Wednesday, March 4, 2015

CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG VÀ GIẢNG TRONG PHỤNG VỤ

THEO TÔNG HUẤN Evangelii gaudium

Quý Cha kính mến,

Năm 2014 vừa qua, linh mục đoàn Cần Thơ đã tìm hiểu và chia sẻ rất sôi động trong các khoá Bồi Dưỡng Tông Huấn đầu tiên của Đức giáo hoàng Phanxicô, Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng). Sau một thời gian “nghỉ ngơi”, “tiêu hoá”, và “lắng động”, bài viết này xin tóm lược ba ý chính: (1) đặc tính của bài giảng (homélie), (2) chuẩn bị bài giảng và (3) trong lúc giảng được rút ra trong số 135-159 của Tông Huấn, như “món ăn đặc sản” của Đức Phanxicô gửi tặng Quý Cha, những người rao giảng Tin Mừng.


I. Đặc tính của Bài Giảng (Homélie)

(1) Bài giảng là một chia sẻ kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, về một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch không ngừng đưa đến việc canh tân và tăng trưởng.

(2) Bài giảng có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ trong bối cảnh phụng vụ Thánh Thể, do đó, nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Lời Chúa trước hết là một hồng ân hơn là một đòi hỏi.

(3) Bài giảng không phải là lúc để suy niệm hay dạy giáo lý. Nó không phải là một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình, nó cũng không là một bài học chú giải về Kinh Thánh, và không chỉ giới hạn vào việc khuyên răn luân lý. Nó càng không phải là một công việc quảng cáo hay một hình thức trình diễn để giải trí.

(4) Bài giảng phải đốt cháy lòng người, phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ.

(5) Một bài giảng hay phải có một ý tưởng, một tâm tình và một hình ảnh.


II. Chuẩn bị trước khi giảng

(1) Các mục tử nên dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ. Do đó, cần phải bớt một số công việc, cho dù quan trọng, để chuẩn bị bài giảng.

(2) Không chấp nhận bất cứ lý do nào, kể cả bận quá nhiều công việc, để không dọn bài giảng cho kỹ. Một mục tử mà không dọn bài giảng cho kỹ lưỡng thì không “thuộc linh”, không làm việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và “thiếu trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được”.

(3) Phương pháp soạn giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

+ Trước tiên, Cầu khẩn Chúa Thánh Thần,
+ Tiếp đến, phải tập trung vào bản văn, đặt nó trong mối quan hệ với toàn bộ Thánh Kinh. Phải chắc chắn hiểu đúng ý nghĩa và sứ điệp chính yếu mà tác giả muốn thông truyền. Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh.
+ Chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp lại hoặc nổi bât, nhận ra cấu trúc và sự thống nhất của nó,
+ Xem xét vai trò của các nhân vật...

(4) Người giảng phải tiếp cận Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc để cho Lời ấy chạm đến cuộc sống, khuyên nhủ và lay chuyển mình. Việc rao giảng sẽ đạt được hiệu quả khi người giàng truyền đạt cho người khác điều mà mình đã chiêm niệm.

(5) Cùng với việc lắng nghe Lời Chúa, người giảng phải lắng nghe giáo dân để biết được họ đang mong được nghe điều gì, để liên kết bản văn Thánh Kinh với cuộc sống họ. Cần phải có một sự nhạy cảm để nhận ra những gì thực sự ảnh hưởng đến đời sống của họ. Đây là cách nối kết sứ điệp của bản văn Thánh Kinh chiếu rọi vào hoàn cảnh sống cụ thể của dân Chúa.


III. Trong khi giảng

(1) Giảng như người mẹ nói chuyện với con mình, như người mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
(2) Giảng với thái độ gần gũi, giọng nói ấm áp, cách nói dịu dàng, cử chỉ diễn tả niềm vui.
(3) Giảng ngắn gọn.
(4) Trình bày sứ điệp cách đơn giản, theo chủ đề rõ ràng, nối kết các ý tưởng mạch lạc để người nghe có thể tiếp thu. Đơn giản trong cách sử dụng ngôn ngữ, giúp người nghe có thể hiểu dễ dàng. Tránh sử dụng ngôn từ chuyên môn trong nghiên cứu, nhưng sử dụng ngôn ngữ chung của người nghe.
(5) Sau cùng, giảng với cung giọng tích cực hơn là tiêu cực, nghĩa là nhấn mạnh đến những gì nên làm hơn là nói nhiều đến những cấm đoán. Một bài giảng tích cực sẽ khơi lên niềm hy vọng, hướng đến tương lai tốt đẹp.
-----------------------------------
Lm Giuse Lê Ngọc Ngà
http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=7058

No comments:

Post a Comment