Saturday, October 25, 2014

Chữ “Phúc”

-------------
Chữ PHÚC (Phước) liên quan chữ ĐỨC. Chữ Đức thường “đi trước” chữ Phúc. Có Đức thì mới có Phúc. Nhưng Việt ngữ thường nói Phúc Đức. Muốn có Phúc phải có Đức, muốn có Đức phải có Tâm, cái Tâm phải bền bỉ nên liên quan chữ Nhẫn.

Chữ Phúc là biểu tượng của sự may mắn, niềm sung sướng, thường dùng là Hạnh Phúc. Từ lâu, người Á Đông đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ Phúc, như ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, kiến trúc, và cả trên y phục.

Theo phong tục văn hóa Trung quốc, người ta thường treo hoặc dán chữ “Phúc” để cầu “Phúc” cho gia đình trong năm mới. Nhưng chữ Phúc lại được treo ngược, nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo” (“đáo” là “đến”), tức là “phúc đến nhà”. Nghịch mà hóa thuận, ngược mà lại tốt.

Chữ Phúc bao gồm những điều tốt lành. Kinh Thi nói về “ngũ phúc” (năm điều phúc) là: (1) 富 [giàu], (2) 安 寧 [yên lành], (3)壽 [thọ] (4) 攸 好 德 [có đức tốt], (5) 考 終 命 [vui hết tuổi trời]. Có nhiều sách nói “ngũ phúc” là: 富 (phú), 貴 (quý), 壽 (thọ), 康(khang), 寧 (ninh).
Về vấn đề Phúc Đức, chuyện cổ tích “Chiếc Cầu Phúc Đức” kể rằng…
Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm. Trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành, hai mẹ con thường phải chịu bữa no, bữa đói.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng. Xưa kia ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món rất đáng giá, nhưng khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.
Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên xóm dưới mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con. Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình, chàng không khỏi ngán ngẩm. Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác. Chợt ông thầy đọc tới câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư hương; tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Chàng bụng bảo dạ: “Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho ta?”. Rồi chàng tự trả lời: “Phải, quả thật đúng như vậy”. Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi và mang ra chợ bán. Công việc rất vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi để có được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy an tâm hơn mọi ngày. Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến đó!”. Cái tiếng “ba đời ăn trộm” làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: “Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức thì họa may mới xóa được mấy tiếng đó”.
Một ngày mùa hạ, trời mưa to, nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được. Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò, mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói: “Đó là điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở”.
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà. Tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu. Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ; chiều ra sức chuyển gỗ làm cầu.
Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải. Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức. Một hôm, chàng đói quá nên nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Lúc đó có một viên quan võ đi đến, thấy một đám đông đang xúm quanh một người nằm sóng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng đang bắc cầu làm phúc thì mệt quá mà ngất đi. Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống.
Được một lúc, chàng tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên quan nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, chàng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng. Về phần tôi, tôi xin nói thật: cha tôi, ông tôi, ông cụ, ông kỵ tôi, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của. Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến tôi ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng tôi vẫn phải sống hiu quạnh. Nay tôi cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay chàng có cho tôi góp sức cùng nhau bắc cầu được không?”.
Chàng bắc cầu vui mừng nói: “Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!”. Hai người bèn cho nhau biết tên tuổi, quê quán, rồi kết nghĩa huynh đệ. Viên quan võ hơn chàng bắc cầu bốn tuổi nên là anh. Chàng bắc cầu nói: “Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền”. Viên quan võ thân mật bảo chàng:“Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để em khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, em nghĩ thế nào?”. Chàng bắc cầu nói: “Nếu vậy thì còn gì hay hơn!”.
Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là Cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng chiếc cầu hoàn thành.
Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Thượng Đế ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng. Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến, gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.
Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững, cơn gió bỗng vụt hóa thành người tươi cười nói với chàng: “Nhà ngươi chớ sợ, ta là Thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy”.
Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, Thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà. Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi:“Mẹ ơi! Con đây mà! Anh ơi! Em đây mà! Mẹ ơi! Con hãy còn sống trở về nhà đây, mau mau mở cửa đi!”. Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh. Vợ chồng viên quan võ vội chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được Thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng. Từ đó, mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn. Ít lâu sau, vợ viên quan võ có thai, đến ngày sinh, chị sinh được một bé trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Ít lâu sau, chàng bắc cầu cũng lấy vợ, có con, và sống hạnh phúc đến già.
Câu chuyện này nhắc chúng ta phải từ bỏ quá khứ tội lỗi, cố gắng tu thân tích đức để được hưởng phúc ấm!
Khi chúng ta (Giáo hội Chiến đấu) mừng kính chư vị hiển thánh (Giáo hội Chiến thắng) và tưởng niệm các linh hồn nơi luyện hình (Giáo hội Đau khổ), đó là dịp xem lại các Mối Phúc Thật của Đức Giêsu Kitô. Các thánh đã sống trọn các mối phúc nên đang được hưởng phúc trường sinh, điển hình là các vị thánh tử đạo Việt Nam – và hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam khác. Việc tôn phong một Kitô hữu nào đó là “tôi tớ Chúa”, là “bậc đáng kính”, là “chân phước” (á thánh, thánh nhỏ), hoặc “thánh” (hiển thánh, thánh lớn) chỉ là kiểu “thủ tục hành chính” cho hợp lệ để công khai hóa đối với Giáo hội hữu hình, chứ các vị đó đã là thánh từ trước khi “được” chúng ta “công nhận” rồi.
Còn các linh hồn là các vị thánh tương lai, chắc chắn các ngài cũng sẽ hưởng phúc trường sinh nay mai, trong đó có thân bằng quyến thuộc của chính mỗi chúng ta. Các thánh và các linh hồn nơi luyện hình đều đã là những phúc nhân – người có phúc. Mỗi dịp lễ cầu hồn, rất nhiều linh hồn được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, và trên trời lại hân hoan tiếp nhận vô vàn các Tân Thánh Nhân. Tạ ơn Thiên Chúa yêu thương vô vàn!
Theo nghĩa đó của Công giáo, chúng ta có hai dạng phúc: Phúc-hiện-tại và Phúc-tương-lai. Phúc-hiện-tại là tình trạng của các thánh đang ở Thiên đàng, Phúc-tương-lai là tình trạng của các linh hồn đang được thanh tẩy nơi luyện hình.
PHÚC HIỆN TẠI
Trình thuật Mt 5:1-12 là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do chính Chúa Giêsu soạn thảo, và là Đệ Nhất Tuyên Ngôn so với bất kỳ Bản Tuyên Ngôn nào của các quốc gia trên thế giới. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, mỗi điều khoản cũng ngắn gọn, nhưng lại chính xác nhất và độc nhất vô nhị. Bản Tuyên Ngôn này còn được gọi là Bát Phúc, Tám Mối Phúc Thật, hoặc Bài Giảng Trên Núi.
Bản Tuyên Ngôn Thiên Quốc này chỉ bao gồm 8 điều khoản:
1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu có thêm “mối phúc thứ chín” vì thấy Tông đồ Thomas không tin lời kể của các bạn, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Mối phúc này có thể coi như “mối phúc tổng hợp” của tám mối phúc kia. Vì khi đã tin thật lòng thì người ta không ngại gì với tám thứ kia.
Những người chưa có hoặc không có đức tin đích thực thì chẳng thể nào tin nổi, vì những gì Chúa Giêsu cho là Phúc thì toàn là những thứ “không bình thường”, không giống ai, hoàn toàn ngược đời, hết sức kỳ quặc, và chắc hẳn họ sẽ cho là khùng, là điên, là ngu xuẩn, là dại dột,… Chúa Giêsu biết vậy nên Ngài thường có kiểu nói nghe chừng “tưng tửng” thế này:“Ai có tai thì nghe!” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43). Đại Sư Giêsu độc chiêu thật đấy! Ai mà không có tai chứ? Ấy thế mà nào có nghe, cũng như có mắt mà không thấy: “Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13:13; Lc 8:10).
Chúa Giêsu rất giản dị, có kiểu nói ai cũng hiểu, ngay cả người mù chữ cũng hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Ngài còn nói thêm như phần mở rộng: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Thánh Gioan cho biết thị kiến về “một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Các thánh mà chỉ bi nhiêu ư? Không phải vậy. Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người. Vả lại, theo ngôn ngữ Kinh Thánh khải huyền, 144 là con số hoàn hảo, vì 12 x 12 = 144. Họ là ai? Sách Khải Huyền cho biết: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14). Đó chính là các thánh mà Giáo hội Lữ hành chúng ta vẫn mừng kính vào ngày 1 tháng 11 hằng năm.
PHÚC TƯƠNG LAI
Phúc-tương-lai là Phúc mà các linh hồn nơi luyện hình sẽ có lúc được hưởng khi nào “mãn hạn tù giam”. Phúc-tương-lai cũng là Phúc dành cho chúng ta, những người đang trên đường lữ hành, cố gắng chiến đấu ngoan cường để có ngày chiến thắng vẻ vang như các thánh.
Thánh Gioan Tông đồ cho biết một thị kiến khác: “Tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết ĐƯỢC xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người CHỊU xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:12-15). Việt ngữ thật hay khi diễn tả hai cách thụ động: ĐƯỢC dùng cho điều tốt, tích cực; CHỊU (bị) dùng cho điều xấu, tiêu cực.
Các linh hồn nơi luyện hình là những người đã được cấp Visa-Trường-Sinh chính thức, chắc ăn 100%, chỉ còn chờ “chuyến-bay-đại-xá” trực chỉ Thiên Quốc mà thôi. Có một phần an tâm. Chưa an tâm trọn vẹn vì “chưa được diện kiến Tôn Nhan Chúa”, đó là điều ray rứt và khắc khoải nhất của các linh hồn còn phải sống xa cách Thiên Chúa. Khi sinh thời, Thánh Tiến sĩ Giám mục Augustinô đã cảm nghiệm: “Hồn con chỉ được nghỉ ngơi khi nào được an nghỉ trong Chúa”. Và ngài cũng đã nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng!”.
Các linh hồn nơi luyện hình, và tất cả chúng ta, chỉ là những người vô danh tiểu tốt, thiểu năng và bất tài, chẳng làm được việc gì cho ra hồn, thế nên chẳng hề có “tiếng” mà cũng chẳng hề có “miếng”. Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa không xét chi đến “tiếng” hoặc “miếng”, mà chỉ tính công-trạng-âm-thầm: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Và thị kiến của Thánh Gioan Tông đồ cũng minh định: “Một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung Thành và Chân Thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến” (Kh 19:11).
Cứ an tâm và cố gắng sống, đừng lo không ai biết đến mình. Người Việt vẫn thường có cách ví von: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Câu này “thâm” lắm, làm “đau” lắm, nhưng cũng thực tế lắm. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nhắc nhở:“Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Giỏi mà kiêu căng thì có gì giỏi? Giỏi mà phải mất Chúa thì ích chi? Thế thì thà dốt nát mà được Chúa còn hơn! Chức quyền có ích gì nếu không nhằm mục đích yêu thương và phục vụ? Có chức quyền mà không hành động theo Ý Chúa, chỉ theo ý mình, làm vinh danh mình, thì thật là bất hạnh!
Ai cũng phải quyết tâm nên thánh, vì không nên thánh là phụ tình Chúa, là lãng phí Giá Máu Cứu Độ của Đức Kitô. Cứ quẳng gánh lo đi mà vui sống, vô tư thì sẽ thoải mái, và an tâm với điều này: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Được “sống với Đức Kitô” là làm thánh đấy. Đơn giản thôi! Nhưng chắc chắn rằng, dù các thánh, dù các linh hồn nơi luyện ngục, và cả chúng ta, không ai không có “dấu đau khổ” khắc trên trán đâu. Đó là chữ Phúc!
Chữ PHÚC của các Kitô hữu là chữ THẬP (+), tức là Thập Giá (†). Một nhánh thẳng đứng là hướng tới Thiên Chúa, một nhánh ngang là hướng tới tha nhân. Hai hướng đều liên kết bằng chữ YÊU – kính mến và thương mến. Chữ Yêu rất quan trọng, vì đó là một trong ba nhân đức đối thần. Vả lại, nhân đức này thường gọi là Đức Ái, cần cả đời này và đời sau, và còn mãi đời đời. Hai nhân đức đối thần khác (đức tin và đức cậy) chỉ có ở đời này, không còn ở đời sau. Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ nói như Thánh Phaolô: “Mea Gloria est Crux Christi – Vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). 

Đó mới là chữ PHÚC quan trọng nhất!
-------------------------------------
TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment