Wednesday, December 16, 2015


Khi Cửa không chỉ là Cửa? Mà là “Cửa Thánh”

Tất cả mọi chuyện bạn muốn biết về các Cửa Thánh, là thế nào, lúc nào, nơi nào, và tại sao bạn nên bước qua?

The Holy Door is the northernmost door of St. Peter's Basilica. It is only opened at special occasion during a Holy year such as the Jubilee year which occurs every 25 years and symbolizes an invitation to grace. It is also known as Porta Sancta. The last

Cửa Thánh là gì?
Một Cửa Thánh [Porta Sancta] là một cửa đặc biệt ở một nhà thờ chính tòa hay vương cung thánh đường, chỉ mở trong những Năm Toàn xá. Theo truyền thống, Cửa Thánh là cửa ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Sau khi Năm Toàn xá kết thúc, cửa được niêm phong bằng gạch và vữa, sẽ không được mở cho đến Năm Toàn xá tiếp theo.

Khi nào Cửa Thánh được khai mở?
Thường thì cứ sau 25 năm. Đức Piô XII đã mở cửa vào năm 1950, Đức Phaolô VI mở vào năm 1975, nhưng Đức Gioan Phaolô II mở sớm hơn, vào năm 1983, và lại mở vào năm 2000. Cửa thánh cũng sẽ được mở vào những năm ‘ngoại thường’ như năm 1983, và năm nay, 2015. Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ khai mạc Năm Toàn xá Lòng Thương xót bằng cách mở cửa thánh vào ngày 08-12-2015. Cửa sẽ mở trong vòng một năm, và sẽ được đóng lại vào ngày 20-11-2016. Ngày 08-12 được chọn, vì là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, và là kỷ niệm 50 năm kết thúc Công đồng Vatican II.
Các cửa thánh khác nằm ở đâu?
Các vương cung thánh đường ở Roma đều có một cửa thánh, và cũng sẽ mở trong Năm Toàn xá. Cửa ở vương cung thánh đường Gioan Lateranô sẽ được mở vào ngày 13-12, chúa nhật III mùa Vọng, còn cửa ở vương cung thánh đường Đức Bà Cả và Phaolô Ngoại thành sẽ được mở trong các ngày chủ nhật kế tiếp.
Trong Misericordiae Vultus, sắc chỉ tuyên bố Năm Lòng Thương xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành một điểm mới, đó là các giám mục có quyền chỉ định một cửa trong Giáo phận là Cửa Thánh.
Đức Giáo hoàng tuyên bố, ‘Mọi giáo hội địa phương, tại nhà thờ chính tòa là nhà thờ mẹ của các tín hữu ở vùng đó, hay tại một nhà thờ tương ứng chính tòa hay một nhà thờ với tầm vóc quan trọng đặc biệt, một Cửa Lòng Thương xót sẽ được mở ra trong Năm Thánh. Chiếu theo sự suy xét của bậc thẩm quyền địa phương, một cửa như thế phải được mở tại bất kỳ đền thánh nào thường có tín hữu lui tới, bởi lúc đến viếng các nơi thánh này là những thời khắc đầy ân sủng, khi mọi người khám phá ra một con đường sám hối. Như thế, mọi Giáo hội địa phương sẽ dự phần trực tiếp trong việc sống Năm Thánh này, một thời khắc đặc biệt của ân sủng và canh tân linh hồn. Như thế, Năm Toàn xá sẽ được cử hành ở Roma và các giáo hội địa phương như một dấu chỉ khả thị của sự hiệp thông toàn thể của Giáo hội.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng lập Cửa Thánh ở Đền Đức Mẹ Yêu thương và tại Nhà khách của Caritas, đều ở Roma.
Cửa Thánh được niêm phong thế nào?
Toàn bộ lối vào được phủ kín bằng gạch, và một lớp vữa mỏng. Một thánh giá lớn được gắn vào lớp vữa. Một chiếc hộp nhỏ bằng kẽm được niêm phong và đặt vào trong lớp tường gạch vữa.
Trong chiếc hộp có gì?
Các vật khác nhau có liên quan đến năm thánh, bao gồm sắc chỉ chính thức tuyên bố Năm Toàn xá. Khi chuẩn bị mở cửa thánh năm nay, thì lớp vữa được phá, và lấy chiếc hộp của năm 2000 ra. Trong hộp đó có 41 huy hiệu bằng đồng từ triều giáo hoàng Gioan Phaolô II, một cái bằng vàng biểu trưng cho năm thánh, 23 cái bằng bạc cho số năm triều giáo hoàng của ngài đến lúc đó, và 17 cái bằng đồng thể hiện số năm từ Năm Toàn xá lần cuối. Và trong hộp cũng có chìa khóa để mở cửa, sẽ được trao cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Các cửa được mở thế nào?
Cho đến gầy đây, theo nghi thức, các giáo hoàng dùng búa gõ 3 lần lên tường, rồi người ta gỡ lớp gạch vữa, và mở cửa. Trong những năm về sau, người ta đã phá lớp vữa và làm các viên gạch lơi ra trước, để khi Đức Giáo hoàng gõ vào, tường sẽ rã ra ngay. Nhưng chuyện này gây tai nạn, vào năm 1975, một vài viên gạch rơi vào Đức Phaolô VI, nên từ thời Đức Gioan Phaolô II, tường gạch vữa được dọn đi trước, và giáo hoàng chỉ mở hai cánh cửa lớn mà thôi.
Đêm Giáng Sinh 1999, thánh Gioan Phaolô II đã gõ 3 lần lên cửa vừa cầu nguyện, ‘Lạy Chúa, xin ban cho Giáo hội Chúa ơn sống thời khắc tốt làn này với niềm vui, khi Chúa đã muốn mở cửa này cho những kẻ tin, để họ đến và dâng lời cầu nguyện chúc tụng Chúa, và sau khi xin ơn tha thứ, xá giải và miễn trừ mọi tội lỗi, họ sẽ được bước đi trong sự sống theo Tin mừng của Con Chúa.’
Những cánh cửa khác nằm ở đâu?
Các cửa thánh là những tác phẩm bằng đồng khổng lồ, do tay nghệ nhân Ludovico Consorti làm vào năm 1949. Và được mở lần đầu tiên cho năm thánh 1950. Có 16 ô trên cửa (4*4) vẽ lại trình thuật lịch sử cứu độ, từ sự sa ngã của con người cho đến sự phục sinh thân xác. Đây là một trong năm cánh cửa mang tính biểu tượng của Ludovico Consorti.
Trên Cửa Thánh ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, hồng y Virgilio Noe, trưởng Nghi lễ Phụng vụ của Đức Phaolô VI, đã so sánh các ô cửa với ‘những dòng thánh nhạc, hát lên lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Chúng bắt đầu từ hiện thực tội lỗi hạ giá con người, và chuyển biến đến lòng sám hối phục hồi con người. Những ô hình này soi rọi mọi thời khắc của bất kỳ tình trạng nào bằng sự chắc chắn của sự tha thứ của Thiên Chúa.’
Nếu tôi hành hương đến Roma và đi qua một trong các cửa thánh này, tôi được gì?
Một ân xá hoàn toàn! Việc tha thứ các hình phạt tạm cho những tội được tha trong phép giải tội, được ban cho những người đi qua cửa, rước Mình Thánh Chúa và hòa giải, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, và có một hành động thương xót.
Vậy ý nghĩa của Cửa Thánh là gì?
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, ‘Vào ngày đó, Cửa Thánh sẽ thành Cửa của Lòng Thương xót, qua đó bất kỳ ai đi vào sẽ cảm nghi tình yêu Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ và truyền hi vọng.’
Các cánh cửa mang tính biểu tượng rất lớn. Cửa tượng trưng cho lối đi, từ tội lỗi đến cứu chuộc, từ chết đến sống, từ bất tín đến đức tin. Chúa Giêsu đã tả mình là Cửa. Chúng ta qua Chúa Kitô để đến với Cha. Cửa là đường đến với ơn cứu độ.
Đây cũng là biểu tượng của Đức Mẹ, bởi Mẹ Diễm phúc là cửa qua đó ơn cứu độ đến với thế giới. Như thế, mở cửa vào ngày Lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội có hai ý nghĩa.
Các cửa của một nhà thờ đánh dấu biên giới giữa thiêng liêng và phàm tục. Bằng cách mở cửa, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang nhấn mạnh khát khao của ngài là mở cửa cánh cửa đức tin cho thế giới.
Trong Khải Huyền 3, 20, Chúa Giêsu nói, ‘Hãy xem, Ta đứng bên cửa và gõ, nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ đến với người đó, dùng bữa với người đó, và người đó ở cùng Ta.’
Ở Jerusalem, Cổng Vàng là cổng phía đông Đền thờ Than khóc. Trong tiếng Do Thái, Cổng này được gọi là Sha’ar HaRachamim, Cổng của Lòng Thương xót. Trong truyền thống Do Thái cổ, đây là nơi Shekhinah-hào quang Thiên Chúa xuất hiện, và sẽ hiện lần nữa khi Đấng Thiên sai đến. Chúa Giêsu đã qua cửa này trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Các bản văn ngụy thư nói rằng đây là nơi Đức Mẹ gặp thánh Giuse sau biến cố Truyền tin, và do đó, nơi đây biểu tượng cho sự Nhập Thể. Cách hiểu này được củng cố trong thời Trung cổ. Một vài bản văn bản Trung cổ cho rằng có mối liên hệ giữa Cổng Vàng và Cửa Thánh.
Ai mở ra truyền thống này?
Holy door medal
Không phải từ giáo hoàng Alexander VI. Theo Herbert Thurston trong quyển Năm Thánh Toàn xá, thì ‘chắc chắn là ý niệm trọng tâm của việc mở cửa, biểu tượng cho lòng thương xót Chúa tuôn tràn … không bắt nguồn từ một giáo hoàng hay một kẻ dữ như Alexander VI.’ Mối liên hệ với Alexander VI có lẽ đến từ quyển Diarium của Johann Burchard, Trưởng ban Nghi lễ của 5 giáo hoàng, trong đó có Alexander VI.
Thurston dò lại ý niệm này về 200 năm trước triều Alexander, và đưa ra những căn cứ sớm hơn.
Các huy hiệu từ trước thời Alexander VI đến 25 năm, thuộc triều giáo hoàng Sixtus IV cho thấy hình Đức Giáo hoàng đứng bên cửa.
Và vào thế kỷ XV, nhà du hành William Wey, trở về từ Thánh địa viết rằng: ‘Trong tiền sảnh nhà thờ thánh Phêrô, có 6 cửa, một trong số đó được đóng lại, và đây là Cửa Vàng đích thực.’
Cũng có các ý kiến cho rằng Đức Clement VI (1342-1352) đã có giấc mơ bảo ngài hãy mở một cánh cửa, nhưng chi tiết về việc này khá sơ sài và có khi giả mạo.
Năm 1437, Pedro Tafur ghi chép rằng ân xá của Năm Toàn xá được ban khi bước qua cửa của Vương cung Thánh đường Laterano.
Điều này cho thấy nguồn gốc xa hơn nữa của việc này, từ thời Constantine, khi vua yêu cầu Đức Sylvester cho ra sắc chỉ tuyên bố thánh thiện cho những Kitô hữu đi vào vương cung thánh đường. Nhưng, đặc ân này bị lạm dụng, và cảnh cửa này đóng lại, chỉ mở ra trong Năm Thánh mà thôi.
Thomas L. McDonald là ký giả và sử gia giáo hội.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Phanxico.vn

No comments:

Post a Comment