đức Maria trách Đức Giêsu: “Sao con lại làm như vậy? Này cha của con và mẹ phải cực lòng tìm con?”. Nhưng Người trả lời: “Tại sao các ngài tìm con? Các ngài không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con hay sao?”. Qua câu nói đó, tác giả muốn cho người đọc biết ai là người cha đích thực của Đức Giêsu: đó chính là Chúa Cha.
Thật ra, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, đã có những nhóm người phủ nhận sự trinh khiết của Đức Maria, và họ cho rằng, Đức Giêsu đã được sinh ra theo đường lối giao hợp thông thường (chẳng hạn như các ông Cerinthius, Helvidius). Mặt khác, nên biết là Giáo Hội cũng phải đương đầu với học thuyết ngược lại, nghĩa là họ không nhận Đức Maria là mẹ của Đức Giêsu. Theo họ, Đức Giêsu không phải là người thật, mà chỉ có hình dáng bên ngoài là con người mà thôi. Đó là thuyết ảo nhân (docetismus). Còn về tương quan giữa Đức Maria với Thánh Giuse, thì các vấn nạn được nêu lên không những từ phía những người lạc giáo, mà cả về phía các chuyên gia giáo luật nữa.
Vì lý do gì mà các nhà giáo luật đặt vấn nạn?
Câu chuyện xảy ra vào thời Trung cổ, khi người ta tranh luận về bản chất của khế ước hôn nhân. Câu hỏi như thế này: Đâu là yếu tố cấu thành giá thú? Về vấn đề này, có hai lập trường:
- Lập trường thứ nhất cho rằng, sự thỏa thuận là yếu tố cấu thành hôn nhân;
- Lập trường thứ hai cho rằng, sự giao hợp vợ chồng mới là yếu tố cấu thành giá thú.
Do đó, đối với ai theo chủ trương thứ hai, thì hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria chưa phải là hôn nhân thực sự.
Giáo Hội trả lời thế nào cho vấn nạn ấy?
Hai lập trường vừa rồi phản ánh hai học thuyết về giá thú theo luật pháp của Roma và luật pháp của dân Germanic. Tuy nhiên, Thánh Giuse không kết hôn dựa theo hai luật đó, xét vì người thuộc dân tộc Do Thái. Nơi đây, hôn nhân được quy định cách khác, và thậm chí nói được là còn ngặt hơn nữa.
Theo luật Do Thái, bổn phận chung thủy vợ chồng không chỉ bắt đầu từ lúc kết hôn, nhưng từ khi đính hôn. Luật pháp Do Thái coi hai người đính hôn như là vợ và chồng. Vì thế, sự ngoại tình được coi như một tội phạm ngay từ lúc đính hôn chứ không phải từ lúc thành hôn, chiếu theo sách Đệ Nhị Luật, chương 20 câu 7 và chương 22 câu 23-25. Chúng ta cần phải biết khoản luật này để hiểu tình trạng nguy kịch của Đức Maria khi mang thai vào thời kỳ còn đính hôn chứ chưa thành hôn, được thuật lại ở Tin Mừng Matthew, chương 1 câu 19: đó là nguy cơ có thể bị kết án ngoại tình.
Dù sao, đang khi các nhà giáo luật tranh luận về yếu tố cấu thành hôn nhân, thì thánh Thomas Aquinas cố gắng khám phá ra kế hoạch của Thiên Chúa qua cuộc hôn nhân này. Vị thánh tiến sĩ này nhìn nhận rằng, hôn nhân của Thánh Giuse với Đức Maria là “giá thú thật sự chứ không phải giả tạo”. Hơn thế nữa, ngài đưa ra những lý lẽ giải thích vì sao Đức Maria cần lấy Thánh Giuse làm chồng.[1]Dựa theo tư tưởng các thánh Giáo phụ, ngài đưa ra 4 lý do về phía Đức Giêsu, 3 lý do về phía Đức Maria, và 5 lý do về phía chúng ta; tổng cộng là 12 lý do.
1/. Bốn lý do về phía Đức Giêsu:
- (i) Để Đức Giêsu không bị thiên hạ khước từ vì lý do là con hoang (thánh Ambrosio);
- (ii) Để người ta có thể truy cứu gia phả của Đức Giêsu (thánh Ambrosio);
- (iii) Để hài nhi được che chở khỏi những cuộc tấn công của ma quỷ (thánh Inhaxio Antiokia);
- (iv) Để hài nhi có người chăm sóc dưỡng dục.
2/. Ba lý do về phía Đức Maria:
- (i) Tránh cho Đức Maria không bị ném đá về tội ngoại tình (thánh Hieronimo);
- (ii) Để gìn giữ sự khiết trinh của Đức Maria (thánh Ambrosio);
- (iii) Để giúp đỡ Đức Maria (thánh Hieronimo).
3/. Năm lý do về phía chúng ta:
- (i) Để có người làm chứng về chân lý Đức Giêsu sinh bởi trinh nữ Maria (thánh Ambrosio);
- (ii) Để xác nhận những lời quả quyết của Đức Maria về sự trinh khiết của mình (thánh Ambrosio);
- (iii) Để những trinh nữ nào đã vi phạm lời thề không có lý do biện minh cho lỗi của mình (thánh Ambrosio);
- (iv) Để trở nên biểu tượng cho Hội Thánh, tuy là trinh nữ nhưng đã đính hôn với Đức Giêsu (thánh Augustino);
- (v) Để trong Hội Thánh, những trinh nữ và những người kết bạn đều được kính trọng.
Những lập luận kể trên đã được lặp đi lặp lại nhiều lần nơi các bài giảng trong suốt nhiều thế kỷ. Vào thời đại của chúng ta, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, còn muốn nêu bật nhiều khía cạnh khác mang tính cách hiện sinh hơn. Trong Tông huấn Redemptoris custos,[2] ngài nêu bật lý tưởng cao quý nhất của hôn nhân là sự hòa hợp: hai người trở nên một. Tuy nhiên, không nên hiểu sự hòa hợp này về khía cạnh thể xác mà thôi; cần phải lên cao hơn nữa, đó là sự hòa hợp về tâm tình và về tinh thần. Thêm vào đó, sự thông hiệp giữa Thánh Giuse và Đức Maria còn được xây trên những nền tảng sâu xa hơn, đó là các nhân đức Tin - Cậy - Mến.
- (i) Cả hai đều là mẫu gương của người tín hữu, đáp lại mặc khải của Thiên Chúa với sự tuân thuận:[3] Đức Maria với lời “Xin vâng”, Thánh Giuse với việc lấy Đức Maria về làm vợ.
- (ii) Cả hai đều liên đới với nhau trong việc bảo vệ “mầu nhiệm”, được ký thác cho hai người gìn giữ. Cả hai người đều giữ một vai trò tích cực trong kế hoạch cứu độ: Đức Maria bằng chức vụ làm mẹ của Chúa Giêsu; Thánh Giuse bằng chức vụ làm cha của Chúa Giêsu qua hôn nhân với Đức Maria.[4]
- (iii) Cả hai đều đã nếm những thử thách của cuộc “lữ hành đức tin”. Mặc dù chấp nhận lời của thiên sứ nói về bản tính của Chúa Giêsu, Đức Maria chưa hiểu trọn tất cả sự súc tích của nó: Mẹ đã nghiền ngẫm lời Chúa trong lòng (Lc 2,19); Mẹ đã cảm thấy tâm can như bị lưỡi gươm đâm thâu (Lc 2,35); Mẹ không hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu trong đền thờ sau ba ngày thất lạc (Lc 2,50). Vào dịp này, thánh Luca chú thích rằng, Thánh Giuse cũng chia sẻ cùng tâm trạng như vậy (“họ không hiểu lời Chúa nói”). Chúng ta cũng có thể suy đoán rằng, Thánh Giuse cũng trải qua màn đen của đức tin kể từ khi thấy Đức Maria có thai, và kéo dài suốt những chặng đường đi về Bethlehem, lánh nạn về Ai Cập. Những gian nan thử thách xem ra hoàn toàn trái nghịch với bản tính thần linh của Đức Giêsu: chẳng lẽ Đấng Messiah, Đấng “Thiên Chúa cứu độ” mà tỏ ra yếu ớt nhu nhược như vậy sao? Thật là có lý để khẳng định rằng, Thánh Giuse đã trải qua một tiến trình gay go để hiểu biết bản thân của Đức “Emmanuel”. Từ sự chia sẻ và liên đới vừa nói, chúng ta có thể hình dung sự khắng khít giữa Đức Maria và Thánh Giuse: mối tình vợ chồng được Thần Khí đức ái nâng cao để thông dự vào kế hoạch cứu độ.
Hôn nhân giữa Thánh Giuse và Đức Maria là một hôn nhân đích thực, nhưng chưa làm nên gia đình trọn nghĩa. Gia đình không chỉ gồm bởi tương quan giữa vợ chồng, nhưng còn gồm bởi tương quan giữa cha mẹ với con cái nữa. Thế nhưng, Thánh Giuse không phải là cha của Đức Giêsu, cho nên nói đến thánh gia Nazareth thì đâu có thích hợp?
Chúng ta có thể trả lời vấn nạn này bằng cách xét xem Thánh Giuse có phải là cha của Đức Giêsu không? Xét về sinh lý thì phải trả lời là không. Xét về bản chất thì cũng phải trả lời là không, bởi vì Thân phụ của Đức Giêsu là Chúa Cha.
Không lạ gì mà truyền thống chỉ gọi Thánh Giuse là dưỡng phụ (cha nuôi) của Đức Giêsu mà thôi. Tuy nhiên, Tông huấn Redemptoris custos của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn gợi lên những khía cạnh khác nữa. Tuy cha thật của Đức Giêsu là Thiên Chúa Cha trên trời, nhưng ở dưới đất này, Thánh Giuse cũng đáng được gọi là cha theo nghĩa là người thay mặt cho Cha trên trời. Có lần, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (xc. Mc 3,34-35), và người đã trả lời: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta có thể áp dụng phần nào cho Thánh Giuse: ông đáng gọi là “cha của Đức Giêsu” trong mức độ là kẻ thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thiết tưởng, vinh dự của Thánh Giuse nằm ở chỗ đó: ngài đã chấp nhận làm cha của Đức Giêsu do ý muốn của Thiên Chúa; Thánh Nhân đã giúp cho công cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời được trở nên trung thực hơn.
Thực vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu tỏ ra là con người thật khi sinh ra từ một gia đình con người, và lớn lên trong một gia đình con người. Thánh Giuse đã giúp cho Đức Giêsu “nên người”. Mặt khác, ta có thể coi Thánh Giuse như đại diện của Chúa Cha. Thánh Giuse trở thành “hình ảnh” của Chúa Cha dưới đất, qua việc yêu mến, chăm nom, dưỡng dục. Thánh Giuse đã yêu mến Đức Giêsu với những tâm tình của một người cha đối với con mình: tâm tình này chắc hẳn đã được thanh luyện và nâng cao vì được chia sẻ vào chính cội nguồn của tình phụ tử.
Trên thực tế, Thánh Giuse đã đem hết tâm tình để phục vụ Đức Giêsu, qua những công tác cụ thể vừa liệt kê trên đây trong thời kỳ sinh hạ, và được tiếp nối với những công tác dưỡng dục nhân bản trong suốt thời ẩn dật tại Nazareth. Thánh Luca viết rằng, sau khi Đức Giêsu theo Đức Maria và Thánh Giuse trở về Nazareth, “người đã tùng phục các ngài” (xc. Lc 2,50-51). Điều này cho phép suy đoán rằng, Đức Giêsu đã dành cho hai ngài tất cả những tâm tình thảo hiếu của một người con. Người đã hấp thụ nền giáo dục của song thân, đã “tăng trưởng về khôn ngoan và ân nghĩa” (Lc 2,52), đã hấp thụ cả danh phận nghề nghiệp của cha mình: Người được nhìn nhận như là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và thậm chí như là “thợ mộc” (Mc 6,3). Trong truyền thống Đông phương, địa vị của người cha ở dưới người thầy (quân - sư - phụ), bởi vì người cha chỉ sinh người con về thể xác, còn người thầy mới là kẻ sinh về tinh thần. Tuy nhiên, ta có quyền khẳng định rằng, Thánh Giuse vừa là sư vừa là phụ nữa; sư nhiều hơn là phụ. Thánh Giuse là “linh phụ” của Đức Giêsu, nghĩa là người cha trong Thánh Linh.
------------------------------------
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, III, 29.
[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng Chăm Sóc Đấng Cứu Thế), Ngày 15-08-1989.
[3] Ibid., số 4.
[4] Ibid., số 3.
No comments:
Post a Comment