Thursday, June 9, 2016

SỰ THA THỨ, TUYỆT ĐỈNHCỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Chỉ có thánh Lu-ca nhắc đến lời nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” của Chúa Giê-su. Đó là lời nguyện diễn tả trọn vẹn giáo huấn về lòng thương xót (ἔλεος) (Bản LXX dùng từ ἔλεος để dịch từ Híp-ri חֶסֶד) của Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã để lại trong cuộc thương khó của Người và được thánh Lu-ca ghi lại trong Tin Mừng của mình.

1. LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA QUA MUÔN THẾ HỆ
Ngay từ đầu Tin Mừng, thánh Lu-ca đã làm nổi bật đề tài lòng thương xót trong kinh ca ngợi của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,46-55) và lời chúc tụng của cụ già Si-mê-on (x. Lc 1,67-79).
Lời tán dương của Mẹ Ma-ri-a :
... Đời nọi tới đời kia,
Chúa hằng thương xót [ἔλεος] những ai kính sợ Người.
Người đã giơ tay biểu dương sức mạnh,
phân tán phường lòng trí kiêu căng.
Người đã hạ bệ những ai quyền thế,
và nâng cao những kẻ khiêm nhường.
Ai đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
kẻ giàu có, Người đuổi về tay trắng.
Chúa đã độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
vì nhớ lại lòng thương xót [ἐλέους]... (Lc 1,50-54)
Khởi đi từ kinh nghiệm hiện tại (“Linh hồn tôi tán dương Đức Chúa”, Lc 1,46), Mẹ đã suy niệm về quá khứ (x. Lc 1,51-55) và hướng về tương lai (x. Lc 1,48). Bài ca của Mẹ tập trung vào việc tán dương tình thương vô thời hạn (x. Lc 1,49-50) của Thiên Chúa. Mẹ đã gắn kết sự thánh thiện của Danh Thiên Chúa với một đặc tính duy nhất không thể tách rời của Người : Lòng Thương Xót. Lòng thương xót tồn tại mãi mãi. Những đặc tính khác của Thiên Chúa – phân tán phường lòng trí kiêu căng ; hạ bệ những ai quyền thế ; v.v… – chỉ được nói đến như là thứ yếu hay tạm thời. Lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại từ “đời nọ tới đời kia” (Lc 1,50a), bao trùm mọi thế hệ, kể từ Áp-ra-ham cho đến hôm nay và còn mãi mãi. Dường như cả những kẻ đàn áp người yếu thế cũng được mời gọi “kính sợ Đức Chúa” (Lc 1,50b). Bình an và sự hòa giải là những dấu chỉ của thời đại Đấng Mê-si-a.
Lời chúc tụng của cụ Si-mê-on :
... Người làm thế để tỏ lòng thương xót [ἔλεος] với cha ông chúng ta
và nhớ lại giao ước thánh của Người,
lời Người đã thề với Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta : là cho chúng ta,
một khi thoát khỏi tay địch thù,
....
Còn con, hài nhi hỡi, con sẽ được gọi là ngôn sứ của Đấng Tối Cao,
vì con sẽ đi trước Chúa, dọn đường cho Người,
cho dân Chúa biết ơn cứu độ là họ được thứ tha tội lỗi.
Nhờ lòng thương xót [ἐλέους] của Thiên Chúa chúng ta
mà Vầng Đông tự chốn cao vời sẽ viếng thăm chúng ta...
Lc 1,72-78
Một lần nữa lòng thương xót của Thiên Chúa được làm nổi bật : trải qua từ thời xa xưa (x. Lc 1,68b-70) cho đến mãi muôn đời (x. Lc 1,76b-79). Lòng thương xót đã dành cho “cha ông chúng ta” (Lc 1,72), từ Áp-ra-ham (x. Lc 1,73a) cho đến ngày nay, qua Đa-vít (x. Lc 1,69b) và cũng sẽ như thế đối với chúng ta trong Đức Giê-su (x. Lc 1,78-79). Một lần nữa, Thiên Chúa “sẽ nhớ” (Lc 1,72b) đến dân Người và “sẽ viếng thăm” (Lc 1,78b) họ như Người đã từng thực hiện trong quá khứ (x. Xh 3 tt). Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho Ít-ra-en qua trẻ Gio-an (x. Lc 1,80), như Người đã từng tiên báo qua miệng cha của hài nhi này là Da-ca-ri-a (x. Lc 1,67). Giao ước đã thiết lập với Áp-ra-ham được các ngôn sứ nhắc lại, cũng sẽ được tái lập cách dứt khoát bởi dòng dõi Đa-vít (x. Lc 1,78-79). Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được ban cho nhân loại hôm nay (x. Lc 1,77) cũng như trong quá khứ (x. Lc 1,69a.71a). Hơn nữa, ơn cứu độ đó được trao ban hôm nay và được hoàn tất trong tương lai không chỉ dành cho những thế hệ sắp tới (x. Lc 1,76-79), mà còn cho cha ông, ngay từ ban đầu (x. Lc 1,68-75). Trong Đức Giê-su, tên của Người có nghĩa là “ơn cứu độ”, “Lòng thương xót” của Thiên Chúa bao trùm tất cả mọi thế hệ.
2. LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÊSU
Ngay những lời đầu tiên trong giáo huấn của Đức Giê-su đã mời gọi con người mở lòng với tha nhân : “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28). Lời mời gọi nên hoàn thiện của Đức Giê-su là lời mời gọi biết thương xót đồng loại : “Anh em hãy có lòng thương cảm, như Cha của anh em là Đấng cảm thương” (Lc 6,36). Và Người đã cho chúng ta một mẫu gương thương cảm vượt mọi rào cản của người Sa-ma-ri tốt lành (x. Lc 10,29-37). Dẫu sao, chúng ta cũng cần nhớ rằng, tha thứ là điều kiện để lãnh nhận ơn tha thứ (x. Lc 6,37 ; 11,4) và chúng ta sẽ lãnh nhận những gì chúng ta đã trao ban : “... Đừng xét đoán,... sẽ không bị xét đoán !” (Lc 6,37) “vì anh em đong đấu nào, thì anh em sẽ được đong lại đấu ấy” (Lc 6,38). Lòng cảm thương của con người phải đạt được đến sự vị tha là “yêu kẻ thù” và “làm ơn” cho kẻ ghét mình (Lc 6,27), cũng như sẵn sàng đón nhận nhau vì họ là “đứa em của con” đó (Lc 15,31), nhất là một khi nó “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31).
Quả thật, Đức Giê-su đã không ngần ngại để lại một hình ảnh sống động về sự tha thứ của Người, khi đáp trả lại sự sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi “Tội của chị đã được tha rồi !” (Lc 7,48) với một lời trấn an đầy nhân ái “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an !” (Lc 7,50). Hơn thế nữa, Lc 15 là một tuyệt tác diễn tả niềm vui tìm được điều đã mất, trong đó, cc.11-32 là một dụ ngôn tuyệt hảo phác họa lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ như người cha trong dụ ngôn (x. Lc 15,20b-24). Không có tội nào là quá lớn đến độ không thể tha thứ được. Người không chỉ sẵn sàng tha thứ mà còn luôn chờ đợi tội nhân trở về. Chính Đức Giê-su cũng đã đi bước trước để đến với ông Da-kêu và phục hồi tình trạng ân sủng cho ông (x. Lc 19,1-10) bởi vì Người đến “để tìm và cứu cái gì đã mất” (Lc 19,10). Chúng ta cần nhớ rằng, Đức Giê-su đã tự giới thiệu mình là Mục Tử Nhân Lành đã đến “để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người dám “để chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15,5). Vì thế, như người con thứ trong dụ ngôn, chúng ta hãy can đảm trở về với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, vì một khi chúng ta đã trở về thì chúng ta luôn luôn được Chúa chấp nhận và vui mừng đón nhận, bởi vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải hối cải”. Thật thế, một trong hai tên gian phi bị đóng đinh bên Chúa đã được Chúa hứa ban Thiên Đàng ngay khi ông ta kêu xin Người (x. Lc 23,40-43).
3. MỘT THIÊN CHÚA ĐÃ CHẾT VÌ LÒNG XÓT THƯƠNG
Toàn cảnh về cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Đức Giê-su cho ta thấy Người luôn làm chủ tình thế. Qua cái chết của Người, thánh Lu-ca đã làm nổi bật hình ảnh của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, là một Thiên Chúa đã chết để cứu chuộc nhân loại. Mặc dầu Phi-la-tô đã ba lần tuyên bố Người không có tội gì đáng chết (x. Lc 23,4.14.22), nhưng ông đã bất lực chiều theo (x. Lc 23,24-25) ý muốn của quần chúng là “Đóng đinh ! đóng đinh nó vào thập giá !” (Lc 23,21 ; x. cc. 18.23). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả bằng một tình yêu và sự xin vâng trọn vẹn để chu toàn chương trình cứu độ theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,42).
1) Người bị liệt vào hàng những tội nhân
Đức Giê-su không chỉ bị dẫn đến đau khổ và cái chết. Người đang nằm giữa hai tên gian phi. Người là một trong ba người bị kết án tử và bị đóng đinh thập giá (x. Lc 23,32). Quả thật, lời ngôn sứ I-sai-a đã nên ứng nghiệm : “Người đã phơi thân mình chịu chết, và bị kể như quân phản loạn” (Is 53,12). Đức Giê-su, Đấng công chính bậc nhất, đã bị đặt ngang hàng với những kẻ gian phi.
2) Đấng Cứu Thế
Lời nhạo báng của những vị lãnh đạo Do-thái (Lc 23,35), cũng như lời mỉa mai của những tên lính ngoại bang : “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” (Lc 23,37) đã động chạm tới vai trò chính yếu của Người. Những lời ấy nhắm đến những điều Đức Giê-su đã làm và đến chính bản chất thật của Người. Tương tự, những lời nói móc mỉa của các bậc lãnh đạo Do-thái đã ngầm tuyên bố rằng Đấng chịu đóng đanh là Đấng Cứu Thế (x. Lc 23,35). Như thế, tất cả những hoạt động của Đức Giê-su được tóm kết lại và được làm nổi bật trong lúc tưởng chừng như Người bất lực. Chính Đấng mà giờ đây đang chịu đựng muôn vàn đau khổ nhục nhã cho đến chết lại là Đấng đã từng thực thi muôn ân điển cho họ, là Đấng đã cứu chữa nhiều bệnh nhân, đã trừ nhiều người bị quỷ ám, và đã cho kẻ chết sống lại, như đã viết : “Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị quỷ dữ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Người ta không nhìn thấy Đức Giê-su hiện đang thiếu sự bênh vực, trong khi Người đã từng là vị cứu nhân độ thế. Người ta chẳng quan tâm đến những gì Người đã làm cho họ. Không ! Chính họ mới là những kẻ đang cần được cứu độ, và họ đang chối từ ơn cứu độ.
3) Đấng được Tuyển Chọn
Qua những lời mỉa móc của các vị lãnh đạo Do-thái và của những tên lính Rô-ma, lý do thật sự của việc kết án và của những đau khổ của Đức Giê-su được phơi bày. Chính vì Người đã được nhận diện là Đấng được Tuyển Chọn của Thiên Chúa “Hắn cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được Chúa tuyển chọn” (Lc 23,35d). Người là Đấng được Xức Dầu (x. Lc 23,35d) để làm vua người Do-thái (x. Lc 23,37), và giờ đây Người được ngự ngai vàng thập giá. Chính điều mà đối với người Do-thái là một sự điên rồ, thì lại là sự khôn ngoan đối với Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,23).
4) Đức Vua Do-thái đã chết
Bản án “Đây là Vua dân Do-thái” là điều mà mọi người có thể đọc được từ trên đầu cây thập giá (x. Lc 23,38). Những kẻ nhạo báng Người, các vị lãnh đạo Do-thái, những tên lính Rô-ma, và cả tên trộm bên trái Người, đều gán cho Người danh hiệu Vua dân Do-thái. Ông Giô-xếp A-ri-ma-thê hiến dâng Người ngôi mộ quý tộc (x. Lc 23,53). Là Vua, Đức Giê-su được người này công nhận, kẻ khác chối từ. Là Vua, Đức Giê-su đại diện cho dân Người. Cái chết của Người là cái chết của cả nước. Khi Giê-ru-sa-lem bị tấn công, nó không còn vua để bảo vệ nó. Dân tuyển chọn sẽ phải theo Người trong khổ nạn (x. Lc 23,31) và đây là lúc dân ngoại trị vì (x. Lc 21,24).
5) Tóm lại
Theo trình thuật của thánh Lu-ca, Đức Giê-su, Đấng đã thưa với Chúa Cha lời cầu xin : “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” là Đấng đã tự hiến mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta. Người là Đấng “được Chúa Tuyển Chọn” (Lc 23,35 ; x. Lc 9,35), là “Đấng Thánh” (Cv 3,14), “Đấng Công Chính” (Lc 23,47 ; x. Cv 3,14 ; 7,52 ; 22,14), là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 23,35 ; x. Cv 2,36 ; 3,20), nghĩa là Đấng Cứu Thế (x. Cv 5,31 ; 13 ;23). Hiến tế của Người không chỉ được tường thuật như một sự tự hiến của Chiên Vượt Qua : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy đổ ra vì anh em” (Lc 22,20 ; x. Xh 12), nhưng còn là một sự tự hiến của Con Thiên Chúa : “... Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Và Chúa Con đã vâng phục trong tin tưởng cho đến hơi thở cuối cùng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đấng đã tự hiến ấy chính là “Chúa Giê-su” (Cv 4,23 ; 8,16), là “Chúa của mọi người” (Cv 10,36) và là “Đức Chúa” (Cv. 2,36).
4. TUYỆT ĐỈNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
THỂ HIỆN QUA SỰ THA THỨ CỦA CHÚA CHA VÀ CHÚA CON
Hoàn toàn trần truồng (x. 23,34d), Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (x. 23,33b), chân và tay của Người bị đóng chặt vào gỗ thánh giá giữa hai tên gian phi vô danh (x. 23,33b). Trong khi đó những tên lính chia nhau và bắt thăm áo của Người (x. Lc 23,34e). Trong nỗi đau khổ kinh hoàng ập đến, điều mà dẫn Người đến cái chết trong sự đau đớn khủng khiếp và trong tình trạng nhục nhã hèn hạ nhất, Người chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, đó là ơn cứu độ của nhân loại. Không phải là nghĩ đến các bạn hữu của Người, vì thực sự lúc này chẳng còn ai nữa, nhưng là nghĩ đến những người đã đưa Người đến tình trạng đau khổ như lúc này đây. Đó là những nhà cầm quyền trong Ít-ra-en và tất cả những người đã hét lớn đòi đóng đinh Người vào thập giá ; đó là những người Rô-ma đã kết án Người và đã đưa Người đến án tử. Chắc chắn Người cũng nghĩ đến những kẻ đã bỏ Người vào trước ngày ở vườn cây dầu, nghĩ đến kẻ đã chối Người ba lần một cách hèn mạt vào ban đêm. Trong lời cầu nguyện của mình, Đức Giê-su đã gọi đến Cha của mình (x. Lc 23,34), Người đã nhận ra chính mình là Con của Đấng không muốn cho kẻ gian ác hay tội lỗi phải chết, nhưng là muốn họ được ơn cứu độ (x. Ed 18,23), một Đấng đã không ngần ngại trao nộp Người Con Duy Nhất vì ơn cứu độ nhân loại.
Lời cầu nguyện của Đức Giê-su : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” được thốt lên khi chân tay Người đã bị đóng đinh trên thập giá. Tất cả những tội phản nghịch Người trước đó và tất cả những tội xúc phạm đến Người sẽ xảy ra sau đó được Người đáp trả bằng một lời đầy yêu thương. Trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, cái chết của Người có giá trị cứu độ vĩnh viễn. Nhưng hơn hết là chính khi Người bày tỏ lòng yêu thương ấy bằng một lời nguyện chân thành là khi Người một lần nữa quyết định dứt khoát kéo lòng thuơng xót của Thiên Chúa Cha xuống cho các tội nhân xúc phạm đến Người và cho toàn thể nhân loại tội lỗi từ muôn thuở đến muôn đời được nhận lãnh ơn cứu độ. Người đã tha thứ cho tất cả mọi người, vì thánh Gio-an đã khẳng định : “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha : đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su là của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta, mà còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1-2). Vì thế, chúng ta được mời gọi : “Anh em hãy hối cải và trở lại cùng Thiên Chúa, để tội lỗi của anh em được xóa bỏ” (Cv 3,19), vì Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh chính là “vị Thượng Tế thích hợp cho chúng ta” (Hr 7,26) và “Người hằng sống để chuyển cầu” (Hr 7,25) cho chúng ta. Một đảm bảo rõ ràng của sự tha thứ này là lời tha bổng mà Người, với tư cách là Vua Hiển Trị, đã hứa ban Nước của Người là “Thiên Đàng” cho tên gian phi biết nhìn nhận Người và cầu xin lòng thương xót của Người “Lạy Đức Giê-su, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi” (Lc 23,42).
KẾT LUẬN
– Chúng ta có thể xác tín rằng lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời và cùng nhau hát lời Thánh Vịnh : “Hãy tạ ơn Đức Chúa vì Người nhân hậu, vì tình thương [חֶסֶד] của Người đến muôn đời” (Tv 118,1).
– Vì lòng thương xót vô bờ bến đó mà Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, để chúng ta có thể đến cùng Thiên Chúa (x. 1 Pr 3,18) bởi vì đỉnh cao của lòng xót thương là sự tha thứ và sẵn sàng hiến mạng sống. Chính vì thế, Thiên Chúa “đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10).
– Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn chờ đợi và mời gọi chúng ta trở về với Người để Người làm cho chúng ta nên công chính, vì Đức Giê-su đã khẳng định về người tội lỗi sám hối cầu nguyện rằng : “Tôi bảo các ông, người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18,14).
– Lòng thương xót Chúa cũng mời gọi chúng ta thương cảm tha nhân và đón nhận hối nhân với tấm lòng của Thiên Chúa : “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì đứa em của con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
Xin mượn lời trong Thông điệp Lòng Thương Xót Chúa của Thánh nữ Faustina để kết lời : “Ái nữ của Cha, con hãy viết rằng Cha chính là Lòng Thương Xót đối với linh hồn sám hối. Sự xấu xa tày đình nhất của một linh hồn cũng không làm cho Cha phải nổi cơn thịnh nộ. Ngược lại, Trái Tim Cha chỉ động lòng tha thiết thương xót họ mà thôi” (Số 1739).
Mỗi người chúng ta, trên đường lữ thứ trần gian, được mời gọi biết chiêm ngắm và lắng nghe những lời nguyện của Thầy Giê-su Chí Thánh trên thập giá, để tin tưởng học đòi gương tín thác của tên gian phi được hưởng “Thiên Đàng” (Lc 23,43) và cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Đấng luôn chờ đợi và yêu thích tha thứ cho tội nhân sám hối, và chắc chắn sẽ quảng đại trao ban ơn tha thứ và sự bình an cho những ai chạy đến với Người “Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì cửa sẽ mở ra cho” (Lc 11,10). Vậy mỗi người trong chúng ta, dù có yếu đuối đến đâu, dù có tội lỗi vô vàn, hãy can đảm trở về và thưa với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
Nt. MA-RI-A ĐỖ THỊ YẾN

No comments:

Post a Comment